Khi nền văn học trung đại chịu ảnh hưởng sâu sắc của hệ tư tưởng Nho giáo gần đi đến hồi kết vào nửa cuối thế kỉ XIX, ta vẫn có Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ xuất sắc của giai đoạn này.
Với ngòi bút trữ tình và trào phúng đặc sắc, nhà thơ là một trong những người đã chấm những nét mực tàu cuối cùng để khắc họa chân thật xã hội Việt Nam buổi giao thời, lưu giữ lại những nét đẹp thôn quê và thể hiện một cốt cách nhà nho chân chính, trong sạch trên trang thơ của mình.
Những nét phác họa về cuộc đời của Nguyễn Khuyến
Nguyễn Khuyến sinh năm 1835, hiệu là Quế Sơn, quê ông ở làng Vị Hạ, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông xuất thân trong một dòng họ có truyền thống khoa bảng, nhiều đời làm quan to dưới triều nhà Lê và nhà Mạc.
Nhưng đến đời thân sinh của ông thì gia cảnh lại nghèo túng, cha Nguyễn Khuyến sống bằng nghề dạy học ở làng quê. Lúc nhỏ, ông tên là Nguyễn Thắng, nổi tiếng là một đứa trẻ thông minh và hiếu học.
Đường công danh tuy gặp nhiều trắc trở nhưng ông đã vượt qua và đạt đỉnh vinh quang, ở tuổi hai mươi chín, ông thi Hương đỗ Trạng Nguyên. Một năm sau ông vào Huế thi Hội nhưng không đỗ, từ đó ông đổi tên thành Nguyễn Khuyến với hàm ý nhắc nhở mình phải nỗ lực hơn nữa.
Lòng quyết tâm tu chí dùi mài kinh sử của ông đã được đền đáp khi đến năm 1871 Nguyễn Khuyến liên tiếp đỗ Hội nguyên và Đình nguyên. Do đỗ đầu cả ba kì thi nên người đời gọi ông là Tam Nguyên Yên Đổ.
Những năm Nguyễn Khuyến đi học và đi thi là lúc đất nước gặp nạn ngoại xâm. Từ năm 1862 đến 1883, thực dân Pháp từng bước xâm lược nước ta rồi chiếm sáu tỉnh Nam Kỳ, tiến đánh Bắc Kỳ và ép triều Nguyễn kí hiệp ước chấp nhận ách thống trị trên cả ba kỳ.
Xuất thân từ gia đình nhà nho nghèo, Nguyễn Khuyến đã gắng học để đỗ đạt làm quan với ước mong được góp sức xây dựng đất nước.
Thế nhưng trải qua mười năm lăn lộn chốn quan trường, càng ngày càng nhìn thấy cảnh triều đình loạn lạc và giặc Pháp nắm quyền cùng bao hiện tượng lố lăng, kệch cỡm của xã hội giao thời, ông nhận ra con đường hoạn lộ đã không còn như trước.
Năm 1883, lấy cớ đau mắt xin hồi hương, Nguyễn Khuyến từ quan về làng ở ẩn cho đến lúc qua đời vào năm bảy mươi tư tuổi.
Suốt cả cuộc đời, từ lúc là một cậu học trò thông minh, nghị lực đến khi đỗ đạt làm quan lớn và cuối cùng trở về vui thú điền viên nơi quê nhà, Nguyễn Khuyến đã luôn giữ cho mình nhân cách trong sạch, thanh liêm và chính trực, ông gắn bó sâu sắc với nhân dân đồng thời thể hiện tinh thần bất hợp tác với giặc ngoại xâm.
Cụ Tam Nguyên Yên Đổ không chỉ được lưu danh bởi thành tích khoa cử xuất sắc và con đường hoạn lộ rộng mở mà người đời nay còn nhớ đến ông nhiều hơn thông qua những đóng góp to lớn đã để lại cho nền văn học nước nhà.
Xuyên suốt sự nghiệp văn chương của mình, Nguyễn Khuyến đã sáng tác hơn tám trăm tác phẩm gồm thơ, câu đối, văn viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, phần lớn đều làm sau khi từ quan về quê.
Ta thấy nổi bật lên giữa các tác phẩm chấp bút bởi Tam Nguyên Yên Đổ là chất trữ tình và chất trào phúng đặc trưng.
Nhà thơ của dân tình và quê hương làng cảnh Việt Nam
Trước đó, các tác phẩm văn học trung đại viết về cảnh thiên nhiên chủ yếu là cảnh biển trời rộng lớn với không gian mang tính ước lệ cao độ, còn hình ảnh làng quê mộc mạc, bình dị thường rất hiếm thấy.
Nguyễn Trãi là người mở đầu trong việc đưa làng cảnh Việt Nam vào văn thơ với những tác phẩm nổi tiếng như Cảnh ngày hè, Côn Sơn ca nhưng sau đó, ít người kế tục con đường này.
Chỉ đến khi Nguyễn Khuyến xuất hiện, ông mới khiến đời sống nông thôn Việt Nam đi vào văn học với những hình ảnh thơ thật sự ấn tượng mà sinh động, thanh đạm và đầy thi vị.
“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.”
– Thu vịnh
Qua các bài vịnh cảnh, vịnh vật, thơ tặng bạn bè, hàng xóm, câu đối viếng người làng, mừng đám cưới hay mừng nhà mới ta thấy thơ ông đầy ắp tình cảm trìu mến với thôn quê và cảnh sống hằng ngày, nhà thơ viết về thiên nhiên bằng ngòi bút ấm áp, bình dị.
Bức tranh thiên nhiên trong thơ Nguyễn Khuyến vừa phát triển được yếu tố đời thường mới mẻ chỉ xuất hiện manh nha ở các sáng tác của Nguyễn Trãi vừa giữ được vẻ thanh nhã, cao khiết vốn là chuẩn mực trong thơ trung đại Việt Nam.
Đó là lý do vì sao mà nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn từng viết:
Nguyễn Khuyến có thể nhào nặn từ những vật liệu quen thuộc nhưng lại khắc phục được cái thô mộc của những vật quê.
Đọc thơ Nguyễn Khuyến, ta thấy khơi dậy trong lòng mối tình quê, cảm nhận được sự nhẹ nhàng, thanh thoát, đầy khí chất của tâm hồn Nho gia.
Vốn là đứa con của làng quê, sau này dù đã dấn thân vào đường hoạn lộ và trải nghiệm sự nhộn nhịp của chốn kinh thành nhưng đến cuối đời, nhà thơ vẫn lựa chọn trở về với đời sống bình dị ở nông thôn.
Cuộc sống ấu thơ nghèo khó gắn bó với đồng quê chiêm trũng thế nên lần trở về này, Nguyễn Khuyến dễ dàng hòa nhập và tận hưởng ngày tháng như một lão nông thực thụ.
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
– Câu cá mùa thu (Thu điếu)
Ta chẳng hề thấy khoảng cách giữa một người đã đạt đến đỉnh cao danh vọng, làm quan lớn ở triều đình với người dân lao động mà thay vào đó là lối sống gần gũi, cởi mở, chan hòa và thân tình mà nhà thơ dành cho những người xung quanh mình.
Có thể nói cuộc sống thoải mái, tự do nơi thôn quê đã mở rộng hồn thơ Nguyễn Khuyến khiến cho hình ảnh những người dân thôn quê thật thà, chân chất đã đi vào thơ ông tự nhiên mà sống động.
Dường như trong nỗi vui buồn của những người quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, ta có thể cảm nhận cả tiếng lòng của nhà thơ. Có khi nhà thơ vui cùng niềm vui lễ tết sum vầy trong mùa vụ thắng lợi của người nông dân nhưng lắm lúc, Nguyễn Khuyến cũng chạnh lòng khi chứng kiến cảnh đói khổ, thất bát.
“Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng,
Năm nay chợ họp có đông không?
Dở trời, mưa bụi còn hơi rét.
Nếm rượu, tường đền được mấy ông?
Hàng quán người về nghe xáo xác,
Nợ nần năm hết hỏi lung tung.”
– Chợ đồng
Ông đồng cảm và chia sẻ trước những khó khăn, cơ cực chồng chất trên vai người nông dân, từ thiên tai lụt lội hoành hành đến sưu cao thuế nặng mà quan lại thúc đòi.
Tấm lòng trìu mến ấy được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm thơ của Nguyễn Khuyến, nhà thơ đã giãi bày nỗi lòng của người dân quê bằng tất cả sự thương cảm chân thành.
“Mấy năm làm ruộng vẫn chân thua,
Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa.
Phần thuế quan Tây, phần trả nợ,
Nửa công đứa ở, nửa thuê bò.
Sớm trưa dưa muối cho qua bữa,
Chợ búa trầu chè chẳng dám mua.
Cần kiệm thế mà không khá nhỉ,
Bao giờ cho biết khỏi đường lo?”
– Làm ruộng
Yêu thương, trân trọng những người nông dân là thế nhưng khi chứng kiến cảnh họ mê muội vào những cuộc ăn chơi của bọn thực dân, bị bọn quan lại mua chuộc và lóa mắt trước bạc tiền, cụ Tam Nguyên Yên Đồ cũng không nề hà trong việc gay gắt lên án, cảnh tỉnh.
“Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo:
Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo.
Bà quan tênh nghếch xem bơi trải,
Thằng bé lom khom nghé hát chèo.
Cậy sức cây đu nhiều chị nhún,
Tham tiền cột mỡ lắm anh leo.
Khen ai khéo vẽ trò vui thế,
Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!”
– Hội Tây
Ông chỉ ra cái sai, cái đáng trách của người dân để khơi dậy lòng tự trọng, giúp họ ý thức nỗi nhục mất nước. Đó chính là biểu hiện của tình yêu thương, sự gắn bó sâu sắc với người lao động và với quê hương.
Nguyễn Khuyến luôn canh cánh nỗi đau thời thế
Thời đại Nguyễn Khuyến sống là một thời đại khủng hoảng toàn diện về hệ tư tưởng và văn hóa. Nền Nho học đã sa sút từ cuối triều Lê nay đứng trước sự xâm lược của thực dân Pháp càng làm lộ rõ sự bất lực của nó.
Do đó, trước hoàn cảnh mất nước, tuy là nhà nho đỗ đạt cao, từng làm quan và đã về hưu nhưng trong lòng Nguyễn Khuyến vẫn luôn canh cánh mặc cảm về sự vô năng của mình trước thế thời.
Ông thấy rõ sự vô nghĩa của việc làm quan dưới ách đô hộ, chức tước chẳng qua cũng chỉ là cái danh hão, không có thực quyền. Những nỗi đau ấy đã kết tụ thành giọt mực đọng trên ngòi bút, thôi thúc Nguyễn Khuyến viết để bày tỏ nỗi lòng và từ đó những vần thơ trào phúng đặc sắc ra đời.
Thơ văn trào phúng của Nguyễn Khuyến trước hết là những vần thơ tự trào rồi sau đó mới đến tiếng cười trào phúng trước những hiện tượng lố lăng kệch cỡm của xã hội giao thời.
Ông thuộc lớp nhà thơ trung đại đầu tiên biết tự cười cái danh vọng của mình. Nhà thơ tự trào phúng cái vô tích sự của mình, một vị đại khoa mà nửa cuộc đời sống như một người thừa.
Trong tiếng cười ấy, ta cảm nhận rõ sự ngậm ngùi, chua xót cùng nỗi buồn dai dẳng, giằng xé của Nguyễn Khuyến và cũng từ đó, người đọc thấu tỏ tấm lòng cụ Tam Nguyên Yên Đổ, một người suốt đời trăn trở khôn nguôi về trách nhiệm của chính mình và lo lắng cho vận mệnh của đất nước.
“Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang,
Chẳng gầy chẳng béo, chỉ làng nhàng.
Cờ đương dở cuộc không còn nước,
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.
Mở miệng nói ra gàn bát sách,
Mềm môi chén mãi tít cung thang.
Nghĩ mình lại ngán cho mình nhỉ,
Mà cũng bia xanh, cũng bảng vàng.”
– Tự trào
Cùng với tiếng cười tự trào, Nguyễn Khuyến cũng chế nhạo các hiện tượng lố lăng đương thời và dùng ngòi bút của mình để vạch trần những thói hư tật xấu của bọn quan lại, các nhà tu hành và tầng lớp trí thức.
Xã hội suy thoái tận gốc rễ đã sản sinh ra những vị quan lại bất tài và hống hách, việc nước không lo mà chỉ biết tham nhũng, vơ vét của dân.
“Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ,
Cái giá khoa danh áy mới hời
Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh choẹ
Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi.”
– Ông nghè tháng Tám
Trong khi đó các vị thiền sư cũng chỉ lợi dụng cửa thiền chứ không thực sự muốn tu hành, còn tầng lớp trí thức với đại diện tiêu biểu là các thầy đồ thì có hành vi khiếm nhã, chẳng còn chút lương tri nghề giáo.
“Đầu trọc tếch bình vôi,
Nhảy tót lên chùa ngồi
Y, a kinh một bộ,
Lóc cóc mõ ba hồi”
– Vịnh sư
Đau lòng và phẫn nộ trước những cảnh tượng ấy, ngòi bút trào phúng của Nguyễn Khuyến quyết không buông tha bọn chúng. Ông điểm mặt từng tên quan, đùa cợt từng nhà sư không trọng đạo và làm muối mặt từng kẻ mang danh “thầy đồ” mà phẩm giá thì rẻ mạt.
“Ở goá thế gian này mấy mụ,
Đi ve thiên hạ thiếu chi thầy.
Yêu con cũng muốn cho thầy dạy,
Dạy cháu nên rồi mẹ cháu ngây.”
– Thầy đồ ve gái
Do bản chất hồn hậu nên tiếng cười trào phúng của Nguyễn Khuyến là cái cười điềm đạm, nhẹ nhàng và hóm hỉnh, có sâu nhưng ít cay. Khác với Tú Xương, nhà thơ trào phúng cùng thời nổi danh với điệu cười trào phúng suồng sã, cay độc và dữ dội.
Tiếng cười của Nguyễn Khuyến đọng lại biết bao nỗi day dứt của lương tâm và ý thức liêm sỉ, thâm thúy và thấm đẫm nước mắt.
Và nghệ thuật thơ Nôm bậc thầy
Nhà thơ đã có những đóng góp to lớn trong việc bảo tồn giá trị của thơ văn chữ Hán và phát triển thơ văn Nôm dân tộc. Ông sử dụng các thể văn chương quen thuộc như thất ngôn bát cú Đường luật, câu đối, hát nói và song thất lục bát mà thể nào cũng thành công.
Nổi bật hơn cả là Nguyễn Khuyến đã đưa tiếng nói sinh hoạt dân dã, bình dị vào các thể thơ truyền thống một cách tinh tế mà sâu sắc, hóm hỉnh nhưng thật tự nhiên. Bên cạnh đó, nghệ thuật tả cảnh trong thơ ông cũng vô cùng đặc sắc.
Cảnh sắc là cảnh thực ở chốn thôn dã nhưng được lựa chọn và nhìn nhận ở góc độ nhẹ nhàng, thanh thoát dưới cái nhìn của một nhà nho để toát lên vẻ đẹp đầy thi vị.
Đọc thơ Nguyễn Khuyến, ta có cảm giác như vừa xem tranh thủy mặc vừa nghe một khúc tiêu dao. Cảnh vật ít màu sắc, thanh đạm nhưng khơi gợi lên một thế giới bao la vang đội tận đáy lòng.
Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ lớn cuối cùng của thời trung đại. Sống giữa thời đại khủng hoảng sâu sắc về tư tưởng và văn hóa, tiếng thơ ông một mặt là tiếng nói day dứt, u hoài từ lương tâm và trách nhiệm của người trí thức trước vận mệnh đất nước, mặt khác thể hiện tình cảm gắn bó thân thiết với con người và làng quê Việt Nam.
Những tình cảm chân thật xuất phát từ tấm lòng của vị đại khoa ấy đã khiến những vần thơ ông sống mãi cho đến hôm nay, mang đến cho bạn đọc muôn thế hệ một cái nhìn chân thật vào xã hội phong kiến Việt Nam cuối thế kỉ XIX và thanh lọc tâm hồn bạn đọc trong những cảnh sắc thiên nhiên mộc mạc, bình dị chốn thôn quê.
Hạnh Vi
Hanh Vi
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất