Paprika là tác phẩm cuối cùng từ cố đạo diễn Kon Satoshi, bộ phim gây ấn tượng cho khán giả bởi những công nghệ mới mẻ trong tương lai với khả năng “đột nhập” vào giấc mơ của người khác.
Trailer chính thức của Paprika
Sở hữu cốt truyện sáng tạo, đồ họa ấn tượng, những thước phim đầy “rối trí” đan xen giữa hiện thực và giấc mơ cùng bức thông điệp mang tính thời đại, Paprika đã thành công thu hút sự chú ý từ giới mộ điệu lẫn các nhà phê bình.
Vài nét về bộ phim Paprika
Paprika công chiếu vào năm 2006, là bộ phim hoạt hình khoa học viễn tưởng do Kon Satoshi giữ vai trò đạo diễn. Tác phẩm được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Yasutaka Tsutsui.
Nổi tiếng với Perfect Blue đầy ám ảnh và đáng sợ, bộ phim lần này của Kon Satoshi tiếp tục khai thác tâm lý phức tạp trong con người, yếu tố đã làm nên tên tuổi cho ông.
Tại thời điểm công bố, Paprika nhận về nhiều giải thưởng trong và ngoài Nhật Bản cùng hàng loạt đánh giá tích cực, bộ phim đã khẳng định tài năng nghệ thuật của cố đạo diễn Kon Satoshi.
Paprika lấy bối cảnh ở tương lai, nơi các nhà khoa học thành công sáng tạo chiếc máy “DC Mini”, thứ có khả năng mở ra cánh cửa đi vào giấc mơ những người khác và ghi lại hình ảnh trong đó.
Con người dùng phương pháp ấy để trị liệu tâm lý cho bệnh nhân. Thế nhưng, một vài kẻ đã trộm các thiết bị này nhằm thực hiện những mục đích phi nhân tính. Cũng từ đó, khán giả được bước vào hành trình khám phá giấc mơ của cô nàng Paprika.
Sự kết hợp từ đạo diễn Kon Satoshi và biên kịch Seishi Minakami đã cho ra đời những thước phim truy bắt hung thủ đầy gay cấn. Nét vẽ tinh tế cùng âm thanh nhịp nhàng cũng giúp trải nghiệm điện ảnh của khán giả trở nên trọn vẹn.
Từ đó, Paprika gửi đến lời cảnh tỉnh cho việc lạm dụng khoa học kỹ thuật, cũng như nguy cơ khi đắm chìm trong những ảo tưởng của giấc mơ, cố chấp biến nó thành hiện thực bằng mọi thủ đoạn.
Paprika xâm nhập vào giấc mơ bằng công nghệ tiên tiến
Ở tương lai, phương pháp trị liệu tâm lý mang tính cách mạng được các nhà khoa học cho ra mắt. Đó là thiết bị tên “DC Mini” giúp người sử dụng có thể xem giấc mơ của mọi người, khám phá những suy nghĩ vô thức trong họ.
Bộ phim mở đầu bằng cảnh Paprika bước vào tiềm thức Konakawa để chữa trị cho ông, một giấc mơ lặp đi lặp lại với nhiều điều kỳ lạ đã gây ra nỗi ám ảnh cùng cảm giác lo lắng của vị cảnh sát này.
“Thực ra, DC Mini vẫn chưa được hoàn thiện. Một khi đã hoàn thiện rồi, nó còn có thể xâm nhập vào giấc mơ của anh ngay khi anh đang thức.” – Paprika kể cho Konakawa về sự thần kỳ của thiết bị này
Người quản lý nhóm dự án này là nữ tiến sĩ Atsuko Chiba, đồng nghiệp thân cận nhất của cô tên Tokita, một thiên tài với tâm hồn trẻ con, người đã phát minh ra DC Mini.
Hành trình đuổi theo hung thủ đánh cắp DC Mini
Thật không may, trước khi chính phủ thông qua luật cho phép sử dụng DC Mini, ba trong số các mẫu thử nghiệm đã bị đánh cắp. Vì chưa hoàn thiện, thiết bị này có thể giúp bất kỳ ai bước vào giấc mơ của người khác mà không cần sự đồng ý từ họ.
Nếu rơi vào tay kẻ ác, DC Mini sẽ gián tiếp tạo cơ hội cho thủ phạm thực hiện các hành động vô nhân tính. Minh chứng là ngay sau đó, trưởng phòng Shima đã mất kiểm soát rồi phá cửa kính để nhảy xuống lầu.
“- Khó mà lường trước được bọn trộm cắp ấy sẽ làm gì.
– Cô ta là Paprika… Tôi nghe nói có một người phụ nữ thường dùng DC Mini cho việc trị liệu bất hợp pháp.
– Chủ tịch, ông cũng tin vào mấy lời đồn đại vô căn cứ ấy sao?” – Họ nghi ngờ Paprika là thủ phạm lấy cắp DC Mini
Khi điều tra giấc mơ của ông Shima, tất cả trở nên bất ngờ trước sự hỗn loạn bên trong nó. Giữa đống lộn xộn ấy, Tokita vô tình phát hiện trợ lý Himuro. Điều này dường như xác nhận suy đoán về hung thủ, rằng vụ trộm là do nội gián gây ra.
Đi tìm manh mối của vụ trộm cắp
Chiba sau đó cùng các đồng nghiệp đến nhà của Himuro để điều tra, thế nhưng cô lại bị điều khiển tâm trí và suýt nữa thì lao ra khỏi ban công. May mắn thay, anh chàng Osanai đã kịp thời cứu nữ tiến sĩ.
Trở về công ty, tiềm thức của ông Shima lúc này vẫn bị điều khiển, may mắn nhờ có sự giúp đỡ từ cô nàng Paprika mà tiến sĩ đã thoát khỏi giấc mơ và bắt đầu bình phục.
Tuy nhiên, mọi việc không có dấu hiệu dừng lại và đỉnh điểm là khi hai nhà khoa học khác trở thành nạn nhân của DC Mini. Chủ tịch Seijiro Inui, người từ đầu đã phản đối dự án, quyết định cấm hoàn toàn việc sử dụng thiết bị này.
“- Tôi sẽ cho dừng việc phát triển DC Mini… Tôi sẽ cấm mọi hoạt động sử dụng DC Mini và máy liệu pháp tâm lý. Khoa học chẳng qua chỉ là rác rưởi trước một giấc mơ sâu thẳm.” – Ông chủ tịch Seijiro Inui khẳng định
Quá trình điều tra dần có thêm manh mối khi tiến sĩ Chiba cùng chàng trai thiên tài Tokita tìm đến một công viên bỏ hoang. Bất ngờ thay, vị trợ lý Himuro trong trạng thái bất tỉnh đã rơi xuống trước mặt họ với chiếc máy DC Mini gắn sâu vào não.
Sau khi bị tiến sĩ Chiba phàn nàn vì sự vô trách nhiệm của bản thân mà khiến nhiều người suýt bỏ mạng, Tokita đã quyết định hoàn thiện DC Mini phiên bản cải tiến nhằm hạn chế sự xâm nhập từ bên ngoài.
“Anh và Himuro. Các người chỉ quan tâm đến những gì mình muốn làm. Còn những gì mình phải làm thì mờ tịt đi. Anh không hiểu rằng sự vô trách nhiệm của mình phải trả giá bằng mạng sống người khác sao? Tất nhiên là không. Làm quái có gì ngấm qua nổi cái thân hình to béo này được chứ! Ý tưởng ấy có tuyệt vời hay không ấy hả? Có đầu óc khoa học ư? Đừng pha trò cười… Nếu anh muốn làm một kẻ lập dị với bản ngã phì lù của mình thì cứ tiếp tục làm cái trò ấy đi.” – Tiến sĩ Chiba trở nên tức giận với Tokita
Hiểu rằng mọi chuyện không đơn giản như vậy, Tokita quyết định dùng phiên bản cải tiến để bước vào giấc mơ của Himuro và nhận ra, nơi đây không còn là thế giới ảo trong người trợ lý nữa.
Phong cách thực và ảo của Satoshi Kon qua Paprika
Xuyên suốt bộ phim, đạo diễn Satoshi Kon đã tạo ra hai thế giới song song. Ngoài cuộc sống thực tại còn có vũ trụ trong mơ, đó là khi con người đi vào giấc ngủ.
Ban đầu, DC Mini giúp kết nối giấc mơ của hai người lại với nhau, ghi hình, phân tích và nghiên cứu phục vụ mục đích trị liệu tâm lý. Thế nhưng, vì thiết bị này có khả năng đi vào tiềm thức ngay cả lúc nạn nhân tỉnh táo nên đã trở thành một mối nguy hại.
Hai thế giới song song vốn được tách biệt rõ ràng, thế nhưng vì sự ra đời của DC Mini cùng âm mưu từ những hung thủ sau màn, mọi thứ bắt đầu trở nên hỗn loạn và hòa lẫn vào nhau.
“Những giấc mơ sợ rằng nơi ẩn náu an toàn của chúng sẽ bị phá hủy bởi khoa học kỹ thuật… Trong thế giới thực tại tàn nhẫn, chỉ có một nơi ẩn náu còn sót lại, đó là giấc mơ. Đám diễu hành ấy đầy những kẻ tị nạn bị đẩy khỏi thực tại… Ta đang bảo vệ chúng. Ta là người canh giữ giấc mơ.” – Tên hung thủ quả quyết
Paprika đã thành công khắc họa thế giới trong mơ lộng lẫy nhưng cũng vô cùng kỳ quái. Những hình ảnh hỗn loạn là phép ẩn dụ tinh tế cho không gian phức tạp trên Internet.
Ngoài ra, thế giới trong mơ còn hiện thực hóa ham muốn mà ở đời thường, con người chưa bao giờ chạm tới được. Vì vậy, nếu không ý thức trước những cám dỗ, toan tính, nhân loại sẽ bị giấc mơ nuốt chửng.
Những thước phim hỗn loạn với ham muốn, của cải, quyền lực chính trị, sự tồn thờ công nghệ kỹ thuật cùng viễn cảnh đoàn người diễu hành bị đồng hóa chính là minh chứng rõ ràng nhất cho hậu quả của việc nhân loại không ý thức được bản thân trước giấc mơ.
“Thế giới trần tục và vui vẻ sẽ làm tan biến cơn giận của họ… Những giấc mơ sẽ lớn lên. Chúng ta hãy trồng cây nở ra tiền… Nó có giá nhất trong khi nó chỉ là chồi non. Đúng vậy, cho nên chúng ta sẽ giữ được tiền mãi mãi… Hãy bầu chọn cho nhãn cầu này… Ai sẽ từ bỏ ngai vàng này… Ta là hoàng đế, được chọn bởi thần linh.” – Những câu thoại tưởng như vô nghĩa của đám người diễu hành nhưng đạo diễn Satoshi Kon lại cài cắm nhiều ý nghĩa
Những giấc mơ dù chỉ là hư cấu, con người cũng sẽ nhanh chóng quên đi nhưng thực tế ảo ấy lại bắt nguồn từ hi vọng và nỗi sợ hãi. Ngay khi trải qua khung cảnh ngọt ngào, hài hước, khán giả sẽ tiếp tục rơi vào một cơn ác mộng đầy tăm tối.
Khi đào sâu tiềm thức, con người sẽ tìm thấy sự thật về bản thân, nhận ra mình là ai và mong muốn điều gì. Bỏ qua nó đồng nghĩa với việc khước từ khao khát được lắng nghe trong tâm hồn chúng ta.
Qua đó, đạo diễn Satoshi Kon và Paprika muốn nhắn nhủ đến khán giả tầm quan trọng của giấc mơ, nơi ấy là một thế giới riêng tư bên trong tâm trí mỗi con người. Thế nhưng, chúng ta cũng cần phải tỉnh táo để phân biệt được thực, ảo.
Mỗi nhân vật trong Paprika đều hiện lên với nét tính cách đặc trưng
Atsuko Chiba, quản lý dự án DC Mini là một nhà khoa học có phần nghiêm nghị, lạnh lùng và hết lòng với công việc. Thế nhưng, sâu trong tâm hồn người phụ nữ xinh đẹp ấy lại chất chứa nhiều điều khó nói.
Trái ngược với Chiba, Paprika vô cùng thân thiện, cởi mở và quyến rũ, thường xuyên xuất hiện trong giấc mơ của mọi người như một “vị cứu tinh”. Bằng cách đi sâu vào tiềm thức bằng DC Mini, cô đã trở thành “bác sĩ” điều trị tâm lý cho họ.
Còn cảnh sát Konakawa tuy không liên quan đến mạch truyện chính nhưng đạo diễn Satoshi Kon đã mượn hình tượng của ông nhằm truyền tải thông điệp rằng, chúng ta hãy dũng cảm đối mặt với thực tại.
Trong giấc mơ, Paprika trở thành người dẫn dắt, đưa khán giả và các nhân vật khác đi sâu vào những bí ẩn tâm lý trong mình. Cô giúp họ tìm thấy câu trả lời và cách giải quyết những vấn đề trong cuộc sống thực tế.
Đối với Chiba, cô sở hữu trí tuệ, sự sắc sảo trong việc điều tra và cũng giúp đỡ những người xung quanh giải quyết các vấn đề tâm lý. Tuy nhiên, nếu Paprika cởi mở, hoạt bát thì nữ tiến sĩ lại trầm tính, quyết đoán.
Về cảnh sát Konakawa, ông dũng cảm phá bỏ nút thắt của nỗi ám ảnh dai dẳng trong tâm trí, ký ức đau buồn về người bạn quá cố bằng hành trình đi tìm lại đam mê mà bản thân đã bỏ lỡ.
Các nhân vật trong Paprika có những câu chuyện của riêng mình, song đều phải đối mặt với nhiều chứng bệnh tâm lý, nỗi cô đơn cùng khao khát rời xa thực tại tàn nhẫn bằng sự tân tiến từ khoa học kỹ thuật.
Một tác phẩm được chăm chút cẩn thận từ cố đạo diễn Satoshi Kon
So với tác phẩm đầu tay Perfect Blue, bộ phim lần này của cố đạo diễn Satoshi Kon vẫn giữ được những nét vẽ đặc trưng, vừa đủ để thể hiện cá tính nhân vật, thậm chí còn rất chi tiết trong một vài khung hình.
Khuôn mặt các nhân vật ở Paprika được chăm chút kỹ càng hơn. Đặc biệt là khi tiến vào thế giới trong mơ, con người, đồ vật với những dáng điệu kỳ quặc tạo nên cảm xúc đầy bất ngờ bên cạnh sự hỗn loạn vô biên.
“Nhìn chung, đây là một bộ phim rất ấn tượng. Nó chứa đầy những hình ảnh tuyệt đẹp, trí tưởng tượng đáng kinh ngạc và một cốt truyện bí ẩn đã khiến tôi bị cuốn hút ngay từ ban đầu.” – Người dùng John C nhận xét trên Rotten Tomatoes
Đa số thước phim đều có tông trầm và màu đậm, xen kẽ một số khung hình tươi sáng. Đây là dụng ý của đạo diễn Satoshi Kon, sắc tối ấy tượng trưng cho những suy nghĩ ẩn sâu nơi tâm thức mỗi nhân vật.
Chuyển động của các nhân vật trong Paprika rất linh hoạt, biểu cảm trên gương mặt phù hợp với lời nói, hành động. Từng sắc thái lo lắng, ngạc nhiên hay vui vẻ cùng sự hoạt bát từ những cử chỉ đều làm nên tính cách đặc trưng cho mỗi người.
“Paprika có tuyến nhân vật được phát triển tốt và một cốt truyện hấp dẫn với những chuyển động nhịp nhàng… Nếu bạn yêu thích hoạt hình Nhật Bản thì đây là một tác phẩm thực sự tuyệt vời với nhiều hình ảnh tinh tế, uyển chuyển vượt xa thời đại.” – Người dùng Christopher B đánh giá về hình ảnh trong phim
Về phần âm thanh, bằng nhiều thể loại âm nhạc như hợp xướng, điện tử, prog rock và giao hưởng, cả phần nhạc nền và bài hát chủ đề đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
“Tôi rất thích phần nhạc nền của Paprika – những bản nhạc hài hòa trong không khí phim giúp bạn cảm nhận được cảm xúc của nhân vật trên màn ảnh rộng – cảm giác không chắc chắn, lo lắng, phấn khích, thậm chí là tràn đầy năng lượng.” – Người dùng isla_s dành lời khen cho nhạc nền của Paprika
Bài hát mở đầu Mediational Field với chất cuồng nhiệt, những thanh âm đầy kỳ quặc nhưng cũng rất lôi cuốn khiến khán giả không khỏi hồi hộp trước khi bước vào hành trình khám phá giấc mơ cùng Paprika,
“Bài hát mở đầu này thật kỳ lạ nhưng nó lại rất bắt tai!” – Người dùng @unicorn_jazz bình luận về Mediational Field trên Youtube
Phần nhạc nền được phụ trách bởi nhà soạn nhạc Hirasawa Susumu. Tiếng đàn piano và guitar với tiết tấu nhanh, hồi hộp giúp người xem như hóa mình vào từng nhân vật trong bộ phim.
Lời gửi gắm từ cố đạo diễn Satoshi Kon
Mỗi nhân vật trong Paprika đều đại diện cho một vấn đề khác nhau. Những nỗi niềm, tâm sự giấu kín nơi đáy lòng lại được phơi bày, bộc lộ qua giấc mơ của chính họ.
Giấc mơ là con người được khám phá những góc khuất trong tâm hồn, chuyến phiêu lưu ấy giúp ta mở ra cánh cửa đi tới vô số vùng đất mà ở thực tại bản thân không đủ can đảm để bước đến.
Dưới sự phát triển của khoa học kỹ thuật, con người dùng lý trí để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Cùng với những tham vọng và lý tưởng điên rồ, công nghệ lại trở thành phương tiện giúp họ “chiếm đoạt” thế giới.
Cố đạo diễn Satoshi Kon đã vẽ ra một viễn cảnh khi giấc mơ hòa lẫn hiện thực, từ đó tạo nên mối liên hệ giữa con người và những khao khát của họ. Paprika vì vậy không chỉ nói về hai thế giới thực hay ảo mà còn chứa đựng bức thông điệp tôn trọng cảm xúc nơi tâm hồn mỗi chúng ta.
Thành công cuối cùng của cố đạo diễn Satoshi Kon
Về mặt doanh thu, Paprika gặt hái những thành công nhất định với gần một triệu đô la. Tuy nhiên, giá trị nghệ thuật vô cùng sâu sắc mới là điều làm nên danh tiếng vang dội của bộ phim.
Paprika đã thắng giải Phim hoạt hình điện ảnh hay nhất của Tokyo Anime Awards cùng ba giải thưởng khác tại các liên hoan phim quốc tế Fantasporto Festival, Newport Beach Film Festival và Montréal Festival of New Cinema.
Đồng thời, Paprika còn nhận về loạt đánh giá tích cực trên trang Metacritic với 81 điểm từ nhiều tạp chí nổi tiếng như The Hollywood Reporter, The New York Times hay The Wall Street Journal.
“Trong bộ phim Paprika của Satoshi Kon, mớ hỗn độn trong ý thức con người hiện đại là cơn ác mộng đe dọa chiếm lấy thế giới.” – The New York Times nhận xét
Với 85% đánh giá tích cực dành cho Paprika trên hệ thống Rotten Tomatoes, đa số khán giả và các nhà phê bình đều gửi lời khen ngợi đến tác phẩm của đạo diễn Satoshi Kon.
“Như một sự thể hiện sức mạnh vô hạn của trí tưởng tượng, Paprika luôn làm hài lòng thị giác và thu hút tâm trí khán giả. Chúng ta không bao giờ chắc chắn chính xác mình nên cổ vũ cho ai, thậm chí ta đang ủng hộ các nhân vật có thật hay chỉ là ảo ảnh của họ.” – Nhà phê bình Peter Howell đánh giá trên Rotten Tomatoes
Với lời cảnh tỉnh về sự lạm dụng khoa học kỹ thuật cùng nhiều căn bệnh tâm lý mà con người hiện đại đang gặp phải, Paprika đã gửi đến công chúng bức thông điệp mang tính thời đại và đầy nhân văn.
“Được vẽ nên từ những ý tưởng về tâm hồn con người cũng như nghệ thuật làm phim, Paprika tràn ngập sự sáng tạo, từ một nhà văn và đạo diễn có hiểu biết vô song về hoạt hình.” – Khán giả Nicholas Oon nhận xét trên Rotten Tomatoes
Một bộ phim hoạt hình được xây dựng trên ấn tượng của con người về giấc mơ, các khung hình độc đáo cùng phong cách nghệ thuật đã làm nên tên tuổi cho đạo diễn Satoshi Kon là những yếu tố tạo thành Paprika đầy hấp dẫn và lôi cuốn.
Bí Ngô
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất