Sông xa là một trong các thiên tiểu thuyết đặc sắc của nhà văn Chu Lai về chủ đề chiến tranh, tác phẩm được xuất bản vào năm 1986 và đến tận hôm nay, cuốn sách vẫn để lại nhiều nỗi ám ảnh khôn nguôi trong lòng bạn đọc muôn thế hệ. 

Vài nét khái quát về nhà văn Chu Lai

Chu Lai tên thật là Chu Văn Lai, ông sinh ngày năm tháng hai năm 1946 tại xã Hưng Đạo, huyện Phù Tiên, tỉnh Hưng Yên nhưng nhà văn chủ yếu sống và làm việc tại thủ đô Hà Nội.

Ông là con trai của nhà viết kịch nổi tiếng Học Phi, cậu bé Chu Văn Lai đã dần hình thành tình yêu với văn chương ngay từ ngày nhỏ qua những đêm ngồi nghe các cụ Thế Lữ, Đào Mộng Long đàm đạo về kịch và văn với cha mình.

Ảnh minh họa cho nhà văn Chu Lai
Chân dung nhà văn Chu Lai

Học Phi vừa là nghệ sĩ, vừa là chiến sỹ, ngòi bút của ông đã đồng hành cùng dân tộc qua những thời khắc bi thương lẫn huy hoàng của lịch sử. Noi gương cha, Chu Lai sớm ý thức được trách nhiệm của mình với quê hương đất nước, ông dành cả thời trai trẻ để tham gia cách mạng và cống hiến cho lý tưởng Đảng.

Nhà văn đã hoạt động năng nổ suốt thời gian làm binh nghiệp, góp mặt trong đoàn kịch nói thuộc Tổng cục chính trị, trở thành chiến sĩ đặc công ở vùng Sài Gòn và sau đó đảm nhiệm vai trò trợ lý tuyên huấn Quân khu Bảy.

Ảnh minh họa cho các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Chu Lai
Các sáng tác tiêu biểu của nhà văn Chu Lai

Cuối năm 1974, Chu Lai tham dự trại sáng tác văn học do Tổng cục Chính trị tổ chức và trở thành lứa học sinh đầu tiên của trường Viết văn Nguyễn Du. Chính dưới mái trường này, nhà văn bắt đầu tập trung vào công việc viết lách, nhiều tác phẩm để đời của ông đã được thai nghén trong khoảng thời gian đèn sách ấy.

Sau khi tốt nghiệp, ông làm biên tập và sáng tác cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội bên cạnh việc tham gia viết kịch bản, dựng sân khấu cũng như làm phim. Chu Lai được biết đến nhiều nhất qua các tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của mình như Nắng đồng bằng, Phố nhà binh, Cuộc đời dài lắm hay Ăn mày dĩ vãng.

Quãng đời lính là những năm tháng không thể quên

Chủ đề chiến tranh và đề tài người lính là nội dung lớn được thể hiện xuyên suốt trong nhiều tác phẩm của nhà văn Chu Lai. Cuộc đời trận mạc vừa đau thương, khốc liệt vừa hào sảng, lãng mạn ấy đã cho ông nguồn cảm xúc bất tận và vốn sống phong phú để sáng tạo.

Nhà văn viết về những năm tháng mưa bom bão đạn đã qua như cách để trả món nợ ân tình với biết bao lớp người đã nằm xuống vì độc lập tự do. Từng người lính du kích, anh thanh niên, cô giao liên hay chú bé liên lạc hiện lên trên trang văn của Chu Lai đầy thân thương và sống động.

Ảnh chân dung nhà văn Chu Lai
Chu Lai vừa là một chiến sĩ, vừa là một nghệ sĩ

Ông cùng những nhà văn trưởng thành trong kháng chiến đã làm sống dậy thời quá khứ huy hoàng dù đã lùi xa nhưng dư âm vang vọng và hào hùng của nó vẫn khiến thế hệ hôm nay phải cúi đầu tưởng niệm.

Sau này, khi hòa bình lập lại, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhà văn Chu Lai vẫn một lòng trung thành với đề tài người lính nhưng khác biệt ở chỗ, ông đặt trọng tâm vào việc khai thác sự lạc lõng của những người đã đi qua trận mạc trước đời sống nhiều bất cập thời mở cửa.

Nhân vật nữ trong các tác phẩm của Chu Lai

Nhân vật chính trong các tác phẩm của Chu Lai thường là nữ, nhà văn nhìn thấy ở những người phụ nữ một vẻ đẹp huyền bí và linh thiêng.

Khi khắc họa chân dung của họ giữa bối cảnh chiến tranh gai góc, ông không những không làm nhòe đi những đường nét nữ tính mà ngược lại còn bộc lộ chân thật và sâu sắc tất cả sự mềm mại, dịu dàng ấy trên trang văn.

Điểm đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tiểu thuyết Sông xa

Tiểu thuyết Sông xa được xây dựng theo kết cấu truyện lồng truyện với chủ thể trần thuật biến hóa linh hoạt.

Cùng một cách xưng hô nhưng nhân vật tôi lúc là người chịu trách nhiệm ghi lại câu chuyện cuộc đời chị Hai Thanh từ miệng người đồng chí cũ của mình là Thắng, lúc lại hóa thành chính Thắng bộc lộ suy nghĩ về người phụ nữ đặc biệt kia và trong hầu hết các chương truyện lời nhân vật tôi nhập vào dòng hồi tưởng của chị Hai Thanh về cuộc đời mình.

Ảnh minh họa cho bìa ngoài của tiểu thuyết Sông xa
Bìa ngoài của tiểu thuyết Sông xa

Kết cấu độc lạ ấy đã biến thiên tiểu thuyết thành bức tranh hiện thực sống động về số phận xót xa của những người lính mà ở đó điều nhà văn Chu Lai chú trọng hơn cả là việc khắc họa vai trò cùng nỗi niềm của người phụ nữ trong chiến tranh.

“Bà thím đi rồi, tôi vẫn ngồi im. Đúng ra nghe được tin ấy thì tôi phải nhẹ người đi, nhưng tôi lại thấy dấm dứt như thế nào ấy. Bởi lẽ chính tay tôi đã hạ sát gã đàn ông kia, dù thực ra tôi không muốn thế. Tôi… lần đầu tiên tôi đã nhúng tay vào một vụ giết người! Giờ đây nỗi lo bị bắt chẳng thành mối trăn trở ở tôi nữa. Đầu óc tôi trống rỗng, trong đó chỉ hiện lên mỗi một hình hài co giật đẫm máu. Cho mãi tới những năm tháng sau này, mỗi lần phải làm một công việc tương tự như thế, tôi lại tự giằng xé mình với một sự ám ảnh không sao cắt nghĩa nổi.”

– Sông xa

Các nhân vật trong tiểu thuyết Sông xa, bất kể là người của ta hay người bên địch đều hiện lên với nét tính cách vô cùng phức tạp.

Ở thế giới ấy chẳng có người tốt hoàn toàn hay kẻ xấu tuyệt đối, bên trong mỗi nhân vật bao giờ cũng là cuộc giằng co nảy lửa giữa rồng phượng và rắn rết, giữa cao thượng và ích kỷ, giữa man rợ và nhân văn khi đứng trước những cú sốc do chiến tranh mang lại.

Ký ức về không khí đấu tranh sôi nổi của dân tộc sau hiệp định Giơnevơ trong Sông xa

Cốt truyện chính của Sông xa, tức là câu chuyện cuộc đời chị Hai Thanh đưa ta về miền Nam thân thương của Tổ quốc từ những ngày đầu sau hiệp định Giơnevơ đến tận khi chiến tranh kết thúc và đất nước thống nhất.

“Cái thời ấy con người sống phập phồng, không dám nghĩ đến ngày mai. Cái thời con người biến thành dã thú. Cái thời mà hôm nay anh còn là người tốt, ngày mai đã trở thành một tên phản bội đê hèn, hôm nay anh còn nằm im, hiền như hòn đất, ngày mai đã hóa thành gan góc khác thường. Cái thời đen tối người chết không có chỗ chôn, người sống không còn nước mắt để khóc kẻ xấu số. Cái thời thấp thoáng chỗ nào cũng trắng xóa vành khăn tang, nhưng khấn cho người chết nhiều hơn khấn nguyện cầu sự may mắn cho người sống. Tuổi mười tám, tôi đã nhìn, đã trải qua những ngày rùng rợn ấy.”

– Sông xa

Từng chương dài của cuốn tiểu thuyết đã khắc họa chân thật biết bao thăng trầm của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc với ký ức về những năm giữa 1957 và 1959 khi lực lượng ta bị chính quyền Mỹ-Diệm tăng cường khủng bố rồi đến Đồng Khởi năm 1960, sau đó là hành trình ngoan cường đập tan hàng loạt các hình thức chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ.

Lịch sự hiện lên dưới ngòi bút của Chu Lai rung động hơn gấp bội lần, bởi vì nó không còn là những dấu thời gian ố vàng mà đã hòa vào máu, nước mắt và khát vọng của biết bao con người sống trong thời đại ấy.

Chị Hai Thanh trong tiểu thuyết Sông xa là người phụ nữ vừa truyền thống vừa hiện đại

Nhân vật chị Hai Thanh luôn gắn liền với những gì chân chất, mộc mạc và truyền thống nhất của người phụ nữ miền quê. Ngay từ những lần xuất hiện đầu tiên, độc giả đã ấn tượng với dáng đi uyển chuyển của chị trong bộ bà ba đen mềm mại hòa lẫn vào trong bóng đêm.

Ở chị ta thấy hiện lên rất nhiều phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, chị vừa hiếu thảo, đảm đang vừa yêu chồng, thương con và giàu đức hi sinh.

“Em lạ lắm, em không giống ai hết. Anh đã đi nhiều nơi, gặp đủ mọi hạng người, thậm chí đã có một vài tình yêu thoảng qua nhưng không có ai như em. Em dịu hiền, em hội tụ rất nhiều những đức tính quý báu, đứng trước em anh bị ngợp như đứng trước cái gì rất tinh khiết. Phải, em đẹp lắm. Em trắng trong lắm! Nếu có em trong cuộc đời này, anh nghĩ mình sẽ sống tốt đẹp hơn, can đảm hơn.”

– Sông xa

Làm một người vợ và một người mẹ dịu hiền là thế nhưng khi đứng trước kẻ thù và tham gia hoạt động cách mạng, chị Hai Thanh đã bộc lộ dáng vẻ độc lập và bản lĩnh kiên cường đáng nể phục.

Vào thời điểm cách mạng gặp lúc khó khăn, chị đã cùng đồng đội đứng ra tự lập đơn vị, một tay quán xuyến hết các công việc trong ngoài từ nắm địch, áp sát dân tới thông thương buôn bán để lấy vốn mua vũ khí và lương thực cho quân ta.

Dưới sự chỉ huy của chị, đơn vị ngày nào mới thành lập chỉ có năm thành viên đã dần mở rộng lực lượng với đông đảo các chị em phụ nữ và tổ chức nhiều cuộc tấn công vào sâu trong lòng địch, để lại cho chúng nỗi khiếp đảm suốt thời gian dài.

Ảnh minh họa cho tiểu thuyết Sông xa
Nhân vật chị Hai Thanh được nhà văn miêu tả vô cùng tỉ mỉ

Qua ngòi bút của nhà văn Chu Lai, chị Thanh hiện lên với tất cả đường nét mềm mại nhất nhưng đồng thời cũng bộc lộ những tính cách dữ dội nhất. Chị trở thành biểu tượng của thiên tính nữ, vẻ đẹp của chị mang lại sự bình yên và êm ả như quê hương.

Sự tồn tại của chị được Chu Lai miêu tả như một thứ gì đó vô cùng thuần khiết và thiêng liêng, nó có thể khiến một tên quận trưởng ác ôn chưa từng ghê tay với việc chém giết cảm thấy hổ thẹn và giữ cho tâm hồn những người đàn ông yêu chị không rơi vào vực thẳm của sự yếu hèn.

Vượt qua tư duy phân tuyến địch ta để cảm thấu nỗi đau con người qua tác phẩm Sông xa

Là một nhà văn thuộc giai đoạn sau năm 1975, Chu Lai đã bước ra khỏi giới hạn của tư duy khai thác hiện thực một cách đơn giản và xuôi chiều của nền văn học cách mạng để nhìn thẳng vào sự phức tạp trong tâm tư con người.

Từng có một thời đại, các tác phẩm văn học được xây dựng theo quan niệm phân tuyến “địch-ta” với tư tưởng đã là kẻ thù thì chắc chắn xấu xa và nếu là người của ta thì luôn luôn tốt đẹp. Thế nhưng, trong Sông xa nhà văn Chu Lai đã phá tan loại định kiến cổ hủ này.

“Anh ấy có để lại cho tôi một ít dòng trong quyển nhật ký của anh. Ít dòng thôi vì trong đó xen kẽ cả những suy nghĩ về chiến tranh, hòa bình, về cuộc đời, thù, ta, về cái sống, cái chết, cao thượng, thấp hèn… nhiều lắm!”

– Sông xa

Ông quan sát tất cả những nhân vật của mình trong tư cách là một con người mà đã là người thì dù địch hay ta cũng đều sẽ bị chiến tranh nghiền nát với những tổn thương cũng như có giây phút dằn xé giữa lòng cao thượng và sự đớn hèn.

Một nhân vật hoàn hảo như chị Hai Thanh cũng đã có lúc hối hận vì những hành vi ngoại tình trong tâm tưởng và khinh rẻ chồng mình.

Một Đảng viên xuất sắc như thầy giáo Nhân mà cũng ghen tuông mù quáng để rồi chèn ép đồng đội và cay nghiệt với người thân.

Một tên quận trưởng giết cộng sản không ghê tay như Quang mà lại kính nể sự thiêng liêng trong tâm hồn người phụ nữ và luôn giữ tình yêu hòa lẫn nỗi ám ảnh với Hai Thanh suốt một đời.

Tất cả các nhân vật với những nét tính cách vô cùng phức tạp và tưởng chừng như mâu thuẫn sâu sắc ấy đã đưa ta vượt ra khỏi những ồn ào ngoại cảnh để lặn sâu vào thế giới nội tâm con người. Dù còn lại hay mất đi, họ đã đi qua một thời mưa bom bão đạn với nhiều cung bậc cảm xúc thăng trầm như thế đấy.

Ảnh bìa cuốn sách Sông xa
Các nhân vật trong tiểu thuyết Sông xa đều vô cùng phức tạp

Được viết bằng cả tấm lòng và tài năng văn chương độc đáo, thiên tiêu thuyết Sông xa của nhà văn Chu Lai đã vượt qua sự băng hoại của thời gian để tỏa sáng rạng ngời trong những giá trị nhân văn cao đẹp.

Giờ đây, ta đọc lại Sông xa, không phải để phán xét bất cứ nhân vật nào mà để hiểu và hàm ơn biết bao lớp người đi trước đã vượt lên đau thương mà chiến đấu ngoan cường vì cuộc sống hòa bình của ta ngày hôm nay.

Hạnh Vi