Nguyễn Trung Thành là một trong những nhà văn trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông có một thời gian dài công tác và chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, nơi để lại trong lòng tác giả những kỷ niệm sâu sắc.
Sau này những kiến thức về mảnh đất đó đã trở thành tư liệu quý báu, đi vào từng trang văn của Nguyễn Trung Thành khi ông viết các tác phẩm về đề tài kháng chiến.
Một trong những sáng tác nổi bật của tác giả có thể kể đến là Rừng xà nu, tác phẩm xoay quanh cuộc đời cách mạng của Tnú và những người dân làng Xô man. Nếu như Tnú chính là người dân tộc anh hùng trong chiến tranh thì dân làng Xô man đại diện cho một cộng động dân tộc đoàn kết, hết lòng trung thành với tổ quốc.
Đôi nét về nhà văn Nguyễn Trung Thành và tác phẩm Rừng xà nu
Nhà văn Nguyễn Trung Thành tên thật là Nguyễn Văn Báu, ông sinh ngày mùng năm tháng chín năm 1932. Nhà văn quê ở xã Bình Triều, huyện Thăng Bình thuộc tỉnh Quảng Nam.
Năm mười tám tuổi sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông gia nhập quân đội nhân dân Việt Nam và hoạt động ở chiến trường liên khu V, Tây Nguyên. Sau một thời gian tham gia chiến đấu, ông trở thành phóng viên cho báo Quân đội nhân dân, lấy bút danh là Nguyên Ngọc.
Tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Nguyên Ngọc là Đất nước đứng lên, được viết trong thời gian ông tập kết ra bắc.
Tác phẩm kể về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của người dân tộc Bana dựa trên truyền thuyết về người anh hùng Núp. Sau này cuốn tiểu thuyết được dựng thành phim và kịch, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người xem.
Năm 1962, Nguyên Ngọc trở lại chiến khu miền Nam hoạt động chiến đấu cùng quân và dân liên khu V. Thời điểm này ông phụ trách Tạp chí văn nghệ quân giải phóng của quân khu V, đồng thời là Chủ tịch Hội văn nghệ giải phóng miền Trung Trung Bộ.
Sau khi đất nước thống nhất, Nguyên Ngọc từng có thời gian làm Phó thư ký Hội nhà văn Việt Nam, tổng biên tập báo Văn nghệ và giữ nhiều chức vụ quan trọng khác.
Không chỉ viết văn và làm báo, ông còn có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và chấn hưng giáo dục Việt Nam.
Một số tác phẩm lý luận văn học nổi tiếng đã được Nguyên Ngọc dịch sang tiếng Việt như Độ không của lối viết (Rolland Barthes), Nghệ thuật tiểu thuyết (Milan Kundera), tác phẩm của Jean-Paul Sartre, Jacques Dournes.
Là một nhà cách mạng gắn bó với Tây Nguyên nhiều năm, Nguyên Ngọc hiểu mảnh đất này hơn ai hết.
Tình cảm yêu mến, kính trọng của ông dành cho mảnh đất và con người nơi đây được Nguyên Ngọc thể hiện qua nhiều tác phẩm, điển hình có thể kể đến như truyện ngắn Rừng xà nu hay bút kí Tôi và bạn tôi trên ấy.
Cả hai sáng tác kể trên của Nguyên Ngọc đều nhận được những giải thưởng lớn, trong đó Rừng xà nu nhận được giải thưởng văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu.
Được sáng tác năm 1965 trong thời kì tác giả đang công tác tại vùng chiến trường Tây Nguyên, tác phẩm kể về một ngôi làng nằm giữa những cánh rừng xà nu bạt ngàn, đây là cái nôi sinh ra những người anh hùng dân tộc bất khuất.
Làng Xô man trong truyện được tác giả Nguyễn Trung thành lấy nguyên mẫu từ làng Xốp Nghét thuộc huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, còn cây xà nu là cây thông ba lá được người vùng này gọi là loong rúh.
Với khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, Rừng xà nu đã đem đến cho người đọc rất nhiều những cung bậc cảm xúc.
Đó là niềm tự hào về những người con của vùng núi rừng, là sự thích thú với tuổi thơ của Tnú và Mai, là sự căm phẫn với lũ giặc Mỹ và những tên Việt gian, đặc biệt đó là cảm xúc yêu nước nồng nàn của người dân làng Xô man.
Những người anh hùng trên mảnh đất Tây Nguyên
Trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, người đọc bắt gặp hình ảnh tập thể làng Xô man trong kháng chiến một lòng hướng tới Cách mạng, phục vụ chiến sĩ.
Từ ngày Mỹ Diệm đến làng, chúng thẳng tay bắt giết những người bị nghi là đi nuôi và gác cho cán bộ, ban đầu là thanh niên, rồi đến người già và sau đó là lũ trẻ. Bất chấp sự uy hiếp tàn bạo của chúng, dân làng Xô Man vẫn tự hào trong vòng năm năm, chưa có cán bộ nào bị giặc giết hay bị bắt trong rừng làng.
Niềm tự hào đó thể hiện rõ phẩm chất dũng cảm của dân làng. Có thể nói, mỗi người dân nơi đây đều là một chiến sĩ và ai cũng có trong tay một thứ vũ khí cho riêng mình.
“Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây vụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông!”
– Rừng xà nu
Tiêu biểu cho tập thể anh hùng ấy là hình ảnh đại diện của từng thế hệ. Đầu tiên là cụ Mết, ông cụ được miêu tả với vẻ bề ngoài khỏe khoắn, oai phong cùng giọng nói ồ ồ vang dội.
Ông cụ vẫn quắc thước như xưa, râu bây giờ đã dài tới ngực và vẫn đen bóng, mắt vẫn sáng và xếch ngược, vết sẹo ở má bên phải vẫn láng bóng. Ông ở trần, ngực căng như một cây xà nu lớn.
– Rừng xà nu
Cụ Mết là già làng và cũng chính là biểu tượng cho sức mạnh tinh thần của người dân nơi đây. Ông cụ cũng là gạch nối giữa Đảng và đồng bào dân tộc, giữa quá khứ và hiện tại của các thế hệ người dân Tây Nguyên.
Trong những giờ phút trọng đại, ranh giới giữa sư sống và cái chết trở nên mong manh hơn bao giờ hết, cụ đã thay mặt Tnú lãnh đạo buôn làng nổi dậy, đánh lại bọn Mỹ Diệm. Nguyễn Trung Thành đã có lần nhắc về nhân vật cụ Mết như sau:
Và ông cụ Mết của tôi cũng tất yếu phải đến. Ông là cội nguồn. Là Tây Nguyên của thời Đất nước đứng lên trường tồn đến hôm nay. Ông như lịch sử bao trùm, nhưng không che lấp sự đi tới nối tiếp và mãnh liệt, ngày càng mãnh liệt hơn, sành sỏi và tự giác hơn của các thế hệ sau.
Thế hệ tiếp theo là Tnú, anh không chỉ là một chàng trai dũng cảm mà còn là niềm tự hào của buôn làng Xô man. Tnú được nhà văn khắc họa bằng nhiều hình ảnh độc đáo đậm chất sử thi từ xuất thân cho đến con đường dẫn anh đến với Cách mạng và quá trình hoạt động, chiến đấu.
“Cha mẹ nó chết sớm, làng Xô Man này nuôi nó. Đời nó khổ nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta.”
– Rừng xà nu
Anh cùng Mai tham gia nuôi bộ đội từ nhỏ, làm liên lạc trong rừng và được anh Quyết là cán bộ đóng quân tại đây dạy cho học chữ. Tnú học chậm hơn cô lại hay nóng giận, có lúc thua anh đập bể cả bảng nứa, bỏ ra suối ngồi không chịu về.
Thế nhưng khi nghe anh Quyết nói, không biết chữ thì không làm được cán bộ giỏi, không đuổi được giặc Mỹ thì thái độ của Tnú lại thay đổi. Anh không những muốn được tiếp tục mà còn nhờ Mai dạy học cho mình.
Tuy hay quên chữ nhưng đường núi thì Tnú nằm lòng, từ khi còn đưa thư liên lạc, anh đã thể hiện mình là một cậu bé nhanh trí và gan dạ.
Lần đó, Tnú tới một thác sông Đác Năng, vừa cuốn cái thư của anh Quyết gửi về huyện trong một ngọn lá dong ngậm vào miệng, định vượt thác thì họng súng của giặc phục kích chĩa vào tai lạnh ngắt nên chỉ kịp nuốt luôn cái thư.
Tnú bị bắt, khi địch hỏi Cộng sản ở đâu, anh đã chỉ vào bụng mình và trả lời ở đây này. Chi tiết này thể hiện rõ sự dũng cảm và lòng trung thành với cách mạng, với Đảng của Tnú.
Ba năm sau, Tnú vượt ngục Kontum trở về, theo lời dặn của anh Quyết cùng dân làng chuẩn bị giáo, mác và dựa phòng khi cần dùng đến.
Tin làng Xô man mài vũ khí đến tai giặc, chúng kéo một tiểu đội về làng quyết bắt được anh nhưng Tnú đã kịp cùng cụ Mết và thanh niên làng lánh vào rừng, không tìm được anh chúng đã bắt và đánh đập mẹ con Mai, hòng dụ Tnú ra hàng.
Chứng kiến kẻ thù giết vợ con của mình, Tnú đau đớn và xót xa vô cùng. Cuối cùng, bất chấp sự ngăn cản của cụ Mết, anh xông ra giữa vòng vây kẻ thù để cứu hai người. Khi bị bắt, phải chịu đựng đủ mọi sự tra tấn, dày vò nhưng Tnú vẫn quyết không kêu van.
Sau khi bọn giặc bị người làng giết chết, Tnú tham gia bộ đội, giết giặc để trả thù cho người thân và bảo vệ quê hương.
Có thể nói, Tnú điển hình cho tính cách và thái độ của người dân làng Xô man với Cách mạng, những phẩm chất đẹp đẽ của người anh hùng Tnú hay lòng trung thành với Cách mạng là điều mà dân làng từ già đến trẻ đều có.
Nếu như cụ Mết và Tnú điển hình cho những người đàn ông nơi núi rừng hùng vĩ thì Mai và Dít tiêu biểu cho những người phụ nữ Tây Nguyên thời chống Mỹ.
Mai là một người mẹ dũng cảm, chị đã lấy thân mình bảo vệ cho đứa con thơ và bất khuất hi sinh trước những trận mưa cây sắt của kẻ thù. Còn Dít là một cô gái gan dạ, chị làm liên lạc cho du kích từ khi còn nhỏ, dù cho bị bắt hay bị uy hiếp đôi mắt của người con gái ấy vẫn nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng.
Còn Dít chính là sự kế thừa và tiếp nối của Mai với những phẩm chất tốt đẹp như dũng cảm và quyết liệt khi đối mặt với kẻ thù. Sau khi Mai mất và Tnú tham gia kháng chiến, Dít trở thành bí thư chi bộ và nối dài con đường hoạt động cách mạng của dân làng Xô man
Tuyến nhân vật trong truyện được xây dựng sinh động, hấp dẫn vừa mang vẻ đẹp riêng của từng người nhưng khi hòa lại vào nhau thì làm nên vẻ đẹp chung của con người Tây Nguyên thời chống Mỹ. Hình ảnh cụ Mết và Dít tiễn Tnú lên đường ở cuối tác phẩm chính là sự kết hợp rất hài hòa vẻ đẹp ấy, tạo nên những xúc cảm đặc biệt trong lòng người đọc.
Hình ảnh cây xà nu trong tác phẩm
Hình ảnh cây xà nu được tác giả Nguyễn Trung Thành nhắc đến xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của truyện ngắn. Đây là loài cây gắn bó với toàn bộ đời sống sinh hoạt của làng Xô man, dân làng lấy gỗ để dựng nhà, lấy lửa để thắp sáng và lấy khói nhuộm đen bảng để học chữ.
Không chỉ vậy, cây xà nu cũng gắn liền với những kỉ niệm đau thương, tang tóc của làng Xô man trong thời kỳ chống lại giặc Mỹ, cùng chung số phận, chịu chung đau thương với dân làng.
Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn, đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và xẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quện thành từng cục máu lớn.
– Rừng xà nu
Thế nhưng, tinh thần đoàn kết và sự dũng cảm bền bỉ của người dân cũng như cây xà nu, lứa này bị đạn bắn rơi xuống ngay lập tức có những cây con vươn mình bên cạnh.
Những cây cổ thụ đại diện cho những người như cụ Mết, là chỗ dựa vững trãi khó có thể quật ngã. Cây trưởng thành là Tnú và Mai, những người trẻ sẵn sàng hiến dâng sức mình cho đất nước và ngay cả những cây xà nu con, mới vươn lên khỏi mặt đất đã nhọn như mũi lê chính là những thế hệ nối tiếp như bé Heng và Dít tuy còn nhỏ đã tiếp nối cha anh, làm công việc liên lạc.
Rừng xà nu và làng Xô man tuy hai mà một, tuy phải hứng chịu nhiều đau thương, tàn phá từ phía giặc nhưng vẫn vươn mình mạnh mẽ. Đó chính là sức sống bất diệt, tinh thần bất khuất của người dân Tây Nguyên nói riêng và dân tôc Việt Nam nói chung trong kháng chiến.
Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành là truyện ngắn mang đậm màu sắc sử thi, tác phẩm là khúc tráng ca về cuộc đời của người anh hùng Tnú cũng như người dân làng Xô man dũng cảm, bất khuất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kì của dân tộc.
Thông qua tác phẩm, tác giả cũng gửi gắm tình yêu to lớn của mình đối với mảnh đất Tây Nguyên, đồng thời cũng là lời ngợi ca những phẩm chất sáng ngời của người dân nơi đây.
Nhật Hằng
Nhật Hằng
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất