Phúc họa khó lường – Ý nghĩa và sự vận dụng thành ngữ

Trong cuộc sống, vận may rủi là thứ không thể lường trước được và luân phiên xuất hiện. Vì vậy, nhân dân đã truyền nhau câu thành ngữ “Phúc họa khó lường” với ngụ ý cái họa cũng như phúc khó có thể dự đoán.

Phúc họa khó lường
Phúc họa khó lường – Ý nghĩa và sự vận dụng thành ngữ

Ý nghĩa thành ngữ Phúc họa khó lường

Thành ngữ quen thuộc này có cấu tạo gồm hai danh từ “phúc” và “họa”. Nó là những điều vượt ra khỏi tầm kiểm soát của con người, không ai có thể biết trước được.

Trong đó, từ “phúc” chỉ những điều may mắn và tốt đẹp. Đây cũng chính là lý do mà nhiều người lựa chọn treo tranh có chữ này với mong muốn suôn sẻ, thuận lợi về công danh, tài lộc.

Ngược lại, “họa” lại mang nghĩa trái ngược hoàn toàn với “phúc”. Nó thường được dùng để chỉ những điều xui xẻo và tai họa ập đến trong cuộc sống.

Vì vậy, thành ngữ “Phúc họa khó lường” được sử dụng với ngụ ý những điều may rủi trong cuộc sống rất khó lường. Qua đó, ông cha muốn khuyên nhủ con cháu đời sau cần phải giữ một tâm thế tỉnh táo và vững vàng dù ở bất cứ hoàn cảnh hay tình huống này.

Ngoài ra, cách nói đậm chất dân gian này còn được lưu truyền rộng rãi ở dạng biến thể khác như “Họa phúc khôn lường” hay “Họa phúc khó lường”.

Điển tích thành ngữ Phúc họa khó lường

Theo như dân gian truyền miệng, xưa ở gần biên ải, có một người đàn ông già là Thượng Tái Ông bị mất con ngựa quý. Hàng xóm biết tin đều đến nhà an ủi thế nhưng lão vẫn tỏ ra vui vẻ và lạc quan, không chút đau buồn hay mất mát.

“Mất ngựa chưa chắc đã là họa mà biết đâu còn là phúc.” – Ông lão vẫn tươi cười nói mặc kệ thái độ ngạc nhiên của hàng xóm

Không lâu sau, con ngựa ấy đột nhiên trở về và còn dẫn theo một con ngựa khác. Chứng kiến cảnh tượng khó tin này, mọi người đều vui mừng thay cho Thượng Tái Ông.

Thế nhưng, ông lão chẳng hề vui vẻ, thậm chí còn có chút lo lắng và buồn rầu. Thượng Tái Ông thầm nghĩ điều này chưa chắc là may mắn, có khi lại mang đến cho gia đình mình tai họa khó đoán.

Từ khi có ngựa mới, con trai ông mải mê leo trèo, bay nhảy khắp nơi. Một lần nó, vì quá ham chơi nên anh bị ngã và gãy cả chân thế nhưng ông lão lại không hề lo lắng mà còn điềm nhiên nói với mọi người “Biết đâu lại là cái phúc”.

Một thời gian sau, trai tráng trong làng đều phải xông pha trận mạc để chống giặc ngoại xâm. Riêng con trai Thượng Tái Ông vì vết thương ở chân chưa lành nên không bị bắt đi lính nhờ đó tránh được việc bỏ mạng nơi chiến trường như những người khác.

Nhiều người khi biết chuyện đã thì thầm với nhau “Thật là phúc họa khó lường”. Đây cũng là nguồn gốc hình thành câu thành ngữ “Phúc họa khó lường” ngày nay.

Cuộc đời họa phúc khó lường của nhân vật Thúy Kiều

Truyện Kiều nằm trong số tác phẩm đặc sắc nhất của bậc đại thi hào Nguyễn Du. Thông qua cuộc đời nhân vật Thúy Kiều, áng thi ca này đã dựng nên cả một bức tranh xã hội phong kiến tăm tối và đầy rẫy bất công.

Thúy Kiều vốn là người con gái tài sắc vẹn toàn, sở hữu một tâm hồn trong sáng và nhân hậu. Thế nhưng nàng lại phải trải qua nhiều sóng gió, lưu lạc suốt mười lăm năm.

Khi Thúc Sinh giúp đỡ và mang mình ra khỏi chốn lầu xanh, Thúy Kiều đã ngỡ tìm được bến đỗ bình yên cuối cùng. Thế nhưng thứ chờ đợi nàng lại là những lời mắng nhiếc cùng thủ đoạn tàn ác của Hoạn Thư.

Người con gái tài hoa bạc mệnh ấy lại một lần nữa bị đẩy vào con đường tối tăm không lối thoát. Nàng chẳng những bị Hoạn Thư làm tổn thương mà còn luôn dằn vặt bản thân vì đã cướp đi chồng kẻ khác.

Hoàn cảnh ấy của nhân vật Thúy Kiều cũng giống như ý nghĩa câu thành ngữ “Phúc họa khó lường”. Nàng đã rơi vào tuyệt vọng đến cùng cực khi hạnh phúc bị dập tắt, trở thành kẻ xấu xa trong mắt người đời.

Dưới ngòi bút miêu tả của Nguyễn Du, độc giả như tận mắt chứng kiến các bất hạnh trong cuộc đời Thúy Kiều. Từ đó, ông gieo vào tâm khảm mỗi người hạt giống tình yêu thương, sự cảm thông đối với những mảnh đời éo le.

Thành ngữ Phúc họa khó lường và tiểu thuyết Tắt đèn

Ngô Tất Tố được biết đến như một cây bút tài năng với nhiều áng văn thấm đẫm giá trị hiện thực. Tiểu thuyết Tắt đèn cũng không phải là ngoại lệ, ra mắt công chúng lần đầu vào năm 1937.

Tác phẩm lấy bối cảnh làng quê Việt Nam vào mùa sưu thuế thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám. Nó xoay quanh cuộc đời của chị Dậu, người phụ nữ nông dân suốt đời vất vả vì chồng con.

Nhân vật ấy phải bán đi ổ chó, thậm chí cả đứa con gái đầu lòng để có tiền đóng sưu cứu anh Dậu. Thế nhưng bi kịch không dừng lại ở đó, chị còn bị bọn lính huyện ép buộc nộp thuế cho người em chồng đã mất.

Không muốn chồng cũng như con cái tiếp tục chịu khổ, chị Dậu đã quyết định đi ở vú cho nhà giàu. Nhân vật ấy cứ ngỡ tìm được công việc tốt, thế nhưng cuối cùng lại bị cụ cố toan giở trò đồi bại, khiến người phụ nữ tội nghiệp phải chạy thoát thân giữa màn đêm tối.

Hoàn cảnh đáng thương đó của chị Dậu cũng giống như thành ngữ “Phúc họa khó lường”. Đến cuối cùng, chị cùng những người nông dân trong xã hội thực dân nửa phong kiến bấy giờ vẫn không thể thoát khỏi số phận bị chà đạp, đọa đày.

Lên đầu trang