Môi hở răng lạnh – Ý nghĩa và sự vận dụng thành ngữ

Gia đình là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người. Vì vậy, dân gian đã truyền nhau nhiều câu thành ngữ và tục ngữ ngợi ca mái ấm tình thân này như “Anh em thuận hòa là nhà có phúc”, “Chị ngã em nâng” hay “Trẻ cậy cha, già cậy con”.

“Môi hở răng lạnh” cũng nằm trong số đó, được nhân dân sử dụng phổ biến để khẳng định giá trị cao cả của gia đình, rộng hơn là tình nghĩa láng giềng và đồng bào đất nước.

Môi hở răng lạnh
Môi hở răng lạnh – Ý nghĩa và sự vận dụng thành ngữ

Ý nghĩa của thành ngữ Môi hở răng lạnh

Thành ngữ “Môi hở răng lạnh” mượn hình ảnh của các bộ phận trên cơ thể con người để thể hiện ý nghĩa sâu xa. Chính “môi” đã che chắn và bảo vệ cho răng khỏi những tác động từ môi trường bên ngoài.

Nếu như “môi” không được khép kín thì gió sẽ dễ lùa vào miệng khiến cho “răng lạnh”. Vì vậy, hai bộ phận này có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, khăng khít với nhau.

Vì vậy, cách nói đậm chất dân gian này đã thể hiện sự liên kết giữa những bộ phận trên cơ thể. Đồng thời, nó còn mang hàm hàm ý sâu xa khẳng định tinh thần “tương thân tương ái” của các thành viên trong gia đình, rộng hơn là ngõ xóm, quê hương.

Ở nét nghĩa mở rộng này , văn học dân gian cũng còn nhiều lối nói khác như ‘Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” hay “Lá lành đùm lá rách”.

Thành ngữ Môi hở răng lạnh và câu chuyện cổ xưa

Thành ngữ “Môi hở răng lạnh” còn có nguồn gốc từ một câu chuyện dân gian được lưu truyền đến tận ngày nay. Nó xoay quanh cuộc cãi vã gay gắt giữa răng và môi.

Răng cho rằng mọi món ngon đều bị người bạn thưởng thức trước, còn mình phải nhai đến mỏi cả hàm. Chứng kiến sự trách mắng vô lý ấy, môi đã nổi giận và phản bác ngay.

“Ta sinh trước, ta che chở cho mi. Mi sinh sau, chỉ có việc nhai, của ngon vật lạ mi dùng cả, còn tị nỗi gì.” – Môi đáp trả răng với thái độ bực tức

Vì để chiều lòng răng, môi đã cong lên và hở ra suốt ngày. Kể cả khi mùa đông tới, nó không mảy may khép lại mà vẫn nói chuyện vui vẻ với mọi người xung quanh.

Lợi dụng cơ hội này, gió đã nhanh chóng chui vào bên trong làm tê buốt cả chân răng. Đến bây giờ, nó mới nhận ra tầm quan trọng môi, không còn kêu ca hay tị nạnh nữa.

Tinh thần Môi hở răng lạnh trong truyện ngắn Nhà mẹ Lê

Thạch Lam hiện diện trên Văn đàn với một giọng điệu nhẹ nhàng cùng trái tim giàu lòng yêu thương. Ngòi bút ông luôn hướng về những số phận bất hạnh, chịu sự đày đọa và giằng xé bởi hoàn cảnh sống nghèo khó, vất vả.

Văn sĩ ấy đã để lại cho đời nhiều đứa con tinh thần cảm động và giàu ý nghĩa nhân văn. Một trong số đó là truyện ngắn Nhà mẹ Lê, kể về câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng ở xã hội Việt Nam trước năm 1945.

Nhân vật trung tâm của truyện ngắn là mẹ Lê, người phụ nữ nông dân phải nuôi dưỡng mười một đứa con. Tuy vậy, bà vẫn không hề phàn nàn hay kêu ca mà ra sức làm lụng để mang đến cho đám trẻ thơ ngây cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy nhất.

Giống như bao người nông dân ở xã hội đương thời, hoàn cảnh sống của mẹ Lê vô cùng khắc nghiệt và thiếu thốn đủ bề. Cả gia đình bà phải chen chúc nhau trong một căn nhà lụp xụp, không thể che nổi nắng mưa.

Thế nhưng, những thành viên của gia đình nông dân nghèo ấy vẫn gìn giữ một tâm hồn lương thiện, biết yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Vì không muốn đàn con chịu khổ, mẹ Lê đã chấp nhận hy sinh thân mình để đổi lấy bữa ăn no.

Không chỉ vậy, những đứa con cũng vô cùng hiếu thảo, biết san sẻ gánh nặng cùng mẹ. Nhờ vào sự giáo dục đúng đắn cũng như tình yêu thương từ mẹ Lê, chúng đã trở nên trưởng thành và hiểu chuyện hơn.

“Thằng con lớn thì từ sáng đã cùng thằng Ba ra cánh đồng kiếm con cua, con ốc, hay sau mùa gặt, đi mót những bông lúa còn sót lại trong khe ruộng. Thật là sung sướng, nếu chúng mang về được một lượm, trong những ngày may mắn.” – Những đứa con của mẹ Lê vô cùng hiếu thảo, thấu hiểu cho nỗi lo của mẹ

Chính tình yêu thương và đùm bọc đậm chất “môi hở răng lạnh” ấy đã khiến họ vượt lên hiện thực tàn khốc. Đây cũng là yếu tố làm nên sức hút cho tác phẩm, giúp Nhà mẹ Lê vượt qua sự băng hoại của thời gian.

Tình yêu thương gia đình trong truyện ngắn Cô hàng xén

Cô hàng xén nằm trong số truyện ngắn tiêu biểu viết về đề tài người phụ nữ của Thạch Lam. Tác phẩm không chỉ tái hiện hoàn cảnh đáng thương mà họ phải gánh chịu giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám mà còn đề cao sức mạnh của tình thân.

Dưới cách miêu tả của Thạch Lam, nhân vật Tâm hiện lên là một cô gái hiếu thảo và tháo vác. Thậm chí, nàng sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân để mãi bên cạnh cha mẹ, chăm lo cho những người thân yêu.

“Con mà đi lấy chồng thì ai kiếm tiền cho các em ăn học ? Thôi u cứ để con ở nhà buôn bán và trông nom nhà cửa cho thầy u.” – Cô hàng xén một lòng hướng về gia đình, mong muốn trả ơn dưỡng dục cho cha mẹ

Mẹ Tâm cũng phần nào thấu hiểu tấm lòng cùng nỗi lo toan của con gái đối với gia đình. Thế nhưng, với tư cách là bậc làm cha mẹ, bà đã động viên và khuyên nhủ nàng dũng cảm tìm kiếm hạnh phúc cho mình.

Những kiếp người cơ cực ấy đã thấu hiểu cũng như trân trọng tình yêu thương từ đối phương. Cách sống và hành xử cao đẹp của họ cũng giống như thành ngữ “Môi hở răng lạnh”, trở thành tấm gương để độc giả noi theo.

Lên đầu trang