Nói đến các câu chuyện ngôn tình nhưng không mang chiều hướng ủy mị, các độc giả thường hay nhắc đến nhà văn Phỉ Ngã Tư Tồn. Các tác phẩm văn học hiện đại của bà được người đọc, đặc biệt là những người theo trường phái thực tế, rât hoan nghênh.
Phỉ Ngã Tư Tồn đưa con chữ vào lòng người từ những tiểu thuyết mạng
Phỉ Ngã Tư Tồn, các bút danh trước đây của cô là Tư Tồn và Phí Tiểu Tồn, có tên thật là Ngải Tinh Tinh. Phỉ Ngã Tư Tồn, bút danh này được dịch tạm nghĩa là tôi đang ở đây, còn anh thì nơi bên kia chân trời.
Với các tác phẩm của mình, độc giả thường hay gọi bà với một danh xưng khá hài hước, “mẹ ghẻ” hoặc “mẹ kế”. Giữa thời đại công nghệ phát triển, ngày càng nhiều tác giả được công chúng biết đến, Phỉ Ngã Tư Tồn cũng xuất thân là một tác giả mạng.
Thế nhưng, khác hẳn với những câu chuyện nội dung quen thuộc và đại trà, các tác phẩm của Phỉ Ngã Tư Tồn vẫn luôn đọng trong lòng độc giả theo một chiều hướng vừa tiêu cực vừa tích cực bằng cốt truyện mới lạ.
Khi bà cho ra đời hơn 20 tác phẩm bi kịch tình yêu bao gồm cả tiểu thuyết và các tập đoản văn, tất cả số tác phẩm ấy đều phản ảnh những góc tối của cuộc sống, của xã hội và của những mối quan hệ.
Ngôi sao sáng của dòng truyện ngôn tình
Phong cách viết văn của Phỉ Ngã Tư Tồn vô cùng bình dị nhưng cũng không kém phần sáng tạo trong nội dung câu chuyện. Bà dùng những câu chuyện thường thấy, những vấn đề thường mắc phải mà mỗi cặp đôi yêu nhau đều phải trải qua ít nhất một lần – niềm tin và đại cục, để đưa vào trong tác phẩm của mình.
Mang theo đó chính là mạch văn da diết, cốt truyện mà Phỉ Ngã Tư Tồn mang lại cho người đọc luôn luôn là những cốt truyện mới mẻ không lẫn vào đâu được. Như khi đến với tác phẩm Công tắc tình yêu, nam chính cho nhau và để rồi mang lại một kết thúc cô đơn – một người ra đi, một người ở lại.
Chu Diễn Chiếu đã trớ trêu thay lại phải lòng cô em gái kế của mình, Chu Tiểu Manh. Tình yêu của họ mang theo những bồng bột tuổi trẻ, mang theo sự nồng nhiệt và hăng hái của những trái tim khát vọng yêu đương.
Thế nhưng, cuộc sống chưa bao giờ hồng hào và kết thúc có hậu như những thước phim của Disney Walt. Tình yêu của họ bị vùi dập bởi những ân oán, những sự cay nghiệt mà cả hai cố tình dành cho nhau và một kết cục đau đến chạnh lòng – kẻ đi người ở.
Tình yêu trong văn học của Phỉ Ngã Tư Tồn là một lời nói đánh động đến tâm hồn những con người đang đâm đầu vào tình yêu. Con người ai cũng phải trải qua ít nhất một lần sa ngã và một lần đau đớn trong biển tình bao la.
“Mẹ kế” đã rất tài tình trong việc sử dụng những chất dân gian trong văn chương của mình. Ví như khi đọc Đông cung, câu nói nước sông Quên đặng quên tình hay bài ca con cáo trên thảo nguyên dù chỉ xuất hiện duy nhất hai lần, ấy vậy mà, câu nói ấy như khắc một nét bút trong tâm hồn người đọc.
Tính thực tế trong truyện của Phỉ Ngã Tư Tồn được thể hiện qua cách bà đẩy những tâm hồn đang chìm đắm trong mối tình của mình vào trong những sự thật tàn khốc và đáng sợ mà họ chưa nhận ra.
Những con chữ của bà chính là những lời vạch trần cho một hiện thực rằng bất kể ai đi chăng nữa đều cũng không thể vì một người, hay vì một mối tình mà bỏ qua tất cả những trắc trở, những e ngại, những cấm đoán của cuộc sống.
Mặc dù là một tác giả luôn nắm giữ các kỉ lục doanh thu nhưng cùng với các tác phẩm ngược tâm của mình, đã trở thành nhân vật bị các độc giả căm ghét đồng thời cũng yêu thương. Bà đã vạch trần quá rõ một góc tối riêng biệt của tình yêu mà không chỉ ở thời trung đại như Thiên sơn mộ tuyết mà còn là của cuộc sống hiện đại ngày nay như Đừng nhắc em nhớ lại.
Văn chương của Phỉ Ngã Tư Tồn xuất hiện trên màn ảnh lớn
Lần đầu tiên trong sự phát triển của phim truyền hình, bi kịch tình yêu lại trở thành tác phẩm được các độc giả vô cùng hoan nghênh. Giả như nói các bộ phim ngôn tình chuyển thể chúng ta thường thấy đều có kết cục hạnh phúc cho nam chính, nữ chính và cả nam phụ, nữ phụ. Đến với kịch bản phim của Phỉ Ngã Tư Tồn, bà đã lật ra những sự thật tàn khốc đến từ góc nhìn của mình.
Thay cho những cái kết hạnh phúc, mặc dù gây khá nhiều tranh cãi, thế nhưng, các kết cục trong phim của bà luôn đi theo nguyên tác gốc – sự chia rẽ. Nếu nói đến màn ra mắt đình đám đến màn ảnh nhỏ, chúng ta không thể nào không nói đến bộ phim Giai kì như mộng, Thiên sơn mộ tuyết.
Đặc biệt hơn cả cho năm 2019 này, bộ phim chuyển thể gây chấn động nhất chính là Đông cung. Dự định chuyển thể từ năm 2016, ấy vậy mà Đông cung phải đến đầu năm 2019 mới được cho ra lò.
Xoay quanh chuyện tình dằn vặt giữa nàng công chúa Tiểu Phong xinh đẹp, phóng khoáng vùng Tây Châu, do Bành Tiểu Nhiễm thủ vai, cùng chàng thái tử Lý Thừa Ngân lễ độ, lịch lãm nhưng đầy dã tâm dưới lỗi diễn của Trần Tinh Húc.
Nương theo cốt truyện của bà, Đông cung, từ những con chữ lay động lòng người đã đến với các khán giả của mình bằng hình ảnh chân thực, sống động cùng các chất âm thanh dân dã, quen thuộc, chi tiết đến từng góc độ.
Không chỉ thế, kĩ xảo phim có thể chấp nhận được cùng với lối diễn xuất qua ánh mắt của Bành Tiểu Nhiễm và Trần Tinh Húc chính là những điều tạo nên thành công cho Đông cung.
Trở thành một trong những bộ phim ngôn tình đẫm nước mắt đáng xem nhất trong năm 2019, Đông cung được đánh giá như một bước chuyển lớn trong mảng phim chuyển thể.
Không chỉ riêng Đông cung, các tác phẩm khác của Phỉ Ngã Tư Tồn cũng đã được dự định cho ra lò, ví dụ như Công tắc tình yêu.
Tình yêu đối với mẹ ghẻ là dùng cả một trái tim, một tấm lòng
Ngực trái của con người ta khi yêu chỉ có thể lệch nhịp, có thể rung động bởi vì một người thương duy nhất. Song, Phỉ Ngã Tư Tồn cũng đưa ra một cái hố thật sâu như chờ chực các nhân vật của mình nhảy vào. Đó chính là sự tăm tối của cuộc sống, sự bế tắc trong những lần lựa chọn giữa cái tình và cái chung.
Những dòng văn ngược tâm của Phỉ Ngã Tư Tồn thường không khiến người đọc phải bật khóc hay chạnh lòng trước những câu chữ ấy. Bởi lẽ, chỉ khi ta đọc hoàn thiện cả một tác phẩm của bà và ngồi nghĩ ngợi những chuyện gì đó, những câu chữ ấy như ùa về trong trí nhớ của bạn.
Sự tái hiện của chúng trong kí ức của độc giả ấy chính là một nét thành công của Phỉ Ngã Tư Tồn. Hiếm có được một nhà văn mà sau khi đọc xong một tác phẩm, con người ta mới bắt đầu thấu hiểu được tác phẩm đó và rồi chạnh lòng bởi sự ngược tâm ấy.
Để rồi, từ đó, trái tim của họ nhận ra được những hiện thực tàn khốc mà mỗi người đều phải trải qua trên chặng đường tình cảm của mình. Nhìn lại, Phỉ Ngã Tư Tồn vẫn là một tác giả ngôn tình có tiếng trong lĩnh vực tiểu thuyết tình cảm.
Có thể nói các tác phẩm của mẹ ghẻ, từ tản văn cho đến tiểu thuyết, đều rất nổi tiếng với thế hệ trẻ muốn chọn lọc một tác phẩm ngôn tình thực tế. Tuy nhiên, những tác phẩm của bà thường được đánh giá như một bát súp gà cay xè ấm áp cho buổi tối, cái vị cay ấy sẽ hun đỏ đôi mắt của bạn bằng những con chữ ngược tâm.
Vy Lương
Vy Lương
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất