Hy Lạp là quốc gia có nền văn học lâu đời, lớn mạnh và phát triển. Ngay từ thời cổ đại, người Hy Lạp đã cho ra đời những tác phẩm văn học nổi tiếng, vang danh khắp thế giới, trong đó phải kể đến sử thi.
I-li-át và Ô-đi-xê là hai trong nhiều tác phẩm sử thi nổi tiếng nhất Hy Lạp, được nhào nặn bởi Hô-me-rơ. Chúng tựa như bản anh hùng ca của sử thi Hy Lạp cho đến nay, làm say đắm bao thế hệ độc giả thế giới.
Thế nhưng, độ dài của hai tác phẩm này gây khó khăn trong việc thưởng thức được trọn bộ. Bởi vì, I-li-át và Ô-đi-xê được sáng tác và tiếp nhận từ thế kỷ X trước Công nguyên.
Vì thế, các dịch giả thường tác phẩm chia thành nhiều đoạn trích nhỏ để đảm bảo được độ chính xác về ngữ nghĩa, tinh thần sử thi. Đoạn trích Uy-lít-xơ trở về, nằm trong chương trình Ngữ văn Mười cũng nằm trong số đó, kể về hành trình trở về bên gia đình của Uy-lít-xơ.
Vài nét tác giả Hô-me-rơ và sử thi Ô-đi-xê
Hô-me-rơ là nhà thơ mù của Hy Lạp, sống vào khoảng thế kỷ IX – VIII trước Công nguyên. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo trên mảnh đất I-ô-ni, ven biển Tiểu Á.
Có nhiều truyền thuyết xung nhà thơ mù này, phổ biến nhất là thuyết kể ông tên thật là Mê-lê-xi-gien, sinh ra bên cạnh dòng sông Mê-lé. Ông là người có vốn sống, vốn văn học dân gian phong phú.
Bên cạnh đó là năng khiếu sáng tác văn học thơ ca trời phú, chính điều này đã giúp ông tạo nên những tác phẩm xuất sắc, được lưu truyền đến muôn đời. Hô-me-rô còn được mệnh danh là “Cha đẻ của thơ ca Hy Lạp”, gắn liền với tên tuổi là sử thi I-li-át và Ô-đi-xê.
I-li-át và Ô-đi-xê đều khai thác từ truyền thuyết, cụ thể là cuộc chiến tranh thành Tơ-roa. Nếu I-li-át là bài ca chiến trận, ca ngợi người anh hùng Asin, biểu tượng của sức mạnh về thể chất thì Ô-đi-xê ca ngợi sức mạnh trí tuệ của con người.
I-li-át kể về cuộc chiến tranh thành Tơ-roa trong mười năm, kịch tính nhất phải nhắc tới năm mươi ngày cuối cùng. Ô-đi-xê ra đời là sự nối tiếp, gồm 12110 câu, chia thành 24 khúc ca, kể về hành trình mười năm với bao gian nan, thử thách sau khi đã hạ thành quân Hy Lạp.
Bộ sử thi ra đời trong thời kỳ người Hy Lạp mở rộng địa bàn, hoạt động hướng chủ yếu ra biển. Trong sự khám phá và chinh phục thế giới rộng lớn và bí hiểm, con người cần có lòng dũng cảm, thông minh, linh hoạt, tỉnh táo, khôn ngoan. Hình tượng Uy-lít-xơ chính là lí tưởng hoá cho sức mạnh, trí tuệ của người Hy Lạp.
Tác phẩm của Hô-me-rơ như bài ca lao động và hòa bình, nói lên mơ ước của người Hy Lạp cổ đại trong cuộc đấu tranh chinh phục tự nhiên. Đồng thời là sự mở rộng giao lưu, khao khát xây dựng cuộc sống gia đình bình yên, hạnh phúc.
Đoạn trích Uy-lít-xơ trở về thuộc khúc ca thứ XXIII, gần cuối thiên sử thi. Nhà thơ tái hiện khung cảnh Uy-lít-xơ trở về sau hai mươi năm xa nhà, cùng với đó là chiến thắng 108 kẻ cầu hôn trơ tráo, tham lam để đoàn tụ với gia đình.
Nội dung Uy-lít-xơ trở về ca ngợi vẻ đẹp sức mạnh trí tuệ và tinh thần của con người. Đồng thời, làm rõ giá trị tinh thần to lớn của hạnh phúc gia đình khi người Hy Lạp cổ đại đứng trước sự chuyển mình, từ chế độ thị tộc sang chế độ chiếm hữu nô lệ.
Hình ảnh Uy-lít-xơ trở về với gia đình
Ngoài Uy-lít-xơ, vợ chàng là Pê-nê-lốp đã đóng một phần quan trọng trong câu chuyện. Nhà thơ không chú trọng miêu tả ngoại hình nhân vật này nhưng qua cách cư xử và hành động, độc giả phần nào đã hình dung là nhan sắc, tâm hồn, trí tuệ cao đẹp của nàng.
Những đặc điểm của nàng Pê-nê-lốp đã giúp Uy-lít-xơ vượt qua cám dỗ, suốt mười năm vững tâm hướng về vợ. Pê-nê-lốp cũng vậy, nàng chờ đợi chồng đi chinh chiến, vững vàng trước sự thúc ép và áp bức của 108 tên cầu hôn.
Đến một ngày, Uy-lít-xơ trở về nhưng với tư cách là một người hành khất, đây cũng là lúc vị trí của chàng đã thay đổi dưới góc nhìn của Pê-nê-lốp. Uy-lít-xơ từ một người bạn tâm giao đã trở thành vị thần sức mạnh, một lúc diệt trừ 108 tên cầu hôn quấy nhiễu kia.
Sự việc này giống như một tín hiệu vui mừng cho Pê-nê-lốp, nàng nhận thấy người hành khất này ngày một giống chồng mình. Thế nhưng, khi nhũ mẫu đến báo tin người vừa giết những tên cầu hôn là Uy-lít-xơ, thái độ nàng không vui mừng như tưởng tượng.
Trước hành xử của Pê-nê-lốp, người nhũ mẫu trung thành như bị dội một gáo nước lạnh. Với nàng, việc chồng trở về giống như một mơ ước nhưng lại quá xa xôi, không khác việc cả hai đã cách biệt hai mươi năm.
Dù xuyến xao mỗi khi nhắc việc chồng trở về nhưng thời gian hai mươi năm, sự mặc cảm khiến nàng không có đủ dũng khí tiếp nhận. Pê-nê-lốp cất tiếng:
Già ơi, già hãy khoan hí hửng, reo cười. Già cũng biết, nếu chàng trở về thì mọi người trong nhà, nhất là tôi và con trai chúng tôi sinh ra kia sẽ sung sướng xiết bao!
…
Còn về phần Uy-lít-xơ thì ở nơi đất khách quê người, chàng cũng đã hết hy vọng trở lại đất A-cai, chính chàng cũng đã chết rồi
Dù nhũ mẫu đưa ra bằng chứng trên bắp chân của người hành khất có vết sẹo do lợn lòi húc giống chồng mình, Pê-nê-lốp vẫn một mực lảng tránh và phủ nhận. Tuy nhiên, khi đứng trước người đàn ông đó, nàng bất ngờ run rẩy và thiếu tự tin.
Ngọn lửa tình yêu trong nàng như được thổi bừng, khiến trái tim cùng hy vọng tưởng chừng đã giá băng lần nữa tan chảy và hồi sinh. Khi Pê-nê-lốp có phần tin người hành khất là Uy-lít-xơ, nàng suy nghĩ “không biết nên đứng xa xa hỏi chuyện người chồng yêu quý của mình hay nên lại gần, ôm lấy đầu, cầm lấy tay người mà hôn?”.
Khi trái tim cứng rắn của Pê-nê-lốp sắp sửa đi qua ranh giới vô hình, nàng chợt tỉnh táo lại. Từng đợt biến cố trong nhiều năm qua đã buộc nàng trở nên mạnh mẽ, lý trí hơn những người phụ nữ khác.
Cuộc đối đầu giữa Pê-nê-lốp và Uy-lít-xơ
Dù có một cảm giác rất đỗi thân quen nhưng Pê-nê-lốp vẫn rất lý trí, bình tĩnh. Nàng tạm gác sự phân tâm, xúc động chưa rõ giới hạn kia lại để thử thách thêm Uy-lít-xơ.
Nếu quả thật đây chính là Uy-lít-xơ, bây giờ đã trở về, thì con có thể tin chắc rằng thế nào cha con và mẹ cũng sẽ nhận được ra nhau một cách dễ dàng
Cánh cửa trong nàng vẫn kiên cố và vững chắc, dẫu đã bị con trai và nhũ mẫu tác động. Từ chi tiết này, nhà thơ cho độc giả thấy Pê-nê-lốp là người phụ nữ có ý thức sâu sắc về danh dự, đầy bản lĩnh khi biết kìm nén tình cảm riêng.
Khi Pê-nê-lốp hé lộ ý định thử thách, nhắc đến “những dấu hiệu riêng” thì Uy-lít-xơ chỉ đáp lại bằng cách mỉm cười, chấp nhận một cách đầy tự tin. Bước ra từ phòng tắm, Uy-lít-xơ mang đến phong thái như một vị thần.
Dẫu vậy, cái nhìn của Pê-nê-lốp vẫn không thay đổi, vẫn dành cho người đàn ông ấy thái độ thận trọng. Sự kiên định ấy khiến chàng phải thốt lên:
Khốn khổ! Hẳn là các thần trên núi Ô-lem-pơ đã ban cho nàng một trái tim sắt đá hơn ai hết trong đám đàn bà yếu đuối,…
Lòng kiên nhẫn của Uy-lít-xơ vơi dần trước trái tim sắt đá của vợ, chàng một lần nữa thốt lên với nhũ mẫu:
Thôi, già ơi! Già hãy kê cho tôi một chiếc giường để tôi ngủ một mình, như bấy lâu nay, vì trái tim trong ngực nàng kia là sắt
Từ lời nói của Uy-lít-xơ, Pê-nê-lốp đã nhanh trí đưa ra phép thử, nàng bảo nhũ mẫu “kê chiếc giường chắc chắn ra khỏi gian phòng vách tường kiên cố do chính tay Uy-lít-xơ xây nên…”. Pê-nê-lốp đã gọi lại những dấu hiệu riêng, điều mà chỉ có hai người biết với nhau.
Việc Uy-lít-xơ miêu tả tỉ mỉ, nói đến những bí mật trước đây của hai người đã ảnh hưởng không ít đến cảm xúc lẫn quyết định của Pê-nê-lốp. Nàng bủn rủn chân tay, vội vàng chạy đến ôm lấy cổ và hôn lên trán chồng sau bao năm xa cách.
Vào thời khắc thiêng liêng ấy, cánh cửa mà Pê-nê-lốp dựng lên suốt hai mươi năm qua để bảo vệ bản thân cũng như con trai được mở ra, bởi vì giờ đây nó không cần thiết nữa.
Vào khoảnh khắc này, vai trò của hai người hoán đổi cho nhau một cách hết sức tự nhiên. Người cầu xin nay thành Pê-nê-lốp, đó là sự cầu xin vì hạnh phúc vỡ òa, một điều mà nàng không dám nhắc tới.
Chiếc giường đóng một vai trò quan trọng trong việc gỡ bỏ nút thắt nghi ngờ trong Pê-nê-lốp. Đồng thời còn là biểu tượng cho sự thủy chung, tình cảm vợ chồng thiêng liêng, bất diệt.
Có một thứ chắc chắn sẽ không bao giờ thay đổi, đó là lòng chung thủy mà cả hai vợ chồng dành cho nhau. Đây là điều ngọt ngào nhất mà thần linh dành tặng cho họ sau biết bao cay đắng, chông gai, khó khăn.
Dù Uy-lít-xơ là một người khôn ngoan, nhạy bén nhưng đặc điểm đó chỉ thể hiện nơi chiến trận gai góc và nguy hiểm. Vậy nên khi đối diện với việc làm sao lấy được lòng tin của vợ, chàng cho thấy sự vụng về và bị động.
Đây cũng là nguyên do khiến chàng mất một thời gian lâu để thuyết phục được nàng, tháo gỡ được vẻ ngoài lạnh nhạt kia. Sự đảo ngược này cho thấy dụng ý nghệ thuật tinh tế của Hô-me-rơ, nhà thơ không hạ thấp trí tuệ của Uy-lít-xơ mà còn tạo ra một đòn bẩy làm nổi bật sự thông minh, sắc sảo của Pê-nê-lốp
Bằng trí tuệ và tình cảm chân thành và son sắc, Uy-lít-xơ đã mở được cánh cửa kiên cố bên trong Pê-nê-lốp. Còn Pê-nê-lốp với thái độ cứng rắn, khôn khéo và thông minh đã thành công đoàn tụ với chồng, đồng thời thể hiện sự thanh bạch suốt bao năm qua.
Giá trị nội dung và bút pháp nghệ thuật của Uy-lít-xơ trở về
Bằng lối kể chuyện giàu kịch tính, Hô-me-rơ khiến độc giả bị cuốn vào nội dung câu chuyện. Cùng với đó là nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật chi tiết, khắc họa rõ nét hình tượng nhân vật.
Ngoài ra, Hô-me-rơ đã sử dụng nghệ thuật trì hoãn sử thi, tạo nên sự hấp dẫn và háo hức, khiến tác phẩm trở nên cuốn hút hơn với những tình tiết hồi hộp, gay cấn. Phải kể đến sự hòa trộn giữa các yếu tố nghệ thuật khác như dàn dựng cốt truyện, ngôn ngữ sử thi và xây dựng nhân vật.
Nhờ sự tài tình và khéo léo, nhà thơ đã tạo được lớp màu trường tồn cho thiên sử thi. Dù sáng tác từ lâu nhưng tác phẩm không bị lỗi thời và nhàm chán, độc giả qua hàng thế kỷ vẫn cảm nhận được sự dũng mãnh, sắt son của tác phẩm.
Đoạn trích Uy-lít-xơ trở về còn nổi bật với lối so sánh sinh động, ngôn ngữ trong sáng, giọng kể từ tốn nhưng vẫn toát lên sự uy nghiêm, phong thái. Qua đó thành công khắc họa những mâu thuẫn, xung đột tạo nên cao trào, gay cấn, sức hấp dẫn cho đoạn trích.
Khắc họa cảnh vợ chồng đoàn tụ sau hai mươi năm cách xa, nhà thơ tinh tế đề cao vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của người dân Hy Lạp. Đó là cơ sở khẳng định giá trị hạnh phúc gia đình trước bước chuyển mình tiến bộ của văn minh nhân loại, tiến đến hôn nhân một vợ một chồng.
Đoạn trích còn ca ngợi tình cảm gia đình, trí tuệ, ý chí và nghị lực của người anh hùng Uy-lít-xơ trong công cuộc chinh phục tự nhiên cũng như người phụ nữ độc lập như Pê-nê-lốp. Độc giả nhờ đó thấy được sự tài hoa uyên bác của Hô-me-rơ như cái hay, cái hấp dẫn lẫn giá trị lưu truyền ngàn đời trong tập sử thi huyền thoại.
Phương Anh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất