Giông tố, một áng văn đại diện cho rất nhiều tư tưởng tiến bộ và thái độ phê phán của nhà tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Trước cuộc sống đảo điên dưới thời thực dân Pháp, người dân chỉ biết cười, rồi lại khóc cho tấn bi hài kịch cứ đan xen nối tiếp nhau không ngừng.
Đúng với tinh thần tác phẩm, Giông tố đã lật tẩy hết thứ mặt nạ đắp điếm lên cái bản chất bất công, đểu giả, thối nát và hết sức vô nghĩa của một xã hội mà đồng tiền có thể chi phối được tất cả.
Vũ Trọng Phụng – ông vua của phóng sự đất Bắc
Vũ Trọng Phụng là một cây bút sắc sảo của chủ nghĩa hiện thực phê phán trên văn đàn Việt Nam. Quan niệm trong văn chương của ông là hướng đến sự thật, cho dù những điều ấy cay nghiệt đến xót xa.
“Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thật ở đời” – Vũ Trọng Phụng
Vũ Trọng Phụng vốn quê ở làng Hảo, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Cây bút tài hoa ấy chỉ được học hết bậc tiểu học và phải sớm ra ngoài mưu sinh. Năm mười tám, ông xin vào làm nhân viên đánh máy Nhà in Viễn Đông, sự nghiệp cầm bút cũng bắt đầu từ đó.
Việc trải đời sớm khiến ông trưởng thành hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Tư duy nhạy bén cùng lối suy nghĩ sắc sảo nhưng hài hước, vô cùng hiện đại và thực tế đã tạo nên thương hiệu Vũ Trọng Phụng ngay từ khi cái tên ấy mới xuất hiện trên văn đàn.
Ông từng hợp tác với nhiều tờ báo hàng đầu thời bấy giờ như Nhật Tân, Phụ nữ thời đàm, Tiểu thuyết thứ bảy. Chính những bài viết đầy hiện thực về thân phận con người giúp ông đạt đến đỉnh cao sự nghiệp, trở thành ông vua phóng sự đất Bắc.
Dù mắc một trong “tứ chứng nan y” là Lao phổi và chỉ ở lại với cuộc đời 27 năm ngắn ngủi nhưng ông đã để lại một khối lượng sáng tác đồ sộ, được ghi nhận là di sản của thế hệ vàng văn chương Việt Nam hiện đại.
“Ông là một phần tử tiên phong và can đảm trong văn chương. Ông giữ riêng một ngọn cờ tiểu thuyết mà chính tay ông đã dệt xong” – Nhà phê bình văn học Trương Tửu
Ngoài vai trò nhà báo, ông còn là một nhà văn nổi tiếng và đã góp phần đáng kể vào việc hiện đại hóa văn xuôi quốc ngữ. Các tác phẩm như Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, Làm đĩ đều mang tính hiện thực, đi sâu vào những vấn đề nhức nhối của xã hội lúc bấy giờ.
Tấn bi hài kịch về nhân cách con người trong Giông tố
Tiểu thuyết Giông tố được ra mắt công chúng vào ngày đầu năm 1936 trên tuần san Hà nội báo, tuy nhiên khi đăng được mười kỳ thì đột nhiên bị chấm dứt. Người ta nói rằng tờ báo ấy dính “lùm xùm” với một vị “tai to mặt lớn” đương thời.
Hiển nhiên, trong xã hội bấy giờ nếu muốn đăng tiếp thì phải đổi tên, Giông tố sau đó sở hữu nhan đề mới Thị Mịch. Chỉ đến năm 1937, khi Nhà xuất bản Văn Thanh in tác phẩm thành sách thì mới lấy lại tên gốc là Giông tố.
Tác phẩm này được Vũ Trọng Phụng sáng tác trong bối cảnh Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, khi ấy chúng khủng bố và đàn áp người dân hết sức dã man. Mặc dù phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi nhưng liên tục hứng chịu thất bại.
Bối cảnh lịch sử ấy đã trở thành nguồn cảm hứng, tư liệu quý giá để tác giả phản ánh vào Giông tố một cách hết sức chân thực và sâu sắc. Một thời kỳ không chỉ khủng hoảng về kinh tế mà còn về giá trị lẫn nhân cách con người.
Trong bối cảnh thời đại ấy, thêm vào đó là khuôn phép đạo đức mà xã hội cũ để lại, người ta đã chê Vũ Trọng Phụng là “dâm ô”, gọi văn chương của văn sĩ họ Vũ là “dâm uế”. Mặc lòng cho người ta nói, Vũ Trọng Phụng cũng có lý lẽ riêng của mình.
Ông cho rằng “cái dâm tự nó không uế, nếu nó không loạn. Những thứ dâm đáng gọi là uế ấy là hiếp dâm, gian dâm và loạn luân. Nhà văn sĩ tả chân có quyền và có bổn phận tả những điều ấy, mặc dù đó là những thứ dâm uế tạp, nhơ bẩn”.
Giông tố của Vũ Trọng Phụng hệt như một vở kịch sống, có đầy đủ bi hài khi nói về sự suy đồi trong xã hội thực dân nửa phong kiến xưa. Ông đã phản ánh một xã hội mục nát, đểu giả và sự tha hóa nhân cách bằng ngòi bút đầy sắc sảo.
Câu chuyện điển hình về một xã hội vô nhân đạo
Một vụ hiếp dâm thô bạo có trả tiền đã mở đầu cho chuỗi bi kịch và giông tố kéo đến. Nghị Hách là một tên đại tư sản giàu có, phú gia địch quốc. Trong lúc chờ người sửa chữa cái xe bị hỏng, hắn đã làm ra chuyện “ép liễu nài hoa” với cô gái quê xinh đẹp tên Thị Mịch.
Sự việc ấy đã khiến Nghị Hách bị dân làng Quỳnh Thôn đem lên kiện quan lớn. Quan huyện Cúc Lâm là người tân học, hứa rằng nhất định sẽ lấy lại công bằng cho cô thôn nữ. Sự đời đâu ai ngờ, đồng tiền đã làm cho người ta khổ giờ lại càng thêm khốn đốn hơn.
Tên vô lại Nghị Hách đã cố gắng mua chuộc và thông đồng quan trên khiến quan huyện Cúc Lâm ngay thẳng phải từ chức. Chúng đe dọa Thị Mịch cùng dân làng khiến cuộc kiện tụng hoàn toàn thất bại khi cái lý còn chưa được đưa ra ánh sáng.
“Chúng mày muốn rút đơn ra hay chúng mày muốn ngồi tù nào?…Nào, thế lão đồ kia muốn xin bồi thường mấy trăm bạc thì để ông phê vào đây rồi ông đệ mẹ nó lên tỉnh cho chúng mày khốn khổ cả đi nào. Vô phúc thì đáo tụng đình đấy, các con ạ.” – Giông tố
Dù đã có người chồng sắp cưới là Long nhưng vì lỡ hoài thai với kẻ đã hiếp dâm mình nên Mịch đành phải lên xe hoa với Nghị Hách. Cô làm vợ lẽ của lão Nghị, sau bà chính thất và mười một nàng hầu của hắn ta.
Trớ trêu thay, dù đã làm vợ lẽ Nghị Hách nhưng Thị Mịch và Long vẫn lén lút ngoại tình với nhau. Từ đây, những tình tiết phức tạp bắt đầu xuất hiện và khiến các nhân vật dần nhận ra bi kịch của gia đình mình.
Bi kịch ấy đến từ chính những mối quan hệ huyết thống, bố thì đi cưỡng bức và lấy vợ chưa cưới của con về làm vợ lẽ, con trai lại thông dâm cùng hai người vợ nhỏ của bố. Về sau, hai anh em ruột Long và Tuyết lại trở thành vợ chồng, một sự thật quá sức tưởng tượng.
Chỉ với ba mươi chương cùng một đoạn kết, Giông tố lại trở nên đồ sộ, được xem là đại tác phẩm vì tính bao hàm và toàn thể. Cuốn tiểu thuyết đã trở thành sân khấu bi hài đan xen đủ mọi môi trường sống, đủ mọi hạng người, đủ mọi sự việc.
Giông tố chứa đựng một bức tranh hỗn loạn đầy “ung nhọt”
Bức tranh trong Giông tố hỗn loạn và nhung nhúc đủ mọi thể loại người, gồm cả thôn quê lẫn thành thị. Mỗi người một hoàn cảnh, từ cô thôn nữ bị bán làm lẽ cho nhà giàu, bà đồng bóng, ông đốc học đến tên du thủ du thực.
Theo giới phê bình văn học, Giông tố là một áng văn chương hiếm có về mức độ tập trung mọi sự xấu xa, tội lỗi và mục nát. Thông thường, các tác phẩm hiện thực thời bấy giờ chỉ lựa chọn một khía cạnh, một góc nhìn điển hình nào đó mà thôi.
Bức tranh xã hội mà Vũ Trọng Phụng vẽ ra dẫn bạn đọc từ thôn quê “xôi thịt” đến thành thị “bơ sữa”, từ chốn ăn chơi trụy lạc đến những cảnh xa hoa. Đầy đủ hạng người “thượng vàng hạ cám”, họ xuất hiện một cách chân thực và đầy sống động.
“Có người nói mỗi tác phẩm của Vũ Trọng Phụng là một quả bom ném vào xã hội cũ. Nhưng phải nói, quả bom Giông tố có sức công phá mãnh liệt hơn cả.” – Tạp chí Văn học, số 2-1990, tr. 31-36
Điển hình nhất cho bức tranh ấy là Nghị Hách, một tên địa chủ có “năm trăm mẫu đồn điền trong tỉnh nhà, có mỏ than ở Quảng Yên, ba chục nóc nhà Tây ở Hà Nội, bốn chục nóc nữa ở Hải Phòng. Cái ấp của hắn đồ sộ nhất tỉnh, đến dinh quan công sứ cũng không bằng”.
Tiểu sử của hắn cũng rất kỳ khôi khi xuất thân là ông cai thợ nề, sau khi sang bên Lào làm ăn đã trở về dưới bộ dạng của một người giàu có. Chẳng những vậy, hắn còn chuẩn bị ứng cử ghế Nghị trưởng và trên ve áo thì sắp có mề đay Bắc Đẩu Bội Tinh.
Cách làm giàu của hắn thì chẳng hề lương thiện khi “bỏ bã rượu vào ruộng lương dân rồi báo nhà đoan và chỉ bởi một thủ đoạn ấy đã tậu được ba trăm mẫu ruộng rất rẻ tiền, đánh chết người làm rồi vứt xác người ta xuống giếng, mà khai người ta tự tử…”.
Sau khi mô tả nhân cách đáng khinh bỉ của Nghị Hách, Vũ Trọng Phụng còn nhấn mạnh vào tính cách dâm đãng khi hết hiếp dâm vợ người đến hiếp dâm con gái tơ, rồi đem về nhà nuôi.
“Trong số mười một cô ấy, có tám cô gái quê một trăm phần trăm, và ba cô là gái giang hồ lượm lặt. Nếu chủ nhân mà ở nhà thì dù sao cũng phải sẵn có đàn bà để chủ nhân ông sai bảo việc vặt, hoặc ngứa mồm thì hôn một cái, ngứa tay thì sờ soạng một cái cấu véo một cái…” – Giông tố
Hắn còn cho hai đứa con mà bản thân biết rõ là con ruột lấy nhau, mượn luôn tình huống loạn luân này để đọc bài diễn văn “đầy xúc động” về tấm lòng “thương xót” đối với giai cấp bình dân. Thông qua Nghị Hách, độc giả thấy một nhân cách bất nhân đến mức đáng sợ.
“Thưa các bà, các cô, các ngài, đây là con gái tôi. Nó không lấy chồng quan, nó không lấy trạng sư, bác sĩ. Nó lấy một người chồng nhũn nhặn, một hột máu rơi của giai cấp lao khổ, một đại biểu của bình dân, là đứa trẻ vô thừa nhận này.” – Giông tố
Ngoài ra, còn nhiều cảnh “chướng tai gai mắt” trong xã hội ấy khi một bà nhà “tử tế” ngoài bốn mươi, chuyên môn nhảy đồng bóng và ăn nằm với anh cung văn, cô thiếu nữ tân thời hẹn hò với trai trong khách sạn.
“- Em đã nghĩ rồi, mình ạ. Ta thuê buồng ở một khách sạn tây thì không còn ai biết được nữa. Buổi chiều chúng ta sẽ ăn cơm tây với nhau. Rồi đêm nay anh lại chuyện trò với em cho đến mai thì em về Hải Phòng.” – Giông tố
Cả những tay cổ động Phật giáo lại đi xây hàng dãy nhà xâm, một ông quan thuộc địa “cáo già” dùng lời nói ngọt ngào, hành động khôn khéo để phỉnh dân, bóc lột dân cho dễ, một ông quan huyện chuyên bênh vực người có của.
Rồi cái xã hội ăn chơi trác táng trong một chầu hát xóm Khâm Thiên, gồm “toàn những thiếu niên trí thức, cử nhân, tú tài, giáo sư”, lăn lóc trong “một cuộc cuồng dâm dữ dội, một bữa dạ yến long trời lở đất”.
Dưới ngòi bút tả chân của văn sĩ Vũ Trọng Phụng, xã hội cũ đã hiện lên hết sức tồi tệ và đáng căm giận nhưng cũng thật là bi đát, đầy đau thương tủi nhục. Một thời kỳ mà con người trở nên tha hóa bởi nỗi khổ của kiếp dân đen thấp cổ, bé họng.
Bi kịch về sự tha hóa nhân cách
Số phận đổi thay khiến lòng người biến chất, cơn giông tố kéo đến kèm theo cả những bát nháo đảo điên. Chúng tạo thành một màn bi hài kịch, tô đậm sự tráo trở của con người và phần thối nát của xã hội.
Đồng tiền tạo một sức mạnh hắc ám thao túng hết thảy, tuy mọi người tỏ ra khinh bỉ nhưng lại không ai từ chối. Sự “thương luân bại lý” chẳng những đến từ tầng lớp tư sản, địa chủ mà còn hiển hiện trong các nhân vật tưởng chừng tốt đẹp, ngây thơ.
“Sau cùng, Long tìm ra được cái bả vật chất. Thật vậy, sự phù hoa giả dối của một xã hội chỉ trọng những cái bề ngoài, một nền luân lý ích kỷ, sự tín ngưỡng thế lực hoàng kim, cuộc cạnh tranh dữ dội đến hình thức đã làm hại tâm thuật người đời.” – Giông tố
Cô gái quê mùa Thị Mịch, chân lấm tay bùn, thậm chí từng tự tử vì nỗi nhục nhã sau cơn cưỡng hiếp. Vậy mà từ khi được gả làm lẽ nhà Nghị Hách, sống trong sung sướng, thị đã trở thành một người đàn bà suy nghĩ phức tạp và có tính cách dâm đãng.
“Sự thay đổi tâm tình của Mịch khiến Long phải ngạc nhiên một cách kinh khủng mãi cho đến bây giờ, Mịch đã đi từ một cô thôn nữ ngây thơ, hiền lành, chất phác, đến một thiếu phụ gian dâm, lãng mạn, xảo quyệt, đáng sợ.” – Giông tố
Ông bà đồ Uẩn là cha mẹ Thị Mịch, một nhà Nho gia giáo nề nếp. Sau vụ cưỡng dâm tủi nhục của con gái, ông bà chấp nhận để con làm lẽ Nghị Hách, được ăn trắng mặc trơn, mát mặt bằng đồng tiền mà ai cũng biết là nhục nhã.
“Bà sung sướng vì tưởng Mịch đã bị hại một đời, mà hóa ra sung sướng một đời. Cái con người quyền thế và giàu có nhất tỉnh, mà ai cũng phải sợ, mà ai cũng không kiện nổi, nay mai sẽ đem vài chục cái xe tu-bin về dạm hỏi con bà hẳn hoi. Rồi thì cả làng sẽ ngậm miệng hến.” – Giông tố
Anh chàng Long cũng là một nạn nhân khác của xã hội cũ. Từ kẻ chung tình, tử tế rồi cũng vì tình mà đau khổ, trở nên chơi bời, trác táng, thông dâm với hai vợ lẽ của bố, lấy em gái ruột làm vợ và cái kết xót xa là tự sát bên một gái giang hồ.
Cậu Tú Tạ Kim Anh, người thanh niên tuấn tú, vị tha, bác ái và có lý tưởng. Một người chuyên nói đạo lý cuối cùng lại trở thành nhân vật mang vẻ giả tạo nhất, y về sau là người gây ra nỗi cay đắng cho Thị Mịch và Long.
Hai người yêu nhau mà không đến được với nhau thì rất đau khổ, vậy mà Tú Anh lại trực tiếp gây ra điều đó cho Thị Mịch, để cô lấy người đã cưỡng hiếp mình làm chồng, gián tiếp khiến Long lấy chính em gái ruột của mình làm vợ.
Ngòi bút của nhà văn như bất lực, ông vốn là một cây bút chuyên viết về những xấu xa, thối nát, đểu giả trong xã hội, vậy nên thật khó để tả lại trọn vẹn những gì mà bản thân cho là cao thượng, đầy tốt đẹp.
“Người đọc nghiệm thấy nhân vật nào Vũ Trọng Phụng có cảm tình nhiều nhất thì y như rằng nhân vật ấy trở thành giả tạo nhất.” – Tác phẩm văn học, tập I, 1930-1945, NXB Khoa học xã hội, H., 1990
Điều này còn được thể hiện chân thực qua ông già Hải Vân và quan huyện Cúc Lâm. Một nhà Cách mạng tưởng chừng đáng kính lại đi ăn nằm với vợ bạn. Một quan huyện tân học có “óc bình dân” cuối cùng cũng chỉ đến làm tay sai đắc lực hơn cho thực dân Pháp mà thôi.
Nghệ thuật miêu tả linh hoạt và đầy sống động của Giông tố
Văn chương Vũ Trọng Phụng có một giá trị rõ nét, đó là đi sâu vào mặt trái của xã hội để phơi bày những bỉ ổi, xấu xa cho mọi người trông thấy. Ông thành thạo đến từng ngóc ngách tâm lí nhân vật, tái hiện nó một cách sinh động và đầy màu sắc.
Tình tiết nhiều chỗ ly kì, đột ngột khôn lường còn số phận thật trớ trêu. Cái nhìn của nhà văn là cái nhìn năng động để cảm nhận nhịp hối hả trong đời sống, để thấy một tấn “trò đời” oái oăm trong guồng máy xã hội lạnh lùng.
Suy nghĩ và thái độ mỗi nhân vật tuy khác nhau nhưng lại giống nhau về sự biến chuyển tâm lý, điều đó chứng tỏ ngòi bút linh hoạt của nhà văn. Không ai tốt đẹp một cách trọn vẹn và cũng chẳng ai giữ mãi nhân cách xấu xa.
Thị Mịch, một cô thôn nữ ngây ngô mà chỉ trong vòng vài tháng ngắn ngủi đã hóa ra một thiếu phụ dâm đãng, lẳng lơ, ngoại tình với bạn trai cũ và ngoại tình tư tưởng với bất cứ thanh niên qua đường nào mà thị cho là vừa mắt.
“Mịch lại mơ mộng đến những người lạ mặt, những người qua đường,… làm cho Mịch phải tưởng đến, để chạy theo một cái ảo tưởng mà luân lý ngăn cấm, để ngoại tình bằng tinh thần, làm một việc khoái lạc, mà người ngoài không biết được. – Giông tố
Long, chàng trai cương trực, ngay thẳng, chung tình nhưng cuối cùng vì vài lời giả dối của Tú Anh mà thành kẻ phụ tình, coi thường, khinh rẻ người yêu cũ. Sau cùng khi anh hiểu ra thì lại làm cái chuyện trái với luân thường đạo lý.
Ngay cả Nghị Hách, một kẻ xấu xa, một tên đại gian hùng mà cũng có lúc tử tế. Hắn chấp nhận lấy cô gái mà mình “hại đời” về làm vợ lẽ hẳn hoi, có lễ lạt tươm tất hậu hĩnh chứ không phải mua về làm nàng hầu bèo bọt.
Ngòi bút của Vũ Trọng Phụng đỉnh cao tới mức khiến độc giả như lạc vào mê cung giữa các cuộc đấu trí. Dù được chứng kiến toàn bộ quá trình chuyển biến thì cũng không thể nào đoán được kết quả, chính điều ấy làm cho Giông tố trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Bên cạnh việc khắc họa tâm lý linh hoạt, Vũ Trọng Phụng còn sắc sảo khi phân tích thành công suy nghĩ của nhân vật Mịch. Cô tủi nhục, không dám gặp mặt người yêu vì xấu hổ nhưng lại trở nên hằn học, có chút liều lĩnh khi bị Long nghi ngờ, rẻ rúng.
Nghệ thuật chấm phá, điểm nhãn cũng được nhà văn vận dụng thành công. Chỉ vài chi tiết đơn giản nhưng đã phơi ra ánh sáng sự móc ngoặc giữa bọn tư sản mại bản và bọn thực dân, phanh phui những thủ đoạn bịp bợm của cả một xã hội đã xuống cấp.
“Ngọn bút ấy thật là sắc sảo, nó tả như vẽ, chỉ vài ba nét người ta đã hình dung được những cảnh vật mà tác giả định tả với màu sắc linh động vô cùng” – Vũ Ngọc Phan
Cùng với Số đỏ, Giông tố quả là một kiệt tác khi bao quát được hiện thực trên một bình diện rộng lớn và đầy phức tạp. Nhiều địa bàn, mảng màu đời sống, tầng lớp xã hội, đủ loại người cùng đủ thứ chuyện trên đời.
Tuy thế, Vũ Trọng Phụng đã khá “cao tay” khi thâu tóm tất cả thành một cốt truyện liền mạch và chặt chẽ. Đôi chỗ tuy thừa thãi, ôm đồm nhiều chi tiết song tổng thể không bị ảnh hưởng, chúng tạo nên sự phong phú, dày dặn của đời sống xã hội được phản ánh.
Có một nhân vật đã được nhà văn xây dựng trên bút pháp lãng mạn chủ nghĩa, đó là ông già Hải Vân, còn gọi là Khóa Hiền. Đây chính là là người đại diện cho tư tưởng chính trị, nói lên ước mơ của Vũ Trọng Phụng.
Cách miêu tả về lý tưởng người cộng sản của ông thì chưa chính xác và đôi chỗ vô lý. Song khi đặt trong hoàn cảnh cụ thể thì không quá khó hiểu, Vũ Trọng Phụng chưa là đảng viên cộng sản, ông khó có thể hiểu đúng chủ nghĩa cộng sản và bản chất người cộng sản.
“Đại biểu cho giai cấp vô sản, ông già Hải Vân đã biết giác ngộ, đã biết để cái ”quốc tế” bao la trên cái quốc gia hẹp hòi. Và ông đã biết con đường hạnh phúc của giai cấp mình là trong sự tranh đấu.” – Nhà phê bình Xuân Sa, báo Nữ lưu (1937)
Ánh sáng của Cách mạng khi đó còn chưa soi rõ cho nhân dân lầm than nghèo khổ nhưng chí ít đã le lói, cho người ta quyền hi vọng về sự thay đổi. Họ mơ ước sẽ có một cơn giông tố vĩ đại quét sạch toàn bộ thế giới tàn bạo, thối nát này.
“Nhưng tư tưởng quốc gia của con vừa hẹp hòi, vừa bất đạt. Phân biệt biên thùy với nòi giống là đồ ngu xuẩn, con nên đổi quan niệm đi và nên coi những người Pháp nghèo khổ là bạn thân, và bọn trọc phú An Nam là kẻ tử thù.” – Vũ Trọng Phụng
Giông tố đã thành công trong việc dựng lên một điển hình bất hủ về tầng lớp đại tư sản thối nát đương thời. Tác phẩm của ông từng bị coi là áng văn suy đồi nhưng sau gần một thế kỷ, đây vẫn là cuốn sách xuất sắc trong nền văn học nước nhà.
Tiểu Mai
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất