Người xưa dạy, đừng sống kiểu “Ăn cháo đá bát” là ý gì? Chỉ với 4 từ ngắn gọn, bài học về cách làm người, lòng biết ơn đã được cha ông ta truyền dạy nhiều đời nay. Cùng đi phân tích nội dung, hàm ý, bài học chúng ta được học qua câu thành ngữ này ngay!

Giải thích thành ngữ “Ăn cháo đá bát” nghĩa là gì?
“Ăn cháo đá bát” là bài học ẩn sau lời dạy ngắn gọn của câu thành ngữ trên đây. Để hiểu hết ý mà người xưa đã dạy, chúng ta cần phân tích cách dùng từ “lắt léo” của câu thành ngữ ngắn gọn này.

Hình ảnh ẩn dụ sâu sắc trong “ăn cháo đá bát”
Trong câu, chỉ có bốn từ “Ăn cháo đá bát” mà đã có hình ảnh ẩn dụ cực kỳ độc đáo. “Cháo” là một loại đồ ăn được nấu từ gạo nhưng có độ loãng, mềm hơn rất nhiều so với cơm. Ngày xưa, cháo không chỉ được dùng cho người ốm mà còn là đồ mang đi phân phát cho những người khó khăn. Cháo chính là món ăn vừa để cứu đói, vừa giúp tiết kiệm cho những người khó khăn sống qua ngày dài. “Bát” là đồ dùng để đựng cháo.
Hình ảnh “ăn cháo” rồi “đá bát” ở đây chính là việc nhận được sự giúp đỡ của người cho cháu nhưng sau đó lại “đá” bỏ cái đựng cháo đi. Như vậy, là phủi bỏ hết công lao mà người ta đã giúp mình. Lối nói ẩn dụ này chính là việc nhắc đến hình ảnh những người khó khăn khi nhận được sự giúp đỡ rồi thì quay lại không nhớ đến người giúp đỡ mình.
Hàm ý sâu sắc phê phán sự vô ơn
Với biện pháp tu từ ẩn dụ, câu thành ngữ “Ăn cháo đá bát” là lời chê trách, phê phán sâu sắc về việc sống vô ơn của một bộ phận. Nếu như người xưa dạy “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” thì dường như một số người lại quên mất điều đó, sẵn sàng phủi bỏ công sức và lòng tốt của người khác dành cho mình. Họ sẵn sàng đạp bỏ người đã cho mình “bát cháo” sau khi đã ăn xong. Những người này coi việc người khác giúp đỡ mình là trách nhiệm của họ.
Tại sao sự vô ơn lại đáng bị lên án? Xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng bị cuốn theo dòng xoáy kiếm tiền và phát triển bản thân cho kịp xã hội. Một vài người vì để đạt được mong muốn của bản thân mà sẵn sàng đạp lên người khác để sống. Điều này chính là do sự tham lam, sống không biết ghi nhớ công lao của người khác mà chỉ nghĩ đến mình. Do đó, sự vô ơn của những người này là điều vô cùng xấu hổ và phải lên án.
Bài học rút ra từ thành ngữ “Ăn cháo đá bát”
Từ câu tục ngữ “Ăn cháo đá bát” có rất nhiều bài học được rút ra cho mỗi người:

- Luôn phải sống với lòng biết ơn. Có những người sẵn sàng giúp đỡ người khác mà không cần trả ơn. Nhưng người nhận giúp đỡ thì luôn phải biết ghi nhớ công ơn của người đã dang tay cứu giúp mình khi khó khăn, vất vả. Đó là điều hiển nhiên mà chắc chắn không ai được phép quên. Do đó, sống với lòng biết ơn là điều không thể thiếu trong cuộc sống hiện nay.
- Đừng bao giờ sống vô ơn dù bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhiều người thường đố cho việc “hoàn cảnh” tạo nên con người. Nhưng sự thật là, không có hoàn cảnh nào có thể tạo ra lòng vô ơn nếu như người đó không muốn. Sống biết ghi nhớ việc người khác giúp đỡ mình là điều từ đáy lòng, không cần dạy. Vì thế, sự vô ơn là do bản thân người đó muốn chứ không phải do “hoàn cảnh”.
- Luôn nuôi dưỡng lòng biết ơn với mọi việc. Bất kể là việc to hay việc nhỏ, khi được giúp đỡ hay biết ơn. Nuôi dưỡng lòng biết ơn tạo nên một thế hệ sống tình nghĩa, sẵn sàng giúp người và chắc chắn nhận được sự giúp đỡ từ người khác.
Mỗi bài học đều sẽ giúp con người trở nên tốt đẹp hơn và hướng tới chân – thiện – mĩ. Lòng biết ơn cần được nuôi dưỡng từ nhỏ để có thể ngày càng được nhân rộng và trở nên tốt đẹp hơn.
Liên hệ ca dao tục ngữ đồng nghĩa – trái nghĩa
Cùng với “Ăn cháo đá bát”, kho tàng ca dao tục ngữ nước ta cũng có rất nhiều các câu nói khác để lên tiếng phê phán sự vô ơn, đề cao lòng biết ơn của con người.

Các câu tục ngữ phê phán sự vô ơn:
- Bạc tình bạc nghĩa
- Qua cầu rút ván
- Vắt chanh bỏ vỏ
- Được cá quên nơm
Các câu nói về lòng biết ơn:
- Uống nước nhớ nguồn
- Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
- Một miếng khi đói bằng một gói khi no.
Kết luận
“Ăn cháo đá bát” là lời lên án mạnh mẽ sống vô ơn và nhắc nhở con người về sự biết ơn trong cuộc sống. Câu thành ngữ với hàm ý và bài học sâu sắc luôn được các thế hệ nhắc lại để truyền đạt lời dạy bảo của cha ông. Và trong cuộc sống hiện nay, việc sống biết ơn luôn được ghi nhớ và phát huy nhiều hơn cùng với thế hệ trẻ.