Ra mắt vào đầu năm 2019 trên Netflix, bộ phim đến từ Tây Ban Nha The Platform hay tên tiếng việt Hố sâu đói khát đã gây được tiếng vang lớn khi đề cập tới những vấn đề mang tính nhân bản của con người.
Trailer của The Platform
Bộ phim xoay quanh nhân vật chính là Goreng (Ivan Massague thủ vai), anh tự nguyện đi vào một nhà tù gồm 333 tầng trong vòng sáu tháng để đổi lấy một tín chỉ. Anh thức dậy ở tầng 48 cùng với quyển sách mà anh mong muốn hoàn thành là về người hiệp sĩ Donquixote.
Khi cái đói có thể khơi dậy bản năng của con người
The Platform đã xây dựng lên một cốt truyện khá ấn tượng. Một tình huống có thể khơi gợi bản năng sâu kín nhất của con người, một tình huống mà con người phải đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa miếng ăn và nhân cách.
Mỗi ngày, thức ăn sẽ được đưa lên từ tầng cao nhất là tầng 0 xuống các tầng tiếp theo. Về lý thuyết, nếu ai cũng ăn vừa đủ cho mình thì những người ở tầng dưới sẽ có cơ hội sống sót.
Hiển nhiên, người tù không thể giữ lại thức ăn cho mình. Nếu không, nhiệt độ sẽ tăng lên hoặc hạ xuống để dìm người đó đến chết.
Cứ mỗi tháng, tù nhân lại bị di chuyển ngẫu nhiên đến một tầng khác và ở cùng một người bạn tù khác. Nếu anh may mắn được ở những tầng cao thì sống sót, còn không, anh sẽ phải chết hoặc ăn thịt người bạn của mình.
Chúng ta phải làm gì trong hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan đó?
Những người đầu bếp ở trên kia đã bỏ công sức để nấu một bàn tiệc linh đình, những món ăn bắt mắt cùng chất lượng được kiểm duyệt khắt khe.
Nhưng bàn tiệc ấy lại chỉ dành cho những ai ở trên tầng 50, còn những ai ở dưới, chỉ có thể chọn cách nhìn đống chén bát còn sót lại với chiếc bụng rỗng tuếch. Đối lập với những kẻ trên cao ăn không hết lại là những người ở dưới lần chẳng ra, là sự tương phản giữa tinh hoa ẩm thực và đống thịt bầy nhầy máu me của đồng loại.
Người ta thường nói, “nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng đó là lúc mà con người chưa bị đặt vào những thử thách khắc nghiệt, là lúc mà chưa phải đấu tranh giữa cái đói và phần “người” của mình.
The Platform đã dựng lên một bức tranh xã hội, ở đó những người đứng đầu, ở tầng cao thì tha hồ vơ vét của cải, chỉ biết thỏa mãn lòng tham của mình. Trong khi đó, những thân phận phải sống dưới đáy thì chỉ có thể nhặt nhạnh những thức ăn thừa, bẩn thỉu hay thậm chí là chết vì đói.
Rõ ràng những người ở dưới cũng có thể đủ ăn nếu những người ở trên chỉ ăn đủ phần dành cho mình. Nhưng cuộc sống vốn không đơn giản như vậy, đứng trước cái đói và sự tham lam, họ chỉ biết vồ vập, ngấu nghiến, làm no cho cái bụng của mình trước khi kịp nghĩ đến cái khổ của người khác.
Nhìn nhận theo cách khách quan, việc những người ở tầng trên chỉ biết lo cho mình cũng phần nào bù đắp cho những bất công của họ. Biết đâu tháng trước họ đã ở những tầng thấp, đã lịm đi vì cơn đói, vì thế nên họ tìm cách bồi bổ cho mình nhiều nhất có thể.
Đó là một vòng tuần hoàn không hồi kết, và những người ở dưới thì mãi mãi không có được miếng ăn.
Miếng ăn là miếng thuốc thử nhân cách. “Ăn hoặc bị ăn”, ông già Trimagasi (Zorion Eguileor thủ vai) đã nói với Goreng trong lúc đang ra sức ngấu nghiến những thức ăn thừa còn lại trên bàn.
Một gã mộng mơ như Goreng rồi cũng có ngày phải cầm dao đâm chết người bạn tù của mình, thậm chí là khi bị đưa xuống tầng 202, anh còn phải ăn những trang sách Donquixote để sống tạm bợ qua ngày.
Từ một người cảm thấy ghê tởm trước cảnh ăn uống vồ vập của lão già Trimagasi, Goreng cũng phải chấp nhận quỳ xuống bàn ăn đó để kiếm tìm những thức ăn còn vẹn nguyên trên bàn thức ăn thừa đó.
Sự đời vô thường, ai mà đoán trước được người bạn mà mình cười đùa hôm nay lại trở thành thức ăn cho mình ngày mai? Lòng tham và dục vọng đã khơi gợi bản năng sâu kín của con người, buộc họ phải ra tay để bảo toàn mạng sống cho chính mình. Vì nếu ta không giết họ, thì họ cũng sẽ giết ta.
Cuộc sống của con người cũng như cái “Trung tâm tự quản thẳng đứng” đó, ngày hôm nay ta có thể ở trên đỉnh cao, thỏa sức tung hoành nhưng biết đâu được ngày mai, ta lại phải vật lộn ở những nơi mà không ai biết tới.
“Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất..” – Nam Cao.
Và ở trong cái Hố này cũng vậy, một người đang đói, đang chờ đợi miếng ăn thì làm sao có thể nghĩ cho cái đói của người ở bên dưới? Dù có tàn nhẫn, có khắc nghiệt thì đây cũng là cách mà xã hội này vận hành.
Khát khao muốn lập lại trật tự của “xã hội thu nhỏ”
Cái Hố này được xây dựng mang mục đích đem đến tính đoàn kết tự phát cho tất cả mọi người, nghĩa là tất cả mọi người cùng đồng lòng để có khẩu phần ăn bằng nhau, để mỗi người đều có cơ hội được sống sót.
Khi Goreng được may mắn sống ở tầng 6, anh lại lựa chọn cùng người bạn tù da đen Baharat (Emilio Buale Coka thủ vai) của mình đem lại công bằng cho tất cả mọi người.
Anh khao khát muốn lập lại trật tự của cái Hố, anh muốn chia đều phần thức ăn cho tất cả mọi người, bằng lời lẽ lẫn bạo lực.
Goreng cùng Baharat thẳng tay đánh chết những người không vâng lời, muốn ăn quá khẩu phần ăn mà họ đã được định sẵn. Nhờ những việc làm đó mà ông già cao tuổi ở tầng dưới mới có một miếng ăn khi đang trong cơn hấp hối.
Câu hỏi đặt ra ở đây là sự đoàn kết đó thật sự là tự phát hay chỉ là kết quả của bạo lực? Những người có ăn ở tầng dưới suy cho cùng cũng phải đánh đổi bằng mạng sống của những người ở tầng trên.
Ta có thể hiểu ra rằng, sự đoàn kết tự phát đó chẳng thể nào đạt được khi sự phân biệt đẳng cấp vẫn còn tồn tại, khoảng cách giữa những người ở tầng 1 và tầng 333 vẫn còn xa vời vợi.
Đứa bé trong đoạn kết của phim là biểu tượng của ánh sáng, của sự thánh thiện, của niềm hi vọng ở chốn tối tăm ngục tù này. Ở tầng 333 ấy, đứa bé không bị vấy bẩn bởi lòng tham của con người, không phải nhìn thấy cảnh người lớn phải giết nhau để sinh tồn.
Ở chỗ sâu nhất của cái Hố, nơi người ta ngỡ chỉ có cái chết, thì đứa bé ấy đã dũng cảm ngồi lên chiếc bàn ăn vương vãi để đi lên đến tầng 0, là minh chứng hùng hồn rằng hi vọng sống vẫn có thể nảy nở ở nơi chỉ thấy máu me này.
Đứa bé này là ánh sáng duy nhất của toàn bộ phim, là tia sáng nơi cuối đường hầm, là thông điệp gửi đến cho tất cả chúng ta.
Đoạn kết của The Platform tuy có hụt hẫng, nó khiến khán giả khó hiểu vì sự nhập nhằng giữa mơ và thực, nhưng nó lại phù hợp với toàn mạch phim.
Đạo diễn Galder Gaztelu Urrutia có giải thích rằng, Goreng đã chết trước khi anh ta xuống được tầng cuối và những gì đang diễn ra chỉ là mong muốn của anh ta, mong muốn được thay đổi xã hội.
Những thông điệp được gửi gắm thông qua The Platform
The Platform không chỉ hướng đến phê phán những người ở tầng lớp trên cao, những người giàu có mà phê phán mọi tầng lớp trong xã hội. Bởi những người ở trên cao đều sẽ có lúc bị đẩy xuống dưới cùng và ngược lại, nên chúng ta đều phải có trách nhiệm cho sự sống còn của kẻ khác.
Những gì chúng ta làm hôm nay đều có tác động đến lâu về sau. Ta ở trên cao cho mình cái quyền vơ vét tất cả, giẫm đạp lên bàn tiệc, thậm chí làm những chuyện đê hèn thì một ngày nào đó, ta cũng phải hứng chịu tất cả.
Bộ phim còn vạch trần những mặt xấu của chủ nghĩa tư bản thông qua việc ban điều hành tiết lộ sai thông tin cho Goreng về người đàn bà tìm con.
The Platform phần nào phản ánh về cuộc sống của chúng ta ở thực tại, về cách đối diện của chúng ta trước dịch bệnh. Chúng ta chưa kịp suy nghĩ về thực trạng mà đã đi vơ vét thực phẩm để tích trữ cho chính mình, vì nghĩ rằng mình sẽ bám trụ được đến cuối.
Dù là bệnh dịch hay miếng ăn thì đều là những cuộc thử lửa, qua đó mới thấy rõ được bản chất của con người. Bởi trong những thời điểm khó khăn nhất, thì bản năng sâu kín nhất trong con người sẽ trỗi dậy. Và những việc ta làm sẽ định nghĩa được ta là ai.
Bộ phim được quay bằng những gam màu lạnh, kết hợp cùng những tình tiết bất ngờ và những phân cảnh máu me, kinh dị đã tăng thêm phần không khí u ám cho phim, khiến nó truyền tải được rõ ràng và sinh động hơn những gì mà The Platform muốn gửi gắm.
Phim khiến cho người xem phải suy ngẫm về xã hội và về chính bản thân mình. Rằng chúng ta không thể đoán định trước được tương lai rằng mình sẽ ở đâu, nên đừng tham lam và ích kỷ, đừng để dục vọng làm mờ mắt mà giẫm đạp lên sự sống còn của người khác.
The Platform với những thông điệp sống đầy quý báu đã nhận được sự ủng hộ của khán giả trong nước và quốc tế. Phim còn xuất sắc giành được những giải thưởng lớn.
Bộ phim thắng Giải Goya cho Đạo diễn mới xuất sắc nhất, giải Goya cho kịch bản gốc hay nhất, giải Gaudi cho Best Non-Catalan Language Film và nhiều giải thưởng lớn nhỏ khác.
Và chúng ta, hãy cùng xem The Platform để rút ra những thông điệp cho riêng mình nhé!
Khánh Nguyên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất