1. “Mắt không thấy thì tâm không phiền.”
Đó là câu cửa miệng của bà ngoại tôi từ cái hồi mà ông ngoại rước về một cô vợ bé trạc tuổi mẹ tôi. Khi đó người mà ông ngoại tôi bắt mọi người phải gọi là “bà Hai” đang mang thai bốn tháng, nghe đồn là con trai nên rất được ông ngoại thương.
Vì sức khỏe bà tôi không tốt nên chỉ sinh được duy nhất một người con gái là mẹ tôi. Mẹ tôi lấy chồng, sinh ra tôi. Năm ông ngoại tôi rước bà Hai về mẹ tôi mới hai mươi lăm, còn tôi mới sáu tuổi.
“Người xưa trọng nam khinh nữ, bằng mọi giá phải có một đứa con trai thì mới yên lòng.”
Đó là lời mẹ tôi nói, bà giải thích một cách qua loa về việc vì sao tôi tự dưng có thêm một người bà. Nhưng năm đó tôi đã sáu tuổi, cái tuổi có thể bắt đầu ghi nhớ sự việc.
Tôi nhớ từ khi rước cô vợ mới về, ông bà ngoại tôi không còn chung phòng nữa. Ông và cô vợ mới ở trong căn phòng xưa kia là căn phòng của ông và bà ngoại. Còn bà ngoại tôi lại dọn sang ở căn phòng dành cho khách.
Có lẽ, vào ngày mà bà tôi dọn sang ở căn phòng dành cho khách, bà cũng tự xem mình là một người khách trong ngôi nhà này. Bà tin Phật, siêng đi chùa, bắt đầu những tháng ngày giã biệt thịt cá, chuyển sang ăn chay trường.
Nhiều người nói bà thất vọng về chồng nên mới một lòng tin Phật, muốn cắt đứt trần duyên cho sớm ngày được thanh thản. Tôi không biết bà có được thanh thản hay không, nhưng miệng bà vẫn luôn treo câu nói ấy: “Mắt không thấy thì tâm không phiền.”
2. “Mắt không thấy thì tâm không phiền.”
Tôi lựa chọn giả vờ như không biết gì khi nhìn thấy cha tôi cùng cô nhân tình còn nhỏ tuổi hơn tôi dắt tay nhau đi vào khách sạn.
Mỗi ngày, tôi nhìn mẹ tôi dịu dàng xới thêm bát cơm cho cha tôi, nhìn cha tôi trao cho mẹ tôi một cái ôm trước khi đi làm vào buổi sáng, miệng tôi vẫn lẩm bẩm câu nói đó.
Câu cửa miệng khi xưa của bà ngoại tôi bỗng trở thành câu cửa miệng trong âm thầm của tôi.
Tôi lựa chọn im lặng. Còn mẹ tôi lựa chọn giả vờ.
Trước khi mẹ tôi mất vì bạo bệnh, bà nắm tay tôi thầm thì, rằng thật ra bà đã biết cha tôi ngoại tình từ lâu, từ trước khi tôi biết. Nhưng bà nhớ tới sự ẩn nhẫn khi xưa của mẹ mình, nên bà lựa chọn nhắm mắt cho qua.
Mắt không thấy thì tâm không phiền.
Có thật thế không?
3. Lần thứ ba tôi lựa chọn “nhắm mắt” là khi tôi biết tin cô bạn gái quen nhau sáu năm và hai tháng trước tôi vừa về nhà ra mắt gia đình cô ấy có người khác. Tôi nhìn họ tung tăng vui vẻ với nhau.
Gương mặt người là bạn gái tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết. Tôi tự nhủ lòng, con người ai cũng có lúc lầm đường, mắt không thấy thì tâm không phiền.
Tôi vờ như không biết gì. Nhưng trước khi hôn lễ diễn ra một tháng, bạn gái tôi đề nghị hủy hôn. Cô ấy nhìn tôi hằn học, hỏi tôi:
“Chẳng lẽ vợ sắp cưới của anh ngoại tình mà anh cũng không biết sao?”
Tôi muốn nói, thật ra tôi biết. Nhưng linh tính lại mách bảo tôi nên giữ lặng im. Vậy là tôi im lặng, còn cô ấy thì bỏ đi, hôn lễ hủy bỏ.
Nhiều người tò mò hoặc bàn tán hoặc cười chê, tôi tự nói với mình, mắt không thấy thì tâm không phiền.
Mắt không thấy thì tâm không phiền. Khi xưa là ông ngoại, tiếp đến là cha, rồi bây giờ là bạn gái của tôi. Mỗi một người tôi đều hoặc tự nhủ mình hoặc nghe người khác tự nhủ câu đó. Nhưng có thật thế không?
Nếu không thật, sao vẫn nói hoài?
Nếu là thật, sao tôi lại thấy tim mình rất đau?
Lộ Hi Vũ | Gửi từ group Hall of Dreamers
Hall of Dreamers
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất