Được mệnh danh là “nhà viết truyện cổ tích lừng danh”, Andersen đã để lại cho đời nhiều tác phẩm văn học quý báu. Tác phẩm của ông không đơn giản là những câu chuyện viết cho thiếu nhi mà còn được viết cho “đứa trẻ” bên trong mỗi người.
Bắt đầu sáng tác từ năm 1835, Andersen đã bộc lộ tài năng qua những câu chuyện cổ tích như Nàng tiên cá, Chú lính chì dũng cảm, Bà chúa tuyết, Cô bé bán diêm, chúng hiện được dịch ra hơn chín mươi ngôn ngữ trên toàn thế giới.
Trong đó, Cô bé bán diêm để lại nhiều ấn tượng cho độc giả, tác phẩm được ví như khúc hát ấm áp, trong ngần giữa cái rét buốt của đêm giao thừa. Bằng trái tim ấm áp và ngòi bút sắc sảo, Andersen đã mang đến những thông điệp đầy sâu sắc.
Đôi nét về “nhà viết truyện cổ tích lừng danh” Andersen
Andersen tên thật là Hans Christian Andersen, ông sinh năm 1805 tại thành phố Odense, Đan Mạch. Trong tâm thức nhà văn, Odense giống như xứ sở thần tiên, nơi ươm mầm cho hạt giống lãng mạn trong những sáng tác sau này của ông.
“Là một đất nước nên thơ, có rất nhiều cổ tích thần thoại phương Bắc, nhiều tập tục, nhiều điệu hát. Những rừng sến um tùm, những cánh đồng cỏ và đồng lúa mì phì nhiêu phủ kín các mặt đảo.” – Andersen ca tụng về mảnh đất nơi ông sinh ra với những lời lẽ đẹp đẽ nhất.
Không được may mắn như những đứa trẻ đồng trang lứa, Andersen đã có tuổi thơ đầy khó khăn, thiếu thốn khi sinh ra trong một gia đình nghèo khó, người cha là thợ đánh giày qua đời khi ông mới mười một tuổi.
Sau khi chồng qua đời, mẹ Andersen phải đi làm thợ giặt để nuôi ông cùng cô em gái. Nhà văn kiệt xuất đã học văn hóa ở trường dành cho con nhà nghèo, tuy nhiên ông đã bộc lộ tài năng thiên bẩm ở chính nơi đây.
Khi ấy, cậu thiếu niên Andersen thường say sưa kể cho bạn bè những câu chuyện bản thân tự nghĩ ra, còn mình thì xuất hiện như nhân vật chính. Chính sở thích này trở thành hạt giống ươm mầm cho sự nghiệp viết truyện vĩ đại về sau của ông.
Năm mười bốn, Andersen rời quê hương và lên thủ đô Copenhagen để bắt đầu sự nghiệp. Đứng trước cuộc sống mưu sinh vất vả tại thành phố lớn, ông đã thử qua nhiều nghề khác nhau.
Ít ai biết, nhà văn nổi tiếng từng là diễn viên thuộc Nhà hát hoàng gia Đan Mạch nhưng trớ trêu thay lại bị vỡ giọng. Sự kiện này khiến ông quyết định chuyển hướng sang công việc sáng tác, đưa cuộc đời bước sang một trang mới.
Cô bé bán diêm xuất bản năm 1948, tác phẩm được in trong cuốn Nye Eventyr (Những truyện cổ tích mới). Thiên truyện thể hiện niềm thương cảm của Andersen trước những số phận bất hạnh, đồng thời lên án sự vô tâm của con người trong thời đại.
Cô bé bán diêm là câu chuyện cổ tích giữa thực tại khó khăn
Mở đầu câu chuyện, Andersen không vẽ ra thế giới cổ tích với những bà tiên, ông bụt hay phép màu kì diệu của chốn thần tiên mà đưa người đọc về với thực tại của cuộc sống.
“Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra” – Andersen
Câu chuyện lấy bối cảnh đêm giao thừa, khi mọi người tất bật chuẩn bị mọi thứ để chào đón năm mới, quây quần trong ánh lửa ấm áp của lò sưởi. Ở đâu đó, vẫn có một em bé đi chân trần và dò dẫm bán từng que diêm.
Xuyên suốt câu chuyện, cô bé là nhân vật chính nhưng em không có lấy một cái tên, cũng chẳng có một bức họa rõ ràng. Bởi lẽ trong thời đại ấy, cô bé chính là đại diện của muôn ngàn kiếp nhân sinh tội nghiệp không tên.
Andersen đã xây dựng nên một nhân vật vô cùng đáng thương, em bán từng que diêm nhỏ trong đêm đông nhưng chẳng ai chú ý đến, cũng chẳng thể về nhà bởi không còn đó người bà dịu hiền chờ đợi.
“Vả lại ở nhà cũng rét thế thôi. Cha con em ở trên gác, sát mái nhà và, mặc dầu đã nhét giẻ rách vào các kẽ hở trên vách, gió vẫn thổi rít vào trong nhà. Lúc này đôi bàn tay em đã cứng đờ ra.”
Người chờ đợi duy nhất lại là cha ruột, tuy nhiên ông sẵn sàng hành hạ cô bé nếu không bán được diêm hay xin được tiền bố thí từ người qua đường. Trong ngôi nhà ấy, cái lạnh vẫn bám riết lấy em trong từng cơn gió rít.
Khát vọng về một mái ấm rực cháy theo từng que diêm
Truyện cổ Andersen chạm đến trái tim độc giả không chỉ bởi những hình ảnh lung linh, huyền ảo mà còn ở nội dung mang triết lý sâu sắc. Trong cái lạnh đêm đông, tâm hồn ấy vẫn khát khao, mơ ước về một niềm hạnh phúc bình dị.
Sống trong cái khổ, con người ta dễ làm những điều mình chưa bao giờ nghĩ tới. Là người đi bán sự ấm áp nhưng chưa bao giờ em bé tội nghiệp ấy có riêng một ánh lửa cho mình. Cũng vì giá lạnh, em đã liều mình quẹt thử mấy que diêm trên tay.
Que diêm đầu tiên vụt sáng quanh que gỗ, ánh sáng và hơi ấm làm cô bé tưởng như đang ngồi trước một lò sưởi. Nó không chỉ sưởi ấm mà còn nhen nhóm lên những ước muốn giản đơn hệt bao đứa trẻ khác.
Khi que diêm thứ hai được quẹt, nó mang đến cho em bàn ăn thịnh soạn, thậm chí cả một con ngỗng quay. Con ngỗng ấy nhảy ra khỏi dĩa và mang cả dao ăn, phóng sết cắm trên lưng tiến về phía cô bé.
Thế rồi diêm lại tắt, giờ đây không còn những mộng mị đẹp đẽ mà thay vào đó là một sự thật phũ phàng, có phần đau xót.
“Thực tế đã thay thế cho mộng mị: chẳng có bàn ăn thịnh soạn nào cả, mà chỉ có phố xá vắng teo, lạnh buốt, tuyết phủ trắng xoá, gió bấc vi vu và mấy ngừơi khách qua đường quần áo ấm áp vội vã đi đến những nơi hẹn hò, hoàn toàn lãnh đạm với cảnh nghèo khổ của em bé bán diêm.”
Đến que diêm thứ ba, một cây thông Noel xuất hiện và được trang trí vô cùng lộng lẫy. Khi em đưa bàn tay về phía cây thì diêm vụt tắt, hiện thực nghiệt ngã đã quay trở lại với cô bé.
Những ước muốn cứ thế hiện mình trong ngọn lửa nhỏ từ que diêm, chúng lớn dần và cuối cùng là khát khao mãnh liệt nhất. Lần này, hình ảnh người bà đã khuất hiện lên, mang đến niềm ấm áp nơi người yêu thương em nhất trên đời.
Để níu giữ hình ảnh ấy, em đánh liều quẹt hết số diêm còn lại. Chúng nối nhau thắp sáng một vùng, thắp sáng trái tim tưởng như chai sạn của em. Trong ánh sáng lung linh ấy, em đã cùng bà bay vụt lên cao, chẳng còn cơn rét hay nỗi buồn nào bám lấy được nữa.
Khi ánh lửa que diêm được thắp lên, nó nhen nhóm trong lòng em bé những ước muốn về hạnh phúc giản đơn. Khoảnh khắc em dùng hết số diêm còn lại cũng là khoảnh khắc tạm biệt những cơn rét, những nỗi đau để đến nơi hạnh phúc hơn.
Hình ảnh tương phản và ý nghĩa nghệ thuật trong Cô bé bán diêm
Tác phẩm không chỉ gây thương nhớ bằng cái phách điệu luyến thương với những chi tiết đầy cảm động mà còn khiến người đọc phải ngẫm nghĩ về hình ảnh tương phản mang đầy giá trị nghệ thuật.
Nếu như Thạch Lam trong Hai đứa trẻ đã cho thấy sự đối lập gay gắt giữa ánh sáng và bóng tối, quá khứ và hiện tại để khắc họa rõ nét cuộc sống tù túng của con người nơi phố huyện thì ở tác phẩm này, Andersen cũng tạo nên sự đối lập tương tự.
Những sự đối lập xuất hiện xuyên suốt tác phẩm với tần suất dày đặc. Nó không chỉ phản ánh thực tại đau khổ của cô bé mà còn thể hiện sự cảm thông sâu sắc của tác giả.
Khi em phải dò dẫm bán diêm trong đêm giao thừa với chiếc đầu trần và chân không giày thì mọi người trên phố lại rảo bước rất nhanh, dường như ai cũng đang hấp tấp tìm về mái ấm riêng mà quên mất những mảnh đời bất hạnh quanh mình.
Sự tương phản ấy còn được thể hiện qua việc em lang thang trên đường, tóc bết tuyết trong khi cửa sổ mọi nhà đều sáng rực, ngập tràn niềm vui và sự ấm áp hay giữa lúc bản thân phải chịu đói khát thì cả dãy phố sực nức mùi ngỗng quay.
Sự tương phản không chỉ được Andersen tô vẽ qua cái lạnh từ thời tiết bên ngoài, không khí ấm áp bên trong mỗi nhà mà còn là sự thiếu thốn về mặt vật chất trước cái đủ đầy của những con người xung quanh.
Nó bộc lộ một cách rõ ràng nhất, đau đớn nhất qua cái chết của em và sự hờ hững đến vô tâm của mọi người.
“Ngày mồng một đầu năm hiện lên trên tử thi em bé ngồi giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhẵn. Mọi người bảo nhau: “Chắc nó muốn sưởi cho ấm!.” Nhưng chẳng ai biết những cái kỳ diệu em đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm.”
Việc hình ảnh được xây dựng một cách đối lập tuy thể hiện hoàn cảnh khốn khó, tội nghiệp của cô bé một cách trần trụi nhưng cũng cho thấy niềm tiếc thương, tấm lòng cảm thông mà tác giả dành cho những con người bé nhỏ nơi xã hội đương thời.
Cô bé bán diêm là sự lên án gay gắt xã hội đương thời
Là câu chuyện dành cho tuổi bé thơ nhưng Andersen không tô hồng hiện thực mà vẽ nên một thế giới chỉ toàn phép thuật kỳ diệu của những bà tiên. Ngược lại, ông để ngòi bút thâm nhập vào sâu bên trong lớp vỉa cuộc đời, qua đó khám phá từng góc khuất của cuộc sống.
Cô bé bán diêm là câu chuyện có thật, nhà văn vô tình gặp được lúc em từ giã cõi đời và bằng tấm lòng của người nghệ sĩ, vốn nặng lòng với con người và cuộc đời, ông đã “thai nghén” nên tác phẩm trên.
Cái sự lạnh lẽo trong tác phẩm không chỉ xuất phát từ băng tuyết đêm giao thừa mà còn ở sự nguội lạnh của những con người nơi thời đại cũ. Họ đã đánh mất lòng trắc ẩn, cảm thông với đồng loại mà Chúa đã ban cho.
Chính vì thế, họ chỉ tin vào những điều bản thân chứng kiến như một cô bé nằm lại bên bao diêm rỗng, người đơn giản là muốn sưởi ấm mà không được thấy khung cảnh đẹp đẽ, huy hoàng đêm trước.
Câu chuyện là lời buộc tội đanh thép, nhà văn qua đó lên án sự vô tâm đầy rẫy trong xã hội đương thời. Họ bận nghĩ cho bản thân mà quên mất ngoài kia vẫn còn nhiều hình hài tội nghiệp, những phận đời kém may mắn đang chật vật để được sống.
Andersen ghi dấu lòng trắc ẩn trong từng trang viết
Khi một tác phẩm ra đời cũng chính là lúc người nghệ sĩ hoàn thành chức trách cao cả của người cầm bút, ấy chính là nâng đỡ những điều tốt đẹp, đưa con người đến với bến bờ của Chân – Thiện – Mỹ.
Câu chuyện về cô bé bán diêm không có hậu như nhiều tác phẩm cổ tích khác. Thế nhưng, đây không hẳn là một câu chuyện buồn bởi lẽ Nam Cao từng viết “Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn, nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”.
Là người theo Đạo Cơ Đốc, Andersen luôn tin rằng ai sống lương thiện, hiền hậu sẽ được Chúa đón lên thiên đàng. Vì thế, dẫu cô bé bán diêm đã trải qua nhiều nghịch cảnh nhưng đến cuối, em vẫn có niềm hạnh phúc của riêng mình khi bước đến một thế giới mới, nơi chỉ có tình yêu thương và sự bác ái.
Hằn sâu trên trang giấy là sự cảm thông, tác giả đã thổi hồn vào từng chi tiết, mang cả trái tim đi sâu vào câu chuyện để có thể thấu hiểu những ước nguyện dù là giản đơn nhất của cô bé.
Đâu đó trong cái lạnh mùa đông và sự vô tâm đến từ đám đông, vẫn có một người lặng nhìn nụ cười của em bé, đồng cảm với nỗi đau em đã gánh chịu. Đó chính là Andersen, người luôn động lòng trắc ẩn với những số kiếp cơ cực.
Nghệ thuật kể chuyện tài ba của nhà viết truyện cổ tích lừng danh
Nhắc đến sự thành công của truyện cổ Andersen là nhắc đến nghệ thuật kể chuyện tài ba. Nếu câu chuyện là cả đại dương thì cách kể chuyện khéo léo từ ông được ví như những con thuyền nhỏ, đưa người đọc đi sâu vào mạch truyện.
Andersen đã kết hợp khả năng kể chuyện đầy tự nhiên, trí tưởng tượng dồi dào để đưa trẻ thơ đến với một vùng đất đậm màu cổ tích nhưng vẫn truyền tải được quan điểm nhân sinh tiến bộ.
Đó chính là thanh nam châm thu hút độc giả của truyện cổ Andersen, không chỉ cho trẻ em mà còn cho mọi lứa tuổi. Dù ở thế hệ nào, họ cũng sẽ tìm thấy bài học cuộc sống lẫn triết lý nhân sinh được lồng ghép tỉ mỉ trong từng câu chữ.
“Trong mỗi truyện cổ tích cho trẻ em của Andersen còn có một truyện cổ tích khác mà chỉ người lớn mới có thể tìm hiểu hết ý nghĩa của nó.” – Pauxtopxki
Không chỉ sử dụng bút pháp lãng mạn, Andersen còn xen kẽ yếu tố hiện thực và trào lộng trong hầu hết sáng tác. Chính vì vậy, cuộc sống trong những câu chuyện ông viết ra là tấm gương phản ánh hiện thực đầy sinh động.
Mỗi cảnh vật, nhân vật đều được ông chắt chiu từ cuộc đời trước khi ban cho chúng hình hài riêng, cuộc sống riêng từ trí tưởng tượng phong phú. Truyện của ông giàu chất thơ, chất nhạc nhưng cũng không kém phần duyên dáng và hài hước.
“Trí tưởng tượng khoáng đạt thâu tóm trong cuộc sống quanh ta ở hàng trăm tiểu tiết và tập hợp chúng lại trong những câu chuyện thông minh.” – Pauxtopxki
Lựa chọn ngôi kể thứ ba nhưng góc nhìn của Andersen lại đa diện và có chiều sâu hơn. Đôi lúc, độc giả như đang đọc những suy nghĩ, ước muốn, lời khiển trách của Andersen trong chính em bé của tác phẩm Cô bé bán diêm.
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất