Đến với cuốn tự truyện Tôi cần một cái khuôn khác của Lê Bùi Thảo Nguyên, độc giả sẽ được mở ra một góc nhìn khác về nghề y đến từ người trong cuộc và càng có thể khẳng định rằng, bệnh viện chắc chắn không phải là nơi dành cho những kẻ yếu vía.
Xã hội từ trước đến nay luôn mặc định rằng nghề y là một nghề cao quý và đầy ý nghĩa tuy nhiên để được khoác lên mình chiếc áo trắng ấy, người bác sĩ phải trải qua một quá trình rèn luyện vô cùng khắc nghiệt và hơn hết là sở hữu cho mình một tinh thần thép.
Những câu chuyện đằng sau chiếc áo blouse trắng
Tác giả Lê Bùi Thảo Nguyên đã đưa người đọc theo chân mình từ khi còn là một sinh viên thực tập đến lúc trở thành bác sĩ chính thức của bệnh viện với vai trò là một kỹ thuật viên gây mê.
Những điều bí ẩn đằng sau cánh cửa phòng bệnh đã được cô hé lộ bằng một giọng văn nhẹ nhàng nhưng cũng đầy trần trụi, lằn ranh giữa sinh và tử có lẽ chưa bao giờ mong manh đến thế.
Trở thành một bác sĩ gây mê, chinh chiến từ phòng cấp cứu, phòng sinh, phòng phẫu thuật đến khoa chấn thương chỉnh hình, Tôi cần một cái khuôn khác đã lột tả chân thực được những góc khuất và khó khăn của nghề luôn được xem là cao quý này.
Để được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng đó, chị và những người bác sĩ nói chung không những phải trải qua những năm tháng dùi mài kinh sử trên giảng đường mà còn phải tôi luyện cho mình một tinh thần thép để có thể ngày ngày đối mặt với sự sống và cái chết.
Nhưng không chỉ có thế, chị còn phải nghe những tiếng van nài khẩn thiết của gia đình bệnh nhân, tiếng khóc đến xé lòng của những người đang nằm trên giường bệnh.
Những thanh âm đó luôn văng vẳng và ám ảnh trong tâm trí người bác sĩ trẻ và nó thậm chí còn xuất hiện trong những cơn mơ hằng đêm của chị, điều duy nhất mà tác giả khao khát là có được một giấc ngủ an lành mà thôi.
Còn gì đau lòng hơn khi ta đã cố gắng hết sức mình mà còn phải nghe thấy tiếng kêu tít tít của máy theo dõi hay là việc nhìn thấy một sinh mệnh đang kết thúc mà bản thân lại lực bất tòng tâm?
“Khi người nhà vây quanh, nắm tay bóp chân, động viên người bệnh, tôi đã hy vọng phép màu sẽ xảy ra, những nhịp tim đều đặn lại xuất hiện trên màn hình và ngón tay trỏ bất chợt nhấc lên. Nhưng, cuộc đời không phải một tập phim truyền hình, nó tàn nhẫn hơn rất nhiều lần!”
Những khó khăn của nghề y đã dần được hiển lộ qua ngòi bút tự nhiên, súc tích của Thảo Nguyên. Chị cùng những người bác sĩ khác phải chịu áp lực từ phía bệnh nhân, áp lực từ việc hoàn thành trách nhiệm và hơn hết là áp lực từ chính bản thân mình.
Y sĩ vốn đã là một nghề khó, nắm trong tay mình sinh mệnh của hàng ngàn bệnh nhân lại áp lực hơn hàng vạn lần bởi chỉ một sai sót rất nhỏ thôi cũng có thể tước đi một mạng người.
Không chỉ có thế, nhiều lúc chị còn phải gánh chịu áp lực từ chính những người đồng nghiệp của mình và những điều đó lại khiến chị cảm thấy bức bối và ngột ngạt hơn bao giờ hết.
Làm việc tại một trong những bệnh viện lớn nhất của thành phố nhưng có lẽ chị chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình, chưa một đêm nào chị được ngủ ngon giấc.
Ở bệnh viện, ai cũng phải chuẩn bị cho mình một cái đầu lạnh để không bị cảm xúc chi phối, đứng trước người ra đi cũng phải học cách quên đi thật nhanh để quay trở về với công việc thường nhật. Sự mủi lòng, thương xót hay đau buồn cũng đành phải giấu nhẹm vào trong.
Tôi cần một cái khuôn khác là sự đan xen giữa hai cá tính trong cùng một bản thể
Thế nhưng xuyên suốt Tôi cần một cái khuôn khác là sự đan xen giữa hai cá tính trong cùng một bản thể. Một bên là cô bác sĩ hiền lành ít nói, một bên là một Lê Bùi Thảo Nguyên gan dạ, liều lĩnh, kiên cường xách ba lô đi du lịch vòng quanh Việt Nam.
Mạch truyện có sự giao hoà giữa không khí u ám, đáng sợ ở bệnh viện và những chuyến du lịch từ Bắc chí Nam của một cô gái cùng chiếc xe máy con con và chiếc ba lô nặng đến vài chục kí.
Lê Bùi Thảo Nguyên đã đưa người đọc đến những vùng biên viễn nơi cực Bắc Tổ quốc, được thưởng thức khám phá những cung đèo thách thức lòng can đảm của người cầm lái.
Thông qua những trang sách của Tôi cần một cái khuôn khác, thiên nhiên ở mảnh đất chữ S này đã hiện lên một cách hùng vĩ, chị đi tường tận những ngõ ngách của từng bản làng, trải nghiệm và khám phá cuộc sống của những người dân bản địa.
Chị cũng từng ở chung nhà với những kẻ lạ mặt, từng lạc đường trên những con đường núi hiểm trở, đó chắc chắn là những trải nghiệm đáng nhớ mà suốt đời này chị chẳng thể nào quên.
Mỗi chuyến đi xa của chị đều mang một sắc thái khác nhau, gặp những con người khác nhau và ẩn chứa những câu chuyện khác nhau, nhưng chúng đều đã nói lên con người thật của chị, một người mạnh mẽ, dạn dày và muốn bứt phá ra khỏi cái khuôn khổ cố hữu của mình.
Đối với những ai theo chủ nghĩa xê dịch, muốn đi đây đi đó khám phá những cung đường đèo của Tổ quốc thì chắc chắn cuốn sách Tôi cần một cái khuôn khác sẽ không làm bạn thất vọng.
Sau hơn một năm làm việc tại bệnh viện, cố cầm cự ở một nơi không thuộc về mình, Lê Bùi Thảo Nguyên đã mạnh dạn xin nghỉ việc là lựa chọn cho mình một con đường khác.
Chị tuy có kiến thức chuyên môn nhưng ở trong môi trường đó, chị cảm thấy lạc lõng, tách biệt, không tìm được tiếng nói chung với đồng nghiệp, và hơn hết là những âm thanh ở đó đã ám ảnh chị vào từng giấc mộng.
“Nghề của tôi là ngăn chặn những cơn đau và thức canh cho người khác ngủ, nhưng chính bản thân tôi lại thao thức hằng đêm.”
Dù đã dành ra một thời gian dài để theo đuổi ngành y, chị cũng đã quyết tâm từ bỏ nó để đi tìm một nơi khác thuộc về mình.
Lê Bùi Thảo Nguyên thật sự là một cô gái quá đỗi kiên cường khi dám cởi bỏ cái khuôn khổ quá chật hẹp của mình để đi tìm một cái khuôn khác vừa vặn hơn, thích hợp hơn. Khuôn mới có thể méo mó nhưng chắc hẳn sẽ dễ thở hơn cái ban đầu.
Bác sĩ gây mê năm nào đã phá bỏ cái vòng kiềm toả để có thể bay đến những chân trời mới, cùng chiếc xe máy con con của mình khám phá những ngóc ngách nơi vùng địa đầu Tổ quốc.
“Cái khuôn mọi người đặt ra cho tôi, xem ra ngày càng không vừa vặn nữa. Có lẽ, tôi cần một cái khuôn khác, méo mó cũng được, miễn là được chế tác cho riêng mình.”
Phải thật sự dũng khí mới có can đảm từ bỏ một công việc cao quý như bác sĩ để bôn ba khắp đất nước như vậy, phải thật sự gai góc mới có thể một mình cầm tay lái trải nghiệm những cung đường hiểm hóc đến thế.
Lê Bùi Thảo Nguyên dường như đã cho ta thấy hai cá tính trái ngược trong một bản thể, hai tính cách khác nhau đang tồn tại trong cùng một con người. Nhưng chính sự đối lập đó lại làm cho chị thêm đặc biệt hơn, như mang đến một cá tính mới lạ khiến người đọc phải lưu tâm.
Tôi cần một cái khuôn khác và hành trình đi kiếm tìm bản thể
Chị đã thành công trong việc gửi gắm xúc cảm của mình qua những câu chữ, đem đến cho người đọc một góc nhìn sâu hơn, khác hơn về cuộc sống của những vị y bác sĩ ngày đêm thầm lặng cứu người.
“Cuốn sách khiến ta lắng lòng nhìn lại những con người trong chiếc áo blouse trắng với ánh mắt đầy cảm thông và biết ơn thay vì giận dữ với họ.” – Phương Thu Thủy
Bằng giọng văn nhẹ nhàng, súc tích nhưng vẫn đong đầy tình cảm, Tôi cần một cái khuôn khác là một cuốn sách dành riêng cho những bạn trẻ đang trên con đường đi tìm bản thể, đi tìm đam mê cho chính mình.
Nó cũng dành cho những ai đang có nguyện vọng muốn trở thành những con người khoác áo blouse trắng có thể có một cái nhìn khách quan hơn về ngành nghề cao quý và ý nghĩa này.
Bạn có đủ can đảm hay không, có đủ lí trí hay không, có đủ khả năng để chịu đựng được những áp lực và gánh nặng hay không. Một khi trả lời được những câu hỏi đó, tự khắc bạn sẽ tìm ra đáp án cho riêng mình.
Dù đề tài của cuốn sách không quá mới mẻ nhưng góc nhìn của người trong cuộc đã đem đến cho nó một làn sinh khí mới, độc đáo hơn, khác biệt hơn so với những cuốn cùng đề tài khác.
Hãy lựa chọn Tôi cần một cái khuôn khác để tự mình trải nghiệm cuộc sống của một y bác sĩ và hơn thế nữa là để được tận hưởng những phong cảnh kì vĩ của mảnh đất hình chữ S này bạn nhé.
Khánh Nguyên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất