Chiếu dời đô là áng văn cổ độc đáo, bộc lộ chí khí quân tử của Lý Công Uẩn khi dám đi ngược lại với các triều đại trước đó. Từ đó tạo nên huyền thoại trong lịch sử, đặt nền móng cho sự phát triển hưng thịnh lâu dài của đất nước.

Bài chiếu tuy ngắn gọn nhưng với các dẫn chứng thực tiễn và lập luận đầy sức thuyết phục về việc dời đô đã phản ánh nhận thức và khát vọng phát triển bền vững của triều đại, dân tộc.

Vị hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Lý

Lý Công Uẩn sinh năm 974, người ở hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Các sử gia đương thời có những ghi chép không thống nhất về nguồn gốc thân thế, vì vậy xuất thân của ông còn mang nhiều nét huyền bí.

Lý Công Uẩn là vị hoàng đế đầu tiên của triều Lý
Lý Công Uẩn là vị hoàng đế đầu tiên của triều Lý

Theo sử sách, năm lên ba tuổi, Lý Công Uẩn nhận được sự bảo hộ của nhà trí thức lớn đương thời thiền sư Lý Khánh Văn. Thuở nhỏ, ông đã tỏ ra dĩnh ngộ, tinh anh và có chí khí hơn người.

Khi đến tuổi đi học thì được thiền sư Vạn Hạnh ở chùa Tiên Sơn dạy dỗ, vì nhận ra tố chất thông minh phi phàm của Lý Công Uẩn nên sư đã bỏ ra nhiều công sức, đồng thời đưa ra nhận định như lời sấm truyền về tương lai của người họ Lý.

“Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ.” – Thiền sư Vạn Hạnh

Khi vừa tròn hai mươi tuổi, Lý Công Uẩn được đưa vào triều đình để đảm nhiệm chức quan võ. Vốn sẵn trí thông minh và nuôi chí lớn, ông ngày càng được các quan thần tin cậy, tín nhiệm trong triều.

Về sau Lý Công Uẩn đã vào kinh đô Hoa Lư để làm quan, được thăng chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ. Từ đó, ông trở thành một trong những trụ cột của nhà tiền Lê.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép, ông là người khoan thứ, nhân từ, có lượng đế vương nên rất được lòng muôn dân. Vì vậy ngay sau khi Lê Long Đĩnh mất, mọi triều thần đều tiến cử Lý Công Uẩn lên ngôi vua.

Cuộc chuyển giao triều đại từ họ Lê sang họ Lý đã thuận ý trời, hợp lòng người nên đã diễn ra suôn sẻ, hoà bình. Lý Công Uẩn trở thành đế vương năm 1009 và lấy hiệu là Lý Thái Tổ, đặt niên hiệu là Thuận Thiên, đóng đô tại Hoa Lư.

“Đó là một ông vua ứng mệnh trời, thuận lòng người nhân thời mở vận.” – Đại Việt sử ký toàn thư

Lý Công Uẩn trở thành vị Hoàng đế đầu tiên của triều đại Lý trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời. Được biết đến là vị vua hiền từ, rất lo cho dân nên khi lên ngôi vua, ông đã lập tức cho xây dựng vương triều, củng cố chính quyền trung ương.

Dưới triều Lý, các thế lực phiến quân bị đánh tan, phương diện kinh tế, văn hoá đều được củng cố với tư thế độc lập tự chủ dân tộc. Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, Lý Công Uẩn đã có đóng góp nổi bật, mang ý nghĩa to lớn là công cuộc thiên đô từ Hoa Lư ra Đại La (Thăng Long).

Đây được xem là mốc son chói lọi trong lịch sử Đại Việt, Lý Công Uẩn đã mở đầu cho một giai đoạn mới có ý nghĩa quyết định tới vận mệnh dân tộc của đất Đại La nói riêng và cả nước nói chung.

Trong suốt thời gian trị vì, việc dời đô là một trong những sự kiện đặc biệt bộc lộ tài năng và đức độ của Lý Công Uẩn. Ông đã chấp bút viết Chiếu dời đô gửi gắm đến toàn thể nhân dân nhằm thuyết phục, phản ánh khát vọng độc lập, phát triển đất nước.

Bài chiếu đã cho thấy Lý Công Uẩn không chỉ là một vị vua anh minh, có tầm nhìn xa trông rộng mà còn thể hiện sự tài hoa, “văn võ song toàn” của ông qua những lý lẽ vô cùng sắc bén và thuyết phục trong tác phẩm Chiếu dời đô.

Chiếu dời đô là tác phẩm văn học giàu giá trị lịch sử

Nhận thấy đất Hoa Lư, cố đô của Đại Cồ Việt chật hẹp vì vậy, Lý Công Uẩn có ý định dời đô về Đại La. Việc ra quyết định dời kinh đô ở vùng núi non hiểm trở để đến đồng bằng đã cho thấy bản lĩnh và tầm nhìn của vị hoàng đế khai sáng ra triều Lý.

Tháng bảy, năm Thuận Thiên thứ nhất, bắt đầu khởi sự dời đô, tương truyền khi ra đến Đại La, Lý Công Uẩn đã thấy rồng vàng bay lên trời, cho rằng đó là điềm lành nên đổi tên thành Thăng Long.

Còn Hoa Lư thì cải tạo thành Trường An phủ và nơi Cổ Pháp làm Thiên Đức phủ. Việc định đô ở Đại La của Lý Công Uẩn đánh dấu cột mốc lớn trong lịch sử, cũng là bước ngoặt của Việt Nam.

Chiếu dời đô được đích thân Lý Công Uẩn viết vào năm 1010 nhằm công bố rộng rãi quyết định dời đô đến toàn thể nhân dân. Đây là thể loại văn bản cổ do vua dùng để thông báo một quyết định hay một mệnh lệnh nào đó.

Những bài chiếu thường thể hiện tư tưởng chính trị lớn lao, có sức ảnh hưởng đến vận mệnh của triều đại và đất nước. Tác phẩm Chiếu dời đô chính là một trong số đó.

Chiếu dời đô là tác phẩm văn học giàu giá trị lịch sử
Chiếu dời đô là tác phẩm văn học giàu giá trị lịch sử

Nét đặc biệt ở Chiếu dời đô là mang đủ đặc điểm của một bài chiếu. Bên cạnh đó, nó cũng sở hữu những nét riêng bởi sự kết hợp hài hòa giữa mệnh lệnh và tính chất tâm tình của nhà vua.

Bài chiếu được chia thành ba phần với mở đầu hàm chứa nội dung sâu sắc về bài học lịch sử và mục đích của việc dời đô. Với đoạn thứ hai đã thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của vua Lý Công Uẩn trong việc phát triển triều đại.

Ở phần kết chính là những tâm tư được giãi bày của nhà vua trước quần chúng nhân dân về ý định dời đô. Điều này cho thấy Lý Công Uẩn rất công minh và đức độ trong việc trị nước.

Ngôn ngữ bài chiếu viết bằng văn biền ngẫu, được ban bố và đón nhận một cách trang trọng. Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn khi được ban hành đã trở thành tác phẩm văn học giàu giá trị lịch sử, mang ý nghĩa nhân văn khi góp phần khai sinh ra kinh đô của nước ta trong quá khứ và hiện nay.

Ý nghĩa sâu xa của tác phẩm chiếu dời đô

Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn viết theo thể chiếu dưới dạng văn biền ngẫu nhưng mang bố cục của bài nghị luận điển hình, vì thế đây được xem là áng văn chính luận đặc sắc trong nền văn học trung đại Việt Nam.

Chiếu dời đô là tác phẩm có ý nghĩa sâu xa
Chiếu dời đô là tác phẩm có ý nghĩa sâu xa

Trong phần đầu của tác phẩm, Lý Công Uẩn đã tập trung phân tích những lý do, lập luận cơ sở của việc dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La với lý lẽ vô cùng sắc bén và thuyết phục.

Ông đã nhắc đến quy luật thiên đô từ cổ chí kim luôn là việc cần thiết và đã diễn ra ở nhiều thời đại, đồng thời để phần lý luận thêm thuyết phục, Lý Công Uẩn đưa ra các dẫn chứng dời đô trong lịch sử Trung Quốc.

“Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh 5 lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương 3 lần dời đô.” – Chiếu dời đô (Lý Công Uẩn)

Chiếu dời đô đã thể hiện một tri thức uyên bác, tinh thần học tập nhân loại của Lý Công Uẩn. Ông đã học hỏi tấm gương Bàn Canh, vị vua nhà Thương với năm lần quyết định dời đô vô cùng vất vả.

Đa số quan viên trong triều đình đều luyến tiếc cuộc sống an nhàn, hưởng thụ nên không muốn dời đô. Qua đó, một số kẻ có thế lực còn lợi dụng tình thế để xúi giục nhân dân nổi dậy. 

Tuy nhiên Bàn Canh không lay chuyển, quyết vượt sông Hoàng Hà đến đất Ân làm phục hưng triều Thương. Sau đó lần lượt dời đô đến các mảnh đất màu mỡ khác để phát triển đất nước.

Những dẫn chứng mà Lý Công Uẩn đưa ra nhằm làm tiền đề cho bản chiếu của mình. Ông muốn nhấn mạnh việc dời đô không xấu, vì từ xa xưa nó đã diễn ra thường xuyên, ngay cả nước lớn mạnh như Trung Hoa cũng từng làm điều như thế.

Sau đó khi đưa ra dẫn chứng lịch sử, Lý Công Uẩn cũng khéo léo lý giải mục đích của việc dời đô không phải là theo ý thích của bậc vua chúa, mà cần phải tuân theo quy luật đóng đô ở trung tâm nhằm “mưu toan nghiệp lớn”, “tính kế muôn đời cho con cháu”.

Đặc biệt việc dời đô vốn dĩ thuận theo ý trời và hướng về nhân dân“trên vâng mệnh trời, dưới thuận ý dân”. Để củng cố nhận định, ông tiếp tục chỉ ra những lợi ích đó là “vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”.

Mục đích của việc dời đô cốt chỉ để làm cho cuộc sống nhân dân thêm thuận lợi, củng cố bộ máy hành chính đặt ở vị trí trung tâm đất nước. Như vậy, có thể thấy đây là việc rất quan trọng và có sức ảnh hưởng đến vận mệnh của triều đại.

Lý Công Uẩn gợi lại chuyện các vị vua thời Đinh – Lê nước ta mãi đóng đô ở Hoa Lư “theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời”, khiến triều đại mau chóng suy sụp, không được vững bền.

Từ đó có thể thấy ngòi bút của vị vua đầu tiên triều đại Lý chứa đựng tinh thần phê phán mãnh liệt. Ông đã chỉ ra chỗ yếu kém của các vua Đinh, Lê khi khinh thường quy luật, không học hỏi theo gương sáng của Thương, Chu.

Dẫn đến việc từ đời này sang đời khác, cứ bám trụ thành đô ở Hoa Lư, nơi rừng núi hiểm trở, lụt lội, khó khăn trong việc di chuyển khiến cho “trăm họ hao tổn, muôn vật không được thích nghi”.

Lý Công Uẩn đã có một cái nhìn vượt xa các thế hệ trước, mang tư tưởng tiến bộ vượt thời đại. Ông đã dám đi ngược lại tiên đế để “dời non, lấp bể” để xây dựng nghiệp lớn, không chịu đi trên những con đường mòn cũ, lạc hậu.

Vận số ngắn ngủi đó khiến vua đau xót trăm bề nên khi nhà Lý lên ngôi, ông thấy được bài học kinh nghiệm thuở xưa cùng thực tế kinh đô cũ không còn thích hợp với thời thế phát triển của đất nước, dẫn đến quyết định dời đô vì không muốn lặp lại sai lầm xưa.

Từ những nhận định về việc dời đô đến kinh thành Đại La không chỉ bộc lộ tài năng, tấm lòng cao cả vì nước, vì dân của Lý Công Uẩn mà còn thể hiện những ý tứ sâu sắc, tầm nhìn thời đại mang mong mỏi của cả vua và dân hướng về một đất nước phồn vinh.

Đồng thời thể hiện đây là việc làm cần thiết, phù hợp với thiên mệnh, thể hiện tinh thần độc lập, tự cường, khát vọng lớn mạnh của Đại Việt. Đặc biệt, sự kết hợp tinh tế giữa cái lý xen kẽ cái tình của nhà vua, làm bài chiếu thêm sức thuyết phục hơn.

Chiếu dời đô thể hiện tầm nhìn chiến lược của Lý Công Uẩn

Ở phân đoạn trước, tác giả đã đưa ra cơ sở lý luận, mục đích chính đáng khi quyết định dời đô thông qua việc soi chiếu bài học lịch sử triều đại của cả hai nước có điểm tương đồng về chính trị, văn hoá là Trung Quốc và Đại Cồ Việt. 

Đã có khoảng thời gian dài gắn bó với mảnh đất Hoa Lư, không phải Lý Công Uẩn không nhìn thấy được lợi ích nơi đây. Đơn giản chỉ vì ông có tầm nhìn xa trông rộng, mưu cầu phát triển đất nước nên nhận ra đóng đô ở thành Đại La sẽ tốt hơn.

Tầm nhìn chiến lược của Lý Công Uẩn thể hiện qua tác phẩm Chiếu dời đô
Tầm nhìn chiến lược của Lý Công Uẩn thể hiện qua tác phẩm Chiếu dời đô

Đến với nội dung tiếp theo, Lý Công Uẩn đã tiếp tục khẳng định sự đúng đắn của việc dời đô khi chỉ ra cụ thể những lợi thế mà kinh thành Đại La đem lại trên các phương diện lịch sử, địa lý, phong thủy.

Ông khẳng định nơi đây rất tốt để định đô bằng việc khéo léo gợi nhắc lịch sử, chỉ ra Đại La là “Kinh đô cũ của Cao Vương”. Cao Vương, một viên quan nhà Đường từng giữ chức Đô hộ sứ Giao Châu, có công xây dựng thành.

Điều đó cho thấy nơi đây có vị trí đắc địa, nổi trội hơn hẳn những địa điểm khác nên mới trở thành chỗ đặt cơ quan đầu não cai trị của Cao Vương. Nhà vua đã dựa vào thuyết phong thủy cổ xưa để chứng minh lợi thế và vẻ đẹp của thành Đại La.

“Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: Ở vào nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi.” – Chiếu dời đô (Lý Công Uẩn)

Đại La có vị trí đắc địa khi nằm ở khu vực trung tâm, theo kinh nghiệm phong thủy của người xưa thì nơi ấy cả bốn mặt hướng về phía Đông, Tây, Nam, Bắc và được xem là “địa linh”.

Dưới con mắt nhà vua, thành Đại La thực sự là vùng đất hội tụ khí thiêng muôn đời. Mảnh đất gồm đủ các hướng rất thuận lợi về mặt chính trị nên có thể học hỏi, giao lưu kinh tế, văn hoá, khoa học bốn phương.

Ngoài ra, nơi đây thuận tiện khi có địa thế “nhìn sông dựa núi”, mang vẻ đẹp hùng vĩ với dáng dấp “cái thế rồng cuộn hổ ngồi”. Do đó, đây là vùng đất lành, thích hợp để phát triển nền kinh tế, quân sự, củng cố và làm vững mạnh tiềm lực quốc gia dân tộc.

Hơn thế nữa, Đại La càng trở nên lý tưởng để làm nơi cư trú cho dân cư với địa thế bằng phẳng, rộng rãi, mặt đất cao hơn nhiều so với mực nước biển, tránh được tình trạng ngập lụt, cảnh vật lại phong phú, tươi đẹp. 

Những minh chứng vô cùng thực tế được Lý Công Uẩn đưa ra càng thêm sức thuyết phục và có thể khẳng định đất Đại La là thánh địa, đạt điều kiện tối ưu để trở thành kinh đô mới của nước Đại Cồ Việt.

Trí tuệ phi phàm và tầm nhìn xa trông rộng của vị vua họ Lý đã được chứng minh qua dòng chảy của lịch sử, khi Đại La (Thăng Long) vẫn là kinh đô của các triều đại về sau như nhà Trần, Hậu Lê, Mạc, hiện nay trở thành thành phố lớn nhất phía bắc của Việt Nam.

Về sau, sử gia Ngô Thì Sĩ khi nghiên cứu về kinh thành Thăng Long cũng có những phân tích tương đồng với Lý Công Uẩn về mảnh đất Đại La và ghi chép lại trong Đại Việt sử ký như sau.

“Núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông nước, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiếm, rộng mà dài, có thể là nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền toàn bộ hình thể Đại Việt không nơi nào hơn được nơi này.” – Đại Việt sử ký (Ngô Thì Sĩ)

Những lý luận nhằm thuyết phục quần chúng dời đô càng cho thấy tấm lòng vì nước vì dân của Lý Công Uẩn. Ông không chỉ có khát vọng đất nước thái bình, nhân dân ấm no, hạnh phúc mà còn mong muốn khẳng định vị thế của dân tộc.

Ông muốn để cho nước bạn thấy được sự bề thế, vững mạnh của Đại Cồ Việt thời bấy giờ. Đó cũng là điểm đặc biệt, toả sáng trong nhân cách, đức độ, tầm nhìn của bậc hiền nhân.

Mặt khác, khát vọng dời đô của Lý Công Uẩn từ vùng đồi núi ra đồng bằng rộng lớn chứng tỏ triều đình nhà Lý đủ mạnh, đủ sức để có thể chấm dứt nạn phong kiến cát cứ, thế lực của dân tộc Đại Việt có thể sánh vai với Trung Hoa. 

Lý Công Uẩn đã bộc lộ đức độ trong việc trị nước

Nhắc lại về thể loại chiếu, đó là thể văn chính luận, dùng để ban bố mệnh lệnh của vua đến các quần thần, dân chúng. Vì thế, văn bản này thường cứng nhắc, mang tính chất bắt buộc phải thực hiện.

Thế nhưng bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn lại khác, nhà vua không đưa ra mệnh lệnh mà lại dùng câu hỏi để đối thoại và lắng nghe ý kiến của triều thần rằng “Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?”.

Một lời đối thoại nhẹ nhàng như bày tỏ tâm tình, tạo nên sợi dây liên kết mạnh mẽ trong tư tưởng giữa nhà vua với nhân dân. Sở dĩ triều Lý trở nên hùng mạnh có lẽ vì những bậc quân vương thấu hiểu lòng dân như thế.

Lý Công Uẩn đức độ trong việc trị nước
Lý Công Uẩn đức độ trong việc trị nước

Ông không dùng quyền lực để ép buộc quần chúng phải dời đô mà sử dụng câu hỏi để tham khảo ý kiến của nhân dân. Điều đó đã thể hiện sự dân chủ và công bằng trong việc trị nước.

Quyền quyết định di dời thiên đô tất nhiên thuộc về Lý Công Uẩn nhưng ông vẫn muốn hỏi và lắng nghe ý kiến của mọi người để thấy được sự đồng lòng giữa vua tôi, có như vậy mới tạo nên sự vững bền để tiếp tục phát triển đất nước.

Tác phẩm Chiếu dời đô góp phần bộc lộ tấm lòng đức độ trong việc trị nước của bậc thánh nhân. Lý Công Uẩn tuyên bố sắc lệnh theo một cách rất đặc biệt. Đầu tiên, ông đưa ra mong muốn của bản thân bằng các lập luận chặt chẽ.

Sau đó, nhà vua không ép buộc người khác phải tuân theo mà lại thăm dò ý kiến quần thần, chứng tỏ ông xem trọng các sáng kiến, luôn ghi nhận và tiếp thu ý tưởng để có thể giúp nước.

Tư tưởng và đức độ trong việc trị nước của Lý Công Uẩn rất tiến bộ và vượt xa thời đại. Cho đến ngày nay, dân chủ là một trong những nguyên tắc quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển đất nước.

Quyết định dời đô của Lý Công Uẩn đã trở thành huyền thoại lịch sử

Chiếu dời đô chỉ vỏn vẹn 245 chữ ngắn gọn nhưng lại mang giá trị lịch sử to lớn. Đồng thời, qua áng văn đó, độc giả có thể nhận thấy được trí huệ của bậc quân vương triều Lý. 

Quyết định dời đô của Lý Công Uẩn trở thành huyền thoại lịch sử Việt Nam
Quyết định dời đô của Lý Công Uẩn trở thành huyền thoại lịch sử Việt Nam

Qua việc sử dụng hệ thống lập luận chặt chẽ, lí luận sắc bén, dẫn chứng thuyết phục kết hợp nghệ thuật so sánh với những triều đại trong nước bị suy tàn, bài chiếu tuy kiệm lời nhưng ý tứ thì thấm đượm sâu xa.

Hơn thế nữa, đó là tâm tư, ước nguyện của vị vua muốn đất nước vững bền và phát triển hưng thịnh. Chính tình cảm chân thành đó mà bài chiếu đã có sức lay động tới trái tim của dân chúng thời bấy giờ.

Nguyện vọng dời đô của vua sau cùng cũng đã được nhân dân ủng hộ, điều đó cho thấy Lý Công Uẩn là một bậc đế vương anh minh, sáng suốt. Thực tế hơn một nghìn năm qua đã chứng minh quyết định dời đô hoàn toàn đúng đắn.

Đồng thời, Chiếu dời đô đã cho độc giả thấy được khát vọng của triều đình và nhân dân về việc hướng đến một quốc gia độc lập, dân chủ, phản ánh ý chí tự cường.

Giai Kỳ