“Bởi vì không có gì kết thúc hẳn trong thế giới của con tim. Hay đúng hơn, không có gì nên như thế, như một câu thành ngữ quen thuộc của người Việt, một câu thành ngữ khó mà định được ngắn gọn sang tiếng Pháp: ‘một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên duyên’.”

Review cuốn sách Nam và Sylvie
Ảnh bìa cuốn sách Nam và Sylvie (Photographer: Linh Đồng)

Đã quá lâu rồi khi chúng ta nhắc về một tác phẩm tự truyện, một trong những loại hình sáng tác văn học đặc biệt khó, để có thể kể cho nhau nghe một cách liền mạch, đầy đủ về nội dung tác phẩm mà không bị đứt đoạn bởi lối suy nghĩ của chính tác giả.

Nam và Sylvie trong cách xây dựng độc đáo của Phạm Duy Khiêm, hình thức lược trích những bức thư tình và ghi lại các trang nhật kí chuyện tình thời du học Pháp của chính ông đã hình thành nên một cuốn tiểu thuyết tự truyện gây ám ảnh khôn nguôi đến người đọc.

Phạm Duy Khiêm, một con người vốn có duyên với văn chương nhưng lại là một đoạn duyên lỡ làng, thật đáng tiếc khi ngoài Lesgende des terres serveines (Huyền thoại miền thanh lãng) thì các tác phẩm của ông đều không được tái bản hoặc bị thất lạc.

Ông là người Việt đầu tiên đỗ tú tài văn chương Pháp và cũng là người Việt đầu tiên thi đậu trường Cao đẳng sư phạm phố Ulm. Ông nguyên là Bộ trưởng đặc nhiệm Phủ thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa năm 1954 và một thời gian sau đó ông quay lại Paris với tư cách là Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa.

Tuy vậy cuộc đời của ông lại không có nhiều thành tựu đặc biệt, một con người tài năng, đa cảm nhưng lận đận và sóng gió, cô đơn trong tình cảm, bị giới văn chương hờ hững, lại thêm nỗi thất vọng vì không thể đóng góp chính trị cho đất nước, Phạm Duy Khiêm rơi vào tuyệt vọng và tự sát vào ngày ba mươi tháng Mười một năm 1974.

Những tác phẩm của ông được tái bản là hoàn toàn xứng đáng, đặc biệt tiểu thuyết tự truyện Nam và Sylvie, được ông viết dưới bút danh Nam Kim, là một trong những tác phẩm hiếm hoi mà người đọcViệt Nam có thể tiếp cận hiện giờ.

Xin nhấn mạnh, đây không phải là một câu chuyện tưởng tượng, được thêu dệt đơm hoa bởi người viết, mà đây, là một câu chuyện có thật. Câu chuyện về một mối tình đau đớn, chia lìa nhưng mộc mạc, giản dị, cao thượng và đẹp đẽ.

Người kể chuyện,sau nhiều năm đã qua, lục lại những bức thư tình mà Sylvie từng viết cho mình cách đó hai mươi năm, bằng gương mặt của một người đàn ông đã trải qua nhiều sóng gió cuộc đời.

Ông ngồi chắp vá từng mảnh ghép kí ức, xuất hiện hình bóng thời trai trẻ của một anh Nam khác: chàng sinh viên trẻ tuổi, nghèo khó, đang học thạc sĩ tại Cư xá Pháp khoảng những năm 1935, và chàng trai ấy đang cố gắng cưỡng lại một mối tình bất khả.

Cuốn sách Nam và Sylvie
Câu chuyện về một mối tình đau đớn, chia lìa nhưng mộc mạc, giản dị, cao thượng và đẹp đẽ (Photographer: Linh Đồng)

Cuộc gặp gỡ lần đầu với Sylvie, một cô gái Pháp trong buổi vũ hội “Mùa xuân” tại “Nhà Đông Dương”. Đó là một cuộc gặp đầy bình thường nhưng đối với Nam lại chất chứa nhiều âm vang,anh đã nghĩ mình chưa yêu nàng, không muốn yêu nàng nhưng tình yêu đã nảy sinh để rồi không thể nào quên, vô phương cứu chữa.

Ở giữa nơi kinh đô ánh sáng, chốn phồn hoa xa lệ bậc nhất nước Pháp, không điều gì là không thể. Họ dành cho nhau điệu Valse đầu tiên, rồi những cử chỉ tâm tư thầm kín đầu tiên và đến những lá thư đầu tiên họ viết cho nhau.

Là định mệnh ngẫu nhiên sắp đặt hay là có chủ ý,chỉ biết là hai con người trẻ tuổi và tràn đầy đam mê ấy đã va vào nhau một cách say đắm và cuồng nhiệt. Thế nhưng, mối tình ấy lại thấp thoáng những nỗi lo âu mơ hồ, những nỗi buồn sâu kín và cái gì đó giống như là sự sợ hãi.

Nam có quá nhiều trách nhiệm gồng gánh, gia đình, đất nước, dân tộc, anh biết không thể ép Sylvie rời nước Pháp và đi theo mình. Lý trí đòi hỏi anh phải dứt khoát với một mối tình không có tương lai, một hạnh phúc đã được định sẵn là sự đày đọa.

Phạm Duy Khiêm và cuốn sách Nam và Sylvie
Làm thế nào để chối bỏ một tình yêu đã trở nên quá sâu đậm? (Photographer: Linh Đồng)

Nỗi niềm trăn trở ngày một nặng nề trong từng trang nhật ký của chàng trai trẻ, tương đương với tình cảm anh dành cho Sylvie mỗi lúc một nhiều thêm mà không hề vơi bớt đi.

Mỗi lá thư tình họ gửi cho nhau, dần dần thể hiện rõ từng tâm tư, cảm xúc, sự dằn vặt, dày vò vô cùng rõ nét. Những lời mời gọi của cảm xúc khiến họ không thể xa rời đối phương. Sylvie đã nói không thể sống thiếu Nam mặc dù đã biết anh sẽ phải trở về nước, đến nỗi nàng phải thốt lên đầy mâu thuẫn:

“Nếu em yêu anh thì em sẽ yêu anh quá mãnh liệt. Nhưng năm tới anh sẽ về nước! Không, em không muốn gặp anh nữa”.

Đã nhiều lần họ lựa chọn rời xa nhau, chấm dứt với nhau hoàn toàn, nhưng giữa những con phố, ngõ hẻm nhỏ bé nơi Thủ đô nước Pháp, trong một khuôn viên kí túc xá của trường đại học, sự tồn tại của người còn lại là quá lớn để có thể gạt đi tình cảm dành cho nhau.

Làm thế nào để chối bỏ một tình yêu đã vô tình trở nên quá sâu đậm?

Nhưng điều gì đến sẽ đến, giống như một kết cục tất yếu của nó, Sylvie sẽ mất dần kiên nhẫn và rời bỏ Nam. Còn Nam sẽ trở về nước, với vết thương lòng, đơn độc nhưng vượt qua chính mình. Vì vậy chương đầu tác phẩm, đau đớn thay, là khung cảnh chia lìa, đoạn tuyệt.

Ở nhà ga, trước giờ tàu khởi hành rời khỏi Paris, Nam đã chờ, hình bóng một người con gái mà anh vẫn còn thương nhớ nhưng đã chia tay vào vài tháng trước. Nỗi tuyệt vọng của một kẻ đợi chờ, và Sylvie đã chẳng bao giờ xuất hiện trong những phút giây ngắn ngủi cuối cùng của Nam ở Pháp.

Ảnh bìa cuốn sách
Một câu chuyện có thật, mang đậm chất văn và chất người (Photographer: Linh Đồng)

Điều kỳ diệu ở tác phẩm này là gì? Là chúng ta đã biết, đây là một mối tình dang dở, một mối tình kết thúc trong những trăn trở, day dứt, nhưng chúng ta vẫn bị câu chuyện của đôi bạn tình này cuốn hút.

Phải chăng thứ cảm xúc bẽn lẽn, mẫn cảm, ngại ngùng và sâu sắc, cùng ngôn ngữ nhẹ nhàng trong những bức thư là điều chúng ta luôn tìm kiếm?

Nam và Sylvie đã mang lại những trang viết mộc mạc, khắc sâu về sự vô giá của những gì chỉ sống qua một lần, một lần cho mãi mãi. Một câu chuyện có thật, mang đậm chất văn và chất người, là câu chuyện tình yêu, mãnh liệt nhưng không phô trương, nhẹ nhàng tựa như cánh hoa chạm xuống mặt hồ phẳng lặng, làm rung động giao thoa trong trái tim người đọc.

Để rồi ai cũng đều sẽ trầm ngâm mà nhớ về những tình cảm thời tuổi trẻ, dù là đớn đau, hay là hạnh phúc, đều mang những nét đẹp đượm buồn, bởi chúng ta, sẽ chẳng thể nào trải qua lần nữa, một tình yêu mà yêu cho đến hết lòng, hết mình mà chẳng vướng bận băn khoăn, lo âu về hiện thực.

“Nếu biết rằng hợp rồi sẽ tan.
Nếu biết rằng yêu là đau khổ.
Thà dương gian đừng có chúng mình.”
(Sang ngang – Lệ Quyên)

Nhưng có lẽ, mặc dù đã hai mươi năm trôi qua đối với chính Phạm Duy Khiêm, trong cuộc đời đơn độc không có thêm một ai khác của mình, chắc hẳn ông cũng chưa bao giờ có thể gượng dậy sau cuộc tình dang dở ấy…

                                                                                                               Linh Đồng