Nguyễn Trung Thành là nhà văn có duyên nợ gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, sở hữu vốn hiểu biết vô cùng sâu rộng về xứ sở của tiếng cồng chiêng vang rộn. Ông là một trong số những cây bút xuất sắc của nền văn học Việt Nam với nhiều tác phẩm ghi dấu ấn đậm nét.

Các sáng tác của Nguyễn Trung Thành mang âm hưởng sử thi cùng cảm hứng lãng mạn, ở đó chất thơ hòa quyện với núi rừng thiên nhiên hùng vĩ, nổi bật lên vẻ đẹp của những người anh hùng Cách mạng bất khuất, kiên trung với quê hương, Tổ quốc.

Đôi nét về nhà văn Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc)

Nguyễn Trung Thành tên khai sinh là Nguyễn Văn Báu, sinh năm 1932 tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông còn có bút danh khác là Nguyên Ngọc, một người nghệ sĩ thực thụ của những miền rẻo cao đất nước.

Đôi nét về nhà văn Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc)

Ông gia nhập Quân đội năm 1950 khi còn đang học Trung học phổ thông, sau đó làm phóng viên báo Quân đội Nhân dân Liên khu V và bắt đầu con đường sáng tác văn chương. Bút danh Nguyên Ngọc cũng được ông sử dụng trong thời kì này. 

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, nhà văn tập kết ra Bắc, đến năm 1962 khi trở về miền Nam thì ông lấy tên là Nguyễn Trung Thành. Sở dĩ phải chọn một bút danh mới vì lúc xin tổ chức cho trở lại chiến trường B, ông được yêu cầu phải đảm bảo giữ bí mật.

“Người cầm bút chân chính, luôn tự hào về tên tuổi của mình. Phải từ bỏ bút danh từng nổi tiếng trước đó mà bản thân đã gây dựng để chọn một bút danh mới cũng là hành động yêu nước và văn hóa chọn bút danh cũng là văn hóa yêu nước.” – Phạm Phú Phong (báo Người Hà Nội 2019)

Thời gian hoạt động tại khu V, ông giữ chức Chủ tịch Chi hội Văn nghệ giải phóng miền Trung Trung Bộ, phụ trách Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng của Quân khu V. Sau này ông đảm nhận vị trí Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ.

Nguyễn Trung Thành là một trong những người đã tạo ra được bản sắc, phong cách và cá tính sáng tạo độc đáo của nền văn học Việt Nam hiện đại. Tính cách năng động, tấm lòng chân thành đã thanh khiết hóa tâm hồn con người và ươm mầm văn hóa cho tương lai.

“Nguyên Ngọc là người có lòng yêu nước nồng nàn, cương trực, có những suy nghĩ sâu sắc nhằm đóng góp cho đất nước” – Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

Hiện nay, ông vẫn hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục, biên dịch một số tác phẩm nước ngoài như The Zero of Writing – Roland Barthes; The Art of Fiction – Milan Kundera; Văn học là gì? của Jean – Paul Sartre; Rừng, Đàn bà, Điên loạn – Jacques Dournes.

Nguyễn Trung Thành cũng hết lòng vì nền giáo dục nước nhà, ông là một trong những người sáng lập trường Đại học Phan Châu Trinh tại Quảng Nam cùng với Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu, Phạm Duy Hiển, Nguyễn Văn Hạnh, Lê Văn Cường, Ngô Như Bình.

Nguyễn Trung Thành với đời văn cần cù đi và viết

Nguyễn Trung Thành là một trong số ít nhà văn Việt Nam may mắn khi sự nghiệp cầm bút không bị gián đoạn bởi chiến tranh, tuổi tác, biến động cuộc đời. Ông đã đi nhiều nơi từ Sài Gòn – Gia Định, mũi Cà Mau đến các tỉnh huyện đồng bằng miền Bắc, biên giới, hải đảo.

Nguyễn Trung Thành với đời văn cần cù đi và viết

Trước năm 1954, khi hai miền Nam Bắc chưa bị chia cắt, ông chủ yếu hoạt động ở Tây Nguyên. Nơi đây đã trở thành một phần máu thịt, ký ức văn hóa tươi đẹp trong suốt cuộc đời nhà văn.

“Ông đi nhiều nhưng không chỉ để ngao du sơn thủy, không đi chỉ để thưởng thức phong cảnh, không lang bang phiêu bạt chỉ để nhìn ngó nghe ngóng lớt phớt, mà đi như vậy là cách ông nhập thân vào với thực trạng đất nước và dân tình để có thể không ngừng suy nghĩ và viết, thực thi nghĩa vụ nhà văn theo đúng với tín niệm nhân sinh và văn chương của ông.” – Nhà văn Bảo Ninh

Tây Nguyên là nơi mà ông đã sống và gắn bó một thời trai trẻ, vậy nên dù không còn sống ở Tây Nguyên như thời kháng chiến nhưng ông vẫn đau đáu, khắc khoải hướng về miền rẻo cao Tổ Quốc như quê hương, nguồn cội thứ hai của mình.

“Được sống ở Tây Nguyên là may mắn lớn nhất đời tôi. Không có cuộc gặp gỡ với mảnh đất ấy chắc tôi không bao giờ trở thành nhà văn. Tây Nguyên cũng tạo nên tôi, tâm hồn, cuộc đời và rồi văn chương của tôi.” – Nguyễn Trung Thành

Trong giai đoạn này, Nguyễn Trung Thành chưa có tác phẩm nào nổi bật, tuy vậy thời gian sinh sống tại đây đã giúp ông có được nhiều tư liệu quý giá để viết nên những trang sách đậm chất sử thi về văn hóa, con người của vùng đất đầy nắng và gió này.

Năm 1954 khi tập kết ra Bắc, ông trở thành phóng viên Quân đội và gây được tiếng vang dưới bút danh Nguyên Ngọc. Những sáng tác của ông trong giai đoạn này như Rẻo cao, Đất nước đứng lên được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích và các nhà nghiên cứu quan tâm.

“Nguyên Ngọc là một trong những nhà văn tài năng và tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam hiện đại giai đoạn 1945 – 1975.” – Nguyễn Đăng Mạnh

Nguyễn Trung Thành đã khẳng định được tên tuổi cũng như vị trí của mình trong nền văn học dân tộc với tập Đất nước đứng lên, Mạch nước ngầm. Tuy nhiên Mạch nước ngầm vẫn còn nhiều tranh cãi về vấn đề nhận thức của con người.

“Sự thành công của Mạch nước ngầm là do Nguyên Ngọc luôn luôn tỏ ra quan tâm đến việc tìm chọn cho mình những chủ đề mới mẻ, biết bám chặt vào hiện thực, hướng mạnh về phía cái mới của đời sống…” – Giáo sư Phong Lê

Từ năm 1962 đến năm 1975, ông vẫn hoạt động ở chiến trường khu V dưới bút danh Nguyễn Trung Thành. Văn hóa và con người Tây Nguyên được ông đưa vào tác phẩm nhiều hơn, trở thành người nghệ sĩ thực thụ của những miền rẻo cao đất nước.

Sáng tác tiêu biểu của nhà văn thời kì này có thể kể đến như truyện ngắn Rừng xà nu (1965) từng đạt Giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu, truyện ký Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc (1969), tiểu thuyết Đất Quảng (1970).

Trong thời kỳ đổi mới, ông đảm nhận vai trò Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ, Trưởng ban sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam, góp phần mở đường cho hiện thực tràn vào văn học sau “giấc ngủ” mệt mỏi thời hậu chiến và bao cấp.

Ông cũng khôi phục thể loại phóng sự đã từng có một thời kỳ huy hoàng với những cây bút tên tuổi như Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Trọng Lang. Ngoài ra nhà văn còn thổi luồng gió mới vào thể loại truyện ngắn, triển khai loạt bài lý luận về văn nghệ, chính trị và hiện thực.

Sau khi nghỉ hưu, Nguyễn Trung Thành tích cực tham gia các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nhà văn là một trong những người gây dựng nên Quỹ Văn hóa và Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh, Dự án và Giải thưởng Sách Hay, Đại học Phan Châu Trinh, Viện Phan Châu Trinh.

Sự nghiệp văn học của ông vẫn tiếp tục với những sáng tác thiên về suy ngẫm và hoài niệm, bút ký Các bạn tôi ở trên ấy được giải thưởng văn xuôi năm 2013 của Hội Nhà văn Hà Nội, Có một con đường mòn trên Biển Đông, Tản mạn nhớ và quên, Lắng nghe cuộc sống.

“Con đường sáng tác mà Nguyên Ngọc đã đi qua với những thành công và chưa thành công như đã nói trên thật ra chưa dài lắm so với toàn bộ quá trình sáng tác của anh…Nhưng nó vẫn là một chặng đường nhiều ý nghĩa.” – Giáo sư Phong Lê

Tư duy sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Trung Thành luôn luôn đổi mới, ngoài văn học ông còn tham gia viết nhiều kịch bản phim, trong đó có những bộ phim khá quen thuộc với khán giả như Đất nước đứng lên, Đường mòn trên biển và dịch thuật một số tác phẩm khác. 

Văn hóa Tây Nguyên trong tâm thức nhà văn

Nhà văn đã dành cho Tây Nguyên hơn nửa cuộc đời mình, đến nỗi nhiều người còn lầm tưởng ông là người con lớn lên giữa núi rừng đại ngàn. Ông dành cho con người và văn hóa nơi đây tình cảm trân quý, kính trọng, một tâm thức hiện sinh luôn cựa quậy trong ông.

Văn hóa Tây Nguyên trong tâm thức nhà văn

Từ tuổi thanh xuân đến lúc đầu bạc, chưa bao giờ ông ngừng suy nghĩ, tìm hiểu, sống sâu với văn hóa Tây Nguyên. Qua các sáng tác của mình, ông đã giúp cho nét đẹp núi rừng nơi đây hiện lên một cách sinh động, hấp dẫn, phong phú và có hồn.

Sở dĩ ông có thể xây dựng những anh hùng, những bản làng thành công đến thế, là bởi ông đã có thời gian dài sinh sống với nó, hòa mình với nó. Ông có tài văn, cái tài ấy lại đến từ tấm lòng chân thành của người viết nên các tác phẩm của ông luôn sống mãi với thời gian. 

“Bao giờ sự sáng tạo cũng phải có nguồn gốc từ thực tế và được khái quát từ nhiều kinh nghiệm sống. Sở dĩ tôi có thể viết được về Núp, hình dung được tâm trạng, hành động của Núp là nhờ có thời gian dài tôi sống và gắn bó với Tây Nguyên” – Nguyên Ngọc

Trong cuốn bút ký Các bạn tôi trên ấy xuất bản năm 2013, ông đã bộc bạch “Tôi bước chân lên Tây Nguyên lần đầu cách đây đúng 57 năm”. Những người bạn nơi đây đã trở thành người anh em ruột thịt để chia sẻ đắng cay ngọt bùi trong tháng ngày gian khổ của kháng chiến. 

Không chỉ gắn bó với con người Tây Nguyên, ông còn gắn bó với cả một vùng văn hóa huyền thoại đầy kỳ bí với cái nhìn của một nhà văn hóa thực thụ, “nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu.”

“Mình ráng mình hiểu thôi. Tôi sống với đồng bào, tôi thấy họ hiền lắm. Phải hiểu, phải cố gắng mà hiểu Tây Nguyên, như Dam Bo viết đó. Tôi thì tôi mạn phép nói thêm, là yêu một cách tôn trọng.” – Nguyễn Trung Thành

Với Nguyễn Trung Thành, rừng Tây Nguyên thực sự là giá trị văn hóa luôn ám ảnh ông, quyến rũ mời gọi tìm hiểu và khám phá. Đó là một người mẹ vĩ đại, bao dung, cung cấp cho đứa con đồng bằng của mình sự sống mà sinh sôi, nảy nở. 

Một nét văn hóa quan trọng khác ở nơi đây là nhà rông, ông cho rằng nhà rông của mỗi làng đều có diện mạo riêng, dáng điệu, tâm hồn riêng. Đây là linh hồn của làng, người ta gọi một ngôi làng không có nhà rông là “làng đàn bà”.

“Nhà văn hóa Tây Nguyên” Nguyễn Trung Thành còn quan tâm đến một di sản vật thể khác là “tượng gỗ rừng già”. Việc đẽo tượng trong quan niệm của họ là sự giao cảm và tương thông giữa con người với thần linh, một điều hoàn toàn kỳ thú và bí ẩn.

Trong tâm thức nhà văn của núi rừng ấy, văn hóa Tây Nguyên là những giá trị huyền thoại cần phải bảo tồn và phát triển, giúp cho chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn về miền đất huyền ảo này.

Vẻ đẹp người anh hùng sử thi qua ngòi bút Nguyên Ngọc

Với tư cách người đầu tiên đưa vùng đất Tây Nguyên vào văn chương, ông đã khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong nền văn học hiện đại. Cũng như nhiều nhà văn khác, trải qua hai cuộc chiến, ông là nhà văn – chiến sĩ đúng với cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Vẻ đẹp người anh hùng sử thi qua ngòi bút Nguyễn Trung Thành

Nếu nói Nguyễn Tuân suốt đời săn tìm cái đẹp thì cũng có thể nói, Nguyễn Trung Thành suốt đời săn tìm tính cách anh hùng, sự tích anh hùng. Đối với ông đây không chỉ là câu chuyện văn chương mà còn là lẽ sống, tôn vinh những con người đẹp như ánh mặt trời. 

Người anh hùng Núp là sự tổng hòa của tính cách ngoan cường, kiên định trong con người Tây Nguyên, tài năng và sự thông minh của anh đã dần cảm hóa dân làng, tạo nên sức mạnh kháng chiến của toàn thể đồng bào.

“Núp con người tốt, biết làm ăn, thanh niên trong làng làm rẫy không ai bằng Núp. Lũ làng có ai đau, Núp trước tiên đi vô rừng hái cái lá tốt về cho uống mau lành; lũ làng có ai chết, Núp trước tiên đi vô núi tìm cái cây to về làm hòm. Con người có cái tay giỏi, đan cái gùi cũng được. Già làng nói biết nghe lời, tốt lắm!” – trích Đất nước đứng lên

Câu chuyện trở thành huyền thoại về cuộc đời của một con người, một cộng đồng hết sức bình dị mà sâu sắc, kiên định mà nhân ái. Qua tác phẩm, Nguyễn Trung Thành đã mang lại làn gió mới, luồng sinh khí mới để tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho cả dân tộc Việt Nam.

Trang sách cuộc đời về người anh hùng Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu cũng là biểu tượng cho số phận người dân Tây Nguyên, điển hình là buôn làng Xô Man. Phẩm chất của anh mang tầm vóc sử thi tráng lệ, một lòng sắt son với lá cờ Cách mạng của Đảng.

Vẻ đẹp sử thi của Tnú được biểu hiện rõ nét nhất qua hình tượng đôi bàn tay đều cụt mất một đốt, minh chứng cho những dấu vết đau thương. Lửa ở đầu ngón tay đang cháy và chính trong tâm can anh cũng hừng hực một ý chí chiến đấu quật cường. 

“Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc…Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy ở trong lồng ngực. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi…” – trích Rừng xà nu

Đó là những con người có khả năng phát sáng mọi lúc, mọi nơi, đẹp trên từng hành động, đặc biệt họ không đơn thương độc mã giống các anh hùng trong sử thi như Đăm Săn, Xing Nhã mà được nâng đỡ bởi tập thể, bởi dân làng Kông Hoa, dân làng Xô Man.

Thế giới anh hùng sử thi qua ngòi bút Nguyễn Trung Thành còn được xen kẽ bởi vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa, gợi cảm nhưng cũng không kém phần dũng cảm. Họ hiện lên với một nét gì đó vừa hoang dã, cổ xưa, vừa lớn lao, huyền thoại. 

Thào Mỹ, cô gái có sức quyến rũ kỳ lạ đã vào tận sào huyệt của tướng phỉ để đưa thư dụ hàng của quân đội Cách mạng. Sùng Chóa Vàng, một chiến sĩ thiện chiến bậc nhất, có mặt trong những trận đánh khó khăn ác liệt nhất, yêu vợ nhất và cũng là người “ve gái” tài nhất.

“Tôi ngồi một mình cạnh Thào Mỹ, cách có vài gang tay, nhưng giữa chúng tôi là 30 năm dâu bể. Vậy mà người đàn bà ấy vẫn đẹp một cách lạ lùng. Tôi chưa thấy người đàn bà nào có thể đi qua 30 năm dằng dặc đau khổ trầm luân tưởng chừng nhẹ tênh đến vậy. Vẫn đôi mắt xanh nâu đắm đuối ấy, có bình tĩnh và chín chắn hơn, đương nhiên, nhưng ngọn lửa khát khao chừng không thể, không hề tắt.” – Trở lại Mèo Vạc

Một nét khá hấp dẫn ở tuyến các nhân vật của Nguyễn Trung Thành là sắc thái “người rừng”. Đặc điểm này khiến cho chất miền núi của nhân vật nổi đậm và phát lộ chỉ qua vài nét, khí chất mạnh mẽ hoang dã khiến con người trở nên dữ dội, phi thường hơn.

Hình tượng anh hùng sử thi trong các trang viết của nhà văn gắn bó với Tây Nguyên hơn nửa đời người còn được thể hiện qua cảnh vật thiên nhiên. Ngoài cụ Mết, Tnú, Mai, Dít, anh Quyết thì hình tượng cây xà nu cũng được tác giả khắc họa như một dũng sĩ oai hùng.

“Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá xum xuê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, nhưng vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã. Cứ thế hai, ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng.” – Rừng xà nu

Gần hai mươi lần, nhà văn nói đến rừng xà nu, đồi xà nu, cây xà nu, cành xà nu, nhựa xà nu. Mỗi lần cây xà nu lại xuất hiện với một dáng vẻ kỳ lạ, tất cả đều mang ý nghĩa tượng cho phách mãnh liệt của dân làng Xô Man, của núi rừng Tây Nguyên cường bất khuất.

Tây Nguyên còn hiện lên thật đẹp với con suối Thi-om ngày đêm tuôn chảy dạt dào, đỉnh núi Ch-lây cao vời vợi, chân núi Ch-pông sản sinh ra người con Gia-rai đẹp như ánh mặt trời, đỉnh Ngọc Linh cao chót vót treo cái làng Mờng Hon. 

Nguyễn Trung Thành và phong cách sử thi về chiến tranh

Ưu điểm trong văn chương Nguyễn Trung Thành là ông có một phong cách rất riêng, nhà văn Anton Pavlovich Chekhov từng nói: “Nếu tác giả không có lối đi riêng thì người đó không bao giờ là nhà văn cả. Nếu anh không có giọng riêng, anh khó trở thành nhà văn thực thụ.”

Nguyễn Trung Thành và phong cách sử thi về chiến tranh

Ông không đưa ra những nhận xét hay ý nghĩa khôn ngoan như Nguyễn Khải, cũng chẳng có những phát hiện tinh quái đời thường như Tô Hoài, ông đưa ra những trải nghiệm khác thường, dữ dội, luôn gây ấn tượng mạnh.

Nguyễn Trung Thành là một người lãng mạn, yêu ghét phân minh, không dễ thay đổi và thậm chí cố chấp. Vậy nên ông cuốn hút người ta bởi thứ ngôn ngữ hết sức hồn nhiên, ngây thơ, vô tư thẳng thắn như chính con người của miền núi rừng Tây Nguyên.

Ngôn từ văn chương của Nguyễn Trung Thành, nhất là ở truyện ngắn đều rất chú ý đến lối dùng từ phái sinh để tạo hương vị riêng cho chỉnh thể nghệ thuật của mình. Có thể cảm nhận được một thứ văn chương có nhung, có tuyết, có vị ngọt cuốn hút và hấp dẫn người đọc.

Tài năng văn chương của ông được các nhà văn cùng thời đánh giá rất cao. Những nhà nghiên cứu phê bình như Phong Lê, Nguyễn Đăng Mạnh, Hà Minh Đức, Trần Đăng Khoa đều khẳng định ông là nhà văn tiêu biểu của Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975.

“Văn Nguyên Ngọc là thứ văn trong, sánh như mật ong, lại đượm ướp một làn hương rất đặc biệt. Đọc cứ bàng hoàng váng vất mãi. Nguyên Ngọc hơn người ở tài văn. Không có thực tài, không thể viết được thế.” – Trần Đăng Khoa

Cây bút của núi rừng Tây Nguyên ấy viết văn bằng hồn mình và cái hồn ấy thuộc về Cách mạng. Tác phẩm của ông bám sát những vấn đề lớn về chính trị, có sự kết hợp nhuần nhị giữa hiện thực và lãng mạn, cuộc sống và lý tưởng, số phận con người và lịch sử.

Văn phong Nguyễn Trung Thành như có ma lực, giản dị, chắt lọc và trong veo, in đậm chân dung một nhân cách trong đời sống xã hội, một văn cách trong đời sống văn học, chân thành, vô tư, luôn sẵn sàng chấp nhận và ủng hộ những tài năng hoàn toàn khác mình.

Sự nghiệp của ông tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi cùng cảm hứng lãng mạn, con người cũng như cảnh vật được chiếu sáng dưới ngọn lửa thiêng liêng thần kỳ, giúp người đọc được sống lại một thời lịch sử vô cùng đau thương và oanh liệt.

Tiểu Mai