Ký ức của trẻ thơ là vùng trời tươi đẹp với những câu chuyện của mẹ, của bà. Trong đó, kẻ xấu sẽ bị trừng trị còn người tốt thì được hưởng cuộc sống hạnh phúc, ấm no. 

Những bài học mang tính nhân văn ẩn sâu dưới lớp lang ngôn từ là cách người lớn giáo dục con trẻ để khi lớn lên, chúng biết phân biệt “phải trái đúng sai” và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Thạch Sanh là câu chuyện gắn liền với tuổi thơ bao đứa trẻ như thế. Đi vào những trang sách vỡ lòng, tác phẩm đóng vai trò quan trọng không chỉ trong kho tàng văn chương, mà còn có vị trí không thể thay thế trong nền giáo dục nước nhà.

Truyện Nôm là một tiêu biểu cho văn học cổ điển Việt Nam

Truyện thơ Nôm hay Truyện Nôm là thể thơ tiếng Việt viết bằng chữ Nôm, nét tiêu biểu cho văn học cổ điển Việt Nam với đỉnh cao là giai đoạn cuối thế kỷ mười tám, đầu thế kỷ mười chín.

Truyện Nôm có nhiều cách phân loại khác nhau dựa trên thể thơ hoặc đối tượng sáng tác. Các tác phẩm đặc sắc của thể loại truyện này phải kể đến Truyện Kiều, Hoa tiên, Truyện Lục Vân Tiên, Tống Trân – Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa.

Truyện Nôm là một tiêu biểu cho văn học cổ điển Việt Nam

Thường được viết theo thể thơ lục bát, truyện Nôm là loại hình tự sự có khả năng phản ánh hiện thực đời sống xã hội, là phương tiện để tác giả thể hiện quan niệm lẫn lý tưởng nhân sinh thông qua việc miêu tả chi tiết cuộc đời, tính cách nhân vật.

Dẫu truyện Nôm xuất phát từ nhiều nguồn gốc khác nhau và được phân loại thành nhiều mảng, phần lớn vẫn hướng đến những chủ đề chung với điểm đến cuối cùng là tình yêu viên mãn cùng xã hội công bằng, thái bình, an khang.

Thạch Sanh là hình tượng người quân tử chân chính

Ra đời vào khoảng cuối thế kỷ mười tám, Thạch Sanh là truyện thơ Nôm Việt Nam, được viết theo thể lục bát bởi một tác giả khuyết danh và lan truyền trong nhân dân với nhiều dị bản.

Thạch Sanh là hình tượng người quân tử chân chính

Tên truyện Thạch Sanh cũng là tên nhân vật chính, một anh chàng mồ côi làm nghề đốn củi. Anh làm ăn chân chính, sống chan hoà, tử tế nên được dân làng quý mến và đùm bọc, yêu thương.

“Sẵn nghề cha để lại đây

Đốt than, kiếm củi tháng ngày lân la.

Rừng xanh núi đỏ vào ra

Chim kêu vượn hót ấy là thú riêng.

Cuộc đời nghĩ đến đảo điên

Non sông nỡ để thiệt riêng người lành!” – Truyện thơ Nôm Thạch Sanh

Dẫu xuyên suốt câu chuyện, Thạch Sanh bị các thế lực phản diện hãm hại nhiều lần nhưng cuối cùng chính nghĩa vẫn chiến thắng. Anh sau đó được phong ngôi vương và sống hạnh phúc cùng công chúa trọn đời.

Thạch Sanh là một lương dân với những phẩm chất đáng trân quý

Thạch Sanh chính là hoá thân của thái tử, người được Ngọc Hoàng phái xuống đầu thai làm con trai của đôi vợ chồng già ở quận Cao Bình. Cha mất từ khi Thạch Sanh chưa lọt lòng, lúc chàng còn thơ bé thì người mẹ cũng từ giã cõi đời. 

Dù mồ côi, chàng trai ấy vẫn lớn lên khoẻ mạnh, chăm chỉ lao động và không sa ngã dưới sự khắc nghiệt của cuộc sống. Với bản tính lương thiện, Thạch Sanh sẵn lòng kết nghĩa anh em cùng Lý Thông, nhiều lần giúp đỡ hắn mà không hề toan tính.

“Một hôm ngồi tựa cây đa

Có một nam tử đi qua ghé vào.

Tạm dừng hóng mát giải lao

Nhác trông họ Thạch anh hào uy phong.

Chắc rằng là kẻ ích dùng

Cho nên muốn kết bạn cùng anh em.” – Truyện thơ Nôm Thạch Sanh

Đức tính thật thà của chàng trai này hiện lên ở chỗ anh không đắn đo suy nghĩ mà tin tưởng tuyệt đối lời nói của “người anh kết nghĩa”. Dù thực chất, Thạch Sanh là “con tốt” để Lý Thông thực hiện dã tâm.

“Ai ngờ họ Lý gian tà

Nghĩ ngay một kế phân qua mẹ tường

Mẹ ơi! Xin chớ lo lường

Con đã có kế, có phương thoát nàn.

Mẹ đừng khóc lóc, than van

Nữa mà tiết lộ khó toàn mưu con.

Thạch Sanh còn ở trong non

Nó về, mẹ để mặc con điều đình.” – Truyện thơ Nôm Thạch Sanh

Khi được vua Thuỷ đãi tặng vàng ngọc châu báu vì có công cứu thái tử khỏi hang ổ của đại bàng, chàng khước từ và chỉ xin mang về một cây đàn. 

“Khi anh xuống đến cung tiêu Thủy tề;

Vua cha đáp nghĩa vật chi

Nếu cho vàng bạc, anh thì chớ tham.

Quý này, có một cái đàn

Của vua Thượng đế Ngọc Hoàng ban cho.

Em tâu Vương phụ người cho

Trong đàn có đủ trận đồ, thủy cương

Thông thay các phép lạ dường

Hoạn nạn lánh khỏi, giặc loàn cũng yên

Thì anh lĩnh lấy về liền

Ắt sau dương thế có phen cần dùng.” – Truyện thơ Nôm Thạch Sanh

Chỉ cần một phần mưu mô tư lợi trong tâm, Thạch Sanh khi ấy đã nhiều lần có thể đổi đời, sống trong giàu sang sung túc nhưng chàng vẫn chọn sự liêm khiết, thanh cao. 

Dẫu cuộc sống giản đơn nhưng đó là kết quả của sức lao động bền bỉ, chân chính của Thạch Sanh.

Hình tượng người quân tử trượng nghĩa Thạch Sanh

Khi còn là bào thai trong bụng, Thạch Sanh đã có những biểu hiện khác với người thường. Trong khi những đứa trẻ khác chào đời sau chín tháng mười ngày thai nghén, mẹ Thạch Sanh vẫn chưa sinh nở sau nhiều năm mang thai. 

Những yếu tố kì ảo như vậy chính là đặc điểm nghệ thuật chung trong các tác phẩm văn học cổ đại, dân gian. Những cậu bé như Thạch Sanh, Thánh Gióng hay Sọ Dừa đều mang trong mình nguồn sức mạnh to lớn cùng vóc dáng rắn rỏi, dung mạo khôi ngô.

Vì được huấn luyện từ chính tiên ông Ngọc Hoàng phái xuống mà Thạch Sanh khi trưởng thành đã tinh thạo võ nghệ cùng mọi phép thần thông. Chàng dùng nguồn lực ấy để chiến đấu cho cái thiện, cho công lý.

“Thu qua, đông tới, lại xuân…

Thạch Sanh tuổi đã đến tuần mười ba.

Ngọc Hoàng nghĩ đến gần xa

Liền sai Lý Tĩnh xuống qua phàm trần.

Bao nhiêu các phép tiên ban

Dạy cho họ Thạch chu toàn tinh thông.” – Truyện thơ Nôm Thạch Sanh

Để rồi, những lần chính nghĩa lên tiếng là những lần từng chi tiết hấp dẫn, lôi cuốn hiển hiện trước mắt độc giả. Hai lần đối đầu với quái vật đầy cam go, Thạch Sanh cùng những thế võ thượng phong đã hạ gục Chằn tinh, Đại bàng trong gang tấc.

Không những vậy, chàng còn thuần thục việc dùng cung tên và có tài gảy đàn, tiếng đàn khơi dậy sức sống nơi nàng công chúa Quỳnh Nga. Những điều ấy đã làm nên một Thạch Sanh, ví dụ điển hình cho bậc nam nhi văn võ toàn tài trong quan niệm xưa.

“Tôi xin ra sức anh hào

Cứu người cho khỏi lao đao buổi này!” – Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Nguyễn Đình Chiểu)

Thân là chính nhân quân tử, Thạch Sanh không ngần ngại giúp đỡ mọi người, xả thân vì việc nghĩa. 

Từ việc được Lý Thông nhờ canh miếu thờ, nhờ dẫn đến hang ổ của Đại Bàng, thám thính hang sâu nơi công chúa bị giam giữ hay cứu Thái tử con vua Thuỷ, tất thảy đều được chàng đồng ý, nguyện ý làm chẳng cần lý do hay có mục đích vụ lợi.

“Nhớ người kiến ngãi bất vi,

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.” – Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Nguyễn Đình Chiểu)

Khi biết trọn vẹn câu chuyện và tỏ tường sự gian xảo lẫn dã tâm thâm hiểm của Lý Thông, Thạch Sanh vẫn chọn lựa tha thứ, dành cho mẹ con hắn một đường lui để trở về làm người lương thiện.

Dẫu sao, Lý Thông cũng là “anh kết nghĩa” như chàng luôn nhìn nhận trong tâm thức. Chính sự rộng lượng, khoan dung ấy đã góp phần làm nên người quân tử chân chính giữa muôn vàn cái vòng vèo, chùng chình của cuộc sống. 

Trong “văn võ kiệm toàn”, chữ “văn” đại diện cho tài trí ở Thạch Sanh hiện lên ở những chi tiết ẩn lộ được cài cắm xuyên suốt tác phẩm. 

Khi xuống đến hang sâu, địa bàn của Đại bàng và là nơi công chúa bị bắt giữ, Thạch Sanh không kích động mà nhờ cô chuốc thuốc mê Đại bàng. Chàng tính toán đưa công chúa ra trước để đề phòng bất trắc, đây cũng là một điều tinh tế ở chàng trai ấy.

Cũng nhờ sự điềm tĩnh và mưu trí của mình mà về sau, Thạch Sanh đã tránh được cuộc chiến với các nước chư hầu nhưng không hao tổn tài nguyên và sinh lực.

Câu chuyện về Thiện – Ác và Nhân – Quả

Bản chất của mỗi người vốn là lương thiện, những điều xấu xuất hiện khi con người đứng trước cám dỗ, sự đánh đổi hay danh lợi xa vời. Tiêu cực cũng được tạo thành khi giáo dục không làm tròn chức năng. 

Câu chuyện về Thiện - Ác và Nhân - Quả

Trẻ thơ như trang giấy trắng còn sự uốn nắn dưỡng dạy từ người lớn là nét mực, nó xác quyết hình tượng và tính cách đứa trẻ khi trưởng thành. Vậy nên, bài học gửi gắm trong trang truyện sẽ làm tròn bổn phận ấy một cách nhẹ nhàng nhưng thâm sâu.

Thiện – ác trong tác phẩm Thạch Sanh

Những câu truyện như Thạch Sanh luôn hướng đến mục đích cuối cùng là nhân đạo hoá con người, giáo dục họ hướng về lẽ phải, bài trừ tội ác.

Trong truyện, tầng lớp chính nghĩa là Thạch Sanh, nhà vua, công chúa còn mẹ con Lý Thông, Chằn tinh, Đại bàng là hiện thân của những góc khuất của xã hội, những con người đứng trong bóng tối gây bao điều tai ương. 

Xuyên suốt câu chuyện, Thạch Sanh không ít lần nếm trải “vị đắng” cuộc đời khi bị gạt lừa bởi người anh kết nghĩa, bị vu oan bởi Đại bàng, Chằn tinh, dẫu oan sai nhưng không được thanh minh vì công chúa đã hoá câm lặng.

Thế nhưng bên cạnh cái đắng ngắt ấy, vẫn còn những “viên đường” trên hành trình Thạch Sanh đã đi qua. Ấy là sự dưỡng dục từ Ngọc hoàng, tiên ông, ấy là món quà từ vua Thuỷ hay lời bênh vực thanh tội từ công chúa.

Nhân – quả trong tác phẩm Thạch Sanh

“Gieo gió gặt bão”, câu tục ngữ chứa bao điều sâu cay, răn dạy con người ta cách sống thiện lương ở đời. Khi kế hoạch lần thứ nhất không thành, Lý Thông đã phải hoảng sợ vì hiểu nhầm tiếng gõ cửa là oan hồn của Thạch Sanh tìm về.

Ở lần thứ hai, Lý Thông năm lần bảy lượt bày mưu tính kế bịt kín miệng hang nhằm trừ khử và cướp công Thạch Sanh. Lần thứ ba, khi Thạch Sanh đã ở phía sau song sắt, Lý Thông vẫn bồn chồn lo lắng tìm cách khép tội chết cho chàng. 

Lúc mọi chuyện vỡ lở, dù được Thạch Sanh xá tội nhưng cái kết cho hai mẹ con Lý Thông vẫn gây ám ảnh khôn nguôi. Họ bị sét đánh và hoá thành kiếp bọ hung ngay trên đường trở về quê nhà.

“Thông nghe bái tạ bước ra

Quan quân sỉ hổ, người ta chê cười

Mẹ con bị nhục thương ôi!

Ngọc Hoàng ngự phán kim giai tức thời.

Kíp sai Ngũ bộ Thiên Lôi.

Đằng vân giá vũ đến nơi lạ dường.

Mẹ con về đến giữa đường

Thiên Lôi Ngũ bộ đánh nhường cả hai.

Cho hay những kẻ phi loài

Người dù không giết thì trời chẳng tha.” – Truyện thơ Nôm Thạch Sanh

Độc giả sẽ nhận ra rằng, cả trong truyện và đời sống, những người gây nên tội ác sẽ luôn phải suy tính, day dứt lẫn dằn vặt. Khi đã gây tội, họ lại dùng tội ác lớn hơn để che đậy, cứ thế cái ác hiện hành trong đời sống, ám ảnh bao kiếp người. 

Dù vậy xã hội rất công bằng, người tốt được đền đáp còn người xấu sẽ bị trừng trị thích đáng hoặc gặp báo ứng như kết cục của mẹ con Lý Thông. Pháp luật cùng những cơ quan có thẩm quyền ra đời cũng vì lẽ ấy.

Sau cùng, tác phẩm nhắc mỗi người hãy sống đúng với bản ngã của chính mình, đó là chân thành, thật thà, thiện lương. Hãy để cuộc sống này là một vườn hoa còn mỗi chúng ta là một bông hoa thắm sắc.

Phúc phần của mỗi người ở đời

Trong Thạch Sanh, chàng trai ấy tuy phải chịu nhiều trái ngang, uẩn khúc nhưng cũng không ít lần nhận lại sự cứu giúp của quý nhân. Được tiên ông dạy võ, vua Thuỷ ban lộc, công chúa giúp chàng minh oan.

Những may mắn ấy với mỗi người, theo quan niệm Phật giáo, không phải điều ngẫu nhiên xảy đến. Thạch Sanh đã sống lương thiện cùng những việc đức phúc. Hơn thế, cha mẹ anh khi trước luôn giữ lấy chữ nghĩa, chữ tâm mà giúp đỡ cuộc đời.

“Trải bao nhiêu sự nguy nan

Vợ chồng họ Thạch lòng vàng chẳng lay:

Vợ thì gánh nước liền tay

Để đem bố thí người nay lỡ đường.

Chồng thì khơi cống, khơi mương

Luôn tay cuốc thuổng sửa đường người qua.” – Truyện thơ Nôm Thạch Sanh

Không chỉ là câu chuyện về thiện ác, nhân quả, Thạch Sanh được truyền lan trong đời sống nhân dân với mong muốn giáo dục con người sống hiền lành, trung trực.

Phúc phần của mỗi người được chắt chiu từ thế hệ đi trước. Cách chúng ta đối nhân xử thế đóng vai trò quan trọng không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn là đức phúc truyền lại cho đời sau.

Có tâm đức ắt có phước phần, ấy là ngọn hải đăng soi đường cho mỗi người giữa biển đêm vô tận. Cuộc đời xoay vần theo quy luật riêng nhưng còn một điều ủi an rằng, con người sẽ gặp phước lành giữa lúc khốn cùng nếu luôn sống thiện lương, chính nghĩa.

Địa danh gắn liền với tích truyện Thạch Sanh

Thạch Động là một khối núi đá vôi dựng đứng giữa đất trời, diện tích của nó được bao quanh bởi địa phận xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. 

Địa danh gắn liền với tích truyện Thạch Sanh

Mỗi buổi tinh mơ, những đám mây trắng vờn quanh, mạn mạn xuyên qua đỉnh núi tựa như hang động đang “nuốt mây”. Vì thế, nơi này còn được biết đến với cái tên “Thạch Động thôn vân” tức động đá nuốt mây.

Thạch động có hai lối vào chính ở phía thị xã Hà Tiên và phía cánh đồng Mỹ Đức. Khi đi sâu vào bên trong, một hệ thống hang động đồ sộ với những khối thạch nhũ đá biến hoá kỳ ảo sẽ hiển hiện trước mắt du khách.

Lòng động còn là nơi tọa lạc của ngôi chùa Tây Sơn thờ Phật Thích Ca và Bồ Tát Quan Thế Âm. Địa điểm này vốn đã huyền bí, nay càng thêm cổ kính, thâm trầm.  

Đến với Thạch Động, mỗi người sẽ được nghe kể rất nhiều câu chuyện huyền bí về những vách đá có hình thù kỳ thú, đây là nơi phát tích câu truyện Thạch Sanh và Lý Thông.

Phía Đông của động có một cửa hang thông thiên, khi ánh sáng chiếu xuống có thể nhìn thấy bên trong lòng động. Theo truyện, Thạch Sanh đã ròng người xuống hang để cứu công chúa Quỳnh Nga. Đây cũng là nơi anh bị Lý Thông bỏ lại sau khi dùng đá lấp đầy.

Những câu chuyện kỳ bí xoay quanh ngách nhỏ phía lòng hang cũng là một chủ đề thú vị. Dân gian truyền miệng rằng có người vì hiếu kỳ đã đi xuống tìm hiểu nhưng không thấy trở lên.

Có người lại khám phá ngách hang bằng cách khắc chữ lên trái dừa khô cho lăn xuống, về sau phát hiện nó trôi trên mặt biển Mũi Nai, chứng tỏ ngách nhỏ ấy thông ra tận biển. Đây có lẽ cũng là con đường mà Thạch Sanh đi gặp vua Thủy Tề trong câu truyện.

Dẫu là trùng hợp ngẫu nhiên hay hữu ý, những đặc điểm của khối núi và các chi tiết trong truyện có sự tương đồng thú vị, khiến độc giả phải ngỡ ngàng khi đặt lên bàn cân.

Từ đó, mỗi người sẽ thêm trân trọng các tác phẩm văn học vì đã lưu giữ vết tích đời sống, thêm tự hào những kỳ quan đất Việt vì chiều dài lịch sử và bề sâu văn hoá mà các thắng cảnh đã ôm ấp trong mình.

An Hạ