Đứng từ góc nhìn của Mây, cô thiếu nữ phải bước vào nhà chồng ở cái tuổi thiếu niên, bộ phim Người vợ ba dẫn người xem đi nhặt lấy từng mảnh nhỏ của quá trình trưởng thành nơi người phụ nữ trong chế độ đa thê.

Trailer phim Người vợ ba

Phụ nữ và số phận hồng nhan là đề tài muôn thưở của nghệ thuật, đặc biệt nổi bật trong điện ảnh. Chủ đề càng quen thuộc thì càng dễ làm nhưng lại càng khó mà sáng tạo cho nên hình nên dạng, bởi lẽ những người đi trước đã khai thác rất cặn kẽ các ngóc ngách rồi.

Nhưng tất cả những thách thức đó lại không thể ngăn cản bước chân của đạo diễn trẻ tuổi Ash Mayfair (Nguyễn Phương Anh) trên con đường bồi đắp cho đứa con tinh thần đầu lòng của mình, Người vợ ba là tác phẩm điện ảnh đầy ấn tượng về nghệ thuật cũng như tính nhân văn.

ngoivoba-LHP-Toronto
Phim Người vợ ba đoạt giải tại LHP Toronto 2018

Bộ phim đã gặt hái được nhiều giải thưởng và đề cử trong các liên hoan phim thế giới. Điển hình là giải Phim châu Á xuất sắc nhất tại LHP Toronto 2018, giải Đạo diễn mới xuất sắc tại LHP Chicago 2018, giải Phim xuất sắc về đề tại phụ nữ tại LHP San Sebastián 2018.

Người vợ ba đã ra đời như một tiếng nói cất lên từ phái nữ và vì phái nữ.

Người vợ ba là tiếng nói mạnh mẽ cất lên từ phái nữ

Có lẽ nền điện ảnh Việt Nam chưa bao giờ chứng kiến một đoàn làm phim “âm thịnh dương suy” như Người vợ ba, các vị trí chủ chốt nhất trong đoàn đều do nữ giới đảm nhận.

Director-Ash-Mayfair
Nữ đạo diễn Ash Mayfair chỉ huy đoàn phim

Ngoài đạo diễn kiêm biên kịch Nguyễn Phương Anh, ta cũng không thể bỏ qua nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, phó đạo diễn của Người Mỹ trầm lặngThe last Airbender.

Những cái tên cần được nhắc tới còn bao gồm quay phim Chananun Chotrungroj, dựng phim Julie Béziau và phục trang Trần Phương Thảo. Dưới bàn tay khéo léo của họ, từ đầu đến cuối, Người vợ ba luôn mang một nét dịu dàng đầy nữ tính ngay cả trong những giây phút đỉnh điểm bi kịch.

Không chỉ phát ra từ những lựa chọn về hình tượng và phương pháp biểu lộ, tiếng nói của Người vợ ba còn được vang lên từ chính dàn diễn viên ba thế hệ rặt một màu nữ tính. Đặc biệt phải kể đến nữ chính Nguyễn Phương Trà My trong vai Mây, cô thiếu nữ với vẻ đẹp hồn nhiên đã vương chút đậm đà.

Cô thiếu nữ Mây ngày động phòng
Cô thiếu nữ Mây với vẻ đẹp hồn nhiên phảng phất chút đậm đà

Nhân vật Mây được định hình đâu đó trong cái khoảng mông lung giữa con gái và đàn bà. Khuôn mặt của cô còn chưa gột hết nét ngây ngô mà đôi vai đã kịp gánh lên trách nhiệm người vợ. Cô như chiếc cầu bắc qua hai thế hệ mà xuyên suốt bộ phim ta đang đi từ bờ bên này sang bên kia.

Vòng đời người phụ nữ
Vòng đời người phụ nữ qua các vai diễn: Bồ Câu, Nhàn, Liên, Mây, Xuân, Hà, bà Lao

Một đằng Mây có thể thoải mái đùa vui với bé Liên (11 tuổi), bé Nhàn (7 tuổi) và cả bé Bồ Câu mới chập chững lên 3. Ở một góc khác, cô lại tự nhiên ngồi giữa hai người chị, mợ Cả Hà (40 tuổi) và mợ Hai Xuân (30 tuổi) trong những câu chuyện thầm kín chốn phòng the. Và thi thoảng, cô như thấy hình ảnh tương lai của mình nơi bà Lao (60 tuổi) ở đâu đó cuối con đường.

Mây, Xuân và Hà tâm sự những điều thầm kín chốn phòng the

Bộ phim có đề tài tương đồng với những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như Đèn lồng đỏ treo cao của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Tuy vậy, Người vợ ba được xây dựng với những hình ảnh rất Việt mang hơi hướng Trần Anh Hùng, cố vấn nghệ thuật của đoàn phim.

Bộ phim đã thể hiện đầy đủ và chân thật vòng đời một người phụ nữ

Hành trình của Mây trong Người vợ ba bắt đầu từ chuyến thuyền đưa cô rời xa vòng tay gia đình để đến một chân trời lạ lẫm, đó là sự thay đổi lớn nhất trong đời một người phụ nữ thời bấy giờ.

Mây trên chuyến hành trình về nhà chồng.
Mây trên chuyến hành trình về nhà chồng

Hạnh phúc cuộc đời người đàn bà tùy thuộc phần lớn vào hành trình đó. Thăng hoa hay tụt dốc, tươi đẹp hay tối tăm, họ bước vào số phận với đôi mắt khép kín để rồi…mặc nước cuốn trôi. Để mặc nước cuốn trôi thêm cỡ mươi, mười lăm năm nữa, Mây chắc cũng sẽ giống Xuân bây giờ.

Người phụ nữ ở cái tuổi nhan sắc chín rục, ngày đêm bị thiêu đốt bởi những khát khao. Diễn viên Maya đã phô bày sự gợi cảm và mạnh bạo điển hình của một thiếu phụ đương độ sung mãn.

Nét đẹp rạo rực của mợ hai Xuân

Rồi những đam mê cũng lặng dần theo năm tháng, ta bắt gặp hình ảnh mợ Hà chín chắn và điềm tĩnh ở tuổi 40. Trần Nữ Yên Khê thật xuất sắc thể hiện vai trò một người vợ cả, một người mẹ chung, một bà chủ quán xuyến gia đình trong phim Người vợ ba.

Thời gian vẫn chưa tàn phá vẻ đẹp nơi chị nhưng đã kịp xóa sạch mọi dấu vết cá tính. Chỉ còn lại đây một kiểu mẫu thiếu mất linh hồn. Không! Có lẽ dưới ngàn tầng áp bức, người phụ nữ chỉ cất giấu tư tưởng của mình vào sâu nơi tiềm thức như một con tằm ẩn mình vào kén.

Mợ cả Hà như một kiểu mẫu của đảm đang và đạo đức.
Mợ cả Hà như một kiểu mẫu của đảm đang và đạo đức

Và nhiều khi, cái kén đó không bao giờ nở, nó vĩnh viễn chìm vào trong ký ức của những mái đầu bạc. NSND Như Quỳnh đã có một vai phụ xuất thần trong Người vợ ba, đất diễn của bà Lao không nhiều nhưng đã kịp lột tả rõ ràng nỗi thê lương của người đàn bà không chồng không con ở tuổi xế chiều.

Ở đâu đó trong hình ảnh bà Lao, Mây tìm thấy tương lai của mình.
Ở đâu đó trong hình ảnh bà Lao, Mây tìm thấy tương lai của mình

Người vợ ba là sự phản kháng cho những uất ức nơi phái yếu

Quay ngược chiều hành trình thời gian, ta lại thấy một dòng chảy khác từ Mây đến bé Liên, bé Nhàn rồi bé Bồ Câu. Trong Người vợ ba, bi kịch của đời người con gái đã bắt đầu ngay khi còn chưa bước vào hôn nhân. Cả tuổi thơ, họ đã được dạy dỗ để làm vợ, làm mẹ chứ không phải sống cho chính bản thân mình.

Tuổi thơ của người phụ nữ được dạy dỗ kĩ càng để một ngày đi lấy chồng

Nghiệt ngã thay, người đi trước truyền lại cho người đi sau, họ đã hệ thống hóa những phương thức giết chết bản ngã dưới cái tên đạo đức. Có lẽ đó cũng là cách mà phụ nữ tự bảo vệ mình trước những hiểm họa lớn lao hơn từ cái xã hội đã đặt họ ở chiếu dưới.

“Cuối cùng cũng đến rồi!”

Có những tình huống trong Người vợ ba làm ta thảng thốt giật mình. Đặc biệt là khi nhân vật Liên (Lâm Thanh Mỹ thủ vai) nhẹ nhõm đón nhận nguyệt sự đầu tiên, nó như một tin báo được đợi chờ từ lâu về biến đổi nơi con người và thân phận một cô gái.

Liên được mẹ dạy dỗ về chuyện chồng con ở cái tuổi 11.
Liên được mẹ dạy dỗ về chuyện chồng con ở cái tuổi 11

Nhưng sự chua xót còn nặng nề hơn khi Nhàn hỏi Liên về chuyện cưới hỏi. Cô bé mới 7 tuổi đã phải biết, phải hiểu cái phân tầng thứ bậc nặng nề trong gia đình. Ở tuổi hồn nhiên mà cuộc đối thoại của hai em như đã thấm đượm âu lo về cuộc sống tương lai trong một gia đình đa thê. 

“Chị sẽ là vợ mấy?”
“Đương nhiên là vợ cả rồi.”

Nhưng rồi trong số những cái kén tằm hoàn hảo đó, cuối cùng cũng xuất hiện một nhịp lỗi. Trên đỉnh điểm bi kịch, mợ Tuyết đã lựa chọn tự giải thoát. Tự giải thoát khỏi cuộc hôn nhân trên danh nghĩa, khỏi gia đình nhà chồng đầy xa lạ, khỏi cái xã hội khóa chặt cô và tự giải thoát khỏi cuộc sống này.

Nhàn cắt mái tóc dài như để vùng lên khỏi phận số phụ nữ.
Nhàn cắt mái tóc dài như để vùng lên khỏi phận số phụ nữ

Một con ngài đã đục kén mà thoát ra, vươn đôi cánh đi tìm tự do mới. Những cái kén bên cạnh nó cũng không khỏi rung rinh. Ở gần cuối phim Người vợ ba, ta như thấy lửa bùng cháy từ đôi mắt diễn viên nhí Mai Cát Vi khi nhân vật Nhàn của cô cắt đứt bộ tóc dài để tìm kiếm một tương lai khác.

Những người phụ nữ khác tiếp tục cúi đầu theo lễ giáo
Những người phụ nữ khác tiếp tục cúi đầu theo lễ giáo (@Dextro Maj)

Ta còn thấy cả Mây với nắm lá ngón trên tay. Trong phút giây nào đó, cô cũng muốn cất canh bay theo mợ Tuyết về miền tự do. Nhưng rồi, phần lớn những người phụ nữ khác vẫn lựa chọn cúi đầu bước tiếp trong bi kịch đời mình.

Những tấn bi kịch nơi hậu trường của bộ phim

Những tưởng số phận bi kịch của những người phụ nữ chỉ ở đâu đó trong bộ phim, trong bối cảnh xã hội miền Trung du Bắc Bộ cuối thế kỷ 19. Nghịch lý thay, tấn bi kịch lại vươn ra chạm đến cả hậu trường.

Những cảnh "nóng" của Trà My dấy lên làn sóng chỉ trích của dư luận.
Những cảnh “nóng” của Trà My dấy lên làn sóng dư luận chỉ trích

Nghịch lý ở chỗ gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế nhưng Người vợ ba lại phải “rút lui có trật tự” khỏi những rạp phim Việt Nam sau vài ngày công chiếu. Trước sức ép dư luận, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc đã xin dừng chiếu Người vợ ba và được cục Điện Ảnh “thở phào” chấp nhận.

Nghich lý ở chỗ bộ phim vì phụ nữ lại bị tố cáo sử dụng diễn viên trẻ em trong nhiều cảnh nóng, dấy nên quan ngại về đạo đức xã hội. Diễn viên chính Nguyễn Phương Trà My và mẹ bỗng nhiên trở thành tâm điểm của cơn bão dư luận. Liệu cuộc sống và sự nghiệp của em còn được bình thường?

Poster phim
Số phận của người phụ nữ thế kỷ 21 vẫn còn lắm định kiến và kìm kẹp

Và cứ thế, xã hội Việt Nam như lùi lại hơn một thế kỷ khi người ta tiếp tục kìm kẹp nhau nhân danh đạo đức và truyền thống, hành hạ nhau bằng ánh mắt, tiếng nói và cả những dòng bình luận. Và tằm ơi, liệu có nở được thành ngài?

Khiêm Thuận