Trong nền văn chương thế kỷ 21, Jane Austen vẫn luôn là một cái tên được giới mộ điệu hết lời ca ngợi vì những thành tựu mà bà đã để lại cho nhân loại. Tuy vậy, danh tiếng của bà chỉ được công nhận vào khoảng hai thập niên sau khi bà qua đời.

Sơ lược đôi nét về nhà văn Jane Austen

Thuở sinh thời, Jane Austen luôn coi viết văn là một công việc thất bại trong suốt cuộc đời mình. Nhưng cho đến bây giờ, bà vẫn luôn được xem là tượng đài điển hình đại diện cho trường phái văn học lãng mạn của xứ sở sương mù.

Với lối viết mang đầy tính bứt phá cùng nghệ thuật dẫn chuyện điêu luyện, truyện của Jane Austen luôn đưa người đọc đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Thậm chí, đôi khi đó là những tình huống oái ăm, tạo sự hứng thú rất lớn cho đọc giả.

Do đó, Jane Austen đã khẳng định tên tuổi của mình trên từng tác phẩm nói riêng và trên văn đàn nước Anh nói chung.

Hình ảnh đại diện tác giả Jane Austen
Tác giả Jane Austen

Jane Austen sinh năm 1775, tại ngôi làng nông thôn nằm ở phía Bắc hạt Hampshire, Anh Quốc.  Bà là con gái thứ bảy trong một gia đình đông đúc anh chị em. Cha của bà, mục sư George Austen đồng thời cũng là người có học thức uyên thâm tiếng tăm trong vùng.

Chính cha của Jane đã tạo cho bà một môi trường học thuật ngay từ khi bà còn rất nhỏ. Trên cương vị là một học giả, ông George luôn khuyến khích các con mình tính ham học, tính suy nghĩ độc lập và cũng vì thế mà lượng kiến thức mà Jane chủ yếu tiếp thu được đều ở người cha tài giỏi kia nhiều hơn là ở trường lớp.

Vào hai thế kỷ trước, khi mà nữ giới học tập chỉ với một mong muốn lấy được tấm chồng tương xứng, thì ông George với tư tưởng đi trước thời đại đã luôn quan niệm rằng, việc học đối với nữ giới cũng nên được xem trọng không kém gì với phái mạnh.

Xuyên suốt tuổi thơ, Jane Austen đã được đọc rất nhiều sách, cộng hưởng thêm tình yêu thương từ gia đình cùng các mối quan hệ bạn hữu thân thiết, điều đó đã tạo nên bối cảnh thường thấy nhất trong các tác phẩm của bà.

Hình ảnh ngôi nhà của gia đình Jane Austen
Ngôi nhà của Jane Austen cùng gia đình

Đây cũng là nền móng tốt tạo điều kiện cho tài năng văn chương của Jane nở rộ.

Jane Austen đã bắt đầu viết từ rất sớm. Điều này cũng rất dễ hiểu vì các thành viên trong gia đình bà có truyền thống đóng kịch với nhau nên Jane có nhiều cơ hội để ra mắt các tác phẩm của mình. Bà thường hay mượn những cuốn sách từ thư viện địa phương, từ đó sáng tạo nên những cốt truyện riêng của mình.

“Tôi là sinh vật hạnh phúc nhất trên thế giới này. Có lẽ người khác đã từng nói điều này trước đây, nhưng không với một sự công bằng như thế. Tôi hạnh phúc hơn cả Jane, cô ấy lúc nào cũng mỉm cười, tôi thì cười lớn.” – Jane Austen

Những điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến chất văn độc đáo, đậm chất Jane Austen.

Khi đã trưởng thành, Jane cùng với người chị thân thiết Cassandra được gửi vào học tại trường đại học Stanford. Nếu Cassandra có niềm đam mê bất tận với hội họa thì Jane lại bắt đầu mê mẩn với thơ ca.

Hình ảnh bức tranh Cassandra vẽ Jane Austen
Bức chân dung Cassandra vẽ Jane Austen

Vì đã lớn lên và cùng đi học xa bên nhau nên tình chị em của họ dần trở nên thân thiết đến nỗi mà Jane trở thành người mẫu trong vô vàn tác phẩm hội họa của Cassandra, ngược lại mối quan hệ giữa họ cũng trở thành niềm cảm hứng để nhà văn viết nên quyển sách Kiêu hãnh và Định kiến vang danh toàn thế giới.

Đến màu văn độc đáo của Jane

Nhắc đến Jane Austen, người ta không thể không nghĩ đến lối văn chương hài hước pha trộn chút châm biếm sâu cay về những thói hư tật xấu trong xã hội thời bấy giờ. Từ đó nêu bật lên giá trị đạo đức của con người đồng thời mang đến tiếng cười cho độc giả.

Ta có thể dễ dàng tìm thấy sự tương đồng với thể loại trào phúng này trong các tác phẩm văn học Việt Nam đầu thế kỷ trước, mà đại diện tiêu biểu phải nhắc đến chính là nhà văn, nhà báo đại tài Vũ Trọng Phụng.

Phong cách viết này trở thành một luồng gió mới trong nền văn học hiện thực và là điểm sáng khi nhắc đến văn của Jane Austen. Khác biệt hoàn toàn so với cách viết cường điệu lãng mạn, có phần hoa mĩ đang rất thịnh hành thời bấy giờ.

Những nhân vật nữ trong truyện của Jane, đa phần đều mang bên mình những cá tính vô cùng đặc biệt. Họ vượt qua mọi rào cản, định kiến ở những năm cuối thế kỷ mười tám và đầu thế kỷ mười chín vốn luôn đề ra những hình tượng nhân vật nữ luôn thùy mị, nết na.

Nhưng dưới góc nhìn của Jane Austen, mẫu người phụ nữ trên những trang sách kia trông có vẻ vẫn chưa thực sự được sống thật với chính bản thân họ.

Với khả năng quan sát nhạy bén cùng đầu óc văn chương vô cùng tinh tế, Jane đã xây dựng nên tuyến nhân vật nữ vô cùng bản lĩnh, đầy tự tin, đồng thời dám đứng lên đấu tranh cho khát vọng của riêng họ.

“Trí tưởng tượng của người con gái rất nhanh lẹ, nó nhảy từ sự ngưỡng mộ sang tình yêu, từ tình yêu sang hôn nhân chỉ trong một khoảnh khắc.”– Jane Austen

Vì vậy mà những tiểu thuyết của Jane Austen có mối liên hệ mật thiết với thời đại hiện nay.
Đây có lẽ là lí do giải thích tại sao thuở còn sống, thứ văn chương đầy táo bạo của bà lại ít được công chúng đón nhận.

Điều đặc biệt trong tiểu thuyết của Jane Austen không chỉ dừng lại ở khả năng xây dựng hình tượng nhân vật. Bà đã tài tình tạo nên một khung cảnh hài hước của giới trung lưu Anh quốc, bắt đầu xoáy sâu vào tính cách, mâu thuẫn giữa những người phụ nữ với bối cảnh xã hội mà họ đang sống.

Các tác phẩm của Jane Austen vô cùng bám sát với thực tế. Khi đọc, ta có thể dễ dàng bắt gặp được những nhân vật vô cùng đời thường, họ cũng đứng trước sự lựa chọn của danh vọng, tiền tài, vật chất hay thứ tình yêu bị chi phối bởi giai cấp, khuôn khổ.

Hình ảnh sách Kiêu hãnh và Định kiến
Từ đó, người đọc có thể dễ dàng hình dung được tầm quan trọng giữa tình yêu thương của gia đình và sự dày dặn kinh nghiệm trong cuộc sống để góp phần đúc khuôn nên những nhân vật hoàn chỉnh.

Các tác phẩm để đời của Jane Austen 

Hầu hết những người nghe đến danh của Jane Austen, người ta liền nghĩ ngay đến cuốn tiểu thuyết luôn nằm trong top những cuốn sách được yêu thích nhất, Kiêu hãnh và Định kiến. Nhưng ít ai biết được rằng, những tác phẩm khác cũng góp phần làm nên tên tuổi của bà như Lý trí và Tình cảm, Emma.

Hình ảnh sách Lý trí và Tình cảm
Bìa sách Lý trí và Tình cảm

Điểm chung của các tác phẩm này nằm ở chỗ đều được bà khắc hoạ hình tượng nữ giới vô cùng mạnh mẽ, quyết đoán, có chính kiến trong tình yêu. Bên cạnh đó là những chàng quý tộc lịch lãm làm bao cô gái mê đắm.

Harman, tác giả của cuốn sách Janes Fame đã từng dành rất nhiều lời khen cho sự sáng tạo trong cốt truyện của Jane Austen. 

“Nàng gặp chàng, nàng mất chàng, nàng tìm lại được chàng cùng với một tòa lâu đài lộng lẫy. Công thức ba hoặc bốn gia đình trong một ngôi làng nhỏ của các cuốn tiểu thuyết hầu như chỉ xoay quanh chuyện hôn nhân và tiền bạc, nhưng nó hấp dẫn hàng triệu người. Với chừng ấy yếu tố, Austen có đầy đủ các gia vị để tạo nên một tiểu thuyết lãng mạn ăn khách.”- Harman

Ngoài ra, cuốn sách Kiêu hãnh và Định kiến cũng đã được chuyển thể với bộ phim cùng tên. Đồng thời cũng đã giành chiến thắng tại lễ trao giải Điện ảnh Viện Hàn Lâm Anh Quốc cho đạo diễn và biên kịch xuất sắc nhất.

Cùng khát vọng về một tình yêu hạnh phúc

Khi đọc những tác phẩm của Jane Austen, người ta luôn thấy một cái kết vô cùng viên mãn. Vượt qua bao sóng gió, các nhân vật cũng đã tìm về với nhau, đây đồng thời cũng là niềm ao ước của Jane Austen khi mà dù đến cuối đời bà vẫn chưa kết hôn.

Đa phần những tuyến nhân vật nam mà bà viết nên được dựa trên hình mẫu mối tình đầu và cũng là duy nhất của bà, Thomas Langlois Lefroy hay còn được biết dưới cái tên Tom Lefroy.

Hình ảnh chân dung Tom Lefroy
Chân dung Tom Lefroy

“Không gì quyến rũ bằng sự dịu dàng của trái tim.” – Jane Austen

Khác hoàn toàn với những trang truyện, ngoài đời dù Jane Austen đã cố gắng đấu tranh vì tình yêu của mình, nhưng bà và Tom Lefroy vẫn không đến được với nhau. Điều này đã để lại một nỗi day dứt kéo dài đằng đẵng cho đến khi bà qua đời.

Chính vì vậy, mà hầu hết những quyển sách của Jane luôn là liều thuốc tinh thần giúp bà vượt qua nỗi đau hiện tại.

Cuộc đời đầy biến cố của bà cũng là niềm cảm hứng để đạo diễn Jullian Jarrold tái hiện lại trên màn ảnh rộng dưới cái tên Chuyện tình của Jane, do hai diễn viên vô cùng tài năng Anne Hathaway và James Mcavoy tham gia diễn xuất.

Hình ảnh trong phim Chuyện tình của Jane
Hình ảnh trong phim Chuyện tình của Jane

Với chi phí sản xuất chỉ 16,5 triệu USD, bộ phim đã mang về doanh thu gần 40 triệu USD và nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình.

Jane Austen qua đời ở tuổi tứ tuần, trong vòng tay của người chị em thân thiết Cassandra. Bà ra đi vì hội chứng suy thượng thận hay còn gọi là Addison. Sau khi Jane mất, có hai cuốn sách được xuất bản Northanger AbbeyThuyết phục.

Trong suốt đời mình, bà đã viết khoảng ba nghìn bức thư nhưng sau cái chết của em gái, Cassandra đã tự tay tiêu hủy gần hết, chỉ còn lại 161 bức. Mục đích là vì để bảo vệ những quan điểm cá tính của Jane Austen về đời sống xung quanh bao gồm cả hàng xóm và những người thân trong gia đình mình. 

Hình ảnh nhà thờ nơi Jane Austen an nghỉ
Nhà thờ lớn Winchester nơi bà an nghỉ

Đến nay, vẫn còn rất nhiều tranh cãi xoay quanh cái chết của Jane Austen. Nhưng tài năng và lí tưởng mà Jane để lại cho trần thế vẫn còn mãi với thời gian, với những hi vọng tràn đầy về một tình yêu chân chính, thứ mà bà vẫn còn đau đáu suốt cả cuộc đời.

Đông Nghi