Vũ trung tùy bút là một tập tùy bút của danh sĩ Phạm Đình Hổ được viết vào thời Lê mạc Nguyễn sơ. Tác phẩm được xem là một trong những tác phẩm kinh điển của văn học trung đại Việt Nam.

Tập tùy bút nổi bật của Phạm Đình Hổ
Tập tùy bút nổi bật của Phạm Đình Hổ

Quyển sách ghi lại nhiều sự việc xảy ra vào cuối đời Lê và thời Tây Sơn, chứa đựng những tư liệu lịch sử dân tộc vô cùng giá trị về thời kỳ này. Đây là những tư liệu cần thiết cho những ai say mê nghiên cứu sử dân tộc, dựng phim hay viết tiểu thuyết về lịch sử.

Phạm Đình Hổ một con người với tầm nhìn và sự hiểu biết vượt xa khỏi thời đại

Trong số các tác giả ký văn xuôi tự sự thời trung đại, có thể nói Phạm Đình Hổ là nhà văn tiêu biểu thành công ở thể loại tùy bút. Phạm Đình Hổ sinh năm 1768, ông vừa là một nhà văn vừa là một nhà thơ.

“Đọc tác phẩm của Phạm Đình Hổ ta thấy có chiều sâu của người uyên thâm Hán học, có chất lịch thiệp của người trải đời, có cái ngạo nghễ, hóm hỉnh của bậc hàn nho thanh bạch, có cái tinh tế của trí thức kinh kì biết thưởng thức ăn chơi…”

Đương thời, ông vốn muốn lấy văn thơ để nổi tiếng ở đời nên phần lớn thời gian Phạm Đình Hổ dành cho việc sáng tác và biên soạn sách. Sự tài cao và uyên thâm của ông thể hiện qua nhiều tác phẩm, qua đó cũng phần nào bộc lộ mối trăn trở cùng bất an của thi sĩ trước những biến động rối ren của xã hội lúc bấy giờ.

Tranh vẽ chân dung tác giả Phạm Đình Hổ
Tranh vẽ chân dung tác giả Phạm Đình Hổ

Nhờ lượng kiến thức lớn có được từ việc đọc sách cùng những trải nghiệm từ nhiều chuyến du ngoạn khắp chốn đã góp phần quan trọng trong việc giúp ông tạo ra các công trình khảo cứu, biên soạn có giá trị đủ mọi lĩnh vực như văn học, triết học, lịch sử hay địa lý.

Riêng ở lĩnh vực sáng tác văn học, ông để lại hai tập bút ký là Vũ trung tùy bútTang thương ngẫu lục. Hai tác phẩm được xem là hai trứ tác nổi tiếng và quen thuộc nhất của Phạm Đình Hổ.

Vũ trung tùy bút và quyển nhật ký về một giai đoạn u tối của lịch sử dân tộc

Vũ trung tuỳ bút còn được biết đến với cái tên Tùy bút viết trong mưa, là tác phẩm tiêu biểu được ghi chép theo những điều tác giả chứng kiến hoặc theo dòng hồi ức của mình.

Tuy nhiên, có những thiên được viết theo lời kể của người khác và nghiên cứu qua sách vở, phản ánh được đời sống xã hội phong kiến đang dần suy tàn cuối thể kỷ 18, đầu thế kỷ 19.

Vũ trung tùy bút và giai đoạn u tối của lịch sử dân tộc
Vũ trung tùy bút và giai đoạn u tối của lịch sử dân tộc

Vũ trung tùy bút gồm chín mươi mốt thiên. Tác phẩm lấy bối cảnh vào lúc Đại Việt bị chia cắt thành Đàng Trong và Đàng Ngoài trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh. Đất nước dưới sự cai trị của chúa Nguyễn ở miền Nam và chúa Trịnh ở miền Bắc tồn tại hơn 150 năm được xem như là một thời kỳ đen tối của lịch sử dân tộc.

Những cuộc nội chiến ác liệt kéo dài từ năm này qua tháng nọ làm cho cuộc sống nhân dân đói khổ, lầm than. Thêm vào đó đời sống xã hội rối ren với biến động không ngừng đã khiến mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân càng thêm sâu sắc.

Các tệ nạn xã hội xuất hiện cùng với sự lũng loạn, biến chất của vua chúa cùng quan lại quyền cao chức trọng làm trầm trọng thêm tình hình đất nước vốn đã suy thoái, điêu tàn.

Phạm Đình Hổ khắc họa chân thật bức tranh xã hội thời Lê mạc Nguyễn sơ
Phạm Đình Hổ khắc họa chân thật bức tranh xã hội thời Lê mạc Nguyễn sơ

Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ đã khai thác những vấn đề của thời đại hiện thời. Ông chỉ trích, phê phán gay gắt triều đại phong kiến khắc nghiệt. Ông châm biếm mỉa mai những thú vui kỳ quái của vua chúa, ông thấu cảm với những nỗi khổ cực của nhân dân.

Phạm Đình Hổ khảo cứu rất nhiều nội dung khác nhau nhưng sơ lược thì được tổng hợp lại thành tám nhóm nội dung chính như tiểu truyện các bậc danh nhân, ghi chép các cuộc du lãm, thuật lại những việc xảy ra vào cuối đời Lê, khảo cứu về địa lý, về phong tục, khảo cứu về học thuật, lễ nghi và điền lệ.

Những ngổn ngang suy tư của Phạm Đình Hổ về thời đại trong Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh là thiên truyện thứ hai trong tác phẩm Vũ trung tùy bút. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống xa hoa của chúa Trịnh Sâm và những thú vui kỳ quái của y.

Một ấn bản khác của Vũ trung tùy bút
Một ấn bản khác của Vũ trung tùy bút

Theo lời của Phạm Đình Hổ, Chúa Trịnh là người có những sở thích bệnh hoạn. Hắn thích chơi đèn đuốc và thường ngự ở các li cung trên Tây Hồ, núi Tử Trầm hay núi Dũng Thúy.

Hắn bắt nội thần trùm áo bịt khăn để đóng giả đàn bà sau đó họp chợ mua bán ở hai bên sông rồi ăn chơi ngày đêm. Phủ Chúa được bài trí và trang hoàng lộng lẫy với nhiều cây quý cùng những hòn non bộ đẹp mắt.

Nhưng xấu xa thay những thứ quý giá ấy đều do bọn quan lại đi cướp của dân về. Vì sợ vạ lây mà nhiều nhà đã phải tự tay đập bỏ núi non bộ, chặt bỏ cây cảnh của chính mình. Thậm chí nhà mẹ của tác giả cũng không ngoại lệ.

Tranh minh họa chốn phủ xa hoa nơi chúa Trịnh
Tranh minh họa chốn phủ xa hoa nơi chúa Trịnh

Thông qua Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh, Phạm Đình Hổ đã khắc họa chân thật bức tranh xa hoa nơi phủ Chúa qua đó lại châm biếm sâu sắc sự nhũng nhiễu, tác oai tác quái của quan lại thời bấy giờ.

“…rải rác trong hầu hết các truyện, Phạm Đình Hổ đều gửi gắm những nỗi niềm tâm sự, những suy nghĩ của ông về cuộc đời, về thế thái nhân tình…”

Các chi tiết miêu tả đều được Phạm Đình Hổ chọn lọc đắt giá, giàu sức thuyết phục.
Ông tả cảnh đẹp tỉ mỉ nhưng lại nhuốm đậm màu sắc u ám, mang theo tính dự báo mà nhờ đó Phạm Đình Hổ đã thành công xuất sắc trong việc phản ánh thực trạng của thời cuộc qua Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh cùng những câu chuyện tương tự trong Vũ trung tùy bút.

Những phong tục, lễ nghi qua các thời đại trong Vũ trung tùy bút

Trong tác phẩm, Phạm Đình Hổ dành đến 20 thiên để tập trung khảo cứu về thuần phong mỹ tục và lễ nghi truyền thống của dân tộc. Hai nhóm nội dung này được ông ghi chép, khảo cứu rất kỳ công, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và nỗi ưu tư nặng trĩu của nhà văn đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Những phong tục lễ nghi truyền thống của đời xưa được Phạm Đình Hổ nghiên cứu và ghi chép trong Vũ trung tùy bút
Những phong tục lễ nghi truyền thống của đời xưa được Phạm Đình Hổ nghiên cứu và ghi chép trong Vũ trung tùy bút

Khi bàn về lễ nghi, bất kỳ loại lễ nghi nào ông cũng ý thức tìm hiểu từ thời xưa cho đến thời nay, khảo từ gốc gác cho đến sự hình thành, phát triển và tồn tại của từng loại. Phạm Đình Hổ còn phóng tầm mắt ra nước ngoài, cụ thể là Trung Hoa nơi mà nền văn hóa đã ảnh hưởng ít nhiều đến văn hoá Việt Nam để tham khảo.

Từ đó, Phạm Đình Hổ đã khảo sát về khá nhiều các loại lễ nghi trong đời sống xã hội thời bấy giờ: lễ đội mũ, hôn lễ, lễ tế giao, lễ tang.

“Đời xưa, nhà trai đưa lễ đi hỏi vợ, nhà gái phúc thư trả lời, chu toàn đi lại đôi bên chỉ có một mụ mối mà thôi. Thói tục ngày nay thì không thể. Từ lúc đi hỏi vợ cho đến lúc thành hôn, nhà trai thường mời cả họ nhà gái đi theo; người con gái về nhà chồng thì cả họ nhà gái đi tiễn, bày ra hành nghi phục sức, ăn uống linh đình. Chỉ cốt sĩ diện một lúc ở trước mắt. Có kẻ vừa cưới dâu xong thì ruộng nương đã bán sạch”.

Ví như hôn lễ là một nét văn hoá của người Việt, công nhận và tôn vinh việc thành vợ thành chồng. Song tổ chức và tiến hành lễ cưới như thế nào cho phải đạo, thuận lòng người, phù hợp thực tế mới là quan trọng. Điều này cũng đã được Phạm Đình Hổ nghiên cứu kỹ càng rồi tiến hành đối sánh với đời xưa.

Vũ trung tùy bút tái hiện văn hóa lịch sử dân tộc
Vũ trung tùy bút tái hiện văn hóa lịch sử dân tộc

Thêm vào đó ông cũng phê phán những thói bại hoại luân lí, lên án những kẻ chỉ coi trọng tiền tài, vật chất. Phạm Đình Hổ đã không chỉ tái hiện văn hóa lịch sử mà qua đó còn thể hiện những nỗi niềm trăn trở về các giá trị truyền thống dân tộc đang dần bị băng hoại.

Vũ trung tùy bút quyển sách ẩn chứa những nét đẹp của hồn xưa nếp cũ

Dù mang nặng dấu ấn của khảo cứu nhưng Vũ trung tùy bút vẫn ẩn chứa những nét lãng mạn thanh tao của văn chương cổ. Đến nay, tác phẩm vẫn là một cuốn sách mang nhiều ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống xã hội và lịch sử của dân tộc.

Bởi tập khảo luận còn là nơi lưu giữ những dấu chỉ quan trọng của phong tục tập quán và mỹ quan của cả một thời đại cũng như mang theo một phần tâm hồn của con người Việt Nam.

Tập tùy bút có ý nghĩa quan trọng với lịch sử dân tộc
Tập tùy bút có ý nghĩa quan trọng với lịch sử dân tộc

Tiếp cận với Vũ trung tùy bút, người đọc sẽ được sống lại trong không khí hoài vọng xa xăm với đầy những phong lưu tao nhã đẹp đẽ của đất kinh kỳ thuở xa xưa. Nếu một buổi chiều bạn muốn ngược dòng thời gian tìm về với một Việt Nam đầy biến động và thi vị thì quyển sách sẽ là một lựa chọn tuyệt vời.

 Thanh Thảo