“Bốn điếu thuốc và con gái”

Anh là một trong những người khách kì lạ nhất mà tôi từng gặp. Lần đầu tiên anh ghé qua cái tiệm tạp hóa bé xíu xiu của tôi là khi anh mới dọn đến ở vùng quê này. Khi đó, anh hỏi tôi có bán thuốc lá lẻ không và tôi lắc đầu vì đã lâu lắm tiệm tôi không bán thuốc lẻ nữa. Anh cũng không nài nỉ gì thêm như những người nghiện thuốc lá nặng mà trong túi không có nhiều tiền thi thoảng tôi hay gặp mà chỉ mua ít đồ dùng trong nhà rồi rời đi.

Lần thứ hai anh đến mua là vào ít hôm sau, khi đó anh mua cả cây thuốc và đề nghị tôi giữ hộ, mỗi lần đến anh sẽ lấy ít điếu thuốc đi chứ không lấy cả cây mười gói. Tôi tò mò, hỏi vì sao. Anh đáp, chị nhà không thích anh hút nhiều. Khi đó, tôi tưởng anh như bao gã đàn ông khác trên cái đất này, sợ vợ và bị vợ quản chặt.

Tính tôi hay để ý những điều vụn vặt, nên lần nào anh ghé qua để lấy thuốc, tôi cũng nhận thấy rằng anh chỉ lấy đúng bốn điếu. Dù tôi chẳng hiểu vì sao.

Mãi về sau khi anh đã trở thành khách quen của tiệm tôi, khi con gái bảy tuổi của anh và đứa cháu gái tám tuổi của tôi trở thành đôi bạn thân và thi thoảng khi anh có việc phải đi xa, đứa con gái của anh lại sang nhà tôi ăn và ngủ lại, tôi mới biết ý nghĩa của bốn điếu thuốc lá ấy.

Rằng khi xưa, anh nghiện thuốc rất nặng, vợ anh không cấm anh hút thuốc được nên đã lập ra một giao kèo, một ngày anh chỉ được hút bốn điếu. Giao kèo ấy duy trì mãi rồi thành một thói quen, ngay cả khi vợ anh đã mất trong một lần tai nạn giao thông, anh vẫn duy trì nghiêm ngặt mãi đến nay.

Chỉ có một lần anh vi phạm giao kèo, đó là vào đêm đứa con gái anh lên cơn sốt cao, phải nhập viện khẩn cấp. Đêm đó, khi cơn sốt lui dần và con gái anh đã say trong giấc ngủ, tôi thấy anh bỏ ra ngoài cổng bệnh viện, trầm ngâm hút hết điếu này đến điếu khác. Tàn thuốc rơi trúng chân anh, anh cũng không buồn hất ra. Có lẽ anh không biết, hoặc giả anh biết mà không thèm để ý.

Anh nghiện thuốc. Còn ba tôi nghiện rượu. Anh thường “bồi” ba tôi lai rai vài chén. Khi men say thấm vào người, người ta thường dễ nói ra những lời mà khi tỉnh người ta giấu kín.

Như sức khỏe của con gái của anh không tốt và đó cũng là lý do mà anh chọn vùng quê tuy nghèo nhưng không khí vẫn còn trong lành này để làm chốn dừng chân.

Hay như việc bố mẹ anh mất sớm, từ nhỏ anh đã sống với ông bà rồi ông bà cũng mất, anh trở thành cô nhi.

Hay việc anh từng có ý định nhảy cầu chết quách đi sau sự ra đi đột ngột của vợ mình, người mà đến giờ vẫn hiện hữu trong thế giới của anh qua bức ảnh anh đặt trên bàn làm việc hay tấm ảnh nhỏ xíu xiu đặt trong ví tiền. Nhưng may là anh kịp dừng lại khi nghe con gái gọi “ba ơi” bằng cái giọng non nớt ngọng nghịu của đứa trẻ mới mấy tuổi đầu chưa đủ lớn để nhận biết một sự mất mát quá lớn vừa diễn ra.

Khi anh kể lại trong cơn say, tôi thấy mắt ba tôi hơi ươn ướt. Còn anh thì ngoảnh mặt đi, lấy tay dụi mắt.

Đôi khi, ranh giới giữa sống và chết mong manh vô cùng. Chỉ một câu thôi cũng đủ để dồn một người đang tuyệt vọng bước qua lằn ranh sống chết. Mà đôi khi, chỉ một tiếng gọi cũng đủ để kéo một người về lại cõi đời khi họ loạng choạng chực bước một chân sang thế giới bên kia.

“Ba ơi, về đi.” – Đứa con gái bảy tuổi của anh đứng ngoài cổng gọi với vào rồi tôi nghe anh “ừ” một tiếng, đôi mắt đỏ hoe chợt bừng lên tia sáng, thứ ánh sáng của lộc non vừa nhú, của hi vọng và sức sống vừa đâm chồi.

Trong cơn say anh lảo đảo bước đi, hai cha con tựa vào nhau, dắt díu nhau về. Ánh tà dương chiếu trên đường thành hai cái bóng dài phía sau lưng hai cha con, bởi vì đi sát vào nhau nên hai cái bóng thoáng chốc lại nhập lại rồi lại tách ra, khiến tôi nhớ về một mối quan hệ giữa các loài sinh vật mà tôi học trong một Sinh học ngày xưa – cộng sinh.

Lộ Hi Vũ | Gửi từ group Hall of Dreamers