Tên tuổi nhà văn Andersen vang danh với các câu chuyện cổ tích kinh điển như Cô bé bán diêm, Vịt con xấu xí, Nàng tiên cá đã gắn liền với tuổi thơ của trẻ em trên toàn thế giới.
Thời gian đầu, hầu hết các sáng tác này không được biết đến ngoài Đan Mạch. Tuy nhiên, chúng giờ đây nằm trong số các tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trong lịch sử văn học thế giới.
Ít ai biết rằng cha đẻ của những câu chuyện cổ tích tuyệt vời đó đã trải qua một cuộc đời vô cùng sóng gió, sau này trở thành chất liệu để ông sáng tác nên những tác phẩm kinh điển.
Thời thơ ấu nghèo khó của Andersen
Mùa xuân năm 1805 tại thành phố Odense của Đan Mạch, trong căn phòng ấm cúng của một đôi vợ chồng trẻ xuất hiện một đứa bé, tay chân luôn ngọ nguậy, khóc suốt ngày. Đó là con trai mới sinh của vợ chồng Hans Andersen và Anne Marie Andersdatter.
Chú bé với cái tên trang trọng Hans Christian Andersen từ đó là niềm vui, niềm hạnh phúc trong căn nhà chật hẹp. Gia đình cậu bé không mấy khá giả khi anh Hans làm thợ đóng giày còn chị Anne là thợ giặt quần áo thuê.
Tuổi thơ của Andersen êm đềm trôi xung quanh những câu chuyện cổ tích thần kỳ và những cuốn sách hay của cha, vì vậy cậu bé sớm bộc lộ trí thông minh và óc tưởng tượng tuyệt vời từ khi còn nhỏ.
Anh chị Hans biết điều đó, thế nhưng chú bé đã đến tuổi đi học mà trong nhà chẳng có lấy đồng tiền nào. Không muốn tình cảnh này tiếp diễn, anh Hans quyết định táo bạo rằng bản thân sẽ nhập ngũ thay cho một cậu quý tử trong làng.
Hans tin rằng, số tiền một trăm đồng bản thân mình nhận được sẽ đổi lại cho con tương lai tương sáng với đèn học, sách vở. Khước từ mọi lời khuyên cản từ mẹ và vợ, anh lên đường ngay sáng hôm sau.
Một mùa thu ảm đạm, nặng nề đang dần kéo tới, căn nhà giờ đây trống trải và lạnh lẽo lạ lùng. Vì mẹ đi giặt giũ thuê cả ngày nên cậu bé Andersen phải ở nhà một mình, sau đó cậu được bà nội đưa đến bệnh viện, nơi bà làm việc.
Ở ngày tháng này, Andersen được các cụ già kể cho nghe rất nhiều truyện cổ tích vô cùng hấp dẫn. Vì vậy, cậu đã tưởng tượng ra vô vàn nhân vật, từ con vật biết nói tiếng người, nàng tiên xinh đẹp, chàng hoàng tử dũng cảm đến những con quái vật hình thù dữ tợn nhưng rất hiền lành.
Biến cố lớn ập đến với cậu bé Andersen
Trong khi đó, chiến tranh cứ liên miên, tin tức về Hans ngoài mặt trận hầu như không còn truyền về, mọi việc đối với hai mẹ con vô cùng tồi tệ. Thế nhưng, anh Hans cuối cùng cũng may mắn sống sót trở về nhà.
Vậy mà niềm vui chóng qua, sức khỏe anh yếu đi rõ rệt, cơ thể suy nhược trầm trọng tới mức chỉ còn da bọc xương rồi qua đời. Cái chết của cha là đòn giáng mạnh vào tâm lý của cậu bé non nớt, chỉ sự khích lệ từ bà nội mới giúp cậu nguôi ngoai phần nào.
Dù vậy, cậu bé Andersen vẫn tưởng tượng ra trước mắt mình nhiều điều tốt đẹp. Việc đi làm lúc này rất có ích vì vừa có tiền giúp đỡ mẹ, lại vừa được gần gũi với mọi người. Tối đến, cậu mê mải viết lách, luôn miệng ngân nga những bài thơ bản thân mình nghĩ ra.
Giọng hát cao, tiếng hát du dương, trong trẻo của Andersen cứ thế lan tỏa khắp xưởng dệt. Cậu hát đã hay, ngâm thơ cũng tuyệt, vì vậy mọi người càng tán dương hết lời.
Những ngày tháng ở xưởng dệt mở ra trước mắt Andersen nhiều điều, cậu cũng nói năng chững chạc hơn và sức khỏe cải thiện rõ rệt. Thế nhưng, chàng trai trẻ quyết định rời nơi đây để hướng tầm mắt về thủ đô Đan Mạch.
Ba năm sau đó, Andersen lúc này mười bốn tuổi và đặt chân đến Copenhagen với ước mơ được vào nhà hát hoàng gia, tương lai đang ở phía trước và cậu đã rất sẵn sàng để bước tới.
Chỉ tiếc rằng sau Noel năm ấy, sự đói kém, giá lạnh triền miên và nhất là tâm trạng u buồn do nhớ mẹ, nhớ nhà đã khiến sức khỏe của Andersen giảm sút nghiêm trọng.
Sau một thời gian, cậu bị vỡ giọng và cánh cửa để trở thành ca sĩ cứ thế khép lại. Thế nhưng, cậu không chịu đầu hàng mà quyết định thử vận may ở lĩnh vực sáng tác văn thơ.
Khi thần may mắn mỉm cười
Dựa vào một vài người quen, Andersen đã tìm tới nhà thơ Guldberg để tìm kiếm sự giúp đỡ. Ông tiếp đón chàng trai trẻ một cách niềm nở và còn tặng ít tiền nhuận bút. Đồng thời, Guldberg quyết định dạy cậu tiếng Đan Mạch lẫn tiếng Latin cơ bản.
Nhờ đức tính khiêm nhường, kiên trì, ham học hỏi, Andersen được tiếp xúc với nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới nghệ thuật thủ đô. Đến năm 1820, cậu có cơ hội nhận vai Quỷ Lùn trong vở ba lê nổi tiếng Armida.
Lần đầu tiên trong đời, cái tên Andersen được in trang trọng trên các tờ rơi quảng cáo, tờ áp phích và nhật báo của Copenhagen, tuy chỉ là vai diễn phụ nhưng khán giả rất yêu quý cậu.
Do quá mải mê với cảm giác chiến thắng, Andersen không chú tâm vào lĩnh vực múa ba lê, việc học hành cũng chểnh mảng. Hậu quả là Guldberg không dạy Andersen nữa, đồng thời gạch tên cậu khỏi đội múa của nhà hát hoàng gia.
Andersen khi ấy mất đi việc làm, cuộc sống một lần nữa rơi vào cảnh túng quẫn. Tuy nhiên, cậu gặp may vì có người đã viết thơ giới thiệu Andersen với ông Jonas Collin, giám đốc nhà hát hoàng gia.
Ông Collin thuyết phục đức vua cấp cho chàng trai trẻ học bổng của trường Slagelse, một trong những ngôi trường danh giá nhất bấy giờ. Đây là điều mà cha mẹ lẫn Andersen chưa bao giờ dám mơ tới.
Theo lời dặn dò của ông Collin, hiệu trưởng Meisling luôn để mắt theo sát Andersen. Chàng trai trẻ học hành chăm chỉ, tuy nhiên đến năm thứ hai thì kết quả học tập bắt đầu tuột dốc. Đồng thời, Andersen cũng bị cấm viết lách và làm thơ, điều này khiến cậu vô cùng khổ tâm.
Tình cảnh “cá chậu chim lồng” khiến Andersen tuyệt vọng, cậu đã viết bài thơ ngắn Đứa trẻ hấp hối để nói về những khổ đau của bản thân. Một người bạn quyết định gửi đăng báo bài thơ ở Đức, bất ngờ thay khi nó được độc giả nước này đón nhận nồng nhiệt.
Chuyện tới tai hiệu trưởng Meisling và Andersen bị quở mắng thậm tệ. May mắn thay, ông Collin biết điều cậu đang trải qua nên lập tức thu xếp Andersen quay trở về Copenhagen và cho thi tốt nghiệp tại đó.
Truyện ngắn đầu tiên ra đời và được độc giả hết lòng khen ngợi
Về thủ đô, Andersen hứng khởi học hành và đến năm 1828, anh nhận thông báo đã đỗ Đại học Copenhagen. Đời sinh viên rộng mở trước mắt, chàng trai trẻ cũng tích cực viết lách chăm chỉ mỗi ngày.
Chỉ một năm sau, truyện ngắn Chuyến bộ hành từ kênh Holmen đến mũi cực đông Amager của Andersen được xuất bản và tạo ra tiếng vang lớn. Cuốn sách này bán chạy đến nỗi độc giả truyền tai nhau rằng “Ai cũng nên đọc truyện ngắn này”.
Tuy vây, những ngày này, việc học tập của Andersen không tốt lắm. Anh dồn toàn tâm trí cho vở nhạc kịch Tình yêu ở tháp nhà thờ thánh Nicolas. Ngay buổi công diễn đầu tiên, nó đã thu hút rất đông khán giả, tên tuổi Andersen càng thêm vang danh.
Nhà văn trẻ phất lên như diều gặp gió, thế nhưng một vài lời phản hồi tiêu cực từ độc giả khiến anh ngã quỵ. Lúc này, ông Collin đề xuất anh nên đi ra nước ngoài để cải thiện tâm trạng. Năm 1831, lần đầu tiên Andersen rời Đan Mạch và chọn điểm đến mới là Đức.
Tại đây, nhà văn gặp gỡ và giao lưu với nhiều nhân vật nổi tiếng. Dưới sự giúp đỡ của họ, mọi sự ở Berlin đều thuận lợi. Trong đó, nhà thơ Chamisso về sau trở thành người bạn gắn bó với Andersen suốt đời.
Sau khi được các nhà thơ, nhà văn lớn ở Đức cổ vũ, Andersen tràn đầy hứng khởi và bắt tay vào việc viết lách. Tác phẩm Những bức tranh bóng tối: Từ chuyến du hành đến dãy núi Harz, công viên quốc gia Saxon Switzerland… vào mùa hè 1831 ra đời và được đón nhận nồng nhiệt.
Cái chết của mẹ khiến Andersen dồn toàn tâm sức vào sáng tác
Năm 1833, Andersen lên đường tới Ý. Theo kế hoạch, anh sẽ ở đây một thời gian, tiếp theo sẽ sang Hy Lạp rồi quay về Copenhagen. Thế nhưng, trước ngày lên đường đi Hy Lạp thì đau đớn nhận tin người mẹ yêu dấu đã qua đời.
Sự việc là một cú sốc lớn với nhà văn nên ngay khi về Đan Mạch, anh dồn mọi sức lực, tâm trí cùng vốn sống để viết tiểu thuyết Người ứng tác. Tác phẩm này được dịch ra nhiều thứ tiếng và giúp Andersen trở thành tác giả nổi tiếng với các độc giả nước ngoài.
Sách của anh bán rất chạy, vì vậy nỗi lo tiền bạc cũng thôi bủa vây nhà văn. Khi cuộc sống dễ chịu hơn, Andersen có thể chuyên tâm hơn vào việc viết lách. Chính vào lúc này, anh đã nảy sinh ý tưởng và nhanh chóng viết xong cuốn tiểu thuyết O.T.
Ngay lần xuất bản đầu tiên, độc giả đã nhiệt liệt đón nhận tác phẩm. Người đọc nước nhà cũng có cái nhìn bớt khắt khe với anh hơn, họ thậm chí say mê các trang viết đặc tả những phong tục, tập quán sinh hoạt hằng ngày của đất nước Đan Mạch.
Một năm sau, Andersen giới thiệu công chúng cuốn tiểu thuyết Only a Fiddler (Chỉ một người chơi). Dù không thu hút độc giả trong nước, tác phẩm lại được bạn đọc nước Đức đón nhận nồng nhiệt và trở thành hiện tượng lạ trên văn đàn Đức bấy giờ.
Andersen là “ông hoàng kể chuyện cổ tích”
Cuộc đời Andersen là những chuyến đi nên càng đi nhiều, cảm hứng trong ông càng mãnh liệt. Chính ngày tháng “xê dịch” là lúc nhà văn sáng tác sung sức nhất, nhiều tác phẩm để đời vốn được chấp bút trong quãng thời gian này.
Qua những câu chuyện dân gian được truyền miệng từ thị trấn nhỏ nơi ông sống, dòng suối của những câu chuyện cổ tích cứ thế khơi nguồn trong suy nghĩ Andersen.
Để đưa mình thoát khỏi cuộc sống cô độc, nhà văn chuyển hướng sang việc sáng tác truyện cho thiếu nhi. Thoát khỏi sự kìm kẹp của chuẩn mực đạo đức, ông mang đến cho con người những gam màu đẹp đẽ, thần tiên và mộng mơ.
Trong các câu chuyện, Andersen thường đặt nhân vật vào tình huống tuyệt vọng như để phản ánh những tổn thương tâm lý của chính ông, một trong số đó là thiên truyện Vịt con xấu xí vô cùng nổi tiếng.
Ngày còn nhỏ, Andersen thường bị bạn bè chế giễu vì giọng nói the thé, thân hình còi cọc. Giống như chú vịt con kia, sau này ông đã hóa thành “thiên nga” khi trưởng thành, là nhà văn nổi tiếng thế giới và quen biết nhiều người thuộc tầng lớp thượng lưu.
Dù vậy, sâu trong ông là những ám ảnh không nói nên lời, đơn cử như việc từng yêu thầm con gái út Louise của Jonas Collin nhưng không được chấp thuận vì gia cảnh. Andersen sống độc thân cả đời và không được hưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn như các nhân vật trong tác phẩm mình tạo ra.
Andersen và những câu chuyện cổ tích sống mãi với thời gian
Thời gian trôi qua, Andersen vẫn đầy ắp cảm hứng đọc và viết. Ông tiếp tục viết truyện cổ tích, làm thơ, soạn kịch, viết tiểu thuyết. Trong đầu nhà văn luôn đầy ắp những ý tưởng. Những tác phẩm của ông là món quà vô giá, đem lại hạnh phúc cho tuổi thơ và nhân loại.
Tuy nhiên, Andersen bị thương rất nặng sau khi ngã từ trên giường xuống vào năm 1872. Những cực nhọc thời thanh niên quay lại hành hạ và khiến sức khỏe nhà văn tuột dốc nhanh chóng, ba năm sau thì Andersen qua đời.
Một ánh sáng rực rỡ trên văn đàn thế giới đã tắt, thế nhưng những câu chuyện cổ tích của Andersen vẫn được nhiều thế hệ độc giả yêu mến, bất chấp quy luật khắc nghiệt của thời gian. Ông được coi là “kho báu quốc gia” của chính phủ Đan Mạch và nhà văn sáng tác truyện cổ tích tài năng nhất trong trái tim độc giả thế giới.
Mân Côi
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất