Nhắc đến văn học thiếu nhi Việt Nam, không thể không kể đến Võ Quảng, nhà văn có nhiều tác phẩm gắn liền với thế giới tuổi thơ của bao thế hệ người đọc. Ông đã dành trọn đời mình để sáng tác những áng văn để đời cho trẻ em.

Thơ văn Võ Quảng không chỉ mở ra trước mắt người đọc một thế giới thiên nhiên và loài vật đầy đa dạng, phong phú, đầy sắc màu mà qua đó, ông còn gửi gắm nhiều giá trị lẫn những bài học đạo đức đến các độc giả nhỏ tuổi của mình.

Cuộc đời Võ Quảng cùng những đóng góp đối với nền văn học nước nhà

Võ Quảng sinh năm 1920 tại Quảng Nam trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Năm mười lăm tuổi, ông theo học Tú tài ở Quốc học Huế và tham gia tổ chức Thanh niên Dân chủ tại đây. 

Năm 1939, nhà văn trở thành tổ trưởng tổ thanh niên Phản đế ở Huế được hai năm thì bị chính quyền Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ. Sau đó, ông bị họ đưa đi quản thúc vô thời hạn tại quê nhà.

Sau khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, nhà văn Võ Quảng được chính quyền cử làm ủy viên Tư pháp thành phố Đà Nẵng. Trong suốt bảy năm làm Phó chánh án tòa án quân sự miền Nam Việt Nam, ông đã có những sáng tác thơ đầu tay dành cho thiếu nhi.

Cuộc đời Võ Quảng cùng những đóng góp đối với nền văn học nước nhà

Sau khi tập kết ra Bắc, nhà văn trở thành Ủy viên Ban nhi đồng Trung ương, phụ trách mảng văn học dành cho thiếu nhi. Võ Quảng cũng là một trong những người tham gia sáng lập Nhà xuất bản Kim Đồng. 

Năm 1971, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Văn học Thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam và giữ trách nhiệm này đến lúc về hưu. Tác giả về sau được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật vào năm 2007.

Những sáng tác tạo nên tiếng vang cho tên tuổi Võ Quảng

Nhà văn Võ Quảng là một trong những tác giả được nhiều người yêu mến trong văn học thiếu nhi nói riêng, văn đàn Việt Nam nói chung. Nhiều sáng tác của ông đã trở nên thân thuộc không chỉ với trẻ em mà còn nhiều thế hệ người đọc.

Khởi đầu sự nghiệp văn chương của ông có phần muộn so với các nhà văn cùng trang lứa. Đến năm ba mươi tám tuổi, Võ Quảng mới cho ra đời tác phẩm đầu tiên, tập thơ Gà Mái Hoa. Thế nhưng, sáng tác ấy sớm ghi dấu ấn trong lòng người đọc.

Những sáng tác tạo nên tiếng vang cho tên tuổi Võ Quảng

Những tập thơ văn Tảng sáng, Nắng sớm, Vượn hú, Anh Đom đóm, Quê nội sau đó đưa tên tuổi nhà văn vụt sáng trên văn đàn Việt Nam. Do vậy, dù muộn màng nhưng bản thân ông đã có một lối đi trên văn lộ của riêng mình, đó là viết cho thiếu nhi.

Những cống hiến khác của nhà văn đối với nghệ thuật Việt Nam

Ngoài sáng tác thơ và truyện, Võ Quảng còn được khán giả biết đến với vai trò nhà biên kịch phim hoạt hình kiêm dịch giả của một số tác phẩm văn học kinh điển trên thế giới.

Ông từng chịu trách nhiệm viết kịch bản cho các bộ phim hoạt hình Sơn Tinh Thủy Tinh Những chiếc áo ẩm, hai tác phẩm này về sau được “ghi tên vào bảng Vàng của ngành Hoạt hình Việt Nam”.

Tác giả Võ Quảng cũng là người đầu tiên phỏng dịch và giới thiệu hai sáng tác lừng danh trên thế giới Don Quixote Robin Hood sang tiếng Việt, làm nên những đóng góp đầu tiên của ông trong vai trò dịch giả.

Ông cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà bằng sự tài năng trên nhiều lĩnh vực. Có thể nói, nhà văn dành sự quan tâm đặc biệt của mình dành cho thiếu nhi, chính điều này đã ghi dấu ấn riêng của tên tuổi Võ Quảng vào bản đồ văn chương Việt Nam.

Phong cách nghệ thuật của Võ Quảng qua những áng văn ấn tượng

Những áng văn thơ do tác giả chấp bút đã để thương để nhớ trong lòng độc giả nhỏ tuổi bằng thế giới đầy màu sắc của thiên nhiên và loài vật. Đây là một đặc điểm nổi bật nhất trong cái tôi nơi người nghệ sĩ.

Cảnh vật thiên nhiên rực rỡ sắc màu hòa quyện trong thế giới loài vật đa dạng và đầy phong phú, văn chương ông đã để lại trong lòng thiếu nhi sự hồn nhiên, ngây thơ từ thế giới sinh vật kỳ thú.

Cảnh vật thiên nhiên phong phú trên trang sách của Võ Quảng

Đặt chân vào thế giới văn chương Võ Quảng, người đọc sẽ được sống trong không khí của những câu chuyện đẹp đẽ, trong trẻo, ngập tràn những điều tuyệt vời từ đời sống tự nhiên bằng cách cảm nhận tiếng mưa rơi, tiếng gió thổi tựa như ngay bên tai.

“Còn nằm nép lặng im

Mầm non mắt lim dim

Cố nhìn qua kẽ lá

Thấy mây bay hối hả

Thấy lất phất mưa phùn.”

Đó là Mầm non, những người bạn thiên nhiên đáng yêu. Tác giả Võ Quảng còn gửi gắm đến người đọc hình ảnh Anh Đom đóm chuyên cần trong tác phẩm cùng tên.

“Theo làn gió mát

Đóm đi rất êm

Đi suốt một đêm

Lo cho người ngủ.”

Trang thơ của Võ Quảng có những bức tranh lộng lẫy khắc họa cảnh sắc thiên nhiên. Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông dường như đều được ông thâu tóm trong các đường nét của đất trời trong thời điểm chuyển giao.

“Hoa sen sáng rực

Như ngọn lửa hồng

Một chú bồ nông

Mải mê đứng ngắm

Nước xanh thăm thẳm

Lồng lộng mây trời

Một cánh sen rơi

Rung rinh mặt nước” Có một chỗ chơi.

Bài thơ của Võ Quảng nhuốm màu cổ điển khi lấy động tả tĩnh. Ông miêu tả thanh âm, tiếng động cánh sen rơi nhưng lại toát lên từ sự lặng tờ. Một cánh hoa cũng đủ làm mặt nước lung linh gợn sóng.

Cảnh vật thiên nhiên phong phú trên trang sách của Võ Quảng

Không gian yên tĩnh, thoáng đãng và trong lành như được ướp bởi hương sen, chú bồ nông kia như bị thôi miên bởi cảnh sắc ấy. Trong đôi mắt thi sĩ, mỗi mùa đều mang trong mình vẻ đẹp riêng.

Thế giới loài vật và cây cỏ sinh động của Võ Quảng

Khi đọc thơ văn của Võ Quảng, người đọc có thể bắt gặp gần như tất cả loài vật trong câu thơ hay trang truyện của ông.

“Đọc thơ Võ Quảng viết cho thiếu nhi, ta luôn luôn bắt gặp những con vật và những cỏ cây. Có thể nói, thơ Võ Quảng có cả một thế giới loài vật và cỏ cây. Nói một cách khác, thơ Võ Quảng có một mảnh vườn bách thú và bách thảo. Những em bé nào có cái may mắn được vào đây đều say mê và yêu thích.” – Ngô Quân Miện

Đó là những con vật rất gần gũi với con người, chẳng hạn như mèo, gà, vịt, chó, trâu, lợn, bò. Hay xa hơn là những loài chim trên trời cao như chào mào, cò, vạc, vàng anh. Thậm chí các con vật dưới nước như ếch, nhái cũng xuất hiện.

Tất cả đều được Võ Quảng tập hợp lại thành một khu vườn bách thú nhiệm màu, đầy sôi động với tiếng hót, tiếng kêu cùng tiếng vỗ cánh. Lạc vào văn của ông, người đọc như về với chính thế giới trẻ thơ nhộn nhịp và đáng yêu.

Xuyên suốt tập thơ Ai dậy sớm, người đọc có thể bắt gặp những vần thơ ngộ nghĩnh như vậy. Không chỉ thơ mà trong cả những áng văn xuôi, Võ Quảng cũng khiến trẻ nhỏ bất ngờ và thích thú với chú rùa mê đi du lịch hay chú ngựa phi như bay.

Ông đã viết bài thơ Ai dậy sớm với một giọng văn đầy hình ảnh cùng nhạc điệu. Chỉ với vấn đề đơn giản là đánh thức các em thiếu nhi, Võ Quảng đã gửi gắm vào thơ cả thế giới cỏ cây, hoa lá, gần gũi song giá trị của nó lại rất nhân văn.

“Ai dậy sớm

bước ra nhà

cau ra hoa

đang chờ đón.”

Hình ảnh “cau ra hoa” mà tác giả Võ Quảng sử dụng như gợi cho các bé sự chào đón nhiệt tình. Không những vậy, bằng mùi hương hoa ban mai, ông còn mang đến cả tình yêu thiên nhiên và cuộc sống.

Giai điệu trong những câu thơ của Võ Quảng đặc biệt đến nỗi khiến người đọc chỉ cần nghe thoáng một lần qua cũng nhớ được cả bài.

“Cốc, cốc, cốc!

Ai gọi gió?

– Tôi là Thỏ.

Nếu là Thỏ

Cho xem tai.”

Vẫn là những con vật quen thuộc nhưng, tác giả Võ Quảng đã mượn sự đáng yêu, ngây ngô của chúng để gợi lên bài học mang tính giáo dục cho trẻ nhỏ. Là sự hiếu khách niềm nở đón những người bạn đến chơi, là phép lịch sự nhẹ nhàng, đầy thú vị.

Cốc, cốc, cốc!

– Ai gọi dó?

Tôi là Nai.

Thật là Nai

Cho xem gạc.

Cốc, cốc, cốc!”

Bọn chúng mỗi loài mang một đặc điểm riêng nhưng đều tề tựu và sum họp cùng nhau. Tất cả đã tạo nên một khu vườn bách thú nhộn nhịp, vô cùng sôi động.

“Hoa cải li ti

Đốm vàng óng ánh

Hoa cà tim tím

Nõn nuột hoa bầu

Hoa ớt trắng phau

Xanh lơ hoa đỗ

Cà chua vừa độ

Đỏ mọng trĩu cành

Xanh ngắt hàng hành

Xanh lơ cải diếp” – Ai cho em biết.

Tết đến, xuân về đã mở ra một vẻ đẹp mới mẻ và tinh khôi cho cảnh sắc thiên nhiên. Muôn loài hoa khoe sắc, tỏa ngát hương thơm. Những hình ảnh tuy hết sức giản dị nhưng lại tạo ra nét rung động về vẻ đẹp thanh bình, trong sáng nơi làng quê.

Cảnh vật thiên nhiên phong phú trên trang sách của Võ Quảng

Khi nhắc đến thế giới loài vật trên trang sách, độc giả thường nghĩ đến Tô Hoài với Dế mèn phiêu lưu kí, Dê và Lợn. Thế nhưng, tác giả Võ Quảng cũng là người rất am hiểu các loài vật, trang văn của ông do đó được đón nhận nồng nhiệt từ trẻ em.

Một trong các phương diện tạo nên sự thành công khi tái hiện thế giới loài vật là khả năng miêu tả của Võ Quảng. Ông không chủ trọng tả nhiều mà tinh lọc những chi tiết nổi bật và dễ dàng nhận biết.

Truyện của ông với đặc điểm quan sát tinh tế và nghệ thuật miêu tả chi tiết, hóm hỉnh đã làm nên một thế giới dành riêng cho trẻ thơ hồn nhiên, trong trẻo.

Họa sĩ Ngô Mạnh Lân từng cho rằng, truyện thiếu nhi của Võ Quảng giàu tính triết lý, mang ý nghĩa nhân văn và giá trị lịch sử. Không chỉ vậy, ông còn có tầm nhìn xa, luôn dũng cảm bênh vực những áng văn sở hữu giá trị tiềm ẩn chưa được nhận ra.

Đặc biệt, với thể loại truyện đồng thoại, bằng cách xây dựng tình huống độc đáo để tái hiện thế giới loài vật, Võ Quảng hướng tới việc giải thích đặc điểm tự nhiên của loài vật. Chẳng hạn như Giếc đỏ hoe mắt vì khóc, mèo sợ nước nên mới tắm khô.

Những cách giải thích ấy tưởng như vô lí nhưng lại rất ngộ nghĩnh, phù hợp với tâm lí trẻ nhỏ. Đó chính là thứ giúp áng văn Võ Quảng đi sâu vào tâm thức tuổi thơ của bao thế hệ.

Không chỉ vậy, trong những tác phẩm về loài vật của mình, tác giả Võ Quảng thể hiện tài năng quan sát, miêu tả tinh tế từng chi tiết. Qua ngòi bút ông, mỗi con vật đều có một tiếng kêu đặc trưng, con cóc kêu “Ọc! Ọc!” hay đàn vịt kêu “Cạc, cạc, cạc!”.

Đồng thời, ông còn tự mình lột tả tâm tính các con vật ấy. Nhà văn Võ Quảng đã thổi vào một tâm hồn để chúng hiện lên với sinh khí và hoạt động hệt như con người. Vì vậy, loài vật trên trang văn của ông rất gần gũi với độc giả.

Tiếng kêu của loài vật từ bao đời chỉ là âm thanh vô tri nhưng qua đôi tai, cách lắng nghe, trí tưởng tượng của Võ Quảng, bản thân ông đã biến chúng thành tiếng nói, lời trò chuyện, tâm tình với muôn vàn cảm xúc khác nhau.

Bằng nhiều từ tượng hình, tượng thanh kết hợp với thủ pháp nhân hóa, Võ Quảng đã lột tả thành công một thế giới loài vật vui nhộn cùng những tiếng kêu, tiếng vỗ cánh như thế giới loài người nhộn nhịp, ríu rít.

Vẻ đẹp giản dị và chân chất của tiểu thuyết Quê nội

Trong những tác phẩm để đời của nhà văn Võ Quảng, Quê nội là tiểu thuyết đặc biệt khi mang đậm đặc trưng vị đất, con người Quảng Nam và đã để lại nhiều dư âm sâu sắc trong lòng người đọc.

Ra đời năm 1974, Quê nội không lâu sau đó đã lan tỏa sức ảnh hưởng của mình đến bạn đọc Việt Nam, không chỉ vậy, tác phẩm còn nhận được sự hưởng ứng từ độc giả quốc tế, đặc biệt là người Pháp qua bản dịch Alice Kahn.

Lấy bối cảnh những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Pháp, Võ Quảng đã dẫn dắt người đọc vào câu chuyện xảy ra tại chính quê hương mình là làng Hòa Phước, tỉnh Quảng Nam.

Vẻ đẹp giản dị và chân chất của tiểu thuyết Quê nội

Đồng hành cùng câu chuyện ấy là hai cậu bé trạc tuổi nhau với cái tên giản dị Cục và Cù Lao cùng một số nhân vật khác như chú Năm Mùi, dượng Hương Thư, chú Hai Quân. Tại đây, các sự kiện nhỏ được đặt liền nhau để tạo thành một câu chuyện.

Lấy Cách mạng tháng Tám là dấu mốc, câu chuyện được bắt đầu sau ngày Tuyên ngôn độc lập thống nhất đất nước năm 1945, một thời kỳ đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng độc giả.

Hệt như thước phim quay ngược, Quê nội đã dẫn đưa người đọc đến vùng đất miền Trung hàng chục năm trước. Tập truyện dài gần như không có cốt truyện nhưng lại hấp dẫn đến lạ lùng bởi nó hòa quyện giữa hai yếu tố quê hương và cách mạng.

Dưới góc nhìn của hai nhân vật thằng Cục và thằng Cù Lao, Võ Quảng đã tái hiện nên một bức tranh đặc sắc về bước thay đổi của làng quê Quảng Nam sau đêm dài nô lệ. Ở đó có những phận người “đang rỉ rả, đang mục đi” như bà Hiến ở đợ cả đời.

Hay một hoàn cảnh khác là ông Bốn Rị chuyên bán thịt chó đã được cách mạng trả lại “vị thế làm người” vốn có. Võ Quảng cũng khắc họa một lớp người đang hăm hở, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của cách mạng. Đó là anh Bốn Linh, anh Bảy Hoành, họ gánh cả việc nước lẫn việc nhà, bận “búi xòm xòm” mà trông vẫn luôn phơi phới. 

Thầy Lê Hảo tất bật với công việc dạy học, ông Bảy Hóa một thời tha phương, không kiếm nối miếng cơm mà bây giờ đã về quê sung sức, một phen sống chết với thực dân nếu chúng còn dám quay lại vì “đất nước độc lập rồi”.

Tất cả con người ở làng Hòa Phước đều hòa mình vào cách mạng với lòng nhiệt thành và cả niềm tin nhiều khi rất đỗi ngây thơ, mặc dù chính họ là những số phận phải gánh chịu bao nỗi đau xót từ cuộc chiến xâm lược của Pháp.

“Cũng chỉ ngày mai ngày kia thôi, ruộng đất sẽ về tay nông dân, nhà máy, hầm mỏ về tay công nhân. Nhà ta khỏi ăn cơm gạo bắp, chị Ba ăn cái gì chị Ba thích, cần xài bao nhiêu cũng được, ăn tiêu tùy cần, làm việc tùy sức.” – Đoạn hội thoại giữa thằng Cục và chị Ba đã bộc lộ niềm tin trong trẻo ấy

Hay chi tiết thằng Cục và thằng Cù Lao tin “chắc nịch” vào việc tàu bay của Liên Xô rồi sẽ mang đến xi măng, sắt thép và xây nên những tòa nhà cao tầng như thành phố ở làng Hòa Phước này.

Những điều đọng lại trong lòng người đọc về tác giả Võ Quảng

Nhận xét về thơ của nghệ sĩ Võ Quảng, nhà nghiên cứu Phong Lê cho rằng, thơ ông ít nói những điều cao xa, to tát hay trừu tượng. Thay vào đó, ông chỉ nói những chuyện nhỏ nhẹ, bình thường với giọng hóm hỉnh, ngộ nghĩnh. 

Dù vậy, thơ ông lại rất giàu tính giáo dục, bản thân nhà văn Võ Quảng cũng được xem là một trong những cây bút thành công hàng đầu khi viết về thiếu nhi và viết cho thiếu nhi. 

Suốt hơn nửa thế kỷ cầm bút, ông đã chứng minh một điều mà bản thân hằng tâm nguyện, “Viết cho thiếu nhi là tình yêu và lẽ sống của tôi”. Có lẽ, đó chính là điều khiến ông trở thành cái tên được nhiều người đọc nhớ đến.

“Tôi hay viết về sự việc ở chốn quê, tôi viết về sự đổi đời sau cách mạng tháng Tám. Cuộc cách mạng tháng Tám đã trả lại tự do cho tôi, cho bà con tôi.” – Nhà văn tâm sự về nghề cầm bút

Tinh thần ấy đã được Võ Quảng thể hiện trong Quê nội, trang truyện hòa quyện giữa chuyện làng và chuyện nước. Từ những hành động, cử chỉ của dân làng đều được ông miêu tả một cách cụ thể.

Xuất phát từ tấm lòng yêu quý đối với trẻ thơ, cùng tài năng quan sát và miêu tả, chọn lọc chi tiết vô cùng tinh tế, Võ Quảng đã đem đến trẻ thơ cùng độc giả những vần thơ và câu chuyện giàu giá trị.

Những tác phẩm của nhà văn Võ Quảng không đơn thuần là câu chuyện nhỏ xinh mà còn chứa đựng bài học mang tính giáo dục. Bởi vì ông coi người cầm bút viết cho thiếu nhi cũng giống một nhà giáo dục, do đó bản thân nhà văn đã dành trọn vẹn “những gì đẹp đẽ, tinh khiết nhất cho thiếu nhi”.

Tình yêu thiên nhiên hòa quyện cùng lòng yêu quê hương đất nước đều bắt nguồn từ những điều nhỏ bé. Vần thơ của ông là suối nguồn khơi gợi nên điều nhỏ bé nhưng dạt dào vị ngọt ấy để chúng trưởng thành.

Chính cái tâm sâu sắc cùng tài thơ văn muôn màu đã giúp Võ Quảng trở thành tác giá viết cho thiếu nhi nổi tiếng của Việt Nam, để lại nhiều dư âm vang vọng trong lòng bao thế hệ độc giả.

Bí Ngô