Đánh nhau với cối xay gió là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes, trích từ tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê lừng danh khắp thế giới.

Bằng tài năng nghệ thuật và ngòi bút tài hoa, tác giả đã xây dựng nên hai bức chân dung nhân vật đối lập, từ đó miêu tả trung thực xã hội Tây Ban Nha nói riêng cũng như châu Âu nói chung vào cuối thời kỳ Hiệp sĩ.

Cây bút tiểu thuyết vĩ đại Miguel de Cervantes và Đôn Ki-hô-tê

Miguel de Cervantes sinh năm 1574 trong một gia đình quý tộc sa sút ở Tây Ban Nha. Có lẽ chính vì cuộc đời trải qua muôn vàn thăng trầm và khó khăn nên văn chương ông viết ra đều mang sự cảm thông sâu sắc đến mọi kiếp người. 

Cervantes được đánh giá là nhà văn vĩ đại bậc nhất Tây Ban Nha kiêm tiểu thuyết gia xuất chúng và lỗi lạc trong lịch sử Văn học thế giới. Ông khẳng định vị thế trong tâm hồn độc giả bằng phong cách độc đáo không thể trộn lẫn.

Nhiều người còn ưu ái gọi Miguel de Cervantes với danh xưng “người tiên phong tiểu thuyết hiện đại châu Âu”. Ông là người khơi mào cho cảm hứng sáng tác và mang làn sóng cách tân mới mẻ đến giới văn nghệ sĩ cuối thời kỳ Hiệp sĩ. 

Tên tuổi Cervantes gắn liền với tiểu thuyết nổi tiếng Đôn Ki-hô-tê, xuất bản lần đầu vào năm 1605 tại quê nhà và nhanh chóng phổ biến khắp thế giới ngay sau đó.

Điều đặc biệt là văn sĩ người Tây Ban Nha đã sáng tác cuốn tiểu thuyết kinh điển này trong quãng thời gian bị tù đày ở vùng Algie. Song sắt, bóng tối và sự cô đơn chẳng thể ngăn cản ông đến với nghệ thuật.

“Tôi đã thai nghén nó ở trong một nhà tù, nơi trú ngụ của mọi bất tiện và mọi âm thanh buồn thảm. Cảnh vật yên tĩnh, thôn xóm thanh bình, đồng quê êm ả, bầu trời trong sáng, tiếng suối róc rách, tâm trí thảnh thơi, nhưng cái đó một phần lớn khiến cho những thi hứng cằn cỗi nhất cũng trở nên phong phú và nảy nở những áng văn chương khiến người ta phải thích thú và thán phục”. – Cervantes nói về xuất xứ tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê

Từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng bị thu hút bởi sức quyến rũ lạ kỳ toát ra từ cuốn sách. Câu chuyện về chuyến hành trình phiêu lưu nhuốm màu kiếm hiệp hài hước đã chinh phục độc giả mọi tầng lớp trong xã hội.

Cây bút tiểu thuyết vĩ đại Miguel de Cervantes và Đôn Ki-hô-tê

Nội dung chính cuốn tiểu thuyết Đôn-ki-hô-tê xoay quanh nhân vật chính là Alonzo Quixano, một quý tộc nghèo năm mươi tuổi ở xứ La Man Cha. Vì bị ám ảnh bởi truyện hiệp sĩ, lại có máu phiêu lưu nên ông quyết định lên đường hành nghĩa. 

Alonzo Quixano đổi tên thành Ki-hô-tê, mặc bộ giáp cũ đã rỉ sét và cưỡi trên lưng chú ngựa gầy còm, bắt đầu cuộc đời hiệp sĩ cùng gã người hầu Xan-chô Pan-xa. Ông ta còn thầm thương trộm nhớ cô nàng làng bên tên Đuyn-nê-xi-a. 

Thế là từ đây, hai người đàn ông và một chú ngựa bắt đầu cuộc hành trình phiêu bạt, đọ sức với nhiều kẻ thù tự tưởng tượng nhằm chống lại các thế lực xấu xa trong xã hội.

Độc giả không ít lần phải bật cười trước những tưởng tượng phong phú của gã Đôn Ki-hô-tê. Khi thì ông ta nhìn nhầm đàn cừu thành đội quân Trung cổ, lúc thì xông vào tấn công một đám ma vì nghĩ rằng đó là đoàn quỷ dữ.

Trước hành động điên rồ của Ki-hô-tê, gia đình và bạn bè đã lập mưu buộc ông rời bỏ thân phận hiệp sĩ giang hồ, trở về quê nhà. Trước khi qua đời, cuối cùng Ki-hô-tê cũng chữa được bệnh ảo tưởng, nhận ra hành động vô nghĩa trước đây.

Đánh nhau với cối xay gió thuộc chương VIII trong tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê. Trong phần này, người hiệp sĩ quý tộc đã chiến đấu “ngoan cường” với những kẻ khổng lồ, thực chất là cối xay gió.

Lý tưởng lớn lao phi thực tế trong Đánh nhau với cối xay gió 

Trong tác phẩm Đánh nhau với cối xay gió, nhà tiểu thuyết gia tiếng tăm Cervantes đã dựng nên bức chân dung người hiệp sĩ giang hồ Đôn Ki-hô-tê một cách chân thực, đây là nhân vật tượng trưng cho lý tưởng phi thực tế của con người. 

Dù những thử thách và kẻ thù trên hành trình thực thi công lý chỉ là kết quả của vốn tưởng tượng phong phú trong trí óc ông, độc giả vẫn cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn ngời sáng ở nhân vật này.

Sự dũng cảm của một hiệp sĩ giang hồ 

Qua những nét khắc họa và miêu tả tài tình của tác giả Cervantes, nhân vật Đôn Ki-hô-tê hiện lên trong trang văn với sự dũng cảm, gan dạ đến lạ thường. 

Khoảnh khắc bắt gặp ba bốn chục chiếc xay gió cao lớn giữa cánh đồng, ông lầm tưởng chúng là những tên khổng lồ xấu xa và cứ thế, một người một ngựa lao vào chiến đấu quyết liệt.

Đến khi có làn gió nhẹ thổi qua và cánh quạt các chiếc cối xay bắt đầu chuyển động, chàng hiệp sĩ giang hồ vẫn không hề tỏ vẻ sợ hãi hay nao núng, phi thẳng tới chiếc cối xay gần nhất để diệt trừ cái ác, kết cục là bị ngã văng ra xa. 

“Lão thúc con Rô-xi-nan-tê phi thẳng tới chiếc cối xay gió gần nhất ở trước mặt, và đâm mũi giáo vào cánh quạt: gió làm cánh quạt quay tít khiến ngọn giáo gãy tan tành, kéo theo cả ngựa và người ngã văng ra xa.” – Đôn Ki-hô-tê chiến đấu dũng cảm với những gã khổng lồ trong tưởng tượng

Dù cho phải nhận lấy cái kết đắng do hành động trượng nghĩa vừa rồi, Đôn Ki-hô-tê không cảm thấy đau đớn mà ngược lại, ông ta cho rằng “chuyện chinh chiến thường biến hóa khôn lường” và nhanh chóng hồi phục, tiếp tục cuộc hành trình. 

Sự dũng cảm đáng khâm phục của nhân vật chính không chỉ được bộc lộ qua hành động chiến đấu với những gã khổng lồ xấu xa tưởng tượng mà còn ở cách Đôn Ki-hô-tê chọn hướng đi.

Ông luôn tìm đến cung đường có nhiều nguy hiểm đang rình rập nhất bởi theo hiệp sĩ giang hồ, chỉ khi đi trên những nơi ấy mới có thể bắt gặp nhiều chuyến phiêu lưu khác nhau.

Thậm chí, khi bước chân có phần hơi xiêu vẹo thì Đôn Ki-hô-tê vẫn cố gắng giữ tinh thần tỉnh táo, dường như không nỗi đau nào về mặt thể chất có thể làm ông ta bận tâm.

Sau sự thất bại trong cuộc tỉ thí với cối xay gió, Đôn Ki-hô-tê vẫn nung nấu ngọn lửa khí thế, sẵn sàng cho trận đấu tiếp theo. Ông ta thậm chí bẻ cành cây khô, gắn mũi sắt để làm thành ngọn giáo chiến đấu.

Đôn Ki-hô-tê là một người vô cùng dũng cảm và kiên cường, nhất quyết không đầu hàng trước kẻ thù dù đó chỉ là do ông ta tưởng tượng ra. Thế nhưng, nhân vật này vẫn để lại trong tâm hồn độc giả những ấn tượng khó phai mờ. 

Sự cao cả và tấm lòng thủy chung đáng quý 

Nhân vật Đôn Ki-hô-tê mang đậm nét tính cách đáng quý của một chàng hiệp sĩ trong truyện kiếm hiệp. Lão quý tộc nghèo này khác hẳn những con người tầm thường và thực dụng.

Dù cho vết thương trong cuộc chiến với cối xay gió có khiến dáng đi vẹo sang hẳn một bên, Đôn Ki-hô-tê vẫn không mảy may kêu than hay rên rỉ bởi theo ông, người hiệp sĩ đích thực sẽ không quan tâm đến sự đau đớn thể xác.

Đặc biệt, Đôn Ki-hô-tê cũng không mấy thích thú trước việc ăn uống, rượu chè. Ông không cho phép bản thân biến thành những kẻ nhỏ bé mà lãng quên lý tưởng chính nghĩa cao cả. 

Giống như bao chàng hiệp sĩ trong truyện, Đôn Ki-hô-tê cũng có một “nàng thơ” để ngày đêm nhớ mong. Ông ta yêu say đắm người phụ nữ nông dân, ưu ái gọi chị ta bằng cái tên công nương Đuyn-xi-nê-a. 

Trong cuộc chinh chiến khốc liệt với cối xay gió, lòng Đôn Ki-hô-tê nhớ mong da diết đến Đuyn-xi-nê-a, xem nàng như là động lực giúp ông trừng trị những kẻ xấu xa. Dù trong hoàn cảnh nào, trái tim ấy vẫn luôn hướng về phía người mình yêu. 

Sự cao cả và tấm lòng thủy chung đáng quý 

Thậm chí, Đôn Ki-hô-tê còn dành khoảng thời gian nghỉ ngơi quý báu để nghĩ về hình bóng nàng. Ông không cần ăn uống vì chỉ cần bản thân nhớ đến bóng hồng duyên dáng là đã cảm thấy no.

Đi khắp mọi nẻo đường để trừ gian diệt ác và cứu người lương thiện, song Đôn Ki-hô-tê không bao giờ thôi nghĩ về công nương Đuyn-xi-nê-a, vẫn rất ý thức giữ tấm lòng sắc son đối với người con gái mình yêu.

Bằng đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió, nhà văn Tây Ban Nha Cervantes đã dựng nên bức chân dung chàng hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê tuy có phần ảo tưởng, hão huyền nhưng lại mang nhiều phẩm chất tốt đẹp đáng kính trọng. 

Đây cũng là nhân vật điển hình trong văn học thế giới, đại diện cho mẫu người ôm ấp những lý tưởng tốt đẹp, khát khao về sự công bằng và bác ái nhưng không hợp thời.

Thông qua đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió, văn sĩ người Tây Ban Nha cũng đã mang đến cho người đọc một con người hết mình với cái thiện, đồng thời chế giễu lí tưởng hiệp sĩ phiêu lưu hão huyền trong xã hội Tây Ban Nha khi ấy.

 Lối sống thực dụng của con người trong Đánh nhau với cối xay gió 

Không chỉ khắc họa “căn bệnh” ảo tưởng, Miguel de Cervantes còn lên án cả lối sống thực dụng của con người mà đại diện là nhân vật giám mã Xan-chô Pan-xa. 

Xan-chô xuất thân là một người nông dân với vẻ ngoài béo lùn, chấp nhận đi theo Đôn Ki-hô-tê vì lời hứa hẹn cai trị vài hòn đảo. Độc giả có thể thấy, anh chàng này cũng chỉ vì mục đích cá nhân mới trở thành bạn đồng hành của Ki-hô-tê.

Xan-chô luôn mang theo bầu rượu và túi có hai ngăn đựng đầy thức ăn, anh ta nhận thức rõ những điều mình đang phải đối mặt. Khác với Đôn Ki-hô-tê, tất cả mọi thứ đều được kẻ giám mã này nhìn nhận dưới góc độ thực tế.

Trong lời nói và cách cư xử, Xan-chô hiện lên với dáng vẻ một người tầm thường, thực dụng. Anh ta sẵn sàng kêu lên nếu bị đau, quan tâm đến các nhu cầu vật chất và luôn tỏ ra sợ hãi, hèn nhát.

Tuy nhiên, sự tỉnh táo có phần thực dụng của Xan-chô đã kéo gã hiệp sĩ mộng mơ Đôn Ki-hô-tê về với thực tế. Chính chàng giám mã là người cảnh báo những tên khổng lồ đáng sợ kia chỉ là các cối xay gió bình thường.

 Lối sống thực dụng của con người trong Đánh nhau với cối xay gió 

Cervantes đã dựng nên hai bức chân dung nhân vật đối lập nhau về tính cách lẫn lý tưởng. Nếu Đôn Ki-hô-tê luôn hướng về cái thiện có phần hão huyền thì Xan-chô Pan-xa lại rất thực tế, đôi khi thực dụng.

Qua đó, tác giả lên án những người có lối sống ích kỷ, nhỏ nhen trong xã hội Tây Ban Nha và cả châu Âu đương thời.

Giá trị hiện thực và nhân đạo trong Đánh nhau với cối xay gió 

Tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê nói chung và Đánh nhau với cối xay gió nói riêng in đậm trong tâm hồn người thưởng thức không chỉ bởi cách xây dựng cốt truyện, dàn nhân vật độc đáo mà còn vì những giá trị sâu sắc nó mang lại.

Qua hai hình tượng Đôn Ki-hô-tê và Xan-chô Pan-xa, Miguel de Cervantes đã mô tả một cách chân thực xã hội Tây Ban Nha vào cuối thời Hiệp sĩ, trước khi bước sang thời kỳ Phục Hưng.

Trong xã hội lúc bấy giờ, con người ta dường như chìm đắm trong sự ngu muội, mải mê chạy theo những điều hão huyền không có thật và tiền tài danh vọng, lãng quên phẩm chất tốt đẹp của bản thân.

Đánh nhau với cối xay gió như một bản cáo trạng đanh thép thức tỉnh con người khỏi giấc ngủ quên, hướng xã hội đến một tương lai văn minh và tiến bộ hơn.

Hơn cả lời tố cáo, tiểu thuyết gia người Tây Ban Nha còn gửi gắm vào trong từng trang viết giá trị nhân văn vĩnh hằng, ấy chính là lý tưởng sống phải biết bênh vực chính nghĩa, nâng niu những số phận tội nghiệp.

Giá trị hiện thực và nhân đạo trong Đánh nhau với cối xay gió 

Tác phẩm chứa đựng cảm hứng nhân đạo dồi dào trong trái tim và bầu máu nóng người nghệ sĩ. Cervantes không thể dửng dưng trước sự xuống cấp về phẩm chất con người, chức trách thiêng liêng của nghề viết đã thôi thúc ông phải sáng tạo.

Dù sống trong thời đại nào, mỗi người đều phải gìn giữ bản chất lương thiện vốn có và đứng về phía lẽ phải. Đằng sau một Đôn Ki-hô-tê có phần đần độn, phi thực tế là con người có bản tính tốt đẹp đáng quý. 

Hơn thế nữa, chúng ta không được đề cao lối sống thực dụng dẫn đến ích kỷ, tầm thường như nhân vật Xan-chô Pan-xa mà cần phải biết dung hòa giữa hai thái cực. 

Giữa bối cảnh giao thời phức tạp, con người phải tự biết cách bảo vệ phẩm chất tốt đẹp của bản thân, sống có lý tưởng cao cả nhưng đồng thời, luôn giữ một đầu óc tỉnh táo, khôn ngoan.

Bốn trăm năm trôi qua nhưng Đôn Ki-hô-tê vẫn khẳng định sức hút với mọi thế hệ. Bài học về lối sống chuẩn mực mà tác giả Cervantes mang đến vẫn vẹn nguyên giá trị cho đến mãi về sau.

Đặc sắc nghệ thuật trong Đánh nhau với cối xay gió 

Đánh nhau với cối xay gió không chỉ khẳng định cái nhìn vượt thời đại của nhà tiểu thuyết vĩ đại nhất nước Tây Ban Nha Miguel de Cervantes mà còn tiêu biểu cho tài năng văn học với những nét đặc sắc trong nghệ thuật.

Cervantes đã xây dựng nên một tình huống truyện vô cùng độc đáo và gần gũi với thực tế. Cách tạo lập cốt truyện ấy cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc bộc lộ tư tưởng của tác phẩm.

Giọng điệu kể chuyện của tác giả cũng rất phù hợp với chủ đề tác phẩm, nó vừa mang sắc thái hài hước, dí dỏm lại có phần chua chát, mỉa mai. 

Văn sĩ người Tây Ban Nha thể hiện rất rõ hai bức chân dung tính cách trái ngược nhau bằng bút pháp tương phản. Vậy nên hai hình tượng nhân vật chính là Đôn Ki-hô-tê và Xan-chô Pan-xa được khắc sâu trong tâm hồn độc giả.

Đặc sắc nghệ thuật trong Đánh nhau với cối xay gió 

Một điểm sáng trong phong cách sáng tác nghệ thuật Cervantes là cách xây dựng nhân vật lưỡng điệu. Nhà văn đề cao sự thật cũng như tôn trọng các mặt tốt, xấu trong tâm hồn con người, không sa vào trường phái lý tưởng hóa. 

Đây chính là cái nhìn tiến bộ vượt thời gian của bậc tiểu thuyết gia nổi tiếng, ông xem con người ở một chỉnh thể thống nhất giữa hai mặt đối lập, tốt và xấu, trân trọng phần “người” trong mỗi cá nhân.

Sức sống bền bỉ của Đôn Ki-hô-tê đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, trở thành kiệt tác chung cho cả loài người. Nó như thỏi nam châm thu hút mọi tầng lớp độc giả và truyền tải đến họ các thông điệp giàu ý nghĩa.

Đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió thậm chí còn được đưa vào giảng dạy rộng rãi trong chương trình Sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 8 ở Việt Nam. 

Không chỉ có sự ảnh hưởng trong lĩnh vực văn học, tác phẩm còn là đề tài muôn thuở của nghệ thuật sân khấu, âm nhạc, hội họa hay điện ảnh. Đứa con tinh thần của văn hào Cervantes nhiều lần được bình chọn là “tiểu thuyết số một thế giới”.

Hạ Miên