Nỗi buồn chiến tranh là minh chứng vô song về thời chiến loạn đau thương của con người Việt Nam, cuốn sách không phải là khúc khải hoàn ca đẹp đẽ ngợi ca tinh thần hùng tâm tráng khí của những người chiến sĩ chẳng màng sống chết bảo vệ tổ quốc như những tác phẩm khác cùng chung chủ đề.

Trong câu chữ của Nỗi buồn chiến tranh dường như chỉ tồn đọng duy nhất nỗi bi thống câm lặng của những kiếp người đã bị bào mòn đi nhân tính.

Chiến tranh tràn qua mọi miền đất nước đã cướp đi sinh mệnh của trăm triệu con người và gieo rắc đau thương khắp mọi nơi, đối diện với sự tàn khốc của mưa bom bão đạn, người chiến sĩ trong tác phẩm dường như đã chết lặng và chỉ còn chờ tử thần đến để đón mình đi như những đồng đội khác.

Nỗi buồn chiến tranh là thanh âm bi thống đi ngược lại với điều được cho là hiển nhiên

Tác phẩm ban đầu có tên là Thân phận tình yêu do nhà văn Bảo Ninh sáng tác, cuốn sách xuất bản vào năm 1990 thông qua những lần kiểm duyệt vô cùng gay gắt và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng sau một khoảng thời gian ra mắt không lâu.

Ảnh minh họa của tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh
Ảnh minh họa của tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh

Nỗi buồn chiến tranh từng bị cấm xuất bản vì câu chuyện của cuốn sách đã đi ngược lại với định nghĩa chiến tranh thời bấy giờ, đa phần những tác phẩm viết về chủ đề này đều ngợi ca tấm lòng cao cả của người chiến sĩ và sự đẹp đẽ của hòa bình sau khi chiến tranh lụi tàn như các tập truyện của Tố Hữu song cuốn sách này lại đi ngược lại với tất cả.

Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh không phải là tiền đề mở đầu cho cuộc đời của người lính trong tác phẩm, câu chuyện được kể qua hồi ức của cựu chiến sĩ Kiên mang đến cho độc giả một góc nhìn mới mẻ về sự tuyệt vọng cùng cực của những con người mang lấy tiếng anh hùng dân tộc thời bấy giờ.

Mặc dù đã từng có thời gian không được ban kiểm duyệt chấp nhận song sau khi xuất bản, Nỗi buồn chiến tranh vẫn trở thành một “cơn sốt” không chỉ ở Việt Nam mà còn lan rộng ra các nước Châu Âu và được bạn đọc đón nhận rất nồng nhiệt.

Nỗi buồn chiến tranh và những góc khuất đớn đau của đời lính
Nỗi buồn chiến tranh và những góc khuất đớn đau của đời lính

Dù viết về sự đau thương mà chiến tranh đã mang lại cho con người Việt Nam nhưng lại không hề có sự hạ bệ hay bôi xấu quân địch, đây là điểm đặc biệt khiến tác phẩm trở nên vô cùng nổi tiếng ở các nước bạn.

“Nỗi buồn chiến tranh đã chạm vào mẫu số chung của nhân loại – đó là câu chuyện của thân phận, của mất mát, của tình yêu và chiến tranh… Chỉ có những tác phẩm như vậy mới thực sự được đón nhận và sẻ chia.”

– Nguyễn Gia Thiều

Tác phẩm là một thanh âm dịu dàng mà bi thống, nó vừa chứa đựng chất thơ của người văn sĩ biết chơi đùa với con chữ vừa mang nỗi đau sâu sắc của hiện thực.

Nỗi buồn chiến tranh là tấm gương phản chiếu cho năm tháng đau thương cùng cực của đời lính và cũng là những cảm xúc vô cùng tinh tế mà tác giả đã chắt lọc qua từng câu từ.

Nỗi buồn chiến tranh và những hồi ức mang tên đau thương

Tác phẩm mở đầu bằng thanh âm tịch mịch của màn mưa đưa tâm trí Kiên trở về với những năm tháng chiến đấu nơi cánh rừng tối tăm nồng mùi tử khí bên đồng đội, khoảng thời gian in lên đời người lính trẻ nỗi đau không bao giờ phai nhòa.

Chứng kiến cảnh từng lớp người ngã xuống giữa mưa bom bão đạn, Kiên và đồng đội của mình dần mất niềm tin vào cuộc sống và hy vọng về ngày hòa bình chỉ còn le lói trong những cơn phê hoa hồng ma nhưng cũng lụi tàn ngay sau đó.

Một ấn bản khác của tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh
Một ấn bản khác của tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh

Từng người đồng đội của anh lần lượt bỏ mạng nơi sa trường, sau hàng loạt tiếng súng rúng động trời đất chỉ còn lại tiếng nấc đau đớn và lời viếng nghẹn ngào của những người may mắn sống sót nhưng cũng bị tử thần gọi tên sau đó không lâu.

“- Thịnh ơi, nằm lại nhé với đại ngàn thân yêu. Bọn mình ra đi để bước vào trận mới – văng vẳng tôi nghe giọng nói của chính mình chiều hôm xưa ấy, thay mặt toàn trung đội nói lời từ biệt hương hồn Thịnh – từ lòng sâu đất ẩm xin bạn thân yêu hãy nghe thấu lời anh em vĩnh biệt. Xin hãy chứng giám và phù hộ cho anh em tung hoành trong đồn bốt quân địch hoàn thành nhiệm vụ. Xin hãy lắng nghe tiếng súng anh em rửa thù cho bạn rồi đây sẽ rung chuyển đất trời…”

– Nỗi buồn chiến tranh

Người cuối cùng sống sót cùng với Kiên cũng vì nhớ mẹ già và không chịu được sự tàn khốc ở nơi chiến trường này đã liều mạng đào ngũ song cũng bị bắt lại, cuối cùng phải chết một cách đau đớn đầy tủi nhục mà đến lá thư cuối của mẹ cũng không kịp đọc.

Kiên đã chứng kiến vô vàn cái chết, nhiều đến nỗi nửa đêm chợt tỉnh giấc giữa thời bình anh vẫn thoang thoảng ngửi thấy mùi tử khí xộc thẳng vào mũi, thứ mùi hương ám ảnh Kiên cả cuộc đời.

Thanh âm da diết phận người của một thời chiến loạn tàn khốc
Thanh âm da diết phận người của một thời chiến loạn tàn khốc

Những hồi ức ám ảnh ấy bám riết lấy anh ngay cả khi chiến tranh đã hạ màn, Kiên viết để giãi bày tất cả đau thương trong lòng nhưng càng viết, anh càng không biết điều mình đang muốn biểu đạt là gì và cứ như thế, Kiên lún sâu vào vũng lầy của kí ức bi thống.

“Đối với tôi tương lai đã nằm lại ở phía sau xa kia rồi. Và không phải là cuộc sống mới, thời đại mới, không phải là những hy vọng về tương lai tốt đẹp đã cứu giúp tôi mà trái lại những tấn thảm kịch của quá khứ đã nâng đỡ tâm hồn tôi, tạo sức mạnh tinh thần cho tôi thoát khỏi vô tận những tấn trò đời hôm nay.”

– Nỗi buồn chiến tranh

Những âm vang của chết chóc cứ thế tràn qua ranh giới của chiến tranh và hòa bình, vọng vào cuộc sống của Kiên ngay cả khi đất nước đã thái bình thịnh trị, cưỡng chế tâm trí anh quay về với tháng ngày ngập tràn máu tanh khiến Kiên ngày càng xa rời thực tại, lùi sâu vào quá khứ và mắc kẹt ở đó mãi mãi.

Những mối tình đau thương giữa ranh giới của sinh tử

Trong những năm tháng tuyệt vọng cùng cực của chiến tranh, quy định của quân đội dường như chỉ còn là cái vỏ rỗng để củng cố một niềm tin gần như đã lụi tàn hoàn toàn của những người lính trẻ, lứa tuổi rực rỡ của đời người khát khao tình yêu nồng cháy nhưng lại bị biến cố khôn lường của cuộc đời quật ngã.

Những mối hoang tình làm nên khúc bi ca của đời người chiến sĩ
Những mối hoang tình làm nên khúc bi ca của đời người chiến sĩ

Những người lính trong tiểu đội Kiên tìm đến các cô gái ở một thôn làng cách đó không xa khi đêm tối đã buông xuống, họ đến với nhau mặc cho quy tắc ràng buộc khắt khe của quân doanh. Kiên biết lính của mình đã phạm phải điều cấm nhưng cũng chỉ mắt nhắm mắt mở cho qua.

Hơn ai hết, Kiên hiểu rõ sự tuyệt diệu của tình yêu đã đem đến cho tâm hồn người sự cứu rỗi lớn đến thế nào, đó gần như là hy vọng duy nhất để những người lính ấy có thể tiếp tục cầm súng chiến đấu và sống sót.

Kiên cũng từng có một mối tình khắc cốt ghi tâm với cô bạn thanh mai trúc mã của mình năm mười bảy tuổi, độ tuổi thơ ngây mà đẹp đẽ nhất của đời người, cả hai yêu nhau say đắm nhưng cuối cùng lại bị một tờ giấy báo nhập ngũ đánh đổ tất cả.

Kiên từng thừa nhận với chính tâm hồn mình rằng cuộc đời anh chỉ có độc nhất hai mối tình, một là mối tình trước ngày lên đường nhập ngũ và một là lúc trở về sau khi chiến tranh kết thúc, tất cả đều với Phương.

Nỗi buồn chiến tranh đã được phiên dịch sang nhiều thứ tiếng khác
Nỗi buồn chiến tranh đã được phiên dịch sang nhiều thứ tiếng khác

Tuy nhiên, câu chuyện tình này lại giống như vết thương hãm sâu vào lòng của cả hai người sau sự kiện Kiên chứng kiến cảnh Phương bị hãm hiếp trước mắt mình trong một lần tình cờ ngồi chung toa tàu với cô. Nỗi nhục nhã, đớn đau và tuyệt vọng của Phương đã trở thành bức tường ngăn cách hai người, mãi mãi không cách nào phá vỡ.

Cô là một miền kí ức đẹp đẽ mà cay nghiệt khiến Kiên cả đời vẫn không thoát được ra khỏi cái bóng của Phương, một mối tình đi từ thơ ngây của tuổi mới lớn đến niềm tuyệt vọng bậc nhất của đời người.

Sau này, Kiên cũng đã đi qua nhiều mối quan hệ với các cô gái khác nhưng lại không có ai đặc biệt như Phương, tuy nhiên những mối tình chớp nhoáng ấy lại là tượng trưng cho những xúc cảm rất riêng trong cuộc đời anh như êm đềm, tuyệt diệu, đớn đau và chua xót.

Nỗi buồn chiến tranh và câu chuyện đau thương khuất sau lớp trầm tích của quá khứ

Sau khi chiến tranh kết thúc, Kiên trở thành người duy nhất may mắn sống sót và anh quyết định cùng tham gia công cuộc tìm kiếm hài cốt của nghĩa sĩ đã nằm xuống, những ngày đi tìm xương người trên triền đồi đã bị lửa nướng chín, Kiên cảm thấy tâm hồn mình như bị bóp nghẹn.

Những câu từ tuyệt mĩ đã làm nên một áng văn chương bất hủ
Những câu từ tuyệt mĩ đã làm nên một áng văn chương bất hủ

Dù anh là người may mắn sống sót nhưng trái tim Kiên đã chết ngay từ khi nã phát súng đầu tiên, đáy thời gian mòn mỏi úa vàng kéo anh về lại với lớp trầm tích của quá khứ, tình bạn vong niên và những mối hoang tình đã ngã xuống theo xác người níu giữ Kiên, để anh nhìn thấy một thời đại dùng máu người tạc nên thế kỷ đã đau thương đến thế nào.

“Hòa bình ập tới phũ phàng, choáng váng đất trời và xiêu đảo lòng người, gây bàng hoàng, gây đau đớn nhiều hơn là mừng vui.”

– Nỗi buồn chiến tranh

Đối với Kiên và cả hương hồn của những người đã khuất, hòa bình không còn mang ý nghĩa sâu nặng như lời giảng trong những buổi chiều đứng dưới mái trường phổ thông nữa, nó chỉ là một gánh nặng mà cả đời này người lính phải gánh vác trên vai và là một niềm tin rỗng vỏ để củng cố cho lớp người mà hy vọng về sự sống đã nằm lại dưới lớp trầm tích kia.

Nỗi buồn chiến tranh mang đến cho độc giả những góc khuất đầy đớn đau của thời chiến loạn tàn khốc để tố cáo tội ác của chiến tranh, dù người lính ấy ở phe ta hay địch, chiến đấu vì đất nước hay sự sống thì đến cuối cùng khi ngã xuống ba tấc đất kia, tất cả chỉ còn là đồng loại, là những kiếp người gánh trên vai đau thương của thời đại không cách nào rũ bỏ.

Diệu Uyển