Nhàn là một trong những nguồn cảm hứng quen thuộc trong nền thơ trung đại Việt Nam, nó đã trở thành triết lý sống đặc biệt mà người cư sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm theo đuổi suốt cuộc đời.
Triết lý sống nhàn là lối sống “lánh đục tìm trong”, thoát ly hiện thực nhiễu nhương để giữ mình trong sạch và di dưỡng tâm hồn. Phong cách sống này thường được bắt gặp ở nhiều nhà nho ẩn dật.
Người nho sĩ đại tài của dân tộc
Nguyễn Bỉnh Khiêm hiệu Bạch Vân Cư Sĩ, ông là một trong những nhân vật lớn có tầm ảnh hưởng quan trọng tới lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam ở thế kỷ mười sáu.
Nhà thơ đậu trạng nguyên năm 1535 rồi làm quan dưới triều nhà Mạc nhưng vốn là vị quan thanh minh, có nhân cách trong sạch nên khi bị từ chối sớ vạch tội và xin chém đầu mười tám lộng thần, ông bèn cáo quan về quê.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sống trọn cuộc đời trong thế kỷ mười sáu đầy biến động, khi chế độ phong kiến Việt Nam bắt đầu mục ruỗng với hai cuộc nội chiến kéo dài gồm Lê – Mạc xưng hùng, Trịnh – Nguyễn phân tranh.
Đối diện với tình hình đó, nhà thơ chọn lối sống ở ẩn, về quê làm nghề dạy học. Học trò của ông có nhiều người nổi tiếng nên Nguyễn Bỉnh Khiêm còn được người đời suy tôn là Tuyết Giang Phu Tử, người thầy sông Tuyết.
Quyết định cáo quan của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thể hiện rõ nét nhân cách thanh cao và bản lĩnh cứng cỏi, không bao giờ chịu thỏa hiệp với cái xấu, cái ác của ông.
Tuy đã lui về quê nhà nhưng với trí tuệ sáng suốt và học vấn uyên thâm, bậc đại ẩn Bạch Vân sĩ vẫn luôn được vua Mạc cũng như các chúa Trịnh, Nguyễn hỏi ý kiến mỗi khi có việc hệ trọng.
Không những vậy, Trạng Trình còn được biết đến là một nhà thơ lớn của dân tộc với tập thơ chữ Hán Bạch Vân am thi tập và tập thơ chữ Nôm Bạch Vân quốc ngữ thi.
Khi chế độ phong kiến bắt đầu dấu hiệu suy tàn, thơ ông vừa vạch trần những thế lực xấu xa trong xã hội, vừa đề cao nhiều giá trị đạo lí tốt đẹp và thú thanh nhàn.
Nhàn là bài thơ thể hiện rõ nét lối sống cao đẹp của bậc đại nho
Nhàn là bài số 73 trong tổng số 170 bài thuộc tập Bạch Vân quốc ngữ thi, được sáng tác trong giai đoạn nhà thơ lui về ở ẩn tại quê nhà và hưởng thụ cuộc sống thuần nông thanh nhàn.
Trước nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, đã có rất nhiều tác giả trung đại viết chủ đề nhàn như “đại thi hào dân tộc” Nguyễn Du hay Nguyễn Trãi, người luôn mang một nỗi niềm trăn trở thế sự.
Tuy nhiên, chỉ khi người đọc đến với Nhàn, những quan điểm và triết lý về lối sống này mới được thể hiện một cách rõ ràng, có hệ thống.
Nhàn gắn liền với cuộc sống thuần nông đạm bạc
Kể từ khi quyết định rút khỏi chốn quan trường loạn lạc, nhà thơ đã hiện lên như một lão nông tri điền thực thụ, cứ thế vui thú giữa thiên nhiên đất trời.
“Một mai, một quốc, một cần câu.”
Điệp số từ “Một…một…một” được tác giả sử dụng đã cho thấy sự thích chí, tâm trạng hồ hởi của chủ thể trữ tình khi bắt tay vào làm công việc nhà nông thuần túy.
Tuy chỉ sống một mình nơi làng quê nhưng với nhịp ngắt 2/2/3 đều đặn, chậm rãi, độc giả không hề thấy sự cô đơn và trống vắng của người làm thơ mà lại cảm nhận được niềm vui thích khi ông tự do khuây khỏa giữa thiên nhiên.
Phép liệt kê ba dụng cụ gắn với công việc nhà nông gồm mai, quốc, cần câu đã phác họa rõ nét cuộc sống đơn sơ nơi làng quê của bậc đại ẩn sĩ. Nhà thơ không còn là vị quan đầu triều mà trở thành một lão nông thực thụ.
Những vật dụng lao động quen thuộc của người nông dân đối với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm bây giờ trở thành biểu tượng cho cuộc sống thanh nhàn, không vướng bận lo phiền và toan tính.
Khi nhà thơ chọn lối sống nhàn cũng chính là lúc ông quyết định từ bỏ danh quyền, địa vị chốn quan trường hỗn loạn mà tận hưởng thú vui cao quý, bắt nguồn từ cuộc sống “ngư, tiều, canh, mục” đậm chất dân dã.
Là nhà nho ở ẩn nhưng Trạng Trình lại không tách rời tư tưởng thân dân mà vẫn luôn hướng về người dân, qua đó nhìn thấy những vẻ đẹp và triết lý nhân sinh sâu sắc trong cuộc sống đời thường dân dã.
“Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.”
Thông thường, tính từ “thơ thẩn” để chỉ kiểu người sống mơ hồ, xa rời thực tế nhưng với biện pháp đảo ngữ “thơ thẩn” lên đầu câu thơ, tác giả đã nhấn mạnh phong cách ung dung và trạng thái thảnh thơi của bậc kẻ sĩ.
Cái “thơ thẩn” đó của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là tâm thế của một con người vô tư, không vướng bận. Ông tự cho mình là đã xa lánh cõi trần đầy rẫy những toan tính bon chen mà sống thảnh thơi, thư thái.
Hơn thế, phép đối lập ngầm giữa “thơ thẩn” và “ai vui thú nào” nói lên sự lựa chọn đầy bản lĩnh của nhà thơ khi tự tách mình, đi ngược lại đám đông để sống một cuộc đời khác biệt.
“Ai vui thú nào” là sự ham muốn của đa số mọi người về tiền bạc, quan trường hay địa vị xã hội nhưng với bậc đại ẩn Bạch Vân cư sĩ, ông lại tỏ thái độ dửng dưng và không quan tâm “dầu ai”.
Câu thơ như lời khẳng định chắc chắn của một kẻ sĩ có sự dứt khoát, ngông ngạo về phương châm sống nhàn mà mình lựa chọn theo đuổi cả cuộc đời.
Triết lý sống nhàn là lựa chọn tránh xa chốn quan trường hỗn loạn
Nối tiếp mạch tư tưởng hai câu thơ đầu, hai câu thực lại tiếp tục khẳng định vẻ đẹp của lối sống nhàn qua cái nhìn khác người của bậc đại ẩn sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm về cái dại, cái khôn ở đời.
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao.”
Phép đối cực chuẩn đã tạo nên hai đối cực, một bên nhà thơ xưng “ta” đầy ngạo nghễ cho thấy ý thức về cái tôi cá nhân riêng biệt, một bên là “người” với ý chỉ đám đông người đời ngoài kia.
Cặp đại từ nhân xưng “ta – người” được sử dụng trong thơ còn cho thấy một cá tính mạnh mẽ của bậc ẩn sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm khi không chỉ tách mình ra khỏi đám đông mà còn đứng trên đám đông, tự xác lập cái tôi khác biệt.
Sự khác biệt lớn nhất được nhà thơ xác lập giữa cá tính đặc biệt với người đời nằm ở thái cực đối lập trong không gian sống, đó là “nơi vắng vẻ” và “chốn lao xao”.
Nếu “nơi vắng vẻ” chỉ chốn ở ẩn hoang sơ, có thiên nhiên đất trời bầu bạn đồng thời là nơi con người không cần luồn cúi, bon chen mà được tự do tự tại hưởng thụ cuộc sống thì “chốn lao xao” lại hoàn toàn đối lập.
Đó là chốn công danh cửa quyền, đầy rẫy những mối quan hệ hỗn loạn và xảo quyệt. Nơi này luôn ở trong trạng thái “lao xao” bất định khi người với người dẫm đạp lên nhau để giành giật quyền lợi.
“Tại triều tác tranh danh, tại thị tác tranh lợi.”
Dịch nghĩa:
“Ở triều đình thì tranh nhau cái danh, ở chợ búa thì giành nhau cái lợi.” – Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trung Tân quán bi ký)
Nếu trong bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi, “lao xao” xuất hiện ở câu thơ “Lao xao chợ cá làng ngư phủ” gợi lên âm thanh của cuộc sống ấm no thì trong Nhàn, “lao xao” lại để chỉ môi trường sống hỗn tạp và nhơ nhớp.
Hơn thế, hai câu thơ còn nhấn mạnh sự đối lập giữa sống “dại” và “khôn”. Nhà thơ sử dụng cách nói mang sắc thái giễu cợt, hóm hỉnh để nói về cái nhìn thông thường của người đời về quan niệm trên.
Với số đông dân chúng, việc tranh giành tiền tài, danh vọng và địa vị xã hội nơi chốn quan trường nhộn nhịp là “khôn”, kẻ đang nắm trong tay tất cả bỗng từ bỏ để về quê làm ẩn sĩ, sống cuộc đời đạm bạc lại là điều dại dột.
Thế nhưng, người có trí tuệ uyên thâm và nhân cách thanh cao như bậc đại ẩn Bạch Vân cư sĩ đã ngầm thiết lập một quan niệm mới về “khôn” và “dại” của riêng mình.
“Khôn mà khôn độc là khôn dại
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn.”
Nếu “khôn” chỉ để có được lợi lộc, công danh mà hủy hoại nhân cách và giá trị bản thân thì với nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, đó là “khôn dại”. Bởi lẽ, mất đi chính mình đồng nghĩa với việc mất đi thứ quý giá nhất.
Nếu “dại” mà từ bỏ con đường quan liêu, danh lợi và địa vị xã hội để đổi lấy thời gian tu dưỡng tinh thần, nâng cấp giá trị con người mình thì đó thật ra là “dại khôn”.
Nhiều độc giả nhận thấy ẩn sau cách nói ngược hóm hỉnh này là một cái nhếch môi lặng lẽ mà đầy thâm thúy của bậc hiền triết, người sớm nhìn thấu mọi biến dịch trong thiên hạ.
“Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp.”
Dịch nghĩa:
“Kẻ tài trí giả ngu dốt, kẻ dũng mãnh giả như khiếp sợ.”
Những con người sở hữu trí tuệ thâm sâu thường không thích khoe khoang mà rất khiêm tốn, luôn chịu thiệt thòi và tỏ vẻ dại dột nhưng thực chất đó là cả một bản lĩnh, nhân cách lớn.
Hình ảnh bậc đại trí Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện lên trong hai câu thơ cũng như vậy. Ông đã chứng tỏ vị trí của một con người có chỗ đứng cao hơn và đối lập với đám đông người đời, vốn đang mờ mắt giữa phù hoa chốn bụi trần.
“Dặm hồng trần biếng lại nhàn.” Nguyễn Bỉnh Khiêm (Bài 13)
Khác với lối nói ngược của Khuất Nguyên thời xưa rằng “Người đời tỉnh cả, một mình ta say” đầy u uất. Nhà thơ đã cười vào thói đời bằng tư thế của bậc chính nhân quân tử “dầu ai” tìm đến “chốn lao xao”.
Nhàn là thuận theo lẽ tự nhiên và tận hưởng thú vui dân dã
Nếu hai câu thơ đầu, triết lý sống nhàn của bậc đại sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm được thể hiện qua cuộc sống ở làng quê nghèo với “một mai, một cuốc, một cần câu” thì tới hai câu luận, nhàn là việc tận hưởng những thú vui dân dã đó.
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.”
Phép đối tương hỗ đã đặt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông trong một dòng chảy thời gian, vẽ nên bức tranh tứ bình đầy màu sắc. Nó khắc rõ tâm thế nhàn của nhà thơ, ông không chỉ tận hưởng trong giới hạn nhất định mà là suốt bốn mùa.
Sản vật đất Bắc cùng thói quen sinh hoạt “xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao” được thể hiện qua hai câu thơ tuy không phải thú vui tao nhã nhưng lại mang đậm nét thi vị của quê nhà, nó là thứ khiến bậc đại ẩn sĩ thực sự cảm thấy thích thú.
Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết về thức ăn, thức uống hằng ngày qua hình ảnh “thu ăn măng trúc, đông ăn giá”. Đó là những thứ cực kì đơn sơ nhưng lúc nào cũng có sẵn từng mùa, chẳng phải nhọc công tìm kiếm.
Mặc dù thể hiện triết lý “cầu đạo bất cầu thực” nhưng với hai hình ảnh măng trúc và giá, bậc đại ẩn Bạch Vân cư sĩ cho thấy ông không “ép xác khổ hạnh” hay triệt tiêu nhu cầu căn bản của bản thân.
Khác với lối sống đắm mình trong bụi phù hoa chốn quan trường, nhà thơ trở về với thiên nhiên thanh bình, cứ thế thụ hưởng tháng ngày tự tại ở quê nhà dân dã.
Không chỉ nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhiều độc giả còn được thấy lối sống tránh xa công danh cửa quyền, lui về quê nhà và gần gũi với thiên nhiên của danh nhân Nguyễn Trãi.
“Quê cũ nhà ta thiếu của nào,
Rau trong nồi, cá trong ao.” – Nguyễn Trãi (Mạn thuật bài 13)
Điểm chung giữa hai bậc đại tài Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Trãi là tấm lòng yêu thiên nhiên tha thiết cùng nhân cách thanh cao, trong sạch, không hổ thẹn với lòng.
Tuy nhiên, cuộc sống bình dị mà cả hai ẩn sĩ theo đuổi là lựa chọn hoàn toàn ở thế chủ động, nó không phải xuất phát từ tác động ngoại cảnh mà nhiều độc giả từng bắt gặp trong thơ Nguyễn Công Trứ.
“Số khá, bĩ thời lại thái
Cơ thường, đông hết hẳn sang xuân.” – Nguyễn Công Trứ (Vịnh cảnh nghèo)
Quan niệm về chữ “nhàn” của bậc hiền triết Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ giới hạn trong cuộc sống thôn quê dân dã, nó còn mở rộng thành thái độ sống hòa hợp với thiên nhiên bằng tấm lòng trong sạch vô ngần.
Sống nhàn gắn với việc xem phú quý tựa chiêm bao
Chỉ khi đến với hai câu thơ cuối, nhãn quan tinh tường và trí tuệ uyên thâm của nhà thơ mới bộc lộ trực tiếp. Ông tìm đến cái “say” để “tỉnh”, tìm đến rượu để nhìn đời bằng cặp mắt tinh tường.
“Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tự chiêm bao.”
Với nhịp ngắt 1/3/3 chậm rãi, bậc đại ẩn Bạch Vân cư sĩ đã thể hiện tâm thế ung dung, tự tại khi tìm đến thú vui tiêu dao lấy rượu làm tri âm, lấy nhàn tâm làm lẽ sống.
Hơn thế, tác giả còn vận dụng sáng tạo điển tích về vị vua Thuần Vu Phần qua cách so sánh phú quý như một “giấc chiêm bao”, biểu lộ rõ quan niệm của ông về chữ “nhàn”.
Tương truyền, vua Thuần Vu Phần uống rượu rồi ngủ say dưới gốc cây hòe, mơ thấy mình sống trong vinh hoa phú quý ở Đại Hòe An quốc nhưng khi tỉnh dậy, ông thấy mình nằm trơ dưới gốc cây hòe và bên cạnh chỉ có một tổ kiến.
Công danh, phú quý cũng như giấc mơ của vị vua ấy. Đó là khao khát mà đa số người đời theo đuổi nhưng với riêng tác giả, ông lại coi thường những thứ “sáng bóng” như vậy.
Qua phép so sánh “phú quý tựa chiêm bao”, nhà thơ khắc họa rõ nét sự hư vô và phù du chốn cửa quyền. Ông xem đó như cuộc sống của những kẻ đầy âm mưu, chỉ tìm cách giẫm đạp lên nhau mà tranh giành quyền lực.
Bậc đại ẩn sĩ sẵn sàng nhấc chén rượu dưới bóng mát cội cây, nhìn đời với tư thế ngạo nghễ, xem thường lợi lộc. Ông uống rượu nhưng không mơ về cuộc sống vinh hoa mà để nhìn nó với sự khinh thường.
Từ “nhìn xem” đã thể hiện rõ nét thái độ ngạo nghễ đó của tác giả. Nhà thơ như người khách qua đường mà đứng ngoài guồng quay cuộc đời, nhìn vạn vật biến thiên bằng con mắt bình thản.
Qua hai câu thơ cuối, Trạng Trình hiện lên là người có trí tuệ sáng suốt khi nhận ra phú quý chỉ tựa chiêm bao. Chính trí tuệ uyên thâm đó đã nâng cao nhân cách và làm rõ cá tính bên trong ông.
Tư tưởng xem phú quý, công danh tựa phù du không chỉ xuất hiện trong thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm mà còn là triết lý chung của nhiều nhà nho ngay thẳng, bao gồm Nguyễn Trãi.
“Phú quý treo sương ngọn cỏ,
Công danh gửi kiến cành hòe.”
Tuy nhiên, chữ “nhàn” của bậc hiền triết Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là lối sống “độc thiện kì thân”, chỉ lo cho riêng mình. Dẫu vui thú chốn điền viên, ông vẫn luôn mang trong mình nỗi tiên ưu với đời và cuộc sống nhân dân.
“Lão lai vị ngải tiên ưu chí
Đắc, táng, cùng, thông khởi ngã ưu.”
Dịch nghĩa:
“Tấm lòng tiên ưu đến già chưa thôi
Cùng, thông, được, mất ta đâu có lo cho riêng mình.”
Khi chế độ phong kiến bước vào thời kì khủng hoảng, đạo đức xã hội suy vi thì việc sống nhàn như bậc hiền triết Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là một cách để bảo vệ nhân phẩm, giữ mình trong sạch giữa bụi đời.
Bạch Dương
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất