Lối sống tối giản của người Nhật là cuốn sách nổi tiếng của một biên tập viên Nhật Bản, anh Sasaki Fumio với chủ đề giảm thiểu đồ đạc trong nhà và để tâm nhiều hơn tới hạnh phúc, nó đã trở thành một biểu tượng về lối sống và là cuốn sách bán chạy nhất Nhật Bản năm 2017.
Từ cổ chí kim, con người thường có xu hướng tích trữ nhiều đồ đạc để phục vụ cho nhu cầu của bản thân và gia đình. Tuy nhiên, Lối sống tối giản của người Nhật lại nói lên một cách sống hoàn toàn đối lập và sự khác biệt đó có khả năng thay đổi tư duy, cuộc đời của hàng triệu người.
Tiêu đề gốc ở Nhật dịch sát nghĩa là Chúng ta không cần đồ đạc nữa, ý nghĩa này được tối giản thêm một chút khi được dịch qua tiếng Anh là Goodbye, things và khi lên kệ tại Việt Nam, cái tên Lối sống tối giản của người Nhật đã gây nhiều tranh cãi vì khá xa so với nghĩa gốc.
Dù vậy, phần lớn độc giả vẫn ủng hộ tựa đề bao quát được nội dung và làm nổi bật yếu tố “của người Nhật” này, cuốn sách vừa thu hút cộng đồng yêu thích văn hóa xứ sở mặt trời mọc vừa gây tò mò về nghệ thuật bài trí tối giản, vốn còn mới lạ ở thời điểm đó.
Sasaki Fumio và hành trình theo đuổi chủ nghĩa tối giản
Sasaki Fumio sinh năm 1979 tại tỉnh Kagawa, Nhật Bản và là biên tập viên của một công ty xuất bản. Trong bài phỏng vấn của mình với tờ The Guardian, anh đã tự giới thiệu về bản thân như sau:
“Tôi là người đàn ông 35 tuổi, độc thân, chưa từng kết hôn bao giờ. Tôi mới chuyển đến sống ở Fudomae, một khu vực nằm ở phía bên kia của Tokyo. Giá thuê nhà ở khu vực này rẻ hơn nhiều nhưng vừa chuyển nhà xong nên ngân sách của tôi cũng vô cùng hạn hẹp.
Một vài người có thể nhìn tôi như một kẻ thất bại: một người không giàu có lại cô đơn.
Nếu là tôi trước đây thì tôi sẽ rất xấu hổ và không bao giờ dám công nhận điều đó bởi vì khi ấy trong tôi lúc nào cũng có một niềm tự tôn vô nghĩa về bản thân. Tuy nhiên thật lòng mà nói, giờ đây tôi không còn quan tâm đến chuyện đó nữa và lí do rất đơn giản, là vì tôi thực sự hạnh phúc với chính mình và nguyên nhân là vì tôi đã bỏ đi hầu hết những tài sản về mặt vật chất của mình”.
Trước đây, cây bút Lối sống tối giản của người Nhật không phải người theo chủ nghĩa tối giản. Ông mua rất nhiều đồ đạc nhưng không hề dùng tới, cũng như nhiều người xung quanh, Sasaki tin rằng những vật dụng ngoài thân đó sẽ tăng giá trị của bản thân và khiến cuộc sống của ông hạnh phúc hơn.
Thế nhưng, dù có sắm nhiều đồ đến đâu thì Sasaki vẫn không cảm thấy hài lòng mà trái lại, anh thường xuyên so sánh bản thân với người khác và cảm thấy bế tắc khi ngày qua ngày vẫn loay hoay trong đống vật dụng hiện đại mà không biết mình thật sự cần gì.
Một ngày ở tuổi ba mươi, anh nhận ra tâm lý của bản thân đang bị chính đồ đạc của mình đè nặng như thể vừa trải qua một trận động đất, đó cũng là một trong những lí do khiến Sasaki quyết tâm vứt bỏ mọi thứ trong căn hộ của mình ngoài những vật dụng thực sự quan trọng.
Một phần nữa là vì ở xứ Phù Tang, địa chấn có thể xảy ra bất cứ lúc nào và tác giả thực sự không muốn có tai nạn nào diễn ra. Anh cứ thế thay đổi cuộc sống của bản thân và trở thành người theo chủ nghĩa tối giản.
Nhận thức được ý nghĩa của bước ngoặt này trong cuộc đời, Sasaki đã chia sẻ với mọi người cách anh thay đổi và cách mà sự thay đổi đó khiến anh tìm thấy hạnh phúc, Lối sống tối giản của người Nhật từ đó ra đời.
Lối sống tối giản của người Nhật là cuốn cẩm nang hữu dụng cho đời thực
Cuốn sách này đề cập khá nhiều về những lợi ích mà lối sống tối giản mang lại, kèm theo đó là những cách thức mà tác giả cho là hiệu quả nhất trong việc cắt giảm đồ đạc mà không phải cảm thấy tiếc nuối.
Khi vừa ra mắt, Lối sống tối giản của người Nhật đã bán được hơn mười lăm nghìn bản ở quốc gia sở tại và khi về Việt Nam thì nó cũng tạo nên một cơn sốt trên toàn quốc.
Chưa kể đến nội dung, Lối sống tối giản của người Nhật gây ấn tượng ngay từ trang bìa khi làm nổi bật phong cách tối giản đang được nhắc tới.
Một góc phòng được bài trí đơn giản với tông màu nhẹ nhàng lại có sức thu hút người đọc mạnh mẽ, đặc biệt là khi cầm cuốn sách trên tay sau một ngày mệt nhoài vì công việc.
Ngay sau bìa sách là phần mục lục, đây cũng là điểm gây chú ý cho độc giả với sự xuất hiện của đề mục Cấu trúc cuốn sách. Tác giả Sasaki Fumio đã dành riêng một phần gồm ba trang nói về bố cục của sách, sự sắp xếp các chương và thậm chí là “cách đọc” chúng.
Có lẽ dụng ý của tác giả là muốn giúp người đọc tiếp cận với cuốn sách một cách hiệu quả nhất và bên cạnh đó, bố cục là yếu tố rất quan trọng đối với người tối giản.
Bởi tuy họ có rất ít đồ đạc để sắp xếp nhưng mỗi vật dụng đều có một vị trí riêng, một vai trò quan trọng trong sơ đồ chung của căn nhà.
Mỗi phần trong Lối sống tối giản của người Nhật cũng vậy, chúng không trùng lặp với nhau mà tiếp nối từng phần một, từ những việc đơn giản đến quan trọng.
Lối sống tối giản của người Nhật được chia thành năm chương chính, bốn mục phụ và được sắp xếp khéo léo, từng bước xây dựng tâm lý muốn tinh gọn trong người đọc và củng cố vững chắc tâm lí ấy.
Theo đó, chương một được tác giả trước tiên giải thích về lối sống tối giản và lí do vì sao mình lại theo lối sống này sau nhiều năm sống trong căn phòng của bản thân.
Theo anh, cách bài trí tối giản này được xuất phát từ người Nhật và ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Phong cách này dễ dàng bắt gặp trong hầu hết các ngôi nhà ở xứ Phù Tang và đặc biệt phù hợp với văn hóa thích thưởng trà và tĩnh tâm.
Lối sống này nói một cách dễ hiểu chính là cắt giảm vật dụng xuống mức tối thiểu, điển hình là trong phòng ngủ của người Nhật thường chỉ có một chiếc giường và chiếc bàn nhỏ để kê đèn ngủ.
Thậm chí, họ chỉ trải một tấm nệm trên sàn và không hề có sự hiện diện của bất cứ một đồ dùng nào khác, căn phòng từ đó cũng trở nên thoáng đãng và rất gọn gàng, tạo cảm giác thoải mái và tĩnh tâm để đi vào giấc ngủ.
Theo lời của tác giả thì khi đồ đạc trong nhà ít đi, chúng sẽ không khiến ta bận tâm quá nhiều và từ đó có thêm thời gian, thêm khoảng không để chăm lo cho hạnh phúc thật sự, thứ hạnh phúc đến từ thâm tâm chứ không phải giá trị vật chất.
Ở chương hai và chương ba của quyển Lối sống tối giản của người Nhật, Sasaki Fumio lại đề cập đến lí do vì sao đồ đạc trong nhà lại chất nhiều đến thế và bí quyết để cắt giảm chúng.
“Thực ra, trong xã hội này, đảng cầm quyền lâu nhất không phải là Đảng dân chủ tự do, mà là khối liên minh cầm quyền của ba đảng phái phía sau nó: “tiền bạc – vật chất – kinh tế.””
Trên thực tế, mỗi người đều có những lí do khác nhau để mua về và giữ lại đồ đạc không dùng tới trong căn nhà của mình.
Một vài người cho rằng khối lượng tài sản là thước đo trình độ phát triển kinh tế của gia đình nên sắm càng nhiều thì càng tốt, vài người khác lại nuôi suy nghĩ một lúc nào đó chúng sẽ trở nên hữu dụng để rồi lại xếp vào một góc.
Cứ thế, đồ đạc sẽ dần tăng lên và lúc bấy giờ, việc xử lí chúng cũng trở nên khó khăn và nhiệm vụ của cuốn sách là giúp bạn gỡ rối những băn khoăn đó.
Chương ba được xem là phần quan trọng nhất trong toàn bộ nội dung cuốn Lối sống tối giản của người Nhật. Tác giả thậm chí còn thừa nhận, người đọc không cần đọc hết quyển sách mà chỉ cần tìm hiểu thật kĩ chương này là bạn đã có thể tự cắt bớt đồ đạc trong nhà.
Chương này bao gồm những quy tắc cụ thể, những phương pháp để độc giả có thể giảm bớt đồ đạc trong nhà. Ngoài ra, Sasaki cũng mang đến một danh sách bổ sung cho những người muốn tối giản nhiều hơn cùng với toa thuốc cho “căn bệnh muốn vứt bỏ”, cả hai đều rất thú vị và thiết thực.
Lối sống tối giản nghe rất tuyệt vời nhưng để thực hiện thì không hề đơn giản vì đa số chúng ta có xu hướng giữ lại đồ đạc không cần thiết trong nhà, để đến lúc muốn thay đổi thì tâm lí là trở ngại lớn nhất.
Tuy nhiên nếu bạn đủ quyết tâm thì mọi việc đều có cách giải quyết, Lối sống tối giản của người Nhật sẽ là vị quân sư tuyệt vời để đi cùng bạn trên hành trình này.
Lối sống tối giản của người Nhật là những thay đổi kì diệu có thật
Chia sẻ về những gì lối sống này đem tới cho cuộc đời mình, tác giả đã liệt kê mười hai điều thay đổi trong bản thân anh ở chương thứ tư đồng thời lồng ghép nhiều câu danh ngôn của những nhân vật nổi tiếng, những câu chuyện có thật đầy thú vị.
Đối với Sasaki Fumio, việc cắt giảm đồ đạc trong nhà đến mức tối thiểu đem lại cho anh thêm thời gian, sự thảnh thơi, cảm giác tự do và sự thay đổi trong mối quan hệ với mọi người.
Trong Lối sống tối giản của người Nhật, những thay đổi được nhắc đến đều mang tính chủ quan của tác giả nhưng lại hoàn toàn có sức thuyết phục, đơn giản vì những hoàn cảnh và trường hợp này quá đa dạng và ai cũng có thể bắt gặp chính bản thân mình ở đó.
Những điều kì diệu mà lối sống tối giản mang lại cho nhà văn hoàn toàn có thể xảy ra với cuộc đời của từng độc giả, chỉ cần họ cảm thấy thu hút với lối sống này và quyết tâm theo đuổi nó.
“Không phải trở nên hạnh phúc mà là cảm nhận hạnh phúc” là tiêu đề của chương cuối cùng, trước khi bước đến lời kết và cũng chính là lời cảm ơn từ tác giả.
Nghe có vẻ “ngược đời” khi mà chúng ta bỏ bớt đi thay vì mua sắm nhiều hơn, thâm tâm lại thấy đầy đủ hơn. Đấy là bởi vì sau giai đoạn loại bỏ, chúng ta mới hiểu rõ cái gì thực sự cần thiết và nhận ra bản thân từ lâu đã có tất cả những điều mình tìm kiếm.
Cũng chính vì bản thân đã cảm nhận được sự đủ đầy và trọn vẹn nên thật vô nghĩa khi chúng ta cứ so sánh mình với người khác, cứ mãi quan tâm đến thái độ của họ.
Sasaki Fumio cho rằng, giá trị thực sự của đồ đạc là phục vụ cho nhu cầu và hạnh phúc của con người, vì vậy nếu có quá nhiều đồ đạc nhưng không cảm nhận được hạnh phúc thì đã đến lúc bạn cần thay mới chính mình, thay đổi suy nghĩ rằng hạnh phúc là sở hữu và sở hữu thật nhiều.
Vẫn là văn phong nhẹ nhàng xen lẫn hài hước đặc trưng của tác giả xứ anh đào, Lối sống tối giản của người Nhật khiến ta không nghĩ đây là một cuốn sách hướng dẫn lối sống.
Những trang viết là sự chia sẻ chân thành của một người đã dám thử, dám thay đổi và món quà tốt lành mà anh ta đã nhận được.
Mỗi người đều có quyền chọn cho mình một cách sống riêng và Lối sống tối giản của người Nhật chỉ là một gợi ý cho cuộc sống của mỗi người, một gợi ý hoàn hảo cho những người muốn một lần thoát khỏi sức nặng của vật chất mà tận hưởng một hạnh phúc trọn vẹn trong tâm hồn.
Đinh Ngọc
Đinh Ngọc
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất