Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là câu tục ngữ “cửa miệng” của các bà, các mẹ khi dạy dỗ con cháu về lòng biết ơn. Lời dạy này trở nên quen thuộc và hầu như ai cũng đã từng nghe. Nhưng hiểu đúng, hiểu sâu về câu nói đó thì chắc chắn nhiều người chưa biết. Bài viết này, cùng chúng tôi tìm hiểu ý nghĩa và tác động của lời “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đến cuộc sống.

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây - Ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây – Ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống

Giải nghĩa câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

Trước tiên, để giải thích đầy đủ ý nghĩa “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” chúng ta cùng tìm hiểu cả nghĩa đen và nghĩa bóng của câu tục ngữ này.

Giải nghĩa câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
Giải nghĩa câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

Nghĩa đen câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

Xét về khía cạnh câu nói có thể thấy gồm 2 vế câu mang hai tầng ý nghĩa.

“Ăn quả” chỉ một hành động của con người trong cuộc sống. Quả là kết tinh của quá trình ra hoa, thụ phấn của cây. Ăn quả chính là hưởng thụ tinh hoa của cả một hành trình phát triển của cây.

“Kẻ trồng cây” là chỉ người đứng ra trồng, chăm sóc để tạo được ra quả. Cây không thể tự có, tự lớn và kết trái ngon nếu như không có công của người gieo trồng. Trồng cây là hành động khởi đầu cho quá trình ra hoa, kết trái. Ăn quả là quá trình kết thúc, tận hưởng thành quả.

Như vậy, câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” ý nói khi chúng ta được ăn quả chín, quả ngon thì cần nhớ đến người đã trồng ra cây đó. Đây là việc cần phải làm của bất kỳ ai khi được hưởng thụ thành quả mà không cần bỏ công sức.

Nghĩa bóng câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

Mượn hình ảnh “quả” chín và “kẻ trồng cây”, người xưa muốn nói: Khi được hưởng thụ thành quả lao động thì chúng ta cần nhớ đến công lao của người đã tạo ra kết quả tốt đẹp đó. Một kết quả tốt, thành công thì chắc chắn người đi trước đã phải bỏ ra rất nhiều tâm huyết, thời gian để có thể hoàn thành. Đó chính là biết ơn của mỗi con người.

Ngoài ra, động từ “nhớ” trong ăn quả nhớ kẻ trồng cây ý là ghi nhớ, tưởng nhớ. Ý nói ở đây, con người phải biết ghi nhớ công lao của người mang đến thành công, cuộc sống ấm no, hòa bình cho mình như ngày nay. Đây là việc làm phải duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác vì các thế hệ đi trước đã không ngừng phát triển và bảo vệ đất nước được như bây giờ.

Có thể nói, mượn hình ảnh rất dễ hiểu “quả” và “kẻ trồng cây” người xưa đã mang đến một câu tục ngữ có ý nghĩa vô cùng sâu sắc cho mọi thế hệ mai sau.

Thực hiện lòng biết ơn trong cuộc sống thường ngày

Từ bài học của câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” có thể thấy rằng lòng biết ơn là vô cùng quan trọng trong cuộc sống hiện nay. Việc thể hiện lòng biết ơn là rất cần thiết đối với mỗi người.

Thực hiện lòng biết ơn trong cuộc sống thường ngày
Thực hiện lòng biết ơn trong cuộc sống thường ngày
  • Lòng biết ơn đối với gia đình. Ai cũng có gia đình và cha mẹ luôn nỗ lực để con cái có cuộc sống tốt hơn. Hãy biết ơn vì được ông bà, bố mẹ yêu thương, anh chị em đùm bọc.
  • Lòng biết ơn với thầy cô. Đây là những người đã dạy dỗ và mang kiến thức đến cho chúng ta. Vì thế, “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Mỗi người phải luôn ghi nhớ công lao của thầy cô.
  • Lòng biết ơn đối với người đã giúp đỡ mình trong cuộc sống. Đây là việc làm mà bất kể ai, từ nhỏ đến lớn đều có thể thực hiện. Chúng ta luôn biết nói lời cảm ơn đối với những người đã hỗ trợ, giúp đỡ mình trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là khi chúng ta gặp khó khăn.
  • Lòng biết ơn đối với những người hi sinh cho đất nước. Để có được hòa bình như ngày nay, rất nhiều anh hùng liệt sĩ đã hi sinh mãi mãi ở tuổi đời rất trẻ. Vì thế, các thế hệ mai sau phải luôn ghi nhớ công lao to lớn của thế hệ cha ông đã nằm xuống vì độc lập, tự do dân tộc. Từ đó, thể hiện lòng biết ơn bằng cách gìn giữ hòa bình và phát triển đất nước.

Một số câu tục ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa cùng nội dung

Dưới đây là một số câu tục ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa với “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” mà bạn có thể tham khảo”:

Một số câu tục ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa cùng nội dung
Một số câu tục ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa cùng nội dung

Các câu đồng nghĩa:

  • Uống nước nhớ nguồn.
  • Lúa tốt nhờ công người cày.
  • Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.
  • Ăn nắm cơm dẻo, nhớ nẻo đường đi.
  • Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
  • Nhờ phèn nước mới trong.
  • Sống tết, chết giỗ.

Các câu trái nghĩa:

  • Ăn cháo đá bát
  • Ăn cây táo, rào cây sung
  • Qua cầu rút ván

Kết luận

Câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” với lời dạy về lòng biết ơn là bài học rất lớn đối với mỗi người. Cuộc sống có thể thay đổi về tiền tài, vật chất nhưng lòng biết ơn. hiếu thảo, ghi nhớ công ơn của người đi trước thì không bao giờ được thay đổi. Chúng ta tin rằng, sống có lòng biết ơn thì cuộc sống sẽ ngày càng tươi đẹp hơn.