Nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn nổi danh bởi tài học sâu rộng cùng những lời sấm truyền vang danh lịch sử. Bên cạnh đó, ông cũng là một tác gia văn học lớn và sở hữu sự nghiệp văn chương đồ sộ.

Các tác phẩm của bậc vĩ nhân ấy luôn mang tính triết lý sâu xa cùng đạo lý đối nhân xử thế, răn dạy con người. Những thành tựu văn chương mà Trạng Trình để lại cho đời chính là giá trị đích thực đưa ông trở thành một nhà văn kiệt xuất, danh nhân văn hóa lớn của đất nước.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà tiên tri lỗi lạc của nước Đại Việt

Nguyễn Bỉnh Khiêm tên húy là Nguyễn Văn Đạt, sinh năm Tân Hợi, niên hiệu Hồng Đức thứ 22 dưới triều Lê Thánh Tông, tức năm 1491. Nguyên quán ông ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hà Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Cha Nguyễn Bỉnh Khiêm là Giám sinh Nguyễn Văn Định, nổi tiếng hay chữ nhưng lận đận đường khoa cử. Mẹ ông là bà Nhữ Thị Thục, thứ nữ của quan Tiến sĩ Thượng thư bộ Hộ Nhữ Văn Lan.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà tiên tri lỗi lạc của nước Đại Việt

Bà Thục tương truyền bản tính khác thường từ ngày còn nhỏ, biết nhiều, học rộng lại giỏi tướng số nên muốn tìm một người chồng tài giỏi để sinh ra người con có thể dựng nghiệp Đế vương.

Thần đồng họ Nguyễn sớm được giáo dục cẩn thận, rèn luyện cả về thể lực lẫn trí lực nên cao khỏe, thông minh hơn người, chưa đến một tuổi đã nói sõi, bốn tuổi được mẹ dạy Kinh Thư, thơ Nôm, có tiếng thần đồng.

Đến tuổi trưởng thành, nghe tiếng Bảng Nhãn Lương Đắc Bằng ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa nổi tiếng hay chữ nên Nguyễn Bỉnh Khiêm bèn cất công vào xứ Thanh để tầm sư học đạo, chẳng bao lâu ông đã trở thành học trò xuất sắc nhất của thầy Lương.

Trước khi qua đời, Lương Đắc Bằng trao lại người học trò tin cậy ấy bộ sách quý về Dịch học là Thái Ất Thần Kinh, đồng thời ủy thác con trai Lương Hữu Khánh cho ông dạy dỗ.

Trưởng thành ở giai đoạn triều Lê Sơ khủng hoảng suy tàn, không muốn đi vào vết xe đổ của người thầy đáng kính, Trạng đã bỏ qua tới chín kỳ đại khoa, trong đó có sáu khoa thi dưới triều đại này.

Vị công thần dành trọn cuộc đời cho triều Mạc

Khi nhà Mạc lên thay, xã hội dần đi vào ổn định song ông cũng không vội vã ra ứng thí. Tới năm 1535, đời Mạc Thái Tông Mạc Đăng Doanh, đất nước thời đó cực thịnh, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới quyết định “lều chõng đi thi” và đậu ngay ngôi vị Trạng Nguyên cao quý.

Ngay sau khi đỗ Trạng, ông được bổ nhiệm làm Đông Các hiệu thư, chuyên việc soạn thảo, sửa chữa các văn thư của triều đình, rồi sau được cử giữ nhiều chức vụ khác nhau như Tả Thị Lang bộ Hình, Tả Thị Lang bộ Lại kiêm Đông Các Đại học sĩ.

Vị công thần dành trọn cuộc đời cho triều Mạc

Khi Mạc Đăng Doanh băng hà, triều chính nhiễu nhương và chia bè kết phái, vua Mạc Hiến Tông ít tuổi chưa đủ năng lực điều hành chính sự, nhà thơ đã dâng sớ trị tội mười tám đại thần, trong đó có cả con rể của ông là Trấn thủ Sơn Nam Phạm Dao. Tuy vậy, biểu sớ ấy không được chấp thuận.

Sau hai năm về trí sĩ, tới năm Giáp Thìn 1544, vua Mạc ra chiếu phong tước Trình Tuyền Hầu cho Trạng, rồi sau lại thăng lên chức Thượng thư bộ Lại, Thái Phó, tước Trình Quốc Công.

Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành vị quan văn hiếm hoi được phong tước Công khi còn sống, cũng từ đây mà dân gian quen gọi là Trạng Trình. Từ năm 53 tới 73 tuổi, tuy không ở hẳn Kinh đô nhưng ông vẫn cáng đáng nhiều việc triều chính. Năm 1564, bậc đại Nho ấy mới chính thức treo ấn từ quan, về quy ẩn tại quê nhà.

Trong những năm trí sĩ, tác giả đã cho dựng am Bạch Vân, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ và mở trường dạy học cạnh sông Tuyết, vì vậy mà các môn sinh đã tôn Trạng là Tuyết Giang Phu Tử.

Học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm sau này có nhiều người hiển đạt như Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Thượng thư Bộ Binh Lương Hữu Khánh, danh sĩ Đinh Thời Trung, Hàn Giang cư sĩ Nguyễn Văn Chính tức con trai cả của ông.

Cuối năm Ất Dậu 1585, Tuyết Giang Phu Tử tạ thế tại quê nhà ở tuổi 95. Trước khi qua đời, ông còn dâng sớ lên vua Mạc, xin nhà vua hết lòng chăm lo cho đời sống nhân dân, lấy dân làm gốc, lấy nước làm trọng.

Mạc Mậu Hợp cử Phụ chính đại thần Ứng Vương Mạc Đôn Nhượng cùng văn võ bá quan về lễ tang để tỏ lòng tôn kính. Việc này đã nói lên sự trân trọng rất lớn của triều Mạc đối với nhà Nho trung quân ái quốc ấy. Đền thờ ngài tại quê nhà được đích thân vua Mạc gắn biển trước cửa đền là “Mạc triều Trạng Nguyên”.

Nguyễn Bỉnh Khiêm và những tác phẩm đi cùng với thời gian

Không chỉ tinh thông lý học mà Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có tài văn chương lỗi lạc, để lại cho hậu thế những trước tác đáng ngợi ca như Bạch Vân am thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi, các tập Trình quốc công sấm ký, Trình tiên sinh quốc ngữ.

Thơ Trạng Trình được dệt nên từ chất liệu hiện thực, thấm thía triết lý sâu xa. Các quan niệm về một nhà Nho quân tử được thể hiện khảng khái trong thơ quan Trạng như giáo huấn và ngợi ca chí của kẻ sĩ thú an nhàn, lên án những điều xấu xa trong xã hội. 

Thơ văn của bậc chính nhân quân tử Nguyễn Bỉnh Khiêm đánh dấu mốc khởi đầu cho một hình thức tư duy mới trong tiến trình hoàn thiện thơ ca trung đại Việt Nam, đó là tư duy thế sự.

Thơ ông vẫn mang tính trữ tình song nó được biết đến như “trữ tình lý trí”, không mang hình thức tư duy cảm tính mà là tư duy lý tính, nhìn thẳng vào xã hội, hay còn có tên tư duy thế sự.

Bài thơ Nhàn bộc lộ triết lý sống thanh cao của một bậc Đại sĩ

Năm 1564, vị đại thần treo ấn từ quan triều Mạc, về quê dạy học và sống an nhàn, hòa hợp với thiên nhiên, giữ cốt cách thanh cao, vượt lên trên danh lợi. Quan niệm sống “nhàn” của ông được bộc lộ trọn vẹn qua bài Nhàn viết bằng chữ Nôm, rút trong tập Bạch Vân quốc ngữ thi.

Sau khi dâng sớ vạch tội và xin chém đầu mười tám lộng thần nhưng vua không chấp nhận, Nguyễn Bỉnh Khiêm cáo quan về quê dạy học, sống nhàn như một lão nông tri điền thực sự. 

“Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào” – Nhàn

Cuộc sống thuần hậu, nhàn tản diễn ra hàng ngày với “một mai, một cuốc, một cần câu”. Trong câu thơ đầu, tác giả sử dụng phép điệp từ cùng phép lặp cấu trúc, số từ và danh từ “mai, cuốc, cần câu”, nhịp điệu đều đặn cho thấy cuộc sống thong thả, phong thái bình dị, vui vẻ với thú điền viên.

Bài thơ Nhàn bộc lộ triết lý sống thanh cao của một bậc Đại sĩ

Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sử dụng từ láy “thơ thẩn” hết sức tài tình, thấm đậm vẻ thư thái trong tâm hồn. Đại từ phiếm chỉ “ai” nói về mọi người mải lo “vui thú nào”, trái ngược với ông chỉ thích quanh đi quẩn lại cùng thiên nhiên, không chút bận lòng với công danh, phú quý.

Hai câu thơ đầu hé mở lối sống, quan niệm sống nhàn của Trạng Trình, nó được thể hiện ở phong cách giản dị, thảnh thơi, lánh xa cuộc đời bon chen vật chất, chức tước tầm thường. 

Bậc vĩ nhân ấy lấy những sự vật hết sức gần gũi làm nổi bật lên nét đẹp đặc trưng của từng mùa. Lương thực đều lấy từ thứ có sẵn xung quanh, đó là sản vật do con người làm ra hoặc được thiên nhiên ban tặng, mang đậm bản chất thôn dã.

“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.” – Nhàn

Nhà tiên tri đại tài sinh hoạt cũng hết sức đơn sơ, tuần hoàn theo dòng chảy thời gian, cung cách sống khiêm nhường, bình dị của một bậc trí thức đại tài, tuy đạm bạc nhưng nhàn nhã, giải phóng con người khỏi danh lợi. Với lối sống này, Nguyễn Bỉnh Khiêm có sự tương đồng với danh nhân Nguyễn Trãi ở thế kỉ XV.

“Quê cũ nhà ta thiếu của nào,

Rau trong nồi, cá trong ao.” – Nguyễn Trãi (Mạn thuật bài 13)

Cuộc sống tự do, thảnh thơi ấy có biết bao Nho sĩ mơ ước hướng đến nhưng chưa thể đạt tới như ông. “Nhàn” với nhà thơ còn là rời xa danh lợi, phú quý để giữ cốt cách thanh cao. 

“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn, người đến chốn lao xao.” – Nhàn

“Nơi vắng vẻ” và “chốn lao xao” là hình ảnh biểu tượng cho hai cung cách sống khác nhau. “Nơi vắng vẻ” là nơi thiên nhiên tĩnh lặng, xa lánh cuộc đời đầy bon chen, đố kỵ, khiến cho tâm hồn con người trở nên thanh thản. 

Ngược lại “chốn lao xao” là nơi cường quyền, ra luồn vào cúi, con người luôn tìm cách để chèn ép, hãm hại nhau hòng đoạt được lợi danh. Hai câu thơ sử dụng nghệ thuật đối tài tình, mang hàm ý rằng cuối cùng “dại” mà hóa “dại khôn”, còn “khôn” lại thành dại.

Cách nói ngược đã phần nào thể hiện được phương châm sống xa lánh nơi quyền quý, tìm nơi sống an nhàn để gìn giữ cốt cách trong sáng vốn có của mình, đồng thời cũng là thái độ không chạy theo danh lợi.

Bản chất chữ “nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm rất khác nếu so với một bộ phận Nho sĩ sống ẩn dật. Ông nhàn thân mà không hề nhàn tâm, dù cuộc sống cứ bình dị trôi qua nhưng vẫn mãi canh cánh nỗi lòng.

“Rượu đến cội cây, ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.” – Nhàn

Câu thơ nhắc đến điển tích Thuần Vu Phần uống rượu say, ông mơ thấy mình được đến nước Hòe Nhai và tìm ra cây công danh phú quý. Khi tỉnh giấc, thứ trước mắt lại chỉ là tổ kiến.

“Sau đó, Thuần Vu Phần nhìn thấy dưới gốc cây hòe có một hang động nhỏ, chặt đôi thân cây ra, phát hiện bên trong đó có hàng trăm con kiến, tập trung tại một nơi đang bảo vệ hai con kiến lớn. Hóa ra đây chính là Hòe An Quốc mà anh đã gặp trong giấc mộng.” – Giấc mộng Nam Kha

Lấy điển tích đó cho thấy thái độ của vị công thần triều Mạc, tìm đến rượu không phải để uống và mơ giấc mộng công danh mà là tỉnh táo nhận ra chân lý, phú quý chỉ như giấc chiêm bao.

Nhận thức đó cho thấy danh lợi không phải đích đến cuối cùng trong cuộc đời mỗi người, điều tồn tại mãi mãi với thời gian chính là nhân cách, phẩm chất cao đẹp. Hai câu kết tựa như một lời khẳng định chắc chắn về ý nghĩa, triết lý sống nhàn.

“Chen chúc lợi danh đà chán ngắt.

Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao !

Đám phồn hoa rót bước chân vào.

Sực nghĩ lại giật mình bao kể.” – Nhà thơ Nguyễn Công Trứ nói lên tâm thế kẻ sĩ và chuyện lợi danh ở đời

Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, sống “nhàn” là cách để giữ gìn và tu tâm dưỡng tính, cần phân biệt rằng “nhàn” ở đây không mang nghĩa lười biếng, chỉ lo hưởng thụ mà nói tới sự thảnh thơi, thư thái trong tâm hồn.

Chân lý cuộc đời lắng đọng qua bài thơ Ngụ hứng ở quán Trung Tân

Trạng Trình có chùm thơ nhiều bài mang tên Trung Tân ngụ hứng rất nổi tiếng, được sáng tác khi ngồi đàm đạo cùng các bô lão ở quán Trung Tân, đa phần viết theo thể ngũ ngôn trường thiên, âm vận chủ đạo là vần trắc.

Chân lý cuộc đời lắng đọng qua bài thơ Ngụ hứng ở quán Trung Tân

Bài thơ thứ nhất trong tập này lại nổi tiếng hơn cả, được dịch giả Ngô Lập Chí dịch rất sát nguyên tác, giọng điệu thanh thoát hợp với phong cách Nguyễn Bỉnh Khiêm.

“Sông ngòi vòng Tây Bắc

Làng xóm bọc Tây Nam

Giữa có nửa mẫu vườn,

Vườn ở bên Vân am.

Xe ngựa bụi không đến,

Hoa, trúc tay tự trồng.

Gậy, dép bén mùi hoa,

Chén, cốc ánh sắc hồng.

Rửa nghiên, cá nuốt mực,

Pha trà, chim lánh khói.

Ngâm thơ thừa tiêu dao,

Uống rượu thêm khoan khoái.

Người xảo ta thì vụng,

Ấy vụng thế mà hay!

Ta vụng người thì xảo.

Ấy xảo thế mà gay!

Tính suy lẽ trời đất,

Nghiền ngẫm việc xưa nay:

Đường đời rất gập ghềnh,

Chông gai cần phải cắt.

Lòng người rất hiểm nghèo,

Buông ra liền quái quắc.

Quân tử biết răn mình,

Chí thiện làm mẫu mực.” – Trung Tân ngụ hứng

Hai câu đầu khái quát về vị trí của quán Trung Tân, tả hữu xung quanh là cảnh non nước hữu tình, xóm làng quây quần đông vui. Nhà thơ giải thích rất cụ thể về hai câu này trong Bài bia ở quán Trung Tân.

“…bến Trung Tân, trông sang phía Đông nhìn Đông Hải, ngoảnh sang phía Tây nhìn Tây Kinh; bên Nam trông sang Ngư Khê, thì thấy Trung Am, Bích Động, cái kia cái nọ quanh dựa vào nhau: bên Bắc cúi nhìn sông Tuyết Giang, thì thấy chợ Hàn, bến Nguyệt bao bọc tả hữu; một con đường cái quan chạy dọc ở giữa, biết bao bánh xe, chân ngựa từ hàng ngàn dặm xa tấp nập đi qua chốn này.” – Bài bia ở quán Trung Tân

Sau khi từ quan về quê ở ẩn, thoát khỏi vòng danh lợi đầy rẫy những bất công, Nguyễn Bỉnh Khiêm sống thanh bạch, quanh quẩn với thú điền viên.

Qua những câu thơ vừa tả cảnh vừa tả tình, vạn vật trở nên sống động, có hồn và bầu bạn với nhà thơ như tri kỉ. Tâm hồn ung dung của người ẩn sĩ toát lên vẻ thanh cao qua từng tứ thơ đầy thi vị.

Bậc cao nhân sống ẩn dật giữa vùng quê hẻo lánh ấy có không ít vần thơ dung dị khắc họa niềm vui giản đơn của mình. Âm điệu hóm hỉnh nhưng lại gửi gắm những bài học thâm thúy đáng suy ngẫm.

“Trà sen, sáng đãi người đưa khát

Rượu thánh, hòm mời khách uống say.” – Bài 140

Một lối sống thanh bạch mà sang trọng ở giữa cõi đời lắm bon chen thì có mấy ai được như Trạng Trình. Những thói quen dân dã từ uống trà, uống rượu, ngâm thơ khi khắc họa bằng ngôn ngữ hài hòa, giọng điệu khoan thai, đủng đỉnh, càng góp phần làm nổi bật phẩm chất đáng quý của Tuyết Giang Phu Tử.

Những vần thơ cuối là lời răn dạy của vị danh nhân văn hóa lỗi lạc gửi gắm tới hậu thế về đạo lý nhân sinh. Sống giữa thời loạn lạc, giữ được “chí thiện” là điều đáng quý, là lý tưởng mà các bậc anh tài hướng tới.

Những bài học nhà thơ đưa ra được đúc rút từ quá trình chiêm nghiệm, suy ngẫm suốt cuộc đời, vì thế nên dân chúng tôn vinh ông là người thầy của cả một thời đại. Đến nay, đền thờ Trạng Trình vẫn còn lưu giữ bức hoành phi sơn son thếp vàng chạm trổ bốn chữ “Như nhật trung thiên”, mang ý nghĩa mặt trời giữa bầu trời.

Cho tới ngày nay, bài học về “chí” và “thiện” vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Bậc hiền triết lớn Nguyễn Bỉnh Khiêm mãi là biểu tượng về nếp sống đẹp, thanh cao, tựa như bông hoa sen tỏa hương thơm ngát dẫu xung quanh toàn bùn lầy hôi tanh.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và những lời tiên tri bất hủ

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ nổi danh nhờ tài học sâu rộng, tầm nhìn chiến lược đỉnh cao mà còn được người đời tôn kính vì những lời sấm truyền chính xác vang danh lịch sử.

Sở dĩ ông được công chúng gọi là “nhà tiên tri” số một Việt Nam vì khi ra đi, Trạng Trình để lại cho hậu thế khoảng 487 câu sấm ký, không ít trong số đó đã thực sự ứng nghiệm, được nhân dân gọi là sấm Trạng Trình.

Lời tiên tri linh nghiệm đầu tiên là về việc nhà Mạc lên Cao Bằng. Thế kỷ XVI, nhà Lê suy yếu, Lê Uy Mục và Lê Tương Dực không quan tâm tới triều chính, chỉ mải mê ăn chơi sa đọa.

Khi nhận thấy cơ đồ nhà Lê sắp sụp đổ, vua Mạc sai người tới bái kiến Trạng Trình để hỏi việc đại sự. Quan Trạng đã đưa ra lời sấm rằng “Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô”, tức là nếu lên vùng Cao Bằng thì nhà Mạc sẽ tồn tại được thêm ba đời nữa.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và những lời tiên tri bất hủ

Thêm một câu nữa là “Cao Bằng tuy thiển, khả diên số thể”, mang nghĩa rằng Cao Bằng tuy nhỏ song có thể giữ được. Nhà Mạc đã nghe theo lời khuyên của “An Nam lý số hữu Trình tuyền” và quả nhiên đúng như lời sấm ấy.

Tương truyền dân gian có kể lại một giai thoại về xoay mộ trạng Trình. Hơn năm thế kỷ đã trôi qua song câu chuyện về khả năng tiên tri của cụ Tuyết Giang Phu Tử vẫn còn khiến nhiều người kính phục.

“Bình sinh ra đã có một tấm bia đá sẵn và đã sơn kia. Khi ta nhắm mắt rồi, chúng bay phải nhớ hễ hạ quan tài xuống phải để tấm bia đá ấy lên nắp rồi sẽ lấp đất sau. Hễ khi nào có người lạ đến viếng mộ ta mà nói rằng “Thánh nhân mắt mờ” lập tức mời người ấy về nhà, yêu cầu họ để hướng lại ngôi mộ cho ta. Chúng bay phải nhớ và canh chừng, thì không được cải cát. Nếu trái lời ta, dòng dõi về sau sẽ suy đồ lụn bại.” –  Nguyễn Bỉnh Khiêm dặn dò con cháu khi sắp tạ thế

Con cháu Trạng Trình làm theo đúng lời ông dặn, sau năm mươi năm có một người Tàu đi qua và nói “cái huyệt ở đằng chân sờ sờ thế kia mà không biết lại tự đem để mả thế này. Vậy mà thánh nhân cái gì đâu, hay là thánh nhân mắt mù đấy”.

Người trong họ thấy thế vội mời về nhà, khi biết người này là thầy phong thủy liền nhờ đổi hướng cho ngôi mộ. Khi đào tấm bia đá lên, ông thầy người Tàu thấy lạ, đem lên cho rửa sạch thì thấy hiện ra mấy câu thơ.

“Ngũ thập niên tiền mạch tại đầu,

Ngũ thập niên hậu mạch quy túc, 

Hậu sinh nhĩ bối há năng trĩ?

Hà vị thánh nhân vô nhĩ mục?” 

(Ngày nay mạch lộn xuống chân,

Năm mươi năm trước mạch dâng đằng đầu.

Biết gì những kẻ sinh sau?

Thánh nhân mắt có mù đâu bao giờ?”)

Lúc đó người thầy phong thủy giật mình mà mới phục cụ Trạng Trình về tài tiên tri. Ngoài ra, Cách mạng tháng Tám cũng là một trong những sự kiện lịch sử trọng đại được thánh nhân nước Việt tiên tri qua câu thơ.

“Đầu thu gà gáy xôn xao

Trăng xưa sáng tỏ soi vào Thăng Long.”

Đầu thu tức tháng bảy âm lịch, tháng tám dương, “Gà” chính là năm Ất Dậu 1945. “Gà gáy xôn xao” nói đến một sự kiện trọng đại. Khi con gà gáy gọi người tỉnh dậy thì sự kiện ấy sẽ làm thức tỉnh muôn người.

Ở câu thơ thứ hai, “trăng xưa” theo chữ Hán là “cổ nguyệt”, ghép lại thành từ “Hồ” trong “Hồ Chí Minh”. “Sáng tỏ soi vào Thăng Long” là muốn nhắc đến sự kiện Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Nhà văn hóa tiêu biểu của thế kỉ XVI có đóng góp lớn cho lịch sử Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Tài năng hiếm có cùng nếp sống thanh bạch mà cao quý của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trở thành niềm tự hào dân tộc. Ngày nay, nhiều trường học được đặt theo tên ông nhằm tưởng nhớ đến bậc thầy vĩ đại.

Tiểu Mai