Dịch vụ giao hàng Kiki (Kiki’s Delivery Service) là bộ phim hoạt hình thuộc thể loại kỳ ảo của Studio Ghibli, công chiếu vào năm 1989. Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Kadono Eiko, Dịch vụ giao hàng Kiki đã trở thành tác phẩm điện ảnh ăn khách nhất năm đó.
Xoay quanh cô phù thủy nhỏ Kiki, xa nhà từ năm mười ba tuổi để tự lập nơi thành phố mới, bộ phim mang đến khán giả thông điệp về sự tử tế giữa người với người cũng như nêu bật quá trình trưởng thành của những đứa trẻ qua hình tượng Kiki.
Kiki’s Delivery Service – Official Trailer
Không sở hữu những tình tiết phức tạp, Dịch vụ giao hàng Kiki như bức tranh giản dị về cuộc sống đời thường. Phim nối tiếp thành công của Lâu đài trên không Laputa, Mộ đom đóm và Hàng xóm của tôi là Totoro để mang về nhiều giải thưởng danh giá cho Studio Ghibli.
Dịch vụ giao hàng Kiki và câu chuyện đơn giản nhưng đầy ý nghĩa
Dịch vụ giao hàng Kiki bắt đầu với hình ảnh cô phù thủy nhỏ Kiki (Lồng tiếng bởi Takayama Minami), người quyết định rời nhà để đến sống tự lập tại thành phố cảng Kiriko dẫu cha mẹ khuyên ngăn.
Nhắc đến phù thủy, khán giả thường nghĩ đến những tạo hình có phần “dữ dằn” như chị em Yubaba và Zeniba trong Vùng đất linh hồn. Ngược lại, Kiki là một cô gái dễ thương với chiếc nơ đỏ, bộ váy phù thuỷ và cây chổi bay được truyền lại từ mẹ.
Bức tranh gia đình hoàn hảo và tình yêu thương của người làm cha mẹ
Từ nhỏ, Kiki luôn sống trong sự yêu thương và che chở của cha mẹ. Tuy nhiên, truyền thống gia đình là khi mười ba tuổi, mỗi người sẽ phải xa nhà để bắt đầu cuộc sống tự lập.
Mẹ của Kiki là Koriki (Lồng tiếng bởi Nobusawa Mieko), một phù thủy với khả năng pha chế thuốc còn cha cô Okino (Lồng tiếng bởi Miura Kōichi) chỉ là nhân viên văn phòng bình thường.
Khi Kiki bất ngờ thông báo sẽ rời nhà ngay trong đêm, Koriki đã vô cùng lo lắng và hỏi con mình có thật sự chắc chắn về quyết định này. Để rồi, sự kiên định của Kiki đã giúp cô bé nhận được niềm tin của mẹ, một phù thủy cũng từng trải qua những năm tháng tự lập.
“ – Kiki đừng kén chọn quần áo quá. Quan trọng là trái tim của con kìa.
– Con biết rồi. Vụ trái tim mẹ đừng có lo.
– Và hãy luôn mỉm cười nhé.
– Vâng ạ.
– Hãy viết thư về nhà khi đã ổn định, con nhé.”
Tất cả những gì Kiki có chỉ là vài bộ quần áo, số tiền tiết kiệm ít ỏi, chiếc đài của cha cùng chú mèo đen Jiji (Lồng tiếng bởi Sakuma Rei). Tuy nhiên, cô bé vẫn rất hào hứng và mong chờ trải nghiệm trên hành trình mới.
Nếu cuộc sống tự lập sắp tới đem đến cho Kiki sự hứng thú về thế giới bên ngoài thì với Koriki, đây là sự lưu luyến và bao bọc cuối cùng. Giống như mọi người mẹ khác trong phim Ghibli, bà luôn mong con gái hạnh phúc và nghe theo sự mách bảo từ trái tim.
Ngoài tình yêu thương của mẹ, Kiki còn được cha cưng chiều như công chúa nhỏ. Khoảnh khắc nhận ra cô bé sắp một mình đối mặt với những khó khăn ngoài kia, Okino đã ôm chặt con gái trong vòng tay và nhắn nhủ:
“Từ lúc nào mà con đã lớn như vậy rồi?
Nếu như mọi chuyện không suôn sẻ, con có thể trở về nhà nhé.”
Lúc chia tay, cả gia đình vẫn dõi theo Kiki đến khi không còn thấy cô bé nữa. Cha mẹ dù lo lắng nhưng vẫn tự hào vì con gái đã dũng cảm “đón nhận” thử thách đầu tiên trong đời.
Không chỉ Koriki và Okino, việc nhìn thấy con cái trưởng thành cũng là niềm hạnh phúc của mọi phụ huynh. Tuy nhiên, đây cũng là lúc họ phải nói tạm biệt để những đứa trẻ rời xa vòng tay che chở bấy lâu.
Bằng “nét vẽ” chân thực, đầy màu sắc, đạo diễn Miyazaki Hayao đã khắc họa hoàn hảo bức tranh gia đình trong Dịch vụ giao hàng Kiki. Không chỉ mang đến thông điệp về cuộc sống, bộ phim còn chiếm được cảm tình của khán giả bởi những phân cảnh “đắt giá” giữa Kiki và cha mẹ.
Hành trình tự lập của Kiki nơi thành phố lớn
Sau khi rời nhà, Kiki lựa chọn Koriko để bắt đầu cuộc sống mới vì mê mẩn sự xinh đẹp của thành phố và những con người thân thiện nơi đây. Trong một lần tình cờ, cô bé gặp gỡ Osono (Lồng tiếng bởi Toda Keiko), chủ tiệm bánh mì Gütiokipänjä và ở lại căn phòng trống trong tiệm.
Khoảng thời gian này, Kiki phụ giúp việc vặt của tiệm bánh đồng thời phát triển dịch vụ chuyển phát cho riêng mình. Nhờ vậy, cô bé đã có vị khách đầu tiên là Maki (Lồng tiếng bởi Inoue Kikuko), người thường xuyên ghé qua Gütiokipänjä.
Với tinh thần nhiệt tình và lòng chân thành, Kiki đã có được sự tin tưởng của Maki. Tuy nhiên, vì chưa có kinh nghiệm nên cô bé đã gặp không ít khó khăn khi hoàn thành đơn hàng này.
Cuộc sống của cô bé mười ba tuổi nơi thành phố lớn cứ thế trôi qua từng ngày. Đến khi không may bị cảm trong một lần giao hàng, Kiki mới bắt đầu cảm thấy buồn tủi, nhớ về gia đình và những người mình yêu thương.
Lúc khỏe lại, Kiki đã chủ động tìm Tombo (Lồng tiếng bởi Yamaguchi Kappei) để xin lỗi vì lỡ hẹn. Cả hai đạp xe đến bờ biển, xem lễ khánh thành chiếc khinh khí cầu đầu tiên và tình cờ gặp những người bạn của Tombo.
“- Tớ đã hơi mất tự tin một chút. Nhưng thật vui vì hôm nay đã đi cùng cậu. Ngồi bên bờ biển thật thoải mái.
– Tớ sẽ đưa cậu ra đây bất cứ khi nào cậu muốn. Tiện thể luyện tập luôn.
– Tombo thật là tốt.
– Ơ, giờ cậu mới biết à?
– Lúc đầu tớ đã nghĩ cậu bị ngốc đó.”
Tuy nhiên, vì không thể hòa nhập với mọi người nên Kiki chán nản bỏ về trước. Lúc này, cô bé phát hiện mình không còn hiểu được tiếng của Jiji nữa, đồng thời cũng mất dần khả năng bay.
Sau biến cố đầu đời, Kiki quyết định đến ở nhà Ursula (Lồng tiếng bởi Takayama Minami) vài ngày để nghỉ ngơi cũng như tạm lánh xa thành phố ồn ào. Khi tâm trạng tốt hơn, cô bé trở lại Koriko và ghé thăm bà Madame (Lồng tiếng bởi Haruko Kato), vị khách hàng đặc biệt của mình.
Tại đây, Kiki vô tình xem được bản tin về vụ tai nạn khinh khí cầu và nhận ra Tombo đang gặp nguy hiểm. Không đắn đo suy nghĩ, Kiki liền hỏi mượn chiếc chổi của bác lao công bên đường và kịp thời cứu được cậu trong gang tấc.
Bằng lòng dũng cảm, Kiki chính thức được công nhận bởi người dân thành phố Koriko. Đồng thời, cô bé cũng có lại khả năng bay nhưng vẫn không thể hiểu được tiếng của chú mèo Jiji.
Chi tiết này cũng làm sáng tỏ việc Kiki có thể nói chuyện với Jiji không phải do năng lực phù thủy mà chỉ là “sản phẩm” của trí tưởng tượng. Đây cũng là cột mốc đánh dấu quá trình cô bé dần trưởng thành hơn trong suy nghĩ.
Thế giới không tồn tại chiến tranh và bức tranh bình yên về cuộc sống đời thường
Dịch vụ giao hàng Kiki lấy bối cảnh Nhật Bản thập niên 60, tại một chiều không gian khác khi Chiến tranh thế giới thứ hai không bao giờ nổ ra. Đạo diễn Miyazaki Hayao khéo léo thể hiện sự đặc biệt này bằng các chi tiết nhỏ được lồng ghép xuyên suốt bộ phim.
Khởi đầu bộ phim là hình ảnh Kiki nằm trên ngọn đồi, chăm chú lắng nghe bản tin thời tiết qua chiếc đài nhỏ, đây thực chất là máy thu thanh bán dẫn và chỉ xuất hiện ở năm 1960.
Bộ phim còn xuất hiện H.P.42, loại máy bay được thiết kế và sản xuất bởi công ty hàng không Handley Page. Tuy nhiên, chúng đã bị phá hủy toàn bộ sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, điều này khẳng định cuộc chiến sẽ không bao giờ xảy ra trong vũ trụ của Dịch vụ giao hàng Kiki.
Thành phố nơi Kiki lựa chọn để bắt đầu cuộc sống mới được đạo diễn Miyazaki lấy cảm hứng từ các thành phố vùng Bắc Âu nổi tiếng trên thế giới gồm Stockholm, Lisbon, Paris, Napoli cho đến Tokyo, Nhật Bản.
Koriko trong Dịch vụ giao hàng Kiki hiện lên đầy xinh đẹp và yên bình với tiếng chuông từ tháp đồng hồ và đàn hải âu bay lượn trên bầu trời, mọi thứ hiền hòa như chính người dân nơi này.
Xuyên suốt bộ phim, khi Kiki bay trên cây chổi của mình, những địa điểm phía dưới đều được Ghibli tái hiện vô cùng chi tiết và sống động. Qua đó vẽ nên bức tranh chân thực về vùng Bắc Âu cổ điển và lãng mạn.
Dịch vụ giao hàng Kiki và câu chuyện về tình thương giữa biển người xa lạ
Ngoài thông điệp cuộc sống, Dịch vụ giao hàng Kiki còn truyền tải giá trị của sự tử tế và lòng yêu thương, mỗi nhân vật đều khiến khán giả cảm động vì nghĩa cử cao đẹp về tình bạn lẫn tình người.
Người phụ nữ với một căn phòng nhỏ, cậu bạn chân thành nơi thành phố xa lạ, cô họa sĩ trong rừng hay vị khách hàng thân thiện, họ đều đem đến cho Kiki những bài học quý giá và giúp cô bé trưởng thành.
Nơi dừng chân cho hành trình và tiệm bánh mì Gütiokipänjä
Lựa chọn Koriko là nơi bắt đầu cuộc sống mới, cô phù thủy Kiki phải nỗ lực tìm kiếm nơi ở. Chìm trong tuyệt vọng vì không khách sạn nào chấp nhận một cô bé mười ba tuổi tự mình thuê phòng, Kiki may mắn gặp được Osono, cô chủ tiệm bánh mì Gütiokipänjä.
Tuy hai con người ở Gütiokipänjä chưa từng đòi hỏi, Kiki vẫn chủ động phụ giúp việc vặt ở tiệm, từ xếp bánh lên kệ đến trực điện thoại tại quầy. Đổi lại, Osono cho phép cô bé sử dụng điện thoại ở cửa hàng để phát triển công việc riêng và thậm chí không thu tiền điện.
Biết Kiki chưa có khách hàng nào tại thành phố, Osono đã chủ động giới thiệu cho cô bé. Dù không hề quen biết nhau từ trước nhưng với bản tính lương thiện, Osono đã tạo điều kiện giúp Kiki phát triển công việc mà không đòi hỏi được trả ơn.
Bên cạnh đó, Kiki còn nhận được hỗ trợ đặc biệt từ Fukuo, chồng Osono. Thời gian đầu, anh dường như không quan tâm đến sự xuất hiện của cô bé nhưng về sau chính anh đã làm chiếc “biển hiệu” đặc biệt treo trước cửa tiệm để quảng cáo cho dịch vụ vận chuyển Kiki.
Một cô bé mười ba tuổi, sống đơn độc nơi thành phố xa lạ nhưng may mắn gặp được những con người vô cùng tốt bụng và hết lòng giúp đỡ. Không chỉ giới thiệu các khách hàng tiềm năng, Osono còn tận tình chăm sóc cho Kiki như một thành viên trong gia đình.
Theo một cuộc khảo sát của Ghibli năm 2018, khoảnh khắc Osono nấu sữa yến mạch cho Kiki lúc cô bé bị cảm vì đi giao hàng được đánh giá là phân cảnh được yêu thích nhất trong phim với gần 85 nghìn phiếu bầu tại Nhật Bản.
Tình bạn đáng quý với cô họa sĩ cùng ước mơ vẽ nên những vì tinh tú
Dù không gặp may mắn trong chuyến giao hàng đầu tiên nhưng nó lại trở thành cơ duyên để Kiki gặp gỡ rồi làm bạn với nữ họa sĩ trẻ Ursula. Xuyên suốt bộ phim, cô chính là người giúp đỡ và khiến Kiki nhận ra nhiều bài học mới trên hành trình trưởng thành của mình.
Tuy còn trẻ nhưng Ursula lại không thích những náo nhiệt nơi thị thành, cô chọn cho mình một căn nhà nhỏ trong khu rừng thông yên tĩnh, vừa để tận hưởng cuộc sống cũng như chuyên tâm vẽ tranh.
Dù mới gặp nhau lần đầu nhưng Ursula đã không ngần ngại sửa lại chú mèo bông bị rách cho Kiki và đáp lại sự tử tế của cô, Kiki đã giúp lau dọn sạch sẽ căn nhà. Từ đó cả hai trở thành bạn bè, cùng nhau san sẻ những vui buồn trong cuộc sống.
Khi không thấy Kiki trở lại, Ursula đã chủ động ghé tiệm bánh Gütiokipänjä tìm cô bé trong một lần vào thành phố mua đồ. Biết chuyện Kiki bị mất khả năng bay, Ursula liền đề nghị cô bé đến nhà mình ở vài ngày.
Khoảng thời gian này, cô phù thủy nhỏ đã có thêm nhiều trải nghiệm thú vị trong cuộc sống. Thay vì sử dụng chổi bay thì Kiki học được cách di chuyển bằng xe buýt hoặc đi nhờ xe người lạ, lần đầu leo núi và choáng ngợp bởi quang cảnh hùng vĩ trước mặt.
Thời gian tại Koriko, Ursula luôn ở bên động viên, an ủi mỗi khi cô bé cảm thấy tự ti về bản thân. Cô giống một người chị sẵn lòng quan tâm và lắng nghe những điều mà Kiki không thể chia sẻ với bất kỳ ai.
“- Tại sao lại là em ạ? Em đâu có đẹp.
– Em rất xinh. Còn xinh đẹp hơn lần cuối chị nhìn thấy em.”
Không chỉ mang đến bài học cuộc sống giá trị, Dịch vụ giao hàng Kiki còn gửi gắm thông điệp ý nghĩa rằng tình bạn chân thành sẽ giúp mỗi người thêm yêu thương bản thân và luôn nhìn thế giới bằng đôi mắt tràn đầy những điều tích cực.
Tombo và sự dũng cảm giúp Kiki tự tin vào chính mình
Thời gian trải nghiệm cuộc sống tự lập tại Koriko, Kiki còn gặp được một người bạn đặc biệt khác là Tombo, cậu bé với khát khao chinh phục bầu trời.
Suốt chiều dài bộ phim, cách Tombo làm bạn cùng Kiki rất hồn nhiên, vui vẻ. Từ lần đầu “giải vây” cho cô bé khỏi rắc rối với viên cảnh sát địa phương đến khoảnh khắc cả hai nhìn nhau bật cười bên chiếc xe đạp hỏng tan tành đều toát lên nét chân thành của cậu.
Tuy nhiên, trái ngược với sự thân thiện của Tombo là một cô bé luôn cảm thấy tự ti, xa cách và không muốn kết giao bạn bè. Phân đoạn Tombo âm thầm chờ đợi Kiki dưới mưa nhưng cô bé không xuất hiện được nhận xét là một trong những cảnh đẹp nhất phim.
Đến hôm sau, khi cô Osono nhờ Kiki giao hàng cho một người tên Koppori, cũng chính là Tombo thì cả hai mới có cơ hội gặp lại. Nhân dịp này, cậu tự hào giới thiệu với cô bé “động cơ máy bay một người lái” và hào hứng rủ Kiki đi xem khinh khí cầu.
Thế nhưng sáng chế của Tombo vẫn chưa hoàn thiện nên trên đường đến bãi biển, nó đã gặp trục trặc khiến hai người ngã sõng soài. Đây cũng là phân cảnh hiếm hoi Kiki cười một cách vui vẻ trong suốt bộ phim.
Tuy nhiên, sau khi làm quen với bạn bè của Tombo thì cảm giác tự ti, thua kém trong lòng Kiki lại một lần nữa dâng trào. Đến lúc về nhà, cô bé phát hiện mình không thể hiểu những gì chú mèo Jiji nói và cũng dần mất khả năng bay.
Tombo vừa là lý do khiến Kiki đối mặt với biến cố đầu đời nhưng cũng chính là động lực giúp cô bé sử dụng lại khả năng vốn có. Trong khoảnh khắc Tombo gặp nạn, Kiki đã không màng nguy hiểm cứu lấy cậu và sau đó, cả hai thực sự trở thành bạn tốt của nhau.
Bà Madame và tình yêu thương như một người thân trong gia đình
Trong quá trình làm công việc vận chuyển, Kiki dần trở nên thân thiết với bà Madame, một trong những khách hàng của cô bé. Dù tiếp xúc không nhiều nhưng bà rất yêu quý và coi Kiki như cháu gái.
Bà Madame đã nhờ Kiki vận chuyển một chiếc bánh kem đến tiệc sinh nhật của cô cháu gái nhưng lò nướng bị hỏng nên bà không thể hoàn thành món quà. Tuy nhiên, bà vẫn trả tiền cho Kiki vì đã cất công đến tận đây.
Nhìn thấy nét thất vọng trên gương mặt bà Madame, Kiki liền chủ động đề nghị giúp bà nướng bánh bằng chiếc lò nướng cũ, một công việc khá mất thời gian trong khi cô bé có hẹn với Tombo vào sáu giờ chiều. Đến lúc món quà thành phẩm thì trời đã tối và bắt đầu đổ mưa.
Vì muốn đến kịp buổi tiệc sinh nhật, Kiki đã quyết định băng qua cơn mưa và giao tận tay chiếc bánh cho người cháu gái. Tuy nhiên, tất cả những gì cô bé nhận lại chỉ là sự khinh miệt cùng ánh nhìn đầy chán ghét.
Thất vọng vì nỗ lực bản thân bị xem nhẹ, cô bé quay về với tâm trạng buồn bã rồi đổ bệnh ngay trong đêm. Sau khi trở lại từ nhà Ursula, Kiki nhận được cuộc gọi của bà Madame ngỏ ý muốn mời cô bé đến gặp mình.
“Cháu chuyển đến cô bé Kiki giúp bà nhé.
Cô bé rất tử tế và đã giúp bà rất nhiều.
Và đây là cách bà nói cảm ơn.
Cháu có thể tìm hiểu sinh nhật của cô bé đó không?
Bà muốn tặng cả bánh cho cô bé vào dịp đó nữa.”
Biết ơn tấm lòng của Kiki, bà Madame đã tự tay làm một chiếc bánh dành tặng “người bạn đặc biệt”. Xuyên suốt bộ phim, Kiki có lúc vui vẻ, khi lại chán nản hoặc tỏ ra khó chịu nhưng đây là lần duy nhất cô bé bật khóc vì xúc động.
Dịch vụ giao hàng Kiki cùng sự thành công được nâng đỡ từ Studio Ghibli
Studio Ghibli được thành lập vào năm 1985 bởi Miyazaki Hayao và Takahata Isao, bộ đôi đạo diễn có sự nghiệp lâu dài trong ngành hoạt hình Nhật Bản. Cả hai từng làm việc cùng nhau qua các tác phẩm nổi tiếng Hoàng tử mặt trời và Panda! Go, Panda!.
Ngoài Miyazaki Hayao và Takahata Isao, Studio Ghibli còn hợp tác cùng một số đạo diễn tài năng như Yoshifumi Kondo với Lời thì thầm của trái tim, Hiroyuki Morita với Loài mèo trả ơn, Miyazaki Goro với Huyền thoại đất liền và đại dương hay Hiromasa Yonebayashi với Hồi ức về Marnie.
Trải qua thời gian dài phát triển và gặt hái nhiều giải thưởng nổi bật, Studio Ghibli trở thành “cánh chim đầu đàn” của ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản với những bộ phim luôn được đánh giá cao cả về hình thức nghệ thuật lẫn thông điệp giàu tính nhân văn.
Sau những hiệu ứng tích cực từ Mộ đom đóm cùng Hàng xóm của tôi là Totoro, Ghibli tiếp tục ra mắt Dịch vụ giao hàng Kiki và tạo nên tiếng vang lớn khắp các phòng vé khi mang về 4,3 tỷ yên, trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất năm 1989 tại Nhật Bản.
Không chỉ đạt doanh thu khổng lồ, Dịch vụ giao hàng Kiki còn mang lại cho Ghibli giải thưởng Anime hay nhất tại Anime Grand Prix lần thứ 12, Phim hoạt hình hay nhất tại Mainichi Film Award lần thứ 44 và Phim hay nhất của Agency of Cultural Affairs.
Sức hút mạnh mẽ từ Dịch vụ giao hàng Kiki còn giúp Miyazaki Hayao giành chiến thắng ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất tại Japan Cinema Association Award và Annual Money Making Director’s Award lần thứ bảy.
Những khúc nhạc bình yên bên bờ biển trong Dịch vụ giao hàng Kiki
Ngoài những câu chuyện ý nghĩa, Dịch vụ giao hàng Kiki còn để lại ấn tượng sâu sắc bằng các bài hát nhẹ nhàng, vui nhộn. Giai điệu trong phim đặc trưng đến mức chỉ cần vài nốt nhạc đầu tiên ngân vang thì hình ảnh cô phù thủy cưỡi chổi đã hiện lên trong đầu người xem.
Nổi bật trong số đó là hai ca khúc mở đầu Ryuuju no Dengon và kết thúc phim Yasashisa ni Tsutsumareta nara đều do nữ nghệ sĩ gạo cội Arai Yumi – một trong những nhân vật nổi tiếng nhất lịch sử âm nhạc Nhật Bản thể hiện.
Ryuuju no Dengon với giai điệu vui tươi được lồng ghép vào phân cảnh Kiki rời nhà để bắt đầu hành trình tự lập, khiến khán giả không thể rời mắt khỏi hình ảnh cô phù thủy nhỏ tò mò và thích thú ngắm nhìn mọi thứ mới lạ xung quanh.
“Bởi vì em vẫn luôn lo rằng,
Mình sẽ có ngày rời xa tiếng chuông đồng hồ nơi thành phố này.”
Ca khúc kết thúc phim Yasashisa ni Tsutsumareta nara cũng rất được yêu thích bởi giai điệu trong sáng, nhẹ nhàng đặc trưng và phần lời đầy ý nghĩa, trở thành Ca khúc nhạc chủ đề Anime hay nhất tại lễ trao giải Anime Grand Prix lần thứ 12.
“Kéo rèm ra nào, để ánh nắng rực rỡ ngoài kia chiếu vào,
Tận hưởng sự dịu dàng này nhé,
Chắn chắn rằng, mọi thứ đã xảy ra đều là một thông điệp từ tương lai.”
Dịch vụ giao hàng Kiki còn mười chín ca khúc phát hành trong album Kiki’s Delivery Service Soundtrack Music Collection vào tháng Tám năm 1898. Tất cả đều do Hisaishi Joe nhà soạn nhạc trứ danh đứng sau thành công của rất nhiều bộ phim Ghibli sáng tác, tiêu biểu nhất là Umi No Mieru.
Kiki’s Delivery Service – Umi No Mieru Machi
Cốt truyện độc đáo, hấp dẫn kết hợp với phần âm nhạc được đan cài hợp lý giúp Dịch vụ giao hàng Kiki truyền tải nhiều bài học giá trị về tình bạn và tình người, thông qua hành trình trưởng thành trong suy nghĩ của cô phù thủy nhỏ.
Nhiều năm đã trôi qua nhưng hình ảnh cô bé Kiki mặc chiếc váy đen, cài nơ đỏ vi vu khắp thành phố trên chiếc chổi của mình đã trở thành một trong những biểu tượng đặc trưng mỗi khi nhắc đến phim hoạt hình Ghibli.
Thu Hiền
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất