Nhà văn O Henry thành danh trong nghề viết với thể loại truyện ngắn, ông đặc trưng bởi sự dí dỏm, dễ hiểu, giàu tình cảm và luôn có những cái kết bất ngờ một cách khéo léo. Nhiều truyện ngắn của tác giả O Henry vẫn được xem là mẫu mực của truyện ngắn hiện đại với cấu trúc ngắn gọn, giọng văn giản dị, hài hước và những kết thúc bất ngờ.

Nhờ vậy, các thế hệ nhà văn sau O Henry có cơ hội học tập từ ông rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Hơn thế, chắc chắn nhiều độc giả sẽ cảm thấy thích thú khi đặt chân vào lãnh địa văn chương của nhà văn nổi tiếng này. 

Cuộc đời thăng trầm của nhà văn

Nhà văn O Henry đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc đời, bản thân ông làm nhiều nghề khác nhau trước khi chuyên tâm theo nghiệp viết lách.

Henry là nhà văn nổi tiếng người Mỹ, ông có tên thật là William Sydney Porter. Tác giả sinh năm 1862 ở Greensboro, Bắc Carolina, Hoa Kỳ. 

Mẹ qua đời vì bệnh lao ngay từ khi ông mới ba tuổi, sau đó Porter và cha chuyển về sống với bà nội. Từ ấu thơ, ông đã tỏ ra là một cậu bé thông minh và rất ham đọc. Dù là tiểu thuyết kinh điển hay các cuốn sách rẻ tiền, nhà văn đều ngấu nghiến một cách mê say. 

Nhận thấy tiềm năng của Porter, người cô Evelina nhanh chóng làm thủ tục cho cậu cháu trai vào học tại ngôi trường mà bà đang làm hiệu trưởng lúc bấy giờ. 

Cuộc đời thăng trầm của nhà văn

Dưới sự bảo trợ của cô, Porter tiếp tục theo học ở trường trung học Lindsey Street cho tới khi mười lăm tuổi. Năm 1879, ông bắt đầu làm việc cho hiệu y dược của chú và lấy bằng dược sĩ lúc mười chín tuổi. 

Ba năm sau, nhận thấy cậu bé có những triệu chứng bệnh lao giống mẹ, Porter được gửi đến một trang trại ở Texas. Bà nội mong khí hậu trong lành và nhịp sống chậm rãi sẽ giúp ông vượt qua căn bệnh, điều này được O Henry tái hiện trong tác phẩm Hygeia at the Solito

Bà Porter đã đúng, ông khi ấy dần hồi phục và nhanh chóng hòa mình vào đời sống nhộn nhịp của một thanh niên trẻ. Từ đó về sau, nhà văn kinh qua đủ các nghề từ kiến trúc sư, đầu bếp tới thư ký. Những trải nghiệm quý giá này sau đều được phản ánh trong các tác phẩm của ông.

Nhà văn O Henry đã từng có khoảng thời gian ngồi tù 

Mong muốn tìm kiếm cơ hội thể hiện bản thân cùng khát khao thành công mãnh liệt, Porter sau đó chuyển đến thành phố Austin vào năm 1884. Đồng thời, nhà văn tương lai nảy sinh tình cảm mặn nồng với Athol Ester, cô tiểu thư của một gia đình quyền quý.  

Gia đình Ester kịch liệt phản đối mối quan hệ giữa họ. Thế nhưng, Porter đã rủ Athol bỏ trốn vào năm 1887. Bất chấp mọi rào cản, cặp đôi tiến tới hôn nhân hai năm sau đó, cô con gái đầu lòng cũng sớm ra đời và được đặt tên là Margaret Worth Porter.

Năm 1894, Porter lập ra tờ tuần san hài hước The Rolling Stone, tuy nhiên nó nhanh chóng phá sản và “chết yểu” chỉ sau một năm bởi chứng nghiện rượu trầm trọng của ông. 

Sau đó, Porter chuyển hướng sang làm phóng viên và biên tập viên cho tờ Houston Post, các tác phẩm đầu tiên của nhà văn tương lai cũng được công bố trong giai đoạn này. 

Năm 1894, khi đang làm thủ quỹ cho một ngân hàng ở Austin, ông phải hầu tòa vì bị nghi ngờ có hành vi biển thủ. Trước nguy cơ phải đối mặt với song sắt nhà giam, nhà văn quyết định bỏ trốn đến Honduras. 

Thời gian hai năm trôi qua, Porter vội vã trở về Austin khi nghe tin vợ mình đang hấp hối. Điều này đồng nghĩa với việc ông bị bắt vì tội biển thủ công quỹ và phải chịu hình phạt tại nhà tù Columbus, Ohio. 

Nhà văn O Henry đã từng có khoảng thời gian ngồi tù 

Người vợ không qua khỏi, Porter chịu cảnh gà trống nuôi con, trớ trêu thay ông lại đang cảnh tù tội. Trong nhà giam, Porter tích cực viết truyện ngắn để kiếm tiền nuôi cô con gái Margaret, cũng từ đây mà bút danh O Henry bắt đầu xuất hiện trên các tạp chí. 

Với món tiền nhuận bút đầu tiên trong đời của truyện ngắn Chiếc bít tất Giáng sinh của Dick, nhà văn đã mua cho cô con gái một con búp bê bằng sứ có mái tóc dài. 

Các nhân vật trong truyện ngắn của O Henry lúc này là các bạn tù của ông, còn cốt truyện được rút ra từ cuộc đời của họ. Trước khi tới tay các biên tập viên, O Henry thường đọc to cho mọi người cùng nghe. 

Những giai thoại xung quanh bút danh O Henry 

Có rất nhiều giai thoại xoay quanh nguồn gốc đằng sau bút danh O Henry của nhà văn nổi tiếng, một trong số đó cho rằng Porter sử dụng bút danh này để tỏ lòng biết ơn đến người cai ngục tốt bụng tên Orrin Henry. 

Bản thân tác giả cũng nhiều lần lý giải về điều này, trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times vào năm 1909, ông kể rằng mình đã chọn cái tên O Henry trong những ngày ở New Orleans. 

Khi đó, ông muốn gửi đăng vài câu chuyện và tìm một bút danh hay để ký tên. Dưới sự giúp đỡ của một người bạn, nhà văn đã quyết định chọn một cái tên hợp thời dựa trên những người nổi tiếng của một tờ báo. 

“Chúng tôi tìm kiếm, và mắt tôi sáng lên khi lướt qua tên Henry. Đấy sẽ là họ của tôi – tôi nói – và tôi muốn tìm một cái tên thật ngắn gọn chứ không phải là một cái tên ba âm tiết.” – Nhà văn chia sẻ lại về sau

Bạn ông đề nghị dùng chỉ một chữ cái đơn giản làm tên, Porter tán thành và nói “Tốt. O có vẻ là một chữ cái đơn giản, và ta sẽ chọn O”. Từ đó, bút danh O Henry ra đời và bắt đầu xuất hiện trên các mặt báo đương thời. 

Bút danh O Henry xuất hiện hàng loạt trên các tờ báo 

Trong tù, O Henry chấp hành gương mẫu nên bản án năm năm được giảm xuống còn ba năm. Mùa hè năm 1901, ông đến cư ngụ tại thành phố Pittsburgh, Pennsylvania và tiếp tục viết truyện ngắn với bút danh O Henry.  

Ông đặt bút ký bản hợp đồng dài hạn với tòa soạn tuần báo World, thỏa thuận khi ấy là ông đều đặn gửi cho họ mỗi tuần một truyện ngắn, còn họ trả ông số nhuận bút lên tới một trăm đô la. Thời điểm này, số tiền đó là con số ước ao của vô số nhà văn Mỹ. 

O Henry ngay lập tức nhận lời, các truyện ngắn của ông cũng nhận lời tán dương không ngớt. Lúc này, tên tuổi O Henry bắt đầu lóe sáng, mọi người đều háo hức đón đọc những tác phẩm mới của nhà văn.  

Bút danh O Henry xuất hiện hàng loạt trên các tờ báo 

Một năm sau đó, ông chuyển tới New York đồng thời cố gắng che giấu quá khứ tù tội. Từ lúc này, các truyện ngắn của O Henry xuất hiện đều đặn trên các báo hàng ngày và tạp chí. 

Tuyển tập truyện ngắn đầu tiên của nhà văn, Bắp cải và vua chúa, xuất bản năm 1904. Tập thứ hai là Bốn triệu ra đời hai năm sau, nó tập hợp nhiều truyện ngắn xuất sắc của ông như Căn gác xép, Món quà của các nhà hiền triết, Chiếc lá cuối cùng

Trong vòng một năm, O Henry cho ra đời gần bảy mươi truyện ngắn, ông khi ấy đều đặn gửi một câu chuyện mỗi tuần tới tạp chí New York World Sunday Magazine. 

O Henry là nhà văn có sức viết mãnh liệt 

Trong sự nghiệp sáng tác, O Henry xuất bản tổng cộng mười tập truyện và số truyện ngắn ông viết đã lên tới hàng trăm. Bút lực dồi dào của nhà văn Mỹ có thể được so sánh với bậc thầy người Nga Anton Chekhov

Mặc dù nổi tiếng là nghiện ngập, rượu chè song điều đó vẫn không hề ảnh hưởng tới những trang viết của nhà văn. Tới nay, nhiều đồng nghiệp vẫn cho các sáng tác của O Henry là mẫu mực và kinh điển cho thể loại truyện ngắn. 

O Henry là nhà văn có sức viết mãnh liệt 

Chúng phản ánh chân thực cuộc đời thăng trầm của chính cuộc đời O Henry, đồng thời thể hiện các nét đa dạng của xã hội Mỹ đương thời. 

Ở đó, độc giả có thể tìm thấy những nhân vật làm các nghề mà chính tác giả đã trải qua như bác sĩ, thợ cắt tóc, thanh tra, chủ cửa hiệu và cả những người thất nghiệp, vô gia cư lẫn tội phạm. 

Điểm đặc sắc trong truyện ngắn của O Henry là những tình tiết ngẫu nhiên, có lúc khắc nghiệt, oái ăm hoặc mỉa mai, nhiều lúc lại khôi hài đến “dở khóc dở cười”, để rồi kết thúc bất ngờ và khiến độc giả ngỡ ngàng.

Henry đã để lại một di sản truyện ngắn đồ sộ, trong đó Chiếc lá cuối cùng được đưa vào chương trình giảng dạy của nhiều nước. Tác phẩm Món quà của Magi thì được xếp vào hàng kinh điển cho các truyện ngắn về Giáng sinh. 

Tác phẩm của ông dành để viết cho những phận người bé mọn, yếu thế, không được may mắn trên đường đời. Lấp lánh trong di sản vô giá của ông là nhiều trang viết tinh tế, đẹp đẽ cho các nhân vật nữ. 

Đó có lẽ là sự phản chiếu sâu thẳm niềm nhớ thương dành cho người mẹ mà ông đã phải chia xa từ thuở thiếu thời, tình yêu say đắm rồi đầy xót xa ông dành cho người vợ, nỗi thương xót và bao bọc mà ông dành cho cô con gái Margaret. 

Nhà văn từng được xem là người viết truyện ngắn xuất sắc nhất nước Mỹ

Những năm cuối đời, mặc dù đã có đủ cả tiền tài, danh vọng nhưng hai từ “hạnh phúc” dường như vẫn quá xa xỉ với O Henry. Cuộc hôn nhân thứ hai với Sara Lindsay Coleman, người bạn gái thuở thiếu thời đã không đem lại cho nhà văn sự thư thả. 

Bà rời bỏ ông chỉ một năm sau ngày cưới bởi chứng nghiện rượu trầm trọng của O Henry. Mang trong mình tâm trạng buồn thảm, rượu chè và bệnh tật đã thay nhau hành hạ cả thân xác lẫn tinh thần nhà văn. 

Ông trút hơi thở cuối cùng vào năm 1910, cùng năm với các đại văn hào Lev Tolstoy (Nga) và Mark Twain (Mỹ). Câu nói cuối cùng của nhà văn O Henry được ghi lại là “Bật đèn lên! Tôi không muốn về nhà trong cảnh tối tăm”.  

Nhà văn từng được xem là người viết truyện ngắn xuất sắc nhất nước Mỹ

Trong sự nghiệp cầm bút của mình, O Henry đã viết tổng cộng 273 truyện ngắn, toàn tập tác phẩm của ông gồm mười tám tập. Sinh thời, O Henry được đánh giá là người viết truyện ngắn xuất sắc nhất của nước Mỹ những năm đầu thế kỷ hai mươi.

Bởi tầm ảnh hưởng quan trọng của O Henry với thể loại truyện ngắn, chỉ sau chưa đầy chục năm từ ngày mất của nhà văn, giải thưởng truyện ngắn mang tên ông ra đời và tới nay vẫn là giải thưởng văn học danh giá nhất nước Mỹ.

Mân Côi