Từ bao đời nay, lịch sử văn học Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều bài chiếu chiêu mộ người tài giúp ích cho đất nước. Mỗi câu chữ viết ra đều thấm đượm niềm tin, sự mong mỏi của các vị vua lúc nào cũng lo nghĩ cho nhân dân. 

Chiếu cầu hiền: Lời kêu gọi người tài thấm đượm bao suy tư
Chiếu cầu hiền do tác giả Ngô Thì Nhậm chấp bút

Một trong số đó là Chiếu cầu hiền do văn sĩ Ngô Thì Nhậm chấp bút, ra đời vào giai đoạn 1788 – 1789. Bài chiếu mang sứ mệnh thuyết phục sĩ phu Bắc Hà đứng ra giúp đỡ triều đại Tây Sơn, thể hiện những tâm sự về vận nước của vua Quang Trung.

Binh bộ thượng thư Ngô Thì Nhậm và các áng văn nhuốm màu suy tư 

Ngô Thì Nhậm, còn gọi là Ngô Thời Nhiệm, sinh năm 1746 tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Từ nhỏ, ông đã tỏ ra thông minh sáng dạ và có niềm đam mê mãnh liệt với văn chương.

Được nuôi dưỡng trong gia đình có truyền thống văn học cùng tài năng thiên bẩm, Ngô Thì Nhậm đã viết nên cuốn Nhị thập tứ sử toát yếu khi vừa tròn mười sáu tuổi. Ba năm sau, ông đỗ đầu kỳ thi Hương và hoàn thành tác phẩm Tứ gia thuyết phả.

Thế nhưng cuộc đời của văn sĩ gặp nhiều trắc trở và sóng gió, ông nhiều lần dâng các kế sách hay để trị nước nhưng vì triều đại Lê – Trịnh đang suy vi, chẳng thể áp dụng chúng vào thực tế.

Sau khi đóng góp một phần to lớn trong thắng lợi của nhà Tây Sơn, ông được vua Quang Trung trọng dụng, phong chức Binh bộ thượng thư. Ngô Thì Nhậm cũng là người chịu trách nhiệm chủ trì về các chính sách ngoại giao với Trung Hoa. 

Người nghệ sĩ ấy đã để lại cho đời nhiều áng văn chương đặc sắc như Bang giao hảo thoại, Kim mã hành dư cho đến thơ ca gồm Yên đài thu vịnh, Hoàng hoa đồ phả, Cúc đường bách vịnh.

Binh bộ thượng thư Ngô Thì Nhậm và các áng văn nhuốm màu suy tư 
Các áng văn của văn sĩ đều đậm chất suy tư về thời cuộc

Thơ ông có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến thức uyên bác cùng bút pháp phóng khoáng. Tác giả thường ca ngợi bản lĩnh và nỗ lực cá nhân, cách ứng xử của những người anh hùng lấy lợi ích dân tộc làm trọng.

Ngòi bút Ngô Thì Nhậm vô cùng phóng khoáng, vừa thể hiện niềm tự hào trước cảnh sắc thiên nhiên quê hương vừa cho thấy cả tư tưởng, tình cảm của mình lúc làm việc dưới thời Lê – Trịnh đến khi đem hết tài năng cống hiến cho nhà Tây Sơn.

“Văn ông có ý tứ diễm lệ, vừa hàm súc, vừa phóng khoáng, càng ra nhiều lại càng hay, bao quát được bách gia, khu khiển được cửu lưu, tài uyên bác thông đạt trở thành ngọn cờ chót vót giữa rừng Nho chúng ta.” – Danh sĩ Phan Huy Ích nhận xét về phong cách văn chương của Ngô Thì Nhậm 

Chính bởi tấm lòng ấy, ông được vua Quang Trung tin tưởng, giao trọng trách viết nên bài Chiếu cầu hiền. Văn sĩ đã ghi tạc một cách chân thực và sâu sắc sự mong mỏi đến khắc khoải của một bậc đế vương hết lòng vì nước nhà.

Xuất xứ và nhan đề đặc biệt của tác phẩm Chiếu cầu hiền 

Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm vô cùng đặc biệt khi Ngô Thì Nhậm chấp bút thay vua Quang Trung để kêu gọi “người hiền” phò tá mình và giúp nhân dân. Trong xã hội lúc bấy giờ, sự xuất hiện của các bậc anh tài là vô cùng quan trọng. 

Năm 1788, vua Quang Trung đã ra Bắc lần hai, xuống lệnh cầu hiền nhằm kiếm tìm quan lại cũ cùng mình gánh vác việc nước. Sở dĩ bậc đế vương phải ban sắc lệnh này là bởi vì tàn dư từ triều đại Lê – Trịnh trước đó, cũng như những trí thức phong kiến đều nhập tâm lời dạy Nho gia “trung thần không thờ hai chủ”.

Ngô Thì Nhậm sớm biết tư tưởng tiến bộ và tài năng, đức độ của nhà vua, vì thế ông hết lòng cống hiến cho triều đại Tây Sơn, thay vua chấp bút bài chiếu cầu kẻ hiền tài.

Bên cạnh đó, nhan đề tác phẩm cũng ẩn hiện nhiều ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tấm lòng kêu gọi người tài giúp nước của bậc đế vương. Tác giả đã chắt lọc, vận dụng ngôn từ một cách khéo léo, sắp xếp chúng vào đúng vị trí để phát huy tối đa hiệu quả diễn đạt.

Chiếu cầu hiền vừa thể hiện mục đích tìm người có tâm, tầm để giúp nước, vừa khẳng định tấm lòng tha thiết, thành khẩn của nhà vua. Thế nên sau khi ban hành, nó dễ dàng chạm đến hùng tâm của kẻ sĩ, thôi thúc họ ra sức bờ cõi, vì nhân dân.

Mối quan hệ giữa bậc hiền tài và thiên tử trong Chiếu cầu hiền 

Với tài năng văn học cùng vốn sống phong phú, ngay từ đầu bài chiếu, Ngô Thì Nhậm đã thay vua Quang Trung nhấn mạnh vai trò quan trọng của người hiền tài bằng lối liên tưởng vừa tinh tế lại hợp lý.

“Từng nghe nói rằng: Người hiền xuất hiện ở đời, thì như ngôi sao sáng trên trời cao.” – Chiếu cầu hiền 

Trong trang viết của tác giả, “người hiền” tức là các vị anh hùng sở hữu tài năng và đức hạnh hơn người. Họ không chỉ sống vì bản thân mà còn cống hiến cho vận mệnh đất nước.

Giống như vì sao sáng khiến bầu trời càng thêm đẹp đẽ, bậc anh tài sẽ có các sáng kiến, chính sách giúp cuộc sống nhân dân bội phần tươi đẹp. Mỗi lời văn viết ra như gói ghém cả tấm lòng kính trọng và nể phục những vị ấy. 

Mối quan hệ giữa bậc hiền tài và thiên tử trong Chiếu cầu hiền 
Kẻ có tài ắt phải phụng sự vua giúp nước và nhân dân

Không chỉ vậy, vua Quang Trung còn mượn cả quy luật tất yếu của trời đất rằng “Sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc Thần, người hiền ắt làm sứ giả cho thiên tử”. Đây như lời khẳng định rằng kẻ có tài phụng sự cho vua điều đúng đắn, thấu tình đạt lý.

Ngô Thì Nhậm không dùng quá nhiều từ ngữ hô hào hay đao to búa lớn, chỉ có lời lẽ thiết tha cùng lập luận chặt chẽ . Vì thế, quyện hòa trong mỗi câu văn chính là tấm lòng tha thiết và chân thành của vua Quang Trung, đánh thức bao bậc hiền tài. 

Đại diện cho người đứng đầu triều đình, tác giả còn chỉ rõ nếu các vị anh tài cứ một mực ẩn dật, ngoảnh mặt làm ngơ trước thời cuộc thì chẳng khác nào đang làm trái lại ý trời. Tài năng phải gắn liền với tâm đức, người hiền không thể lãng phí đời mình và để bản thân trở thành hạt cát vô danh.

“Nếu như che mất ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp, có tài mà không được đời dùng, thì đó không phải là ý trời sinh ra người hiền vậy.” – Chiếu cầu hiền 

Ngô Thì Nhậm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, đó là thay vua Quang Trung đưa vào con chữ tấm lòng tha thiết và chân thành, từ đó chạm đến trái tim những bậc hiền tài khắp đất nước lúc bấy giờ.

Thực trạng đất nước và cách hành xử của sĩ phu Bắc Hà 

Để tăng tính thuyết phục cho bài chiếu, vua Quang Trung còn nhắc đến cách hành xử của sĩ phu Bắc Hà. Tác giả đã thể hiện thành công thái độ xen lẫn sự cay đắng, xót xa ấy của bậc đế vương. 

Khi vận nước suy vi, kẻ sĩ lại chọn cách mai danh ẩn tích mà lãng phí tài năng. Cả những người làm quan cũng chỉ biết sợ hãi, không dám lên tiếng trước điều bất công, tàn bạo.

Tuy nhiên, ông không vội lên án hay phê phán vì nhìn thấu toàn bộ niềm suy tư, đặt các hiền sĩ trong mối quan hệ với hoàn cảnh lịch sử. Con người chính là sản phẩm của thời đại, vì thế tác giả đã phóng tầm mắt ra xa để có cái nhìn thấu đáo và toàn diện nhất.

Thực trạng đất nước và cách hành xử của sĩ phu Bắc Hà 
Khi thời cuộc có nhiều biến cố, kẻ sĩ phải tìm chỗ ẩn mình

Vào thời Lê – Trịnh bệ rạc, những người này tựa ngôi sao sáng bị che khuất. Họ không thể đem tài năng của mình đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước và chăm lo cho đời sống nhân dân.

Khi nằm trong giai đoạn lịch sử có nhiều biến cố, họ buộc phải tuân theo quy luật để tìm chỗ ẩn mình. Tác giả đã sử dụng nhiều hình ảnh đáng suy ngẫm nhằm thể hiện tình trạng thất thế loạn lạc đó.

“Cũng có kẻ gõ mõ canh cửa, cũng có kẻ ra biển vào sông, chết đuối trên cạn mà không biết, dường như muốn lẩn tránh suốt đời.” – Chiếu cầu hiền 

Ngô Thì Nhậm còn khéo léo thể hiện vốn kiến thức sâu rộng của bậc đế vương qua từng câu chữ sâu sắc, khiến kẻ sĩ phải lặng mình ngẫm nghĩ. Tuy cách nói có phần châm biếm nhưng vẫn rất tế nhị, vừa lay động tráng chí vừa lay chuyển cả tâm ý người hiền trong thiên hạ.

Khi thời thế đã yên ổn, chẳng ai tìm đến để phò tá vua Quang Trung nhằm chăm lo đời sống nhân dân. Bậc quân vương hết lòng vì đất nước ấy lúc nào cũng mang trong mình tâm trạng khắc khoải.

“Nay trẫm đang ghé chiếu lắng nghe, ngày đêm mong mỏi, nhưng những người học rộng tài cao chưa thấy có ai tìm đến.” – Chiếu cầu hiền 

Thậm chí, vua Quang Trung còn tự vấn bản thân, lo lắng liệu có phải mình không đủ “đức” để được tin tưởng hay vết tro tàn thời cuộc vô hình chung ngăn cản người hiền tìm đến phò tá. Giọng văn bình dị như lời tâm tình đã kéo gần khoảng cách giữa vua và các “nguyên khí quốc gia”.

“Hay trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng? Hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự vương hầu chăng?” – Chiếu cầu hiền 

Chỉ một chi tiết ấy thôi cũng đủ để các sĩ phu suy ngẫm, nhìn lại trọng trách của bản thân với người luôn hết lòng vì vận nước cùng nhân dân. Đây là điểm đặc sắc trong văn chương Ngô Thì Nhậm, mộc mạc, khiêm nhường nhưng rất sâu sắc và giàu ý nghĩa.

Sau việc đưa ra dẫn chứng về cách hành xử đối với thời đại của các bậc anh tài, tác giả còn phản ánh cả thực trạng đất nước. Lối hành văn Ngô Thì Nhậm sử dụng vô cùng hợp lý và linh hoạt, khi thì mạnh mẽ lúc lại lắng đọng, giàu suy tư. 

“Nay đương ở buổi đầu của nền đại định, công việc vừa mới mở ra. Kỉ cương nơi triều chính còn nhiều khiếm khuyết, công việc ngoài biên đương phải lo toan.” – Chiếu cầu hiền 

Vì là thời kỳ đầu nên kỷ cương nơi triều chính, công việc ngoài biên ải vẫn còn nhiều lo toan, dân thì bỡ ngỡ, mệt nhọc. Hơn nữa, sự giáo hoá của vua chưa thấm nhuần khắp chốn, do đó trọng trách giang sơn không chỉ mình bậc quân vương có thể đảm đương, gánh vác.

Không chỉ vậy, vị vua anh minh còn nghĩ cho những người dân tội nghiệp phải vật lộn hàng ngày để kiếm kế sinh nhai sau chiến tranh. Bằng tài năng cùng ngòi bút sắc sảo, Ngô Thì Nhậm đã khắc hoạ hình ảnh vua Quang Trung với tất cả sự nhân từ, độ lượng, luôn yêu nước, thương dân.

Vì lẽ đó, các vị anh tài cần phải đứng ra giúp đỡ vua chăm lo việc nước cũng như cuộc sống nhân dân. Để khẳng định vai trò quan trọng của các sĩ phu Bắc Hà cùng tấm lòng tha thiết của bậc đế vương, tác giả đã khéo léo sử dụng phép liên tưởng cùng hình ảnh cụ thể “cái cột”, “căn nhà lớn”.

“Một cái cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn, mưu lược một người không thể dựng nghiệp trị bình.” – Chiếu cầu hiền 

Không chỉ vậy, nhà văn còn tinh tế dẫn lời của Khổng Tử để tăng tính thuyết phục cho bài chiếu. Ông thay nhà vua khẳng định rằng người tài không thể dửng dưng mà phải đứng ra cống hiến hết mình vào thời đại mới.

Chỉ rõ thực trạng đất nước cũng như sự cấp bách của các vị anh tài, Ngô Thì Nhậm đã sử dụng những từ ngữ cùng lời văn giản dị, khiêm nhường nhưng bộc lộ được sự kiên quyết nơi bậc đế vương.

Qua đó, độc giả cũng hiểu hơn về bức chân dung của vị vua Quang Trung, người luôn hết lòng vì đất nước và nhân dân, khao khát chiêu hiền đãi sĩ.

Đường lối cầu hiền của vua Quang Trung 

Để thể hiện con đường cầu hiền, tác giả Ngô Thì Nhậm sử dụng loạt từ ngữ mang sắc thái biểu cảm cao như “kia”, “há”, “hay sao”. Qua đó, người đọc có thể thấu rõ tấm lòng son sắc với đất nước của vua Quang Trung.

Đối với nhà vua, mọi tầng lớp đều bình đẳng như nhau và được dâng thư bày tỏ việc giúp nước. Đây là quan điểm tiến bộ của ông khi ai cũng có quyền trở thành anh hùng dân tộc.

Đường lối cầu hiền của vua Quang Trung 
Vua Quang Trung có đường lối cầu hiền vô cùng khôn khéo

Không chỉ vậy, quan trong triều cũng có thể tiến cử người có tài nghệ nhưng phải trải qua các kỳ kiểm tra, tránh tình trạng vì danh lợi cá nhân mà trả giá bằng vận mệnh đất nước.

“Còn người có nghề hay nghiệp giỏi, có thể cống hiến cho đời, thì cho phép các quan văn, quan võ được tiến cử, nhưng vẫn dẫn vào đợi ra mắt, tuỳ tài lục dụng.” – Chiếu cầu hiền 

Sự đức độ của nhà vua còn thể hiện ở chi tiết cho phép các sĩ phu trước kia sống xa rời thời cuộc được phép dâng sớ tự tiến cử. Ông không màng đến chuyện cũ mà chỉ một lòng suy nghĩ cho tương lai nước nhà.

“Hoặc người nào từ trước đến nay tài năng còn bị che kín, chưa được người đời biết đến, thì cũng cho phép dâng sớ tự tiến cử, chớ hiềm vì mưu lợi mà phải bán rao.” – Chiếu cầu hiền 

Ở cuối tác phẩm, văn sĩ Ngô Thì Nhậm trực tiếp sử dụng chỉ từ “này” để bộc lộ tấm lòng tha thiết của nhà vua. Dường như mọi khoảng cách địa vị đều được xóa nhòa, chỉ còn lại những trái tim muốn cống hiến hết mình cho quê hương.

Tấm lòng cùng tư tưởng tiến bộ của vua Quang Trung 

Không chỉ kêu gọi người tài ra mặt giúp đời, Chiếu cầu hiền còn bộc lộ cả tấm lòng cùng những tư tưởng tiến bộ của vị vua được mệnh danh “người anh hùng áo vải”. Từ đó khiến độc giả càng thêm kính trọng và biết ơn trước công lao của ông đối với nước nhà.

Đứng trước thái độ có phần dửng dưng của sĩ phu Bắc Hà, vua Quang Trung không chán nản. Ngược lại, ông bao dung và thấu hiểu cả những nỗi khổ tâm, đồng thời mong muốn họ quay về để phò tá cho mình. 

Nhà vua còn chia sẻ những điều làm mình trăn trở, suy tư trong thời kỳ đầu của đất nước. Nỗi lòng của ông được phơi trải trực tiếp trên trang giấy, khiến các bậc anh tài cũng như người đọc không khỏi xúc động.

Đối với nhà vua, vận mệnh đất nước luôn được đặt lên hàng đầu, đây cũng chính là lý do ông không ngừng tìm cách để chiêu mộ nhân tài.

Những nét đặc sắc nghệ thuật trong Chiếu cầu hiền 

Chiếu cầu hiền để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc không chỉ vì tấm lòng son sắt của vua Quang Trung đối với việc chiêu mộ nhân tài mà còn bởi những nét nghệ thuật đặc sắc.

Tác giả Ngô Thì Nhậm đã tận dụng tối đa hiệu quả ngôi kể thứ nhất, kết hợp cùng lối hành văn đậm chất trung cổ. Nhờ đó mà từng câu chữ viết ra vừa toát lên dáng vẻ uy nghiêm lại rất đỗi gần gũi.

Bên cạnh đó, văn sĩ còn vận dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật khác như so sánh, liên tưởng hay mượn câu nói của bậc hiền triết. Vì thế, những tâm tư và tư tưởng tiến bộ của vua Quang Trung được thể hiện vô cùng rõ nét.

“Những tác phẩm này, tiêu biểu nhất là các bài Chiếu khuyến Nông, Chiếu Cầu Hiền, Chiếu Lập Học, Mở Khoa Thi… còn soi tỏ tấm lòng yêu nước thương dân của bậc đại anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ. So với khí văn thời Lê mạt hay thời Gia Long, người ta thấy biểu hiện một niềm kiêu hãnh dân tộc và tính lạc quan chủ động đặc biệt của thời kỳ Tây Sơn.” – Văn học chính giáo thời Tây Sơn 

Dù nhiều năm qua đi nhưng tấm lòng của vua Quang Trung cùng tài năng văn học của tác giả Ngô Thì Nhậm vẫn mãi neo đậu trong trái tim độc giả. Các thế hệ sau rồi sẽ lại tìm đọc Chiếu cầu hiền để hiểu và trân trọng hơn lịch sử nước nhà.

Hạ Miên