Sếu đầu mùa là một trong những tác phẩm đặc sắc của đại văn hào Chingiz Aitmatov, được xuất bản vào năm 1975. Tác phẩm kể về cuộc đời của những đứa trẻ lớn lên từ những mất mát của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II.
Thông qua tác phẩm, Aitmatov đã khắc hoạ rõ nét những mảnh đời khốn khổ vì nghịch cảnh cũng như tuổi thơ đầy bất hạnh của trẻ em vùng Kyrgyzstan. Thế nhưng, giữa thời kỳ tăm tối đó, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình và tình yêu quê hương vẫn được thể hiện rõ nét trong trái tim của những nhân vật do ông chấp bút.
Đôi nét về Chingiz Aitmatov và tác phẩm Sếu đầu mùa
Chingiz Aitmatov là một trong những cây bút huyền thoại của văn đàn Xô Viết, đồng thời ông còn được mệnh danh là niềm tự hào của người dân Nga.
Nhà văn sinh năm 1928 tại tại làng Sheker, vùng tây bắc Kyrgyzstan trong một gia đình chịu nhiều biến cố cuộc sống và những bi kịch thời thơ ấu đã góp phần khơi gợi tinh thần nghệ thuật trong ông.
Ngay từ thời sinh viên, Aitmatov đã say mê viết văn, ông bắt đầu nổi tiếng từ năm 1958 với cuốn tiểu thuyết Giamilia và Núi đồi thảo nguyên. Sau hai tập truyện trên, mỗi tác phẩm mỗi tác phẩm mới của Aitmatov ra đời là một sự kiện mới trong đời sống văn học Xô viết. Hầu hết các sáng tác của Aitmatov như Cánh đồng mẹ, Vĩnh biệt Gulsary hay Sếu đầu mùa đều chủ yếu viết về dân tộc Kyrgiz.
Sếu đầu mùa được xuất bản năm 1975, cuốn sách lấy cảm hứng từ cuộc sống của những người dân ở vùng thảo nguyên Kyrgyzstan vào chiến tranh thế giới lần thứ II.
Tác phẩm xoay quanh cuộc đời của Xuntanmarat và những đứa trẻ phải sống trong cảnh khốn cùng bởi sự tàn khốc của cuộc chiến vô nghĩa.
Dù viết về thời kỳ tăm tối nhất của thế giới nhưng Aitmatov vẫn giữ được giọng văn nhẹ nhàng, trong sáng nhưng cũng đầy sâu sắc trong từng con chữ.
“Trong những ngày cuối đời, Aitmatov luôn trăn trở rằng phải làm tất cả để giữ mối quan hệ nhân văn bền chặt giữa các nước cộng hòa trong không gian hậu Xô viết. Ông tham gia các cuộc hội thảo và luôn là người bạn thân thiết, gần gũi của đất nước chúng ta. Sự nghiệp sáng tác của ông là một phần không thể thiếu trong không gian văn học của nước ta.” – Chủ tịch Hội các nhà xuất bản Nga Mikhail Slavinsky
Bằng sự tài hoa trong ngòi bút, Aitmatov đã cho độc giả những trải nghiệm đầy nhân văn qua hành trình của những đứa trẻ buộc phải trưởng thành để trở thành chỗ dựa cho những người mà chúng yêu quý.
Hành trình trưởng thành của những đứa trẻ ở Kyrgyzstan
Cuốn tiểu thuyết bắt đầu bằng những kỷ niệm của Xutanmurat, cậu bé người Thổ Nhĩ Kỳ sống tại một ngôi làng ở Kyrgyzstan vào năm 1943.
Vì chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến mà điều kiện sống của người dân nơi đây vô cùng thiếu thốn, Xuntanmurat cũng không ngoại lệ.
Mở đầu câu chuyện là hình ảnh cô giáo cùng các bạn học của Xutanmurat đang co ro vì những đợt gió đông lạnh buốt thổi qua. Trong cơn cái giá rét, cậu đã nhớ về cha và người trong mộng của mình là Myrzagun.
Khi Xuntanmurat đang chìm đắm trong những vệt suy nghĩ của mình thì Tinaliev và trưởng phòng giáo dục đến lớp để nói về những khó khăn của chiến tranh và đồng bằng Aksay nên được canh tác do nạn đói đang diễn ra khá nghiêm trọng.
Tinaliev là chủ tịch hội nông trang, người đứng đầu của trại tập trung và ông đã chọn ra năm đứa trẻ làm nhiệm vụ này bao gồm Xuntanmurat, Erkinbek, Anatai và hai bạn nhỏ khác trong sự hăng hái của cả lớp.
Bọn trẻ đã buộc phải rời khỏi trường để thực hiện sứ mệnh đầy gian nan của mình. Tại đây, họ được giao nhiệm vụ nuôi ngựa rồi mang chúng đi cấy cày để làm ra lúa mì phục vụ cho cuộc kháng chiến.
“Nhưng công việc quan trọng nhất chính là việc chăm sóc lũ ngựa. Suốt ngày từ sáng đến chiều, có hôm đến tận tối, chúng làm việc ở trại ngựa. Sau khi ném cho lũ ngựa suất cỏ khô cuối cùng lũ trẻ trở về nhà thì trời đã tối. Phải khẩn trương, khẩn trương lắm.” – Sếu đầu mùa
Công việc tưởng chừng như rất đơn giản nhưng Xuntanmurat và những người bạn của mình đã phải đối mặt với vô vàng khó khăn, thử thách.
Với bản tính hiếu thắng và hiếu chiến, bọn trẻ đã xảy ra không ít mâu thuẫn thậm chí dẫn đến đánh nhau nhưng tất cả đều nhanh chóng được giải quyết.
Tuy tuổi nhỏ nhưng Xuntanmurat và các bạn đã cho thấy được tinh thần trách nhiệm cùng ý chí kiên cường của mình qua việc chăm sóc những chú ngựa già thành tuấn mã, cũng như nỗ lực chiến thắng sự khắc nghiệt của thời tiết.
Chúng ta đã ra sức chăm sóc các bạn suốt cả mùa đông để các bạn giúp chúng ta việc này đây. Chẳng còn cách nào khác nữa. Ta thúc các bạn đi trên những lớp đất mềm, đất cứng, các bạn vất vả thật đấy, nhưng nếu không làm vậy sẽ chẳng có lúa mì
Cũng như những cuốn tiểu thuyết khác của Chingiz Aitmatov, Sếu đầu mùa được viết bởi giọng văn nhẹ nhàng, trong trẻo. Dù viết về thời kỳ chiến tranh nhưng tác phẩm không hề tối tăm mà ngược lại thấm đượm những bài học nhân văn qua hành trình trưởng thành của những đứa trẻ bất hạnh.
Sếu đầu mùa và những giá trị nhân văn ẩn chứa
Với văn phong giản dị, giàu chất trữ tình nhưng vẫn đầy tinh tế, Aitmatov đã dùng ngòi bút của mình để len lỏi vào từng góc khuất sâu bên trong con người để có thể mang đến cho độc giả những góc nhìn đa chiều, đầy tính nhân văn ẩn giấu.
Trong cơn giá rét, ký ức về những tháng ngày chưa có chiến tranh, bố vẫn ở bên cậu cùng em trai Adzhimurat và mẹ đã góp phần sưởi ấm trái tim Xuntanmurat.
Ông đưa cậu và Adzhimurat đi ngao du khắp thảo nguyên, dạy cho cả hai nhiều điều bổ ích. Cả gia đình Xuntanmurat sẽ hạnh phúc biết bao nếu cuộc chiến không diễn ra.
Khi bố ra trận, Xuntanmurat từ một đứa trẻ ích kỷ và hiếu thắng đã trở nên hiểu chuyện hơn, cậu không chỉ chăm sóc cho mẹ mà còn nhủ lòng sẽ nhường hết tình thương của bố cho em trai mình chỉ cần ông bình an trở về.
Bên cạnh đó, cả hai cũng vô cùng yêu thương và kính trọng đấng sinh thành. Khi Xuntanmurat và em trai đi chăn ngựa, họ đã bắt gặp một con cáo, hai anh em đuổi theo bất chấp nguy hiểm chỉ để có thể lấy bộ lông của nó may nón cho bố. Không bắt được cáo, Adzhimurat gào khóc trong đau khổ:
Anh bảo bắt làm gì à? Để may cho bố một chiếc mũ bằng lông cáo như của cậu Nurgazy ấy
Những nỗi mất mát là điều không thể tránh khỏi nhưng đôi khi đó cũng là hành trang trưởng thành của bọn trẻ. Sự hy sinh đầy anh dũng của bố Anantai đã giúp cậu bé trưởng thành hơn, những người xung quanh bao gồm cả Xuntanmurat cũng từ đó mà nhận ra trách nhiệm của bản thân.
Và từ phút ấy Xuntanmurat cảm thấy mình có trách nhiệm trước những gì đang xảy ra ở đây. Cậu hiểu rằng cần phải làm gì đó để giúp đỡ mọi người.
Xuyên suốt câu chuyện là những sẻ chia và sự ấm áp từ tất cả người dân làng Kyrgyzstan dành cho lũ trẻ. Đồng thời đó cũng là chặng đường trưởng thành của cậu bé Xuntanmurat để có thể trở thành chỗ dựa tinh thần cho mẹ và làm người có ích cho đất nước.
Qua tác phẩm, Aitmatov đã cho thấy sức mạnh của tình yêu thương chính là động lực để Xuntanmuratra vượt qua rào cản của bản thân.
Tình yêu trong trẻo dù đứng trước những nghịch cảnh
Dù ở bất kì hoàn cảnh nào thì tình yêu vẫn luôn luôn tồn tại. Trong tác phẩm, tình yêu trong sáng mà Xuntanmurat dành cho Myrzagun đã góp phần tô thêm sắc màu cho câu chuyện.
Mỗi lần cô gái nhìn lại, Xuntanmurat chỉ chực chạy theo, bay lại phía cô, bay theo niềm hạnh phúc tràn đầy hứa hẹn, để nói ngay với cô ấy, không cần giấu giếm, e ngại rằng cậu yêu cô, rằng nếu thiếu cô cuộc sống của cậu chẳng còn là cuộc sống nữa.
Xuntanmurat đã thể hiện sự chân thành dành cho Myrzagun ngay đầu truyện, cậu đưa cô bé vào tâm trí của mình trong mọi hoàn cảnh và mong muốn được thân thiết với cô hơn.
Nhiều lần muốn đến gần hơn với Myrzagun không thành công, cậu đã lấy hết can đảm để viết thư cho cô nhưng vẫn không nhận được sự hồi âm, điều này đã khiến Xuntanmurat vô cùng buồn bã.
Không chịu thất bại, cậu lại một lần nữa lấy hết dũng khí để có thể trò chuyện cùng Myrzagun, sau cuộc gặp gỡ cậu đã nhận được chiếc khăn tay từ cô và vô cùng trân trọng nó.
Sau đó, không biết bao nhiêu lần Xuntanmurat đã ngắm đi ngắm lại mãi chiếc khăn mùi soa bằng lụa thêu! Cậu lấy khăm từ trong túi ra, ngắm nghía, rồi cất đi, một lát sau lại lấy ra.
Khi bị Anatai tinh nghịch cướp mất chiếc khăn, cậu đã chiến đấu hết mình để giành lại món quà quý giá đó. Không những thế, cậu còn rất hiểu chuyện và ra dáng một người đàn ông khi luôn dành thái độ tôn trọng đối với cô gái mình yêu.
Bên cạnh đó dù có nhiều điều trăn trở về Myrzagun nhưng cậu vẫn chưa bao giờ quên đi nhiệm vụ của mình.
Hơn nữa, còn công việc, không thể bỏ bê được. Mà công việc thì đâu phải ít. Làm người chỉ huy của đội quân đổ bộ thực ra cũng chẳng đơn giản. Suốt từ sáng đến tối, lúc nào cũng bù đầu, càng gần đến ngày lên đường đi Akxai lại càng nhiều chuyện phải lo
Dù không được Myrzagun đáp lại tình cảm nhưng Xuntanmurat vẫn dành cho cô tình cảm chân thành. Tình yêu của cậu bé không chỉ trong sáng mà còn lãng mạn và đầy sự bao dung, thấu cảm.
Dưới ngòi bút của Aitmatov, Sếu đầu mùa đã mang đến cho độc giả góc nhìn đầy mới mẻ qua suy nghĩ và tinh thần trách nhiệm của những đứa trẻ mới lớn. Tuy là một câu chuyện dành cho thiếu nhi nhưng vẫn chứa đựng những bài học đắt giá về tình yêu, tình thân và tình cảm gia đình.
Sếu đầu mùa và những cảm nhận của độc giả
Văn chương của Aitmatov luôn đầy chất thơ và đậm tính nhân văn. Dưới ngòi bút tài hoa của ông, Sếu đầu mùa đã mang đến cho độc giả những góc nhìn mới mẻ về cuộc đời của những đứa trẻ lớn lên từ mất mát, đau thương.
Nhà văn đã viết nên câu chuyện dành cho thiếu nhi đầy tinh tế với tình yêu thương luôn ẩn chưa bên trong mỗi nhân vật do ông chấp bút.
“Cũng như những tác phẩm khác của ông, từng chi tiết nhỏ đều được khắc họa hết sức tinh tế. Có thể kể ra như chi tiết cô giáo cố tình chê học trò mình để mong nó không phải nghỉ học, hay ánh mắt ái ngại cô dành cho học trò khi chúng lạnh, đó là vẻ thẹn thùng của người con gái tặng người mình thích chiếc khăn tay, hay cảnh hay người bạn vừa bất hòa cùng khóc với nhau khi đối mặt với những biến cố của cuộc đời.” – Goodreads
Cuộc chiến vô nghĩa đã khiến cho những đứa trẻ Kyrgyzstan phải trải qua một tuổi thơ đầy bất hạnh. Xuyên suốt tác phẩm, người đọc không chỉ thương xót cho số phận của Xuntanmurat đồng thời cảm phục lòng dũng cảm cùng tình yêu mà cậu dành cho Myrzagun.
“Cũng như các tác phẩm khác của Aitmatov, ta bắt gặp Sếu đầu mùa với văn phong dịu dàng, trìu mến. Cái đẹp được diễn tả bằng tình người mà nổi bật hơn hết là tình cảm gia đình” – Goodreads
Sếu đầu mùa đưa người đọc đến vùng đất Kyrgyzstan xa xôi và chứng kiến sự ngoan cường của những con người tại đó. Qua tác phẩm, độc giả đã có cho mình góc nhìn đa chiều về nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống đồng thời khẳng định khả năng sáng tác tài tình của đại văn hào Aitmatov.
Thiên Nhi
Thiên Nhi
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất