Aitmatov được đánh giá là một cây bút huyền thoại của văn học Nga và Kyrgyzstan, độc giả sẽ bắt gặp chất thơ và chất trữ tình đặc biệt của ông trong các tác phẩm một đời.
Nhà văn không chỉ cống hiến đời mình cho văn chương mà còn ở lĩnh vực ngoại giao, dù ở bất kì vị trí nào ông cũng đều tận tuỵ và cố gắng làm tròn trách nhiệm thật tốt của mình.
Sơ lược về cuộc đời Aitmatov
Tên đầy đủ của tác giả là Chyngyz Torekulovich Aitmatov và sinh năm 1928 tại Kyrgyzstan, trước đây là nước cộng hòa Kirghizia thuộc Liên Xô. Các tác phẩm của Aitmatov được viết bằng hai thứ tiếng là Nga và Kyrgyzstan, chủ đề sáng tác xoay quanh quê hương của ông.
Cha và mẹ ông đều là người Tatar, cha ông là một cán bộ Đảng bị đưa đi cải tạo rồi xử tử năm 1938 và gia đình ông phải mất đến sáu mươi năm mới tìm lại được thi thể. Cha mất, mẹ phải một mình làm lụng vất vả nuôi bốn người con khôn lớn.
Aitmatov học xong lớp tám thì thi vào trường Trung cấp Thú y Dzhambul và tốt nghiệp loại xuất sắc, nhờ đó mà không được tuyển thẳng vào Đại học Nông nghiệp Kirghiz.
Niềm say mê với viết lách của ông bộc lộ trong những năm tháng là sinh viên, ông đã có hai năm theo học Viện Văn Gorki ở Moscow rồi chính thức chuyển sang hoạt động báo chí và văn học.
Khoảng thời gian này, Aitmatov đã xuất bản hai tập truyện ngắn bằng tiếng Nga và tiếng Kirghiz. Những tác phẩm đầu tiên của ông đã chứng tỏ sự trưởng thành về mặt tư tưởng, nghệ thuật và tài năng của chính mình.
Thành công trên con đường sáng tác, Aitmatov trở thành thành viên ban giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Moscow lần thứ hai năm 1961 và lần thứ bảy năm 1971.
Sau hai tập truyện Giamilia và Núi đồi và thảo nguyên, Aitmatov tiếp tục cho ra các tác phẩm mới viết về dân tộc Kirghiz như Cánh đồng mẹ, Vĩnh biệt Gyulsary, Con tàu trắng, Sến đầu mùa và Đoạn đầu dài.
Đã có nhiều sáng tác của ông được chuyển thể thành phim và nổi tiếng nhất trong đó là Người thầy đầu tiên, một tác phẩm điện ảnh lay động lòng trắc ẩn của hàng triệu khán giả trên thế giới.
Các tác phẩm của nhà văn ra mắt đều khẳng định được sức khám phá và sáng tạo của ông, kết hợp giữa tính dân tộc và tính hiện đại, vận dụng những truyền thuyết và huyền thoại dân gian để đưa vào tác phẩm của mình.
Theo số liệu của UNESCO, những cuốn truyện của ông đã được dịch ra hơn một trăm thứ tiếng và luôn được đón nhận nồng nhiệt tại các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, Aitmatov được xem là một biểu tượng văn chương đích thực, hướng người ta đến sự nhân văn và hướng thiện.
Ngoài hoạt động viết văn, ông còn được tín nhiệm cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền ở nhiều nước và tổ chức trên thế giới.
Chất thơ và trữ tình trong văn chương của Aitmatov
Nếu đã có cơ hội đọc các tác phẩm của Aitmatov thì những độc giả sẽ biết được câu chuyện được vẽ bằng một bút đầy chất thơ và trữ tình theo phong cách riêng.
Dù người đọc cầm cuốn sách nói về hoàn cảnh khốn khổ, nghèo đói hay rách nát trên tay nhưng niềm tin vào lương tri và lẽ thiện vẫn luôn cảm nhận được, không khỏi thôi thúc con người bên trong hướng tới điều tốt đẹp.
Người đọc có thể tìm thấy hình bóng đó trong truyện Giamilia, một trong những tác phẩm đầu tiên của nhà văn nói về khát vọng tìm kiếm tự do của con người mà nhân vật chính ở đây là Giamilia.
Giamilia là một người phụ nữ trẻ Krigiz, cô đã mạnh mẽ và dám chống lại những phong tục tập quán cổ hủ, lỗi thời để bước đến tình yêu của cuộc đời mình.
Tuy Aitmatov có tình cảm sâu nặng với văn hoá cổ xưa của dân tộc mình nhưng ông không cổ vũ, ép buộc nhân vật của mình phải đi theo điều lệ đã lỗi thời đó.
Nhà văn tìm cách giải thoát cho nhân vật khỏi những áp bức chiến tranh, xây dựng cho họ sự dũng mãnh để đấu tranh giành lại quyền hạnh phúc và tự do.
Nhân vật tự làm chủ cuộc đời mình, ước muốn đến một hạnh phúc và đứng dậy để giành lấy điều đó, phá tan đi chế độ xã hội cũ nhiều giáo điều và áp đặt.
Đến với tập truyện Núi đồi và thảo nguyên, độc giả lại có những cảm xúc chân thật, giản dị mà toát lên vẻ đẹp lạ lùng.
Người dân nơi đây ai cũng yêu mảnh đất cao nguyên hùng vĩ và thơ mộng, yêu thêm những câu chuyện cảm động và đầy tính nhân văn như Đuysen, Antunai, Ilyax hay Axen.
Aitmatov đã sử dụng ngòi bút của mình để khéo léo kết hợp tình yêu lứa đôi, tình yêu thầy trò và tình yêu đất nước vào trong tập truyện, chất văn của ông đã đi vào những góc khuất sâu nhất của tâm hồn con người.
Tạm thời để lại tình yêu nhân văn trong Núi đồi và thảo nguyên, Aitmatov cho người đọc một cái nhìn khác biệt và trần trụi trong tiểu thuyết Đoạn đầu dài.
Ông đi sâu vào bản chất cái ác đang nhen nhóm huỷ diệt nhân tính con người, họ đang dần suy thoái về nhân phẩm, tự đầu độc bản thân và tàn phá thiên nhiên của đất nước.
Chủ đề sáng tác của Aitmatov rất đa dạng, nguồn cảm hứng sáng tác như tình yêu, con người, thiên nhiên và động vật của quê hương luôn là nguồn tài nguyên quý báu để ông khai thác.
Bởi vậy mà các tác phẩm của nhà văn luôn mang ý nghĩa về triết lý nhân sinh, giá trị nhân đạo sâu sắc mà không làm mất đi tính hiện thực tàn khốc đang diễn ra.
Cách mà tác giả miêu tả hiện thực cũng đầy khéo léo, ông sử dụng tư duy nghệ thuật đặc sắc của mình để tạo ra sức lôi cuốn, hấp dẫn và thôi thúc độc giả đọc.
Thấy rằng, trong mỗi tác phẩm gắn với một cột mốc sự kiện của đất nước thì Aitmatov sẽ có cách thể hiện và biến tấu khác nhau, vừa tạo ra một món ăn tinh thần lành mạnh vừa tôn trọng nguồn cảm hứng sáng tác.
Mang nghệ thuật ngoại giao vào sáng tác
Aitmatov không chỉ được yêu quý trong hoạt động văn chương, thúc đẩy bình đẳng và đấu tranh giành hạnh phúc chính đáng mà còn là một nhà ngoại giao kiệt xuất.
Ông từng giữ nhiều trọng trách từ khi Liên Xô chưa tan rã đến khi nước Cộng hòa Kyrgyzstan được thành lập như Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên xô tại Luxembourg, Đại sứ đặc mệnh toàn toàn quyền Cộng hòa Kyrgyzstan ở Bỉ, Hà Lan, EU và UNESCO.
Với cương vị là một đại sứ, Aitmatov không quên kêu gọi sự đoàn kết cùng phát triển giữa các nền dân tộc cho dù có rào cản về ngôn ngữ và văn hoá.
“Mỗi một nhà văn đều bị định mệnh buộc phải không hoàn thành một việc gì đấy.”
– Aitmatov
Do hoạt động ngoại giao tích cực mà nhiều tác phẩm của ông vẫn còn dang dở, chưa được hoàn thành dù những ý tưởng đó vẫn đang tồn tại rất sống động trong bộ não của ông.
Aitmatov thực hiện được nhiều việc trong nhiệm kỳ Đại sức của mình cũng bởi có lối đi riêng, ông hành xử dựa trên bốn tiêu chí là thẳng thắn, công khai, trung thực và chân thành.
Nhờ những lần giải quyết như vậy, Aitmatov đã thiết lập được rất nhiều mối quan hệ từ người bình thường đến các chính khách hay nhà ngoại giao.
Chất văn di sản dân tộc của Aitmatov có lẽ cũng có sự góp phần của hoạt động ngoại giao, ông hiểu về sức ảnh hướng của tiến trình toàn cầu hoá tới một nền văn hóa và giá trị nghệ thuật từ đó cũng được quyết định.
Năm 2008 là một năm có nhiều sự kiện gắn với Aitmatov, Chính phủ nước Kyrgyzstan đã quyết định chọn năm này là “Năm Aitmatov” và dự định kỷ niệm 80 năm ngày sinh của ông vào tháng 12.
“Đây là một tổn thất không gì bù đắp nổi. Chingiz Aitmatov luôn ngự trị trong ký ức chúng ta như một nhà văn, nhà tư tưởng, nhà trí thức và nhà nhân đạo vĩ đại.”
– Thủ tướng Nga Vladimir Putin
Tiếc thay, các khâu chuẩn bị như thực hiện bộ phim tài liệu về cuộc đời Aitmatov đang diễn ra thì ông đã lâm bệnh và ra đi vào tháng Sáu cùng năm.
Sự ra đi của Aitmatov đã để lại nhiều tiếc nuối cho người dân của hai nước Kyrgyzstan và Nga, một nhà văn và ngoại giao kiệt xuất đã mãi mãi ra đi. Cuối cùng ông cũng được trở về với núi đồi và thảo nguyên, nơi quê hương mà ông thường khắc hoạ.
Loan Phương