Cửu Bả Đao là một tác giả nổi tiếng ở Đài Loan, ông không chỉ dẫn dắt bạn đọc đi qua những thăng trầm của từng nhân vật mà còn mang tới một cảm giác vấn vương sau cùng khi đã gập sách lại.
Trong tiểu thuyết của Cửu Bả Đao, qua ngôn từ nhẹ nhàng cùng cốt truyện hài hước, sâu lắng khiến độc giả có những tưởng tượng đầy màu sắc hay đơn giản chỉ là một giai điệu êm đềm giúp xoa dịu đi những mệt mỏi của cuộc sống.
Vài nét về thời trẻ của Cửu Bả Đao
Cửu Bả Đao trong tiếng Trung có ý nghĩa là Chín con dao, một bút danh của Kha Cảnh Đằng. Ông sinh năm 1978 tại huyện Chương Hóa, Đài Loan và là người con thứ hai trong gia đình có ba anh em.
Có cha mẹ kiếm sống nhờ nghề bán thuốc, song Cửu Bả Đao lại có một niềm đam mê viết lách mãnh liệt và ông đã nhận ra nó trong một lần viết bộ hồ sơ đại học của mình.
Kể từ đó, Cửu Bả Đao bắt đầu lựa chọn tiểu thuyết để bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình. Năm 1999, một vài tác phẩm của ông ra đời và được đăng tải hầu hết lên mạng.
Như nhiều tác giả khác, Cửu Bả Đao gặp nhiều gian nan trên hành trình theo đuổi văn chương, ông liên tục thay đổi thử nhiều thể loại khác nhau như kinh dị, khoa học viễn tưởng và lãng mạn để tự trải nghiệm xem bản thân phù hợp với thể loại nào.
Là một người nổi tiếng, Cửu Bả Đao cũng gặp khá nhiều trục trặc trong cuộc sống. Năm 2012, ông đã phải gửi đơn khiếu nại tập đoàn Apple vì một số ứng dụng trong hệ điều hành iOS đã truy cập phiên bản lậu các tác phẩm của ông.
Ông đã vướng phải khó khăn trong quá trình này vì Apple từ chối gỡ bỏ những ứng dụng này, họ cho rằng nhà xuất bản của Cửu Bả Đao không đủ thẩm quyền để kiện tụng. Ông đã phải trực tiếp khiếu nại trụ sở Apple tại Hồng Kông và cuối cùng mọi chuyện cũng được giải quyết ổn thỏa.
Tháng 10 năm 2012, Cửu Bả Đao vinh dự được trở thành một trong “Mười người trẻ Đài Loan nổi bật nhất” do tổ chức Junior Chamber International Đài Loan bầu chọn.
Hai năm sau, có thông tin cho rằng các quyển sách của Cửu Bả Đao bị chính quyền Bắc Kinh cấm xuất bản vì Cửu Bả Đao đã cạo đầu ủng hộ phong trào biểu tình Chiếm lĩnh Trung Hoàn với Tình yêu và Hoà bình, mở đầu cho những cuộc Biểu tình năm 2014 tại Hồng Kông.
Một số tác phẩm nổi bật của Cửu Bả Đao
Suốt năm năm đầu tiên, Cửu Bả Đao vật lộn với từng con chữ, mỗi ngày ông viết trung bình khoảng năm nghìn từ. Thậm chí còn có thời gian Cửu Bả Đao đều đặn xuất bản một cuốn sách hàng tháng trong vòng mười bốn tháng liền.
Lượng tác phẩm đồ sộ đó khiến danh tiếng của ông nhanh chóng trở nên phổ biến và ngày càng được vang xa ở Đài Loan, Cửu Bả Đao còn tự so sánh bản thân với các tác giả kiếm hiệp có tên tuổi trong giới văn học như Kim Dung, Cổ Long.
Một số tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản thành sách ở Việt Nam có thể kể đến như Cà phê đợi một người, Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi, Mẹ thơm một cái, Thiếu Lâm tự đệ bát đồng nhân.
Khoảng gần mười năm sau khi bắt đầu sự nghiệp, công sức của Cửu Bả Đao dần nhận được hồi đáp, hàng loạt tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim, nhiều bộ phim còn được chính Cửu Bả Đao làm đạo diễn.
Một trong số đó có thể kể đến bộ phim Love được ra đời vào năm 2008 với sự tham gia của các diễn viên Phương Văn Sơn, Chen Yi-xian và Mickey Huang thủ vai.
Hai năm sau, bộ phim Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi chuyển thể từ quyển sách cùng tên nổi đình đám cho tới tận bây giờ được Cửu Bả Đao trực tiếp đạo diễn và giám sát.
Một thời gian ngắn nữa, chuỗi Kẻ sát nhân được Cửu Bả Đao tiếp tục chuyển thể thành bộ phim Âu Dương sát thủ (The Killer Who Never Kills). Ngoài các bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết, ông còn sản xuất phim tài liệu, trinh thám như Kung Fu, Người thuê nhà tầng dưới.
Năm 2014, Cà phê đợi một người của Cửu Bả Đao vừa đang tải đã ngay lập tức trở nên nổi tiếng và được yêu thích, không lâu sau đó tác phẩm này được xuất bản thành sách và chuyển thể thành phim cùng tên.
Qua rất nhiều trở ngại, Cửu Bả Đao đã chứng minh được mình xứng đáng được đứng ở vị trí đứng đầu trong cộng đồng tác giả tiểu thuyết trực tuyến. Cư dân mạng đều gọi ông là “Con dao lớn”, đủ để cho thấy họ ngưỡng mộ người viết này tới nhường nào.
Niềm kiêu hãnh, sự tự tin và cốt truyện mang tính độc đáo cùng những ngôn từ của Cửu Bả Đao đã thu hút được nhiều người hâm mộ tìm đọc.
Đằng sau phong cách nhẹ nhàng, dí dỏm là một sự nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ
Hai tác phẩm ngôn tình gần đây nhất của Cửu Bả Đao được nhiều người biết đến có lẽ là Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi và Cà phê đợi một người.
Cả hai tác phẩm này của ông đều mang một màu sắc đơn giản, bình dị và chầm chậm trôi theo dòng chảy của thời gian, mỗi câu chuyện đều diễn tả trọn vẹn được nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau của những người đang yêu.
Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi, một câu chuyện đã được chuyển thể thành phim mang một ý nghĩa, tuổi trẻ là nốt nhạc trong trẻo nhất trong bản nhạc mang tên “Cuộc đời”.
Những câu truyện nhỏ trong cuốn tiểu thuyết về thanh xuân Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi đều có nét hao hao giống tất cả những kí ức, hoài niệm thuở thiếu thời mà ta từng trải qua.
Điều đặc biệt của tác phẩm này chính là cách tác giả luôn tìm cách viết mọi thứ dưới một ngòi bút hài hước mà tự nhiên, nhiều lúc khiến độc giả phải lặng người suy ngẫm:
“Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào. Dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy lần nữa. Mỗi người đều từng có khoảng thời gian bồng bột đấy, khoảng thời gian mà mọi cậu con trai cùng thích một cô gái trong lớp, đi qua tháng ngày với những trò nghịch ngợm hoang đường không tên. Thế rồi, tuổi thanh xuân lặng lẽ qua đi.”
Thanh xuân chính là người rượt kẻ đuổi nhưng đến khi ngoảnh mặt lại đột nhiên nhận ra chúng ta đã tự buông tay lạc mất nhau tự bao giờ.
Với lối viết nhẹ nhàng và sâu lắng, Cà phê đợi một người đã lặng lẽ đi vào lòng người đọc từ lúc nào không hay. Cả câu chuyện như một thanh âm trong trẻo, không có nhiều cao trào hay tình tiết gay cấn, chỉ nhẹ nhàng như một tách cà phê mà ai cũng cần để nhấm nháp.
Câu chuyện bắt đầu từ quán cà phê có tên “Đợi một người” nằm ở cuối ngõ, đối diện trường đại học và trong quán cà phê ấy mỗi người đều đang đợi một người của cuộc đời mình như là bà chủ, Tư Huỳnh, Trạch Vu hay A Thác.
Hẳn sẽ có nhiều người ngỡ ngàng, làm thế nào để Cửu Bả Đao có thể viết liền mạch mười bốn tác phẩm trong suốt mười bốn tháng liên tiếp?
Trong cuốn Mẹ, thơm một cái, tác phẩm cuối trong chuỗi sách này của ông đã viết:
“Năm 2004, mẹ của Cửu Bả Đao mắc bệnh ung thư máu, chi phí điều trị cực kì tốn kém. Cửu Bả Đao thỏa thuận với nhà xuất bản: “Bắt đầu từ bây giờ, tôi viết xong cuốn nào sẽ xuất bản luôn trong tháng tiếp theo, sau đó chuyển ngay cho tôi tờ ngân phiếu có thể hoán đổi thành tiền mặt trong ngày”. Từ đó, anh vừa đồng hành chăm sóc mẹ, vừa viết 5000 – 8000 chữ mỗi ngày, cho ra 14 cuốn sách sau 14 tháng. Cuốn thứ 14 chính là “Mẹ, thơm một cái”.
Như vậy, trong suốt sự nghiệp viết của mình, Cửu Bả Đao luôn sáng tác với một tình yêu thương vô bờ bến với cả người thân và con chữ của chính ông. Ông viết trong niềm mênh mang trìu mến với cuộc đời nhưng cũng chất chồng bao áp lực, áp lực của doanh số, với mong mỏi kiếm tiền để chữa bệnh cho mẹ.
“Tính cách của tôi luôn có khía cạnh rất lãng mạn, câu trả lời rất rõ ràng. Tôi sẽ viết điên cuồng, với sức mạnh gõ nát bàn phím, trong năm năm hoàn thành ước mơ mà một người phải “năm mươi năm mới hoàn thành được.”
Một trong những điều góp phần tạo nên một Cửu Bả Đao với sức viết đáng kinh ngạc như hiện tại cũng đã được tiết lộ trong cuốn sách.
Ba anh em ông ngay từ nhỏ mỗi lần luyện viết văn đều phải đưa bài cho cha sửa một cách nghiêm khắc, sau đó mẹ của Cửu Bả Đao lại gửi cả ba đi học thêm lớp viết lách ở tòa nhật báo. Như vậy, việc viết lách đối với ông mà nói, ngoài năng khiếu và sự đam mê, ông đã được đào luyện thói quen viết từ rất nhỏ.
Đọc các tác phẩm của Cửu Bả Đao, ta có thể cảm nhận được văn phong mộc mạc, êm đềm của tác giả nhưng ngoài những nét nhẹ nhàng ấy, khiếu hài hước của ông khiến người khác phải kinh ngạc. Điều đó đã giúp ông rất nhiều trong việc sáng tạo các tác phẩm kinh điển của mình.
Trong một vài chi tiết của Mẹ, thơm một cái bạn sẽ gặp một Cửu Bả Đao có phần ngông cuồng và dí dỏm không tưởng. Đó cũng chính là tính cách của ông, luôn hài hước và nhạy cảm và cũng nhờ óc tưởng tượng vô lượng ấy mà ông trở thành một chiến binh bất khuất trước mọi khó khăn.
“Những giấc mơ nếu nói ra sẽ bị chê cười thì mới có giá trị theo đuổi, dẫu có ngã xuống, tư thế cũng rất can trường”.
Có thể nói Cửu Bả Đao không chỉ là một tác giả viết tiểu thuyết nổi tiếng, ông còn là một tấm gương tiêu biểu cho một thế hệ dám đương đầu với khó khăn, bền bỉ tới cùng để theo đuổi ước mơ.
Thùy Lam
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất