Tên tuổi nhà văn Aitmatov gắn liền với những trang viết về cuộc sống vùng đồi núi Kyrgyzstan, tuy khắc nghiệt nhưng vẫn rất đỗi lãng mạn. Một trong số đó là Hai cây phong, trích phần đầu tác phẩm Người thầy đầu tiên.
Đoạn trích này vừa thể hiện một cách sâu sắc tình yêu quê hương đất nước của những đứa trẻ bé thơ, vừa le lói hy vọng về tương lai với vùng trời mới.
Vài nét về tác giả Aitmatov
Aitmatov sinh năm 1928 tại vùng Kyrgyzstan, đất nước trước đây thuộc Liên Xô cũ. Nơi đây trở thành nguồn cảm hứng bất tận, giúp nhà văn dệt nên những áng văn để đời như Cây phong non trùm khăn đỏ, Cánh đồng mẹ, Và một ngày dài hơn thế kỷ.
Nhà văn được nuôi dạy trong một môi trường giáo dục với truyền thống ghi tạc công ơn của tổ tiên. Chính vì thế mà trong trang viết, ông luôn thể hiện sự tôn trọng và biết ơn đến dân tộc lẫn đất nước Kyrgyzstan.
Cuộc đời văn sĩ cũng trải qua không ít thăng trầm, đặc biệt trong hoàn cảnh Thế chiến II. Vì vậy, Aitmatov thấu cảm được nỗi đau của người đời, phơi trải nó lên trang văn một cách chân thành nhất.
Tác giả viết văn bằng cả hai ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ và tiếng Nga. Là người Liên Xô nhưng Aitmatov rất yêu quê hương mình, chính điều đó khiến sáng tác nhà văn thấm nhuần yếu tố truyện dân gian Kyrgyzstan và chủ nghĩa hiện thực Nga.
“Cuối cùng, điều gì là đúng? Điều gì là tiêu chuẩn để phân biệt giữa đúng và sai? Tôi tin rằng, đó là tình yêu dành cho đồng loại của chúng ta, một tình yêu mong muốn tất cả những ai sinh ra nơi đây, hành tinh hạnh phúc và tự do. Không có ý thức hệ hay cấu trúc quốc gia nào quan trong hơn điều này.” – Aitmatov khẳng định chân lý của tình yêu thương
Nhà văn của tình thương ý thức sâu sắc chức trách thiêng liêng của giới văn nghệ sĩ. Cả đời hướng về nghệ thuật, Aitmatov luôn ngập lặn vào cuộc đời, đi tìm viên ngọc quý ẩn sâu bên trong tâm hồn mỗi con người.
“Trách nhiệm của một nhà văn là viết ra những ngôn từ trong sáng, thông qua kinh nghiệm cá nhân với sự đau đớn, đau khổ, niềm tin và hy vọng của mọi người. Điều này do chính nhà văn chịu trách nhiệm lên tiếng cho đồng loại của mình trước toàn thế giới.” – Aitmatov chia sẻ về chức trách
Ông còn đặc biệt chú ý và yêu mến thiên nhiên bởi nó là hiện thân của bóng hình đất nước. Trong suốt chặng đường cầm bút, Aitmatov cho ra đời không ít tác phẩm về rừng núi quê nhà như Kình địch, Khi những ngọn núi sụp đổ.
Với bối cảnh là núi đồi thảo nguyên hùng vĩ vùng Kyrgyzstan, nhà văn mang đến cho độc giả những câu chuyện cao cả về tình cảm gia đình, thắp sáng ước mơ về một tương lai tốt đẹp và mục đích sống cao cả.
Thiên nhiên trong sáng tác Aitmatov gắn chặt với đời sống sinh hoạt con người như một phần không thể thiếu. Rừng cây bầu bạn với trẻ con, núi đồi chở che cho người lớn, chứng kiến các đoạn tình cảm lứa đôi sâu đậm.
Có thể nói, tác giả là người con trung thành của vùng Kyrgyzstan, ông là người giúp quê hương vươn tầm quốc tế. Độc giả nhớ về Aitmatov cũng là nhớ về Kyrgyzstan, nơi có những câu chuyện cảm động về tình người.
Người thầy đầu tiên là một trong số tác phẩm đạt được thành công vang dội nhất trong cuộc đời cầm bút của văn sĩ. Thậm chí, nó còn được dịch ra nhiều thứ tiếng, chuyển thể thành phim và đưa vào chương trình giảng dạy ở một số quốc gia.
Hai cây phong là đoạn trích đầu tiên của truyện Người thầy đầu tiên, được xuất bản lần đầu vào năm 1957 và nhanh chóng nổi tiếng khắp thế giới.
Ngoài việc khắc họa hình ảnh hai cây phong và thiên nhiên quê hương Kyrgyzstan, Hai cây phong còn thể hiện tình yêu với đất mẹ của những đứa trẻ, sự tò mò bé thơ về những vùng trời xa xôi.
Hai cây phong và bức tranh toàn cảnh thiên nhiên
Mở đầu đoạn trích, tác giả đã giới thiệu đôi nét về vị trí địa lý của quê hương, ấy là trên một cao nguyên ven chân núi với nhiều khe nước tự nhiên.
“Làng Ku-ku-rêu chúng tôi nằm ven chân núi, trên một cao nguyên rộng có những khe nước ào ào từ nhiều ngách đá đổ xuống.”
Ku-ku-rêu là một vùng quê miền núi còn rất lạc hậu ở đất nước nhỏ Kyrgyzstan vào những năm đầu thế kỷ XX. Vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ nơi đây đã trở thành bức phông nền tô đậm tình yêu quê nhà của tác giả.
“Phía dưới làng tôi là thung lũng Đất vàng, là cánh thảo nguyên Ca-dắc-xtan mênh mông nằm giữa các nhánh của rặng núi Đen và con đường sắt làm thành một dải thẫm màu băng qua đồng bằng chạy tít đến tận chân trời phía tây.”
Aitmatov nhắc đến nhiều các địa danh vốn chỉ có ở quê hương, ấy là thảo nguyên Ca-dắc-xtan và dãy núi Đen rộng lớn. Điều này khiến tác phẩm mang đậm hồn cốt dân tộc và gây được ấn tượng sâu sắc nơi độc giả.
Chỉ bằng vài dòng văn mà bức tranh thiên nhiên toàn cảnh làng Ku-ku-rêu như đang hiện ra vằng vặc trước mắt người đọc.
Khung cảnh trữ tình rộng lớn như thế càng làm nổi bật lên hình ảnh hai cây phong lớn. Chúng hiện diện trong tâm trí nhà thơ từ những ngày còn tấm bé, bắt đầu nhận thức được sự tồn tại của mọi vật xung quanh.
“Phía trên làng tôi, giữa một ngọn đồi, có hai cây phong lớn.”
Dù có đứng ở vị trí nào trong làng Ku-ku-rêu thì bóng dáng hai cây phong rộng lớn vẫn luôn xuất hiện trong tầm mắt tác giả. Trí tưởng tượng của Aitmatov đã vút cao khi ví chúng với ngọn hải đăng trên núi.
Trong làng đương nhiên có rất nhiều loại cây khác nhưng hai cây phong kia đặc biệt hơn hẳn, dường như có tâm hồn và cảm xúc riêng. Đó là vì chúng đã trở thành biểu tượng của làng, đại diện cho thiên nhiên vùng Ku-ku-rêu.
Qua ngòi bút tài tình của nhà văn lớn Aitmatov, hai cây phong mang dáng điệu như một con người thực thụ. Chúng biết nghiêng ngả thân cây và lay động cành lá, tạo ra những âm thanh xì xào để bộc lộ cảm xúc trước bước đi của vạn vật.
“Dù ta có tới đây vào lúc nào, ban ngày hay ban đêm, chúng vẫn nghiêng ngả thân cây, lay động lá cành, không ngớt tiếng rì rào theo nhiều cung bậc khác nhau.”
Trước sự xuất hiện của những người con về thăm quê, hai cây phong to lớn cố truyền nỗi nhớ thương da diết của mình qua từng chiếc lá, tựa như đang níu họ nán lại thêm một ngày với nó và núi đồi Ku-ku-rêu.
Đến lúc họ phải tiếp tục xa làng, cây phong như người cha già im lặng trầm ngâm rồi thở dài, bày tỏ sự tiếc nuối và nhớ thương. Có lẽ hai cây phong ấy có linh hồn, chúng yêu mến những người con Ku-ku-rêu hiền lành và nhân hậu.
Cây cối cũng giống như con người, chúng có sức sống bền bỉ và dẻo dai, vượt qua mọi mối đe dọa từ thiên tai. Dù có bị xô đến gãy cành, tỉa đến trụi lá nhưng hai cây phong vẫn mạnh mẽ hiên ngang, nghiêng thân hình dẻo dai trước bão giông.
Trong ngòi bút miêu tả của tác giả, hai cây phong đứng lồng lộng trên núi đồi kia gắn bó thân thiết nhất với trẻ em nơi đây. Ngay từ thuở tấm bé, thiên nhiên đã đi vào tiềm thức con người và trở thành sợi dây xuyên suốt cuộc đời họ.
Cứ vào độ hè là lũ trẻ trong làng lại rủ nhau phá tổ chim và hai cây phong cao lớn kia là sự lựa chọn hàng đầu. Cây cũng dường như hiểu, nghiêng người chào mời các vị khách bé nhỏ đến với bóng râm mát mẻ.
“Cứ mỗi lần chúng tôi reo hò, huýt còi ầm ĩ chạy lên đồi là hai cây phong khổng lồ lại nghiêng ngả đung đưa như muốn chào mời chúng tôi đến với bóng râm mát rượi và tiếng lá xào xạc dịu hiền. “
Tuy không dùng quá nhiều từ ngữ nhưng Aitmatov vẫn thể hiện được sự phong phú của chim muông. Điều ấy khiến trang văn trở nên sinh động hơn nhờ bóng dáng loài vật bé nhỏ, đồng thời bộc lộ được tính đa dạng của thiên nhiên nơi đây.
Ở trên những tán cây vững chãi và rộng lớn, lũ trẻ được dịp ngắm nhìn toàn cảnh thiên nhiên quê hương và cả vùng đất, con sông mà chúng chưa hề biết đến.
Qua đó, độc giả thấy được hai cây phong đã trở thành một phần không thể thiếu của người làng Ku-ku-rêu. Chúng có mối quan hệ mật thiết với đời sống sinh hoạt cùng hành trình trưởng thành của từng đứa trẻ.
Hai cây phong cao lớn với tuổi thọ lâu đời đã hun đúc nên tình yêu với thiên nhiên trong tâm hồn những đứa bé. Cây dạy cho đám nhỏ biết trân trọng núi đồi và thảo nguyên Ca-dắc-xtan, nâng niu đồng bằng cũng như mạch suối.
Chỉ bằng hình tượng hai cây phong mà tác giả Aitmatov, bằng nghệ thuật quan sát và miêu tả rất mực tinh tế, đã dựng nên bức họa toàn cảnh về thiên nhiên làng Ku-ku-rêu.
Tuy chỉ là một ngôi làng nhỏ nhưng nhờ có sự che chở, bảo vệ từ trời đất núi đồi mà đời sống tinh thần trẻ em nơi đây vẫn rất phong phú. Thiên nhiên tựa như người mẹ hiền từ lo lắng cho dân làng từng chút một, không một lời thở than.
Hai cây phong là một trong những đoạn trích mang hình ảnh thiên nhiên nói riêng và quê nhà văn sĩ Aitmatov nói chung vươn tầm thế giới. Ông đóng góp vào Văn học nhân loại bức tranh đất trời mang nét đẹp hùng vĩ nhưng vẫn rất thơ mộng.
Tình cảm sâu nặng đối với quê hương trong đoạn trích
Hai cây phong không chỉ khắc họa một hình tượng đã gắn liền với thiên nhiên làng Ku-ku-rêu mà còn thể hiện tình yêu đối với cội nguồn và đất mẹ của tác giả từ thuở tấm bé.
Qua từng câu chữ và lời văn, Aitmatov đều thể hiện tình yêu thương đối với làng qua nhân vật chính. Tình cảm ấy nảy nở từ thời thơ ấu cho đến khi nhân vật trở thành một người họa sĩ tài hoa.
“Thậm chí tôi cũng không biết giải thích ra sao: phải chăng người ta vẫn đặc biệt trân trọng nâng niu những ấn tượng thời thơ ấu hay vì do có liên quan đến nghề hoạ sĩ của tôi, nhưng cứ mỗi lần về quê, khi xuống xe lửa đi qua thảo nguyên về làng, tôi đều coi bổn phận đầu tiên là từ xa đưa mắt tìm hai cây phong thân thuộc ấy.” – Hình bóng quê hương luôn hiện lên trong tâm trí nhân vật chính
Cứ mỗi lần về quê, đi trên xe lửa qua thảo nguyên quen thuộc, nhân vật “tôi” đều đưa mắt kiếm tìm hình bóng quen thuộc. Nó như bản năng của người con yêu quê hương, tìm kiếm thứ chất chứa bao kỷ niệm thời niên thiếu.
Mặc dù hai cây phong cao lớn ấy ở trên ngọn đồi xa xôi nhưng tác giả lúc nào cũng có thể cảm nhận được sự tồn tại của chúng. Ấy là bởi vì tình cảm mến thương đã dẫn lối cho đôi mắt nhà văn, đưa nó đến nơi muốn đến.
Cả khi trên đường về, trái tim ông rung lên từng hồi thổn thức và buồn da diết vì mong ngóng gặp hai cây phong sinh đôi. Văn sĩ muốn được như lúc bé, nằm thơ thẩn dưới gốc cây, lắng nghe tiếng lá hòa ca cùng gió.
Cũng chính vì thứ cảm xúc đặc biệt đối với hai cây phong và thiên nhiên quê nhà, tác giả đã ví nó như ngọn hải đăng soi sáng, dẫn đường tâm hồn trẻ thơ hướng về những điều đẹp đẽ, cao cả.
Những đứa trẻ con ngây ngô ngỡ hai cây phong cũng có cảm xúc và suy nghĩ như một con người. Biết bày tỏ niềm vui sướng khi chúng ghé chơi, buồn bã vì sự xa quê của dân làng, mạnh mẽ chống chọi trước bão giông.
Cho đến khi nhận ra rằng sở dĩ cây biết rung thân mình chuyển động như thế là bởi vì chúng đứng trên núi đồi lồng lộng gió, nhà văn vẫn không hề cảm thấy “vỡ mộng”. Tác giả luôn biết cách trân trọng từng đoạn ký ức ngây ngô của tuổi nhỏ.
Ấy là bởi vì những kỷ niệm tuổi thơ đã theo Aitmatov đi qua từng chặng của cuộc đời. Ông để lại bên gốc cây hình ảnh của một cậu bé nghịch ngợm và hồn nhiên.
“Tuổi trẻ của tôi đã để lại nơi ấy, bên cạnh chúng như một mảnh vỡ của chiếc gương thần xanh…”
Bằng việc sử dụng chi tiết “chiếc gương thần xanh”, nhà văn mang đến dư vị phảng phất của chất sử thi dân gian vùng núi Kyrgyzstan. Chiếc gương ấy xuất hiện nhiều trong các câu chuyện cổ tích mà thuở nhỏ bất kỳ đứa trẻ nào cũng từng nghe qua.
Hai cây phong sinh đôi còn gắn liền với đời sống tinh thần bọn trẻ trong làng. Cứ mỗi độ hè về, chúng lại nô nức kéo nhau lên đồi và đến chỗ cây phá tổ chim. Nó như chốn vui chơi ưa thích, che chở và nuông chiều tụi nhỏ.
Có lẽ vì nhìn thấy tuổi nhỏ của mình trong cây mà tác giả luôn giữ thái độ trân trọng, nâng niu. Thiên nhiên và quê hương đã bồi đắp, vỗ về tâm hồn non nớt trẻ thơ.
Không chỉ mang đến niềm vui thú leo trèo, chọc phá tổ chim mà chúng còn gieo vào tâm khảm trẻ em ước mơ, khát vọng về những vùng trời mới lạ chưa bao giờ được nghe kể hay đặt chân tới.
Thế giới ấy còn rộng lớn hơn gấp ngàn lần chuồng ngựa của nông trang, chứa bao nhiêu là thứ mà đám trẻ không thể mường tượng. Các dòng sông xanh biếc, thảo nguyên trải dài vô tận như đang mời gọi chúng bước đến khám phá và giải mã.
“Chúng tôi cố gương hết tầm mắt nhìn vào nơi xa thẳm biêng biếc của thảo nguyên và nom thấy không biết bao nhiêu đất đai mà trước đây chúng tôi không biết đến, thấy những con sông mà trước đây chúng tôi chưa từng nghe nói đến. Những dòng sông lấp lánh tận chân trời như những sợi chỉ bạc mỏng manh.”
Chính hai cây phong với phần thân vững chãi cùng tán lá rộng lớn đã thắp lên khát khao chinh phục mạnh mẽ trong lòng lũ trẻ. Nó là bước đệm giúp chúng dũng cảm vượt ra khỏi ngôi làng nhỏ bé và đến với miền xa lạ kỳ diệu xa xăm.
Tài năng của Aitmatov là ở chỗ, ông vừa miêu tả được khung cảnh quê hương gắn liền với biểu tượng hai cây phong, vừa thể hiện được tình yêu của mình đối với đất mẹ từ những đoạn ký ức vụn vặt thuở còn bé.
Dù có đi xa đến đâu chăng nữa, khám phá được nhiều điều mới mẻ ở các vùng đất xa lạ kia nhưng quê hương, đặc biệt là hai cây phong vẫn chiếm một vị trí không hề nhỏ trong trái tim văn sĩ.
Nhớ nhung hai cây phong cũng đồng nghĩa với tâm hồn đang khắc khoải nơi đất mẹ thiêng liêng. Ở đó có thiên nhiên hùng vĩ và rộng lớn, gia đình thân yêu và kỷ niệm những ngày chìm trong dòng suy nghĩ miên man về miền đất xa xôi.
Phảng phất trong câu chữ và lời văn là tình yêu đối với quê hương, nó là nền móng của sự tồn tại trong mỗi con người. Khi biết trân trọng và yêu thương đất mẹ, họ mới có thể trưởng thành và cảm nhận sự ấm áp từ mọi người xung quanh.
“Tình yêu là là cơ sở của cuộc sống.” – Aitamtov khẳng định giá trị của tình yêu thương
Không chỉ riêng tác phẩm Hai cây phong mà bất kỳ sáng tác nào của Aitmatov cũng cũng đều thể hiện tình cảm đối với quê hương xứ sở.
Nghệ thuật văn học đặc sắc trong Hai cây phong
Aitmatov không chỉ chinh phục trái tim độc giả bằng bức tranh phong cảnh hùng vĩ lại rất đỗi thơ mộng với hình tượng hai cây phong mà còn khiến người đọc văn ông phải thán phục trước các đặc sắc nghệ thuật.
Nhà văn tái hiện thiên nhiên làng Ku-ku-rêu dưới đôi mắt của trẻ thơ. Vì thế, mọi sự vật và đối tượng miêu tả trở nên vô cùng gần gũi, mang gam màu trong sáng và vui tươi.
Hơn nữa, tác giả cũng rất tài tình khi chọn cách kể chuyện lồng ghép, đan xen hiện tại và quá khứ. Chính vì thế mà tấm lòng sắc son của nhân vật chính đối với hình ảnh hai cây phong mang biểu tượng quê hương càng được bộc lộ rõ ràng hơn.
Kể chuyện kỉ niệm thuở ấu thơ với hai cây phong sinh đôi trên thảo nguyên lộng gió. Aitmatov đã lồng ghép nhuần nhuyễn chất tự sự, miêu tả và biểu cảm. Phải là một nhà văn tinh tế và tài năng mới có thể tạo nên được sự kết hợp đặc sắc này.
Ngòi bút Aitmatov cũng “xuất thần” và nhuốm đầy chất hội họa. Tùy vào từng cảnh vật mà ông chọn các nét vẽ phác họa và gam màu khác nhau. Câu chữ và lời văn viết ra được chắt lọc rất kỹ lưỡng, tựa viên ngọc sáng giá tô điểm thêm vẻ đẹp tác phẩm.
Tài năng văn học của Aitmatov không chỉ dừng lại ở đó mà còn tỏa sáng bởi các biện pháp nghệ thuật như nhân hóa, so sánh với nhiều sự liên tưởng hết sức độc đáo và thi vị.
Dù lịch sử văn học đã và đang bước sang từng trang mới nhưng Hai cây phong vẫn giữ nguyên được sức nặng, sự sống bền bỉ trong trái tim độc giả trên khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tác phẩm được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau và tái bản rất nhiều lần. Có thể nói, chính Aitmatov đã làm độc giả quốc tế phải ấn tượng với đất nước Kyrgyzstan.
Tác phẩm Hai cây phong đã kết thúc trên trang giấy nhưng bài học về tình yêu thiên nhiên và quê hương đất nước vẫn mãi vang vọng trong trái tim những người yêu văn, quý chữ Aitmatov.
Hạ Miên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất