Tình mẫu tử luôn sản sinh ra nguồn cảm hứng vô tận cho các thi nhân, dẫu đó là đề tài rất xa xưa nhưng không bao giờ vơi cũ.
Từ dòng cảm xúc chân thành cùng tình yêu thương con da diết, nhà thơ Chế Lan Viên đã ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng trong thi phẩm Con Cò. Bài thơ nhẹ nhàng vang lên như khúc ca tình mẹ và ý nghĩa lời ru với mỗi con người.
Qua âm điệu của lời ru ngọt ngào, người mẹ cũng thể hiện tình yêu thương vô bờ, gửi gắm vào đó là niềm khát khao dành tặng những điều tốt đẹp nhất trên đời cho con.
Vài nét về tiểu sử cùng những đóng góp của Chế Lan Viên
Nhà thơ Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, ông sinh năm 1920 tại xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Thế nhưng nhà thơ lại đi học ở Quy Nhơn, sau khi đỗ bằng thành chung thì bắt đầu dạy học kiếm sống.
Tuổi thơ đầy biến động đã ươm mầm cho hồn thơ dân tộc, bắt đầu viết khi tuổi đời còn rất trẻ, tập thơ Điêu tàn là tác phẩm đầu tay của Chế Lan Viên và được xuất bản vào năm ông mười bảy tuổi.
Đây cũng là bước ngoặt mở đầu cho thành công rực rỡ trong sự nghiệp thi ca của Chế Lan Viên. Ngoài ra ông còn sở hữu nhiều tác phẩm để lại tiếng vang như Ánh sáng và phù hoa, Hoa trên đá, Những ngày trên tàu.
Chế Lan Viên là nhà thơ xuất sắc trong phong trào thơ mới, góp phần đưa nền văn học dân tộc lên đến đỉnh cao cùng nhiều thi phẩm xuất sắc. Được biểu hiện theo khuynh hướng suy tưởng – triết lý mang vẻ đẹp của trí thức và sự đa dạng.
Con đường thơ Chế Lan Viên và hành trình đến với thi phẩm Con Cò
Trải qua hành trình dài tìm tòi, sáng tạo, ông có nhiều biến động thay đổi theo từng thời kỳ lịch sử. Trước Cách mạng tháng Tám, thơ Chế Lan Viên đúng nghĩa “trường loạn” đầy thần bí, thể hiện sự bế tắc thời cuộc của đất nước.
Sau Cách mạng tháng Tám, lời thơ ông vang lên đã đến gần hơn với nhân dân, đất nước. Trong cách sáng tác của Chế Lan Viên lúc bấy giờ thấm nhuần tư tưởng và ánh sáng con đường cách mạng.
Con Cò được viết năm 1962, in trong tập Hoa ngày thường – Chim báo bão và đánh dấu bước ngoặt trong phong cách sáng tác của ông khi lời thơ thể hiện rõ tâm hồn con người Việt Nam.
Bài thơ đã ca ngợi tình mẹ bao la, thắm thiết và ý nghĩa lời ru với sự khôn lớn của đứa con. Qua đó, tác giả mong muốn người đọc biết tận hiếu với bậc sinh thành bởi công ơn dưỡng dục to lớn như biển cả mênh mông.
Nhan đề Con Cò đậm nét dân gian rực sáng trong thi ca
Mỗi tác phẩm đều chứa đựng một triết lý về nhân sinh và thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm. Chế Lan Viên đã rất khéo léo khi sử dụng hình ảnh con cò cho nhan đề bài thơ khi mang nhiều ý nghĩa tượng trưng, vừa có bóng dáng người nông dân, có cả người mẹ.
Lời thơ Con Cò hiện lên hình ảnh của người nông dân Việt Nam chất phác, lương thiện song cũng thấp thoáng bóng dáng người mẹ tần tảo sớm hôm trong cuộc sống nhiều vất vả, nhọc nhằn nhưng vẫn mang đức tính tốt đẹp.
Mang theo mình sự bình dị, mộc mạc, tác phẩm còn biểu trưng cho hình ảnh làng quê Việt Nam với cánh cò trắng dập dìu sải cánh bay trên đồng ruộng mênh mông.
Trong bài, “con cò” còn hóa thân vào hình bóng người mẹ lam lũ một đời vì con. Vốn xuất xứ từ ca dao, hình ảnh ấy đã trở thành cái nôi cho những sáng tạo trong vần thơ của tác giả Chế Lan Viên.
Hình ảnh người mẹ lam lũ sớm hôm nuôi con khôn lớn
Luôn tồn tại sợi dây gắn kết vô hình, nối chặt con với mẹ từ khi con sinh ra cho đến khi khôn lớn. Chế Lan Viên đã đưa người đọc đắm chìm trong tình cảm thiêng liêng ấy bằng những lời thơ bay bổng nhẹ nhàng.
Thuở mới lọt lòng, chắt chiu trong từng lời ru ngọt ngào từ mẹ, hình ảnh con cò lại cứ bình dị và nhẹ nhàng đi vào tiềm thức bé bỏng của con.
“Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay.” – Con Cò (Chế Lan Viên)
Chế Lan Viên đã đánh thức cánh cò yên ngủ, gọi cò về những lời ru ấm ủ trong tâm hồn thi nhân. Để rồi trên từng trang thơ, “con cò” bắt đầu đến với tuổi thơ kì diệu của đứa trẻ.
Ở lời hát ru của mẹ, từ khi còn nhỏ xíu được “bế trên tay”, lúc ầu ơ ru ngủ, cánh cò là thứ hiện hữu trong ký ức bé thơ, hình ảnh đầu tiên xuất hiện in hằn tâm trí con.
Dịu dàng, êm ái người mẹ như đang tâm tình với niềm yêu thương tha thiết khi con còn trong vòng tay. Ở đây, hình ảnh con cò được lặp đi lặp lại nhiều lần tựa lời ru ngân nga.
Hình bóng của đất nước thấp thoáng theo những cánh cò dập dìu
Từ ngày thơ bé, người mẹ như muốn kể cho con nghe về con cò, mong rằng nó được hằn sâu nơi tiềm thức. Thấm nhuần trong từng lời ru ấy cũng là hình ảnh đất nước hiện lên đằng sau cánh cò thân thương.
“Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò Cổng Phủ
Con cò Đồng Đăng.” – Con Cò (Chế Lan Viên)
Giấc mơ con được yên bình nhờ những lời ru ngọt ngào, thấp thoáng hình ảnh đất nước đang cùng người mẹ che chở cho đứa trẻ còn đỏ hỏn. Cánh cò dập dìu bay từ “Cổng Phủ” lên đến “Đồng Đăng” mang hồn thơ đất nước, của quê hương hữu tình từ nông thôn dân dã lên phố thị xa hoa, náo nhiệt.
Đất nước trong thơ Chế Lan Viên xuất hiện muôn vàn hình ảnh đẹp, có cánh cò đã đi vào tiềm thức của con, che chở những giấc ngủ yên bình. Dẫu gian nan, vất vả nhưng mẹ vẫn muốn mang lời ru đến, hát cho con nghe về tình yêu quê hương đất nước cháy bỏng trong lòng.
Dù vô thức nhưng con lại có thể đón nhận được sự yêu thương của người mẹ nhờ trực giác non sơ ấy, bởi đó là thứ tình cảm thiêng liêng và ấm áp chẳng lúc nào vơi đi.
Chế Lan Viên giúp độc giả cảm nhận rõ hơn về người mẹ như muốn hát ru về tình yêu quê hương thắm thiết, rồi đứa bé cũng sẽ thấy được sự yêu thương kia lớn đến nhường nào.
Con cò là hình ảnh người mẹ tần tảo sớm hôm
Lời thơ nhẹ nhàng êm ái vang lên, từng câu chữ lại thấm đẫm tình cảm da diết của người mẹ. Vì giấc ngủ yên bình, chỉ cần mang những điều tốt đẹp đến cho con thì bao nhiêu vất vả cũng không từ.
“Con cò ăn đêm
Con cò xa tổ
Cò phải một mình
Cò sợ xáo măng.” – Con Cò (Chế Lan Viên)
Hình ảnh con cò hiện lên qua thi phẩm Chế Lan Viên lúc bấy giờ không nằm im trong sách vở, nó bay ra từ vần thơ để đến cuộc sống gian nan của người nông dân nói chung và cả mẹ đứa trẻ nói riêng.
“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.” – Ca dao Việt Nam
Trong trang thơ, cánh cò không tự có, chẳng phải tự nhiên mà hiện hữu bất di bất dịch như muôn vàn câu chữ của thi ca. Nó bay ra từ một miền xa xôi lắm, không mệt mỏi và dần đến bên người con.
Xưa nay, con cò là biểu tượng thường trực mà ông cha mượn để gợi tả về sự lam lũ cùng những mảnh đời bé nhỏ của người nông dân. Nhà thơ Chế Lan Viên một lần nữa làm sống dậy hình ảnh vốn đã sờn cũ nhưng lại độc đáo và sâu sắc vô cùng.
Lời ru mẹ hiền êm ái đưa con vào giấc ngủ diệu kỳ, xuất hiện hình ảnh con cò lặn lội mưu sinh đầy đáng thương bởi phải cô độc kiếm ăn giữa màn đêm vắng lặng mà chẳng ai vỗ về.
Sự vất vả của “cò đi ăn đêm, xa tổ, cành mềm, xáo măng” trong trang thơ Chế Lan Viên lúc bấy giờ là cách nói biểu tượng cho người phụ nữ phải tần tảo sớm hôm.
“Cò một mình cò phải kiếm ăn
Con có mẹ con chơi rồi lại ngủ.” – Con Cò (Chế Lan Viên)
Gánh vác mọi nhọc nhằn, gian khó, cò lẻ loi kiếm ăn giữa màn đêm tối như hình ảnh mẹ vất vả một đời mưu sinh. Thế nhưng, người phụ nữ ấy vẫn muốn hát cho con nghe, những khúc hát nối liền với cuộc sống lao động.
Từng lời thơ của Nguyễn Khoa Điềm trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ cũng chứa chan niềm thương mến sâu xa với người mẹ cùng sự vất vả vừa ru con, vừa lao động.
“Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội
Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời.” – Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ ( Nguyễn Khoa Điềm)
Khi mẹ giã gạo, “cu Tai” vẫn ngủ ngoan trên lưng, cảm nhận rõ từng giọt mồ hôi thấm đẫm nặng nhọc tần tảo sớm hôm. Dường như chú bé thấy được nỗi vất vả ấy nên hơi thở của em cũng hòa cùng hơi thở lớn lao và cố yên giấc trong lòng.
Tình cảm của người mẹ dành cho con là bao la vô bờ bến
Một không gian rất xa xăm bỗng trở nên nguyên vẹn đến lạ kỳ, khúc hát ru trong bài thơ Con Cò lúc bấy giờ chan chứa tình cảm thiêng liêng từ người mẹ dành cho đứa con thơ.
“Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân
Con chưa biết con cò, con vạc
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát
Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân.” – Con Cò (Chế Lan Viên)
Mỗi hình ảnh hiện lên trong bài thơ đều được hoán dụ đầy nghệ thuật, giúp độc giả cảm nhận rõ tình mẫu tử bao la của mẹ trao đến cho con. Dù cuộc đời nhọc nhằn thì vẫn hy sinh vì con, chấp nhận việc cánh cò kia mang theo bao nỗi buồn và cả đắng cay.
“Trong gió nóng những trưa hè ngột ngạt
Mẹ ru tôi hạt cát sạn hàm răng.” – Gió Lào và cát trắng (Xuân Quỳnh)
Đó chính là cái vị đắng cay mà mỗi khi nhắc đến, nhà thơ Xuân Quỳnh lại không giấu nổi sự xúc động khi nghe đến câu hát trong tác phẩm Gió Lào và cát trắng miền Trung.
Mẹ luôn mong con được hưởng trọn tình yêu thương của tuổi ấu thơ, trong lời ru ấy không chỉ mang đến những cánh cò mà nó còn mang đến hơi xuân ấm áp, dòng sữa trắng ngọt ngào.
Thế mới thấy, dù vất vả gian nan nhưng mẹ vẫn muốn hiện diện trong tuổi thơ của đứa trẻ. Có mệt mỏi đến mấy cũng sẽ hát ru những khúc hát trìu mến, nhẹ nhàng để con đi vào giấc ngủ yên bình.
“Thêm một người trái đất sẽ chật hơn
Nhưng thiếu mẹ thế giới đầy nước mắt
Đối với con riêng mẹ là duy nhất
Mẹ từng ngày dõi theo bước chân con.” – Con Cò (Chế Lan Viên)
Tuổi thơ thật hạnh phúc khi được sống trong tình yêu thương và mẹ lại vỗ về chắp cánh những ước mơ cho con từ thuở còn thơ. Lời ru ngọt ngào đó đã xua tan niềm lo âu khắc khoải, đưa đứa bé vào giấc ngủ êm đềm trong hơi ấm tình mẹ.
“Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên
Cho cò trắng đến làm quen
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò hai đứa đắp chung đôi.” – Con Cò (Chế Lan Viên)
Dòng thơ đầu với câu trúc đặc biệt “ngủ yên” được lặp lại ba lần, gợi lên nhịp điệu lời ru dịu dàng của mẹ dần vỗ về con vào giấc ngủ êm đềm.
Kết hợp với thủ pháp nhân hóa, cò khi đến “làm quen” hay “ đứng ở quanh nôi” thì cánh cò càng trở nên sinh động, gần gũi như một người bạn thân thiết. Nó luôn hiện diện trong cuộc sống, trong cả từng giấc ngủ của em bé.
Từ khi còn trong nôi, cò đã đồng hành với đứa trẻ và chăm sóc từng giấc ngủ. Hình ảnh cò cùng con “đắp chung đôi” là cách thể hiện tinh tế cho vòng tay dịu dàng ôm ấp, ủ ấm con từ mẹ.
Lời ru nặng nghĩa và giàu tình cảm đã tạo nên chiều sâu trong tâm hồn. Từ lúc “con còn bế trên tay” đến khi nằm nôi thì mẹ vẫn hết sức yêu thương, chăm sóc con từng chút một.
Hình ảnh cò hiện lên trong tâm trí và theo em suốt cả cuộc đời
Với bài thơ Con Cò, Chế Lan Viên đã tôn vinh một cách chân thành tình yêu thương của người mẹ. “Cánh cò” lúc này bay ra khỏi từng trang thơ nối gót đôi chân và theo con đến khám phá những chân trời mới.
“Con sẽ lớn khôn, con đến trường đi học
Con khôn lớn, con theo cò đi học
Cánh cò trắng bay theo gót đôi chân.” – Con Cò (Chế Lan Viên)
“Cánh cò” sẽ là hình ảnh mẹ theo con suốt cả cuộc đời dù còn bé hay khôn lớn. Đi từ giấc ngủ êm ả, đồng hành cùng năm tháng và trở thành hành trang cho đứa trẻ bước vào đời với niềm tin mạnh mẽ.
Đứa trẻ rồi sẽ dần lớn lên, “con theo cò đi học” là hình ảnh mẹ đưa con đến trường. Lúc này, “Cánh cò trắng” sẽ đưa con tới một vùng trời mới và dần dà “bay theo gót chân con” đến mọi nẻo đường dù xa xăm.
Khi đến giai đoạn niên thiếu, tình thương của người mẹ không còn thể hiện qua những tiếng hát, lời ru mà sẽ dõi theo từng bước chân con đi trong cuộc đời. Bởi chỉ có thế, thì đôi chân ấy mới ngày càng vững chãi và chẳng còn sợ vấp ngã.
Trong trang thơ Chế Lan Viên, tình mẹ vô cùng phong phú và sâu sắc, cách thể hiện lại đa dạng. Lúc bấy giờ, thi sĩ lại giúp độc giả được hiểu hơn về tấm lòng bao la của người mẹ.
“Cánh cò” cũng từng đánh thức giấc mơ đẹp đẽ, đưa em đi đến phương trời xa như cánh cò trong thơ của Trần Đăng Khoa, khiêng nắng về và đánh thức cả ngày mới:
“Đàn cò trắng khiêng nắng qua sông.” – Em kể chuyện này (Trần Đăng Khoa)
Cánh cò trong trang thơ Chế Lan Viên đã đánh thức cả bầu trời lấp lánh hi vọng cùng vì sao ước mơ, dìu dắt đứa trẻ đến tương lai sáng rực cùng muôn vàn sắc màu. Rồi trong muôn vàn sắc màu ấy, đọng lại thứ màu dìu dịu như tình mẫu tử thiêng liêng.
Cánh cò đi theo em và chắp cánh cho những ước mơ
Ở đoạn thứ ba, qua hình ảnh con cò, lời ru đã giúp người mẹ dần đi vào tiềm thức của bé thơ và tạo nên tâm hồn phong phú cho con người khi trưởng thành.
“Lớn lên, lớn lên, lớn lên!
Con làm gì?
Con làm thi sĩ!
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà và trong hơi mát câu văn.” – Con Cò (Chế Lan Viên)
Đứa bé cứ thế “lớn lên, lớn lên, lớn lên” trong vòng tay yêu thương, dù trưởng thành và có con đường riêng nhưng người mẹ vẫn không bao giờ rời xa đứa con. Điệp ngữ “lớn lên” trong câu thơ trên như ước mong cho đứa trẻ về sau sẽ được khôn lớn, nên người.
“Lớn lên”, mỗi chặng đường con đi qua vẫn có bóng dáng quen thuộc ấy vì mẹ luôn ở cạnh. Bởi lẽ, người mẹ là bến bờ dịu hiền luôn chờ đón con khi đã thành công hay lúc vấp ngã trước những sóng xô của cuộc đời.
Trong đoạn thơ trên, Chế Lan Viên sử dụng cấu trúc đối đáp, từ việc hỏi “lớn lên con làm gì?” đến câu trả lời “con làm thi sĩ”. Đó là con đường con đã chọn hay chính là niềm mong ước lớn lao của người mẹ.
Lời ru lúc này như mong con trở thành thi sĩ, mang hương hoa góp nhặt cho đời bằng cái đẹp, bằng chính cảm xúc của mình để đến với bao con người.
Chính lúc ấy, “cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ” ở “trước hiên nhà và trong hơi mát câu văn” như lòng tin rằng hình ảnh mẹ vẫn in hằn trong lời thơ và từng cảm xúc của con.
Đến thời điểm này, cánh cò trong thơ Chế Lan Viên không chỉ là người bạn cùng ăn, cùng chơi, cùng ngủ, cùng cắp sách đến trường nữa mà đã trở thành cảm hứng nghệ thuật để con gửi tặng đến cuộc đời.
Các câu thơ ở đây đều có cấu trúc ngắn, chỉ “cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ” là tương đối dài, nó như lời khẳng định bất chấp cả thời gian và không gian rằng mẹ vẫn luôn dõi theo con.
“Trước hiên nhà” gợi lên một không gian thật gần gũi, thân thương. Nơi đó có hơi ấm của mẹ, có chiếc võng đưa nôi cùng những lời ru mang đứa trẻ vào giấc ngủ. Sẽ có nơi luôn dang rộng vòng tay đón con trở về dù ở đỉnh vinh quang hay thất vọng tràn trề.
Con Cò và tình yêu của mẹ trở thành quy luật mang tính chất vĩnh hằng
Cánh cò là khát vọng sáng tạo, ý chí vươn lên, mỗi lời ru lại mang những suy nghĩ, triết lý sâu sắc. Dù đứa con sẽ lớn lên và không ở cạnh mẹ nữa nhưng vẫn mãi cảm nhận được thứ tình cảm thiêng liêng ấy.
“Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống biển
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.” – Con Cò (Chế Lan Viên)
Một chân lý cuộc đời được nhắc đến trong bài thơ lúc này là cho dù còn tấm bé hay đã trưởng thành, người mẹ luôn dõi theo đứa bé trên từng bước đi cả đường đời dẫu có xa cách. Có vấp ngã thì vẫn là hình bóng ấy luôn giúp đứa con đứng dậy, trở thành niềm động lực trước mọi thử thách.
Bởi có khó khăn thì con mới khôn lớn, thế nhưng dù đi hết “trăm núi ngàn khe” cũng sẽ không bao giờ thấu hiểu hết tấm lòng thương con vô bờ của người mẹ như nhà thơ Tố Hữu từng thốt lên:
“Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm.” – Bầm ơi (Tố Hữu)
Dù trưởng thành, đã từng nếm hết bao lẽ từ cuộc đời thì vẫn luôn nhớ rằng “con vẫn là con của mẹ”. Đó là triết lý của cuộc sống rất đỗi nhẹ nhàng và không một ai có quyền cướp đi thiên chức ấy khỏi vòng tay người mẹ.
Ý nghĩa lời ru qua nét đặc sắc trong nghệ thuật của bài thơ Con Cò
Thi phẩm Con Cò được xây dựng bằng bút pháp nghệ thuật độc đáo, Chế Lan Viên đã khéo léo sử dụng thể thơ tự do. Điều này giúp thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc một cách tự nhiên mà không bị gò bó bởi bất kỳ luật lệ nào.
Tuy tác giả không sử dụng thể thơ lục bát nhưng trong Con Cò vẫn vang lên những âm hưởng nhẹ nhàng, tha thiết lời ru. Khi kết hợp cùng làng hoạt phép điệp, ẩn dụ, hoán dụ đã tạo nên sự thành công của bài thơ.
Ở Con Cò, người đọc thấy được sự vận dụng ca dao một cách sáng tạo của nhà thơ Chế Lan Viên. Văn học dân gian lúc này đã xuất sắc trở thành thi liệu cho những sáng tác thấm đẫm triết lý.
“Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim người mẹ.” – Bersot
Khi cất lên lời hát ru cũng đã gửi gắm trong đó cả tâm tư, cay đắng lẫn ngọt bùi. Mặc dù Chế Lan Viên không nhắc đến những nếm trải của cuộc đời ấy, song độc giả vẫn thấy được chất chứa đằng sau cánh cò kia là bao niềm nông sâu về cuộc đời mẹ.
Suy ngẫm lại bao nhiêu lần, tất cả vẫn cảm nhận rõ mỗi vần thơ đều chất chứa tình yêu thương vô bờ bến. Con Cò của Chế Lan Viên không chỉ là hơi ấm lời ru mà còn mang đậm triết lý của cuộc đời, hướng tâm trí người đọc đến tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.
Mẫn Nhi
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất