Bài ca ngất ngưởng vang lên như một lời tự bạch về cuộc đời Nguyễn Công Trứ, ông tự hào về tài năng và công danh đã đóng góp cho đất nước. Qua đó bộc lộ nét tài tử, phong cách sống phóng khoáng của vị quan đa tài.

Chỉ với mười chín câu thơ, tác giả đã khái quát đầy đủ về cuộc đời đầy bản lĩnh, giàu cá tính. Dẫu rằng khi làm quan, ông không thể sống một cách tự do mà vẫn phải tuân thủ những luật lệ của triều đình. 

Sau khi rời khỏi cái khuôn khổ chật hẹp, nhà thơ đã ngay lập tức thể hiện phong cách sống ngạo nghễ, tự do. Theo các nhà phê bình, dựa vào cống hiến của ông trong ba mươi năm thì thái độ đó là hoàn toàn đúng đắn.

Vị quan ở tuổi bốn mươi mốt Nguyễn Công Trứ

Nguyễn Công Trứ có biệt hiệu là Hi Văn, người làng Uy Viễn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ nhỏ, ông đã sống trong cảnh nghèo khó nhưng luôn nuôi ý tưởng giúp đời, lập công danh. 

Nguyễn Công Trứ làm quan lúc bốn mươi mốt tuổi
Nguyễn Công Trứ làm quan lúc bốn mươi mốt tuổi

Đến năm 1819, khi đã bốn mươi mốt tuổi thì Nguyễn Công Trứ mới thi đỗ Giải nguyên và được bổ làm quan. Ông nổi tiếng là bậc thanh liêm, tài trí hơn người, không nề hà trước bất kì thế lực nào trong chốn quan trường.

Tuy quãng đời làm quan gặp nhiều thăng trầm nhưng với bản chất thiện lương, tính tình phóng khoáng cùng tư tưởng kiên định, Nguyễn Công Trứ vẫn là một vị quan công minh, hết lòng vì dân, vì nước. 

Xu hướng văn chương của Nguyễn Công Trứ

Tách biệt với chiều hướng phát triển chung của trào lưu nhân đạo đương thời, Nguyễn Công Trứ không nép theo khuôn khổ mà nhận thức sâu sắc về cá nhân, khao khát bày tỏ chí hướng giữa cuộc đời. 

Tất cả đã tạo nên hình ảnh một vị quan với tâm thế ngất ngưởng, chuộng lối sống tự do nhưng không lơ đãng với cuộc đời mà có chí khí nam nhi, khiến mọi người kính nể. 

“Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc,

Nợ tang bồng vay giả, giả vay.

Chí làm trai nam bắc đông tây,

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.” – Nguyễn Công Trứ (Chí làm trai)

Theo dòng chảy của văn học trung đại, các cụm từ “mật mã nghệ thuật” như chí nam nhi, công danh, trung hiếu thường xuyên được giới tri thức đương thời nhắc đến. Về sau, Nguyễn Công Trứ đã “điền” vào những khái niệm đó bằng chính cuộc sống của mình.

Trong sự nghiệp thơ ca, hình ảnh của Nguyễn Công Trứ gắn liền với lòng tự tôn dân tộc. Dù là một vị Giải nguyên giỏi chữ Hán nhưng thơ ông hầu hết viết bằng chữ Nôm, thể hiện sự gần gũi với con người Việt Nam.

“Ông làm thơ toàn bằng tiếng nói của nhân dân, dùng nhiều tục ngữ, ca dao, tiếng địa phương, cốt tìm ra cách diễn đạt thích hợp, sinh động, dễ đi vào lòng người.” – Trương Chính

Những áng văn chương được ông thể hiện bằng nhiều loại hình khác nhau như phú, hát nói, thơ Đường luật. Kết hợp là tứ thơ phong lưu tài tử, tâm thế “ngất ngưởng” luôn thể hiện trong các sáng tác đậm chất đời của Nguyễn Công Trứ.

Ông là một nhà nho tài tử với lý tưởng “trí quân trạch dân” nên các sáng tác đều xoay quanh quan niệm công danh tích cực như Chí làm trai, Chí nam nhi, Đi thi tự vịnh.

“Suốt đời thương dân, lo nước, Nguyễn Công Trứ đem hết tài năng và nghị lực của mình phục vụ cho đất nước.” – GS. Hà Văn Tấn

Ẩn sâu trong những tác phẩm của ông là nét văn phóng khoáng, tư tưởng tự do. Bằng tài năng và bản lĩnh, kiệt tác Bài ca ngất ngưởng cũng theo đó mà ra đời, tạo nên nét đột phá trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Công Trứ.

Bài ca ngất ngưởng và cảm hứng chủ đạo của tác phẩm

Với cá tính sáng tạo và tài năng xuất chúng, Nguyễn Công Trứ đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp sáng tác. Về sau, ông đã thể hiện điều đó qua sáu mươi bài hát nói.

Bài ca ngất ngưởng là một kiệt tác trong nền thơ ca dân tộc, cả bài gồm mười chín câu liên kết chặt chẽ với nhau, chất thơ hòa cùng chất nhạc rất hấp dẫn.

Thể hát nói được giới chuyên môn đánh giá là công cụ truyền tải những quan niệm nhân sinh, thế giới quan của tầng lớp nho học. Ở thời đại bấy giờ, các nhà nho tài tử đã luôn ấp ủ ước mơ, khao khát khẳng định cái tôi trên nền văn học. 

Tuy nhiên, để có thể sử dụng thể loại này một cách điêu luyện thì phải có cái tài, tư tưởng dẫn đầu xu thế của một nhà nho chân chính. Điều này đã được Nguyễn Công Trứ hoàn thành xuất sắc qua Bài ca ngất ngưởng.

Trong thi ca và đời sống, cái tôi luôn được Nguyễn Công Trứ thoải mái bộc bạch. Điều đó dường như được nối tiếp từ nữ sĩ Hồ Xuân Hương khi bà cũng là một trong những người sở hữu nhân cách cao cả cùng sự sáng tạo vượt bậc.

Đạt được những thành công lẫy lừng trên hành trình đi tìm câu trả lời về “công danh”, nhà thơ càng có thêm niềm tin để “ngạo nghễ” với đời. Ông đưa tâm thế “ngất ngưởng” vào thơ, kể trực diện qua Bài ca ngất ngưởng

Từ “ngất ngưởng” trong thơ đã được nhiều nhà phê bình văn học đem ra “mổ xẻ” để tìm hiểu về ý nghĩa. Hiện nay, từ ngữ ấy được hiểu theo hai nghĩa được cho là phù hợp với hoàn cảnh bấy giờ của nhà thơ.

Ở mặt cắt thứ nhất, “ngất ngưởng” xuất hiện mới lạ trên nền thơ văn học trung đại. Nó được hiểu là từ ngữ chỉ tư thế không vững, giới chuyên môn cho rằng đây là sự ẩn ý về cuộc đời đầy biến động của tác giả.

Ở lớp nghĩa thứ hai, từ ngữ này như đang phản ánh thái độ của tác giả đối với cuộc đời. Ông hài lòng với những đóng góp to lớn cho xã hội và phong cách sống độc lập, tự tin.

Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ được đánh giá nghiêng về nét nghĩa thứ hai nhiều hơn, nó đảm nhiệm vai trò chính trong việc làm nổi bật chủ đề của tác phẩm.

Nguyễn Công Trứ ngất ngưởng trong sự đa tài

Bài ca như lời tự bạch của Nguyễn Công Trứ bởi nhân vật trong tác phẩm gần như trùng khớp với ông. Có thể xem đây là một bài tự vịnh, khi nhà thơ dùng con chữ để trực tiếp viết về mình.

“Vũ trụ nội mạc phi phận sự

Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng

Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng”.

Ở câu thơ đầu tiên toát lên giọng điệu trang trọng, khẳng định lý tưởng nam nhi mà ông tâm niệm cả đời. Trời đất bao la, chẳng có việc gì không thuộc nhiệm vụ của người con trai.

“Vũ trụ giai ngô phận sự” – Nợ tang bồng

Ông cho rằng con người sinh ra đều do ý trời “Thiên địa sinh ngô nguyên hữu ý” nên phải gánh vác việc đời. Cụ thể, nhà thơ bày tỏ trạng thái tràn trề nhiệt huyết với lý tưởng cao cả của bậc nam nhi một lòng vì nước, vì dân.

“Vũ trụ chức phận nội” – Gánh trung hiếu

Ở đây, Nguyễn Công Trứ luôn tự tin và cho rằng bất cứ việc gì cũng có thể đảm nhiệm, bởi ông thấm nhuần tư tưởng của những bậc quân nhân:

“Nam tử hán, đại trượng phu

Đầu đội trời, chân đạp đất”

Câu thơ mở đầu đã lồng ghép bài học quý giá về triết lý sống, đất nước muốn vững mạnh thì còn phụ thuộc vào trách nhiệm mỗi cá nhân. Điều này rất đáng trân trọng khi quan niệm tiến bộ của Nguyễn Công Trứ đã đi trước thời đại.

“Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng”

Ở câu thơ thứ hai, độc giả dễ dàng nhận thấy tác giả đang tự viết về mình, bởi Hi Văn là biệt hiệu của ông. Trước Nguyễn Công Trứ cũng đã có nhiều bậc vĩ nhân tự xưng danh trong thơ của mình.

“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi

Này của Xuân Hương đã quệt rồi.” – Mời trầu (Hồ Xuân Hương)

Nền văn học trung đại không chỉ có mỗi bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương hay Nguyễn Công Trứ tự bộc bạch mà còn có cả Nguyễn Du, ông nhắc đến danh xưng bằng một nỗi buồn kéo dài nhiều thập kỷ trong Độc Tiểu Thanh Ký:

“Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” (Độc Tiểu Thanh Ký – Nguyễn Du)

Tuy nhiên, không ai tự tin và dám khẳng định tài năng như ông Hi Văn. Hai chữ “tài bộ” bộc lộ tài hoa, kèm với đó là thái độ ngạo nghễ của nhà thơ. Từ “vào lồng” vang lên nghe thật ngậm ngùi khi ông rơi vào cảnh tù túng chốn quan trường. 

“Vào lồng là vào khuôn phép vua chúa cái nơi chật hẹp, tù túng trái với cái tài đội trời đạp đất của ông.” – Lê Trí Viễn

Trái lại, thái độ của nhà thơ lại tự tin đến lạ thường, câu thơ thứ hai văng vẳng giọng điệu kiêu ngạo xen lẫn thách thức, ông xem việc “vào lồng” là cơ hội để thể hiện tài trí của mình.

“Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng”.

Nguyễn Công Trứ đã khoe những danh vị đáng tự hào từng đảm nhiệm như Thủ Khoa, Tham tán, Tổng đốc Đông. Điệp từ “khi” đã làm tốt vai trò liệt kê để độc giả có thể điểm lại cuộc đời tài ba của bậc quân nhân.

Sự tài ba hình thành nên thái độ ngạo nghễ của Nguyễn Công Trứ trong Bài ca ngất ngưởng
Sự tài ba hình thành nên thái độ ngạo nghễ của Nguyễn Công Trứ

Năm 1819, ông đỗ Thủ khoa trường Nghệ An và được bổ nhiệm làm quan võ, giữ chức Tham tán, sau làm quan văn, gọi là Tổng đốc Đông. Nổi tiếng với văn võ song toàn, tài trí tinh anh, ông trở thành “tay ngất ngưởng” hơn đời.

Những chức danh mà ông đề cập không sáo rỗng mà hoàn toàn là sự thật. Nhà thơ ý thức một cách rõ nét về tài hoa và những cống hiến, nỗ lực của bản thân trong suốt cuộc đời. 

Ông làm những điều đó đều dựa vào tài trí và đó cũng chính là cơ sở để khẳng định lí tưởng, công danh, hình thành tâm thế ngất ngưởng lúc bấy giờ của Nguyễn Công Trứ.

Trong cái khuôn khổ xoàng xĩnh chốn quan trường, tác giả đã vươn lên đầy kiêu hãnh với những khả năng xuất chúng. Nếu đem công trạng để làm thước đo thì vị quan này đã hoàn thành mực thước ấy một cách trọn vẹn. 

Sự cao ngạo sau khi rời chốn quan trường của Nguyễn Công Trứ

Ở những câu thơ tiếp theo, ý thơ như mở rộng để tác giả khẳng định mình một cách đầy tự hào.

“Lúc bình Tây cờ đại tướng,

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên

Đô môn giải tổ chi niên

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng”

Thời loạn lạc, đất nước bị xâm lược, ông ra trận nắm giữ ba quân “Bình Tây cờ Đại tướng” và đến thời bình thì đóng góp sức mình giúp vua làm “Phủ doãn Thừa Thiên”. 

Nhịp thơ vẫn đi đều dù các chức danh ông liệt kê xuất phát từ những chiến công hiển hách, giọng điệu lại chẳng mảy may quan tâm đến tiếng tăm vang dội với danh xưng như Đại tướng bình Tây.

Thế nhưng, nhà thơ chỉ gọi vắn tắt là “bình Tây cờ đại tướng”, thái độ hết sức bình thản và không đề cao bản thân trước ngôi vị như thế. Vì quan niệm của ông không cho phép lấy vinh hoa phú quý làm trọng, cốt là ở cái tâm.

“Lúc làm Đại tướng, ta chẳng lấy thế làm vinh, lúc làm lính thú, ta cũng chẳng lấy thế làm nhục.” – Nguyễn Công Trứ

Sau những năm tháng thăng trầm chốn quan trường, Nguyễn Công Trứ đã rời bỏ nơi xa hoa, tìm về sự bình yên ở quê nhà khi đã bảy mươi tuổi. Việc đó đã tạo nên một vị quan rất đỗi đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam.

Ông trở nên ngông nghênh, lập dị trong mắt của kẻ tầm thường. Nhiều nhà phê bình cho rằng đó là sự cao ngạo có dàn xếp để đặt mình lên trên với mục đích vượt qua “dư luận” thời bấy giờ.

Với công chúng, khi cảm thụ nét thơ một cách tinh tế thì ý tứ của nhà thơ còn vượt xa hơn. Sau khi lui về cuộc sống đời thường, ông đã có một hành động hết sức thú vị, khiến nhiều người phải bất ngờ.

Nguyễn Công Trứ đã cưỡi bò cái vàng bằng đạc ngựa, với từ “ngất ngưởng” như tô đậm thêm dáng ngồi ngông nghênh, đầy vẻ khiêu khích, châm chọc với thiên hạ.

Ông bày tỏ sự khinh bạc với những kẻ thấy được mặt tối u ám nơi quan trường nhưng chẳng đủ can đảm dứt bỏ sự phồn hoa chốn ấy, không dám sống một cuộc đời tự do.

Vị đại quan thuở nào xông pha trận mạc cùng kị binh oai hùng nhưng nay lại muốn giễu cợt đời bằng hành động cưỡi bò vàng. Một sự thách thức công khai với “miệng đời” mà đến ngày nay dân gian vẫn truyền miệng bài thơ nhắc nhớ:

“Xuống ngựa, lên xe, nọ tưởng nhàn.

Lợm mùi giáng chức với thăng quan.

Điền viên dạo chiếc xe bò cái,

Sẵn tấm mo che miệng thế gian”

Bốn câu thơ trên đã cho thấy niềm tự hào về tài năng văn võ song toàn, tuy vậy ông không xem nó là cột mốc vẻ vang mà chỉ coi đó là điều nên làm. Cái sáng giá của đoạn thơ trên xuất phát từ thái độ vô tư, chân thành của nhà thơ.

Nguyễn Công Trứ thể hiện nét đời phiêu du trong Bài ca ngất ngưởng

Bỏ lại ánh hào quang của một thời trai tráng, chí khí anh hùng. Giờ đây nhà thơ  đưa tâm trí vào mây trời gió lộng, thả mình vào trạng thái bồng bềnh và phiêu du.

“Kìa núi nọ phau phau mây trắng,

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.

Gói tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.”

Điểm chấm hình ảnh thiên nhiên vào bài thơ, tác giả đã thành công đưa trạng thái “ngất ngưởng” lên một tầm cao mới. Có chút gì đó phiêu lãng của kẻ du mục đang nhìn ngắm lại cơ đồ trong suốt cuộc hành trình dài.

Mây trắng tồn tại trong văn học như một biểu tượng của cuộc sống ẩn dật thanh cao, vứt bỏ muộn phiền. Đọc câu thơ đầu, thấp thoáng những suy tư miên man, trầm lắng về cuộc đời.

Tuy nhiên, nếu xét thái độ của Nguyễn Công Trứ xuyên suốt bài thơ thì cảm xúc như được nâng lên theo chiều hướng tích cực hơn. Ông đã đưa những nét tương phản gay gắt như bò vàng đeo đạc ngựa, tay kiếm cung mà từ bi.

Điều đó khiến thần tiên như bụt cũng cảm thấy nực cười, cách nói này khiến hình ảnh nhà thơ trở nên thú vị với khiếu khôi hài. Ngòi bút tinh tế, nhạy bén trong văn chương của tác giả được thể hiện qua nụ cười của bụt.

Đó sự ẩn dụ thay cho cái lắc đầu ngán ngẩm, dèm pha của người đời lúc bấy giờ về phong cách sống của Nguyễn Công Trứ, bởi hành động ông làm khác thường và đối nghịch với những quan điểm Nho giáo xưa.

Thái độ bình thản hình thành từ ý thức cái tôi rất riêng của nhà thơ

Bốn mươi năm phụng sự và cống hiến hết mình cho đất nước, Nguyễn Công Trứ đã giữ vững cái tâm sáng giữa chốn danh lợi với thái độ bình thản, chú trọng khẳng định “nghĩa vua tôi”.

Thái độ của nhà thơ được hình thành từ ý thức cá nhân
Thái độ của nhà thơ được hình thành từ ý thức cá nhân

Có lẽ hình thành trong tiềm thức sâu xa, ông không quan tâm đến danh lợi phù du ở đời. Tâm thế vị quan lúc nào cũng điềm nhiên mặc lời nói thiên hạ:

“Được mất dương dương người tái thượng,

Khen chê phơi phới ngọn đông phong.

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,

Không Phật, không tiên, không vướng tục.”

Một người yêu thích sự tự do, tính cách phóng khoáng như Nguyễn Công Trứ luôn coi trọng thực tế, biết thưởng thức những thú vui trong cuộc đời như thưởng ngoạn thiên nhiên, ca hát, uống rượu và đặc biệt là chuyện tình ái.

Ông đã bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu của thiên hạ để đổi lấy cảm giác bình thản, chọn cách sống nhàn nhã cùng các thú vui rất đời thường, thậm chí vượt qua những định kiến gò bó đương thời.

Một vị đại quan của triều Nguyễn mang cá tính độc đáo, nét phong tình của tài tử. Ông có niềm kiêu hãnh về tài đức thì mới hình thành nên thái độ như thế, dám sống vượt lên trên mọi cổ tục, mọi lời thị phi.

Bằng cách ngắt nhịp 2/2 và biện pháp điệp từ, câu thơ mang nhạc điệu độc đáo. Chất thơ, chất nhạc hòa quyện cùng nhau góp phần bộc lộ phong thái ung dung, lạc quan của tác giả.

Nguyễn Công Trứ cho rằng mình “Không Phật, không tiên, không vướng tục” và cảm thấy hài lòng vì điều đó. Ở thời mà người dân còn cuồng tín thì việc trở thành Phật, thần tiên là mong muốn của nhiều người.

Đối với nhà thơ thì khác, họ là những mẫu hình hoàn hảo của nhân gian, ở trong một thế giới siêu nhiên nào đó. Ông thì chỉ là một người bình thường có khao khát tận hưởng trọn vẹn những thú vui ở thế gian.

Tuy không hướng đến cuộc sống như thần thánh nhưng ông cũng giữ mình trước những ham muốn của đời, không sa đọa hay bon chen trước tư lợi, vinh hoa.

Nguyễn Công Trứ đã khẳng định bản lĩnh cá nhân trước vua chúa, quan lại thời đó bằng sự tài hoa, phong lưu. Ông khác với những kẻ bị khống chế bởi hư vinh, chọn cách đối mặt với cuộc đời bằng niềm tin ở bản thân.

Tác giả đã có phong cách sống “ngất ngưởng” vì bản thân có những đóng góp to lớn với đất nước. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của nam nhi, ông cho phép mình được tận hưởng những thú vui ở đời. 

Mặc kệ khen chê, ông cho rằng chuyện được mất là lẽ tất yếu ở nhân gian nên “dương dương người thái thượng” rồi “phơi phới ngọn đông phong”. Từ đó hình thành một lối sống thanh nhàn với cái ngông ngạo nghễ.

Tấm lòng trung thành son sắt của Nguyễn Công Trứ 

Nhiều người nghĩ rằng Nguyễn Công Trứ ở chốn quan trường luôn nghiêm túc hoàn thành lý tưởng cá nhân nhưng thực chất bản tính chuộng tự do vẫn luôn nhất quán trong ông. 

Bài ca ngất ngưởng là tấm lòng trung thành của một vị quan đa tài
Tấm lòng trung thành của một vị quan đa tài

Khi trở thành hưu quan, hòa nhập với cuộc sống đời thường, nhà thơ mới có điều kiện để thể hiện lối sống ung dung, tự tại. Trong những lời thơ tổng kết, sự hài lòng ở hiện tại được thể hiện:

“Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú,

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung,

Trong triều ai ngất ngưởng như ông!”

Lối sống chuộng tự do nhưng trước sau ông vẫn là một nhà Nho yêu nước, luôn tâm niệm “Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung”, qua đó tự khẳng định mình là người trung thần đã làm tròn đạo vua tôi, thể hiện trong Nợ tang bồng:

“Chí tang bồng hẹn với giang san,

Đường trung hiếu, chữ quân thân là gánh vác”. – Nợ tang bồng

Ông cống hiến cho đến năm bảy mươi tuổi mới cáo quan về ở ẩn, điều này đồng nhất với quan niệm về chí làm trai “Vũ trụ nội mạc phi phận sự” được nêu ở phần đầu tác phẩm.

Với phép so sánh ngang hàng các bậc anh hùng như Trái Tuân, Nhạc Phi, Hàn Kì, Phú Bật tài giỏi đời Hán, đời Tống bên Trung Quốc. Nguyễn Công Trứ một lần nữa khẳng định tài năng lỗi lạc cùng những đóng góp to lớn cho đất nước.

Từ đó, tác giả đã kết thúc bài hát nói bằng cách xưng “ông” đầy tự tin, khí thế đĩnh đạc “Trong triều ai ngất ngưởng như ông”, đây là thái độ sống đầy thách thức với những định kiến của xã hội đương thời.

Trước mỗi cái ngất ngưởng, ông đều nhấn mạnh những chiến công hiển hách và chức danh oai phong. Điều đó cho thấy, nhà thơ tự hào với cuộc sống tự do của bậc tài tử, không ngần ngại khẳng định tài năng lẫn nhân cách.

Nhân cách cao đẹp của nhà nho chân chính trong Bài ca ngất ngưởng

Dù cho thời gian có làm nhòa đi bóng hình của một nhà nho tài ba nhưng vẻ đẹp trong tâm hồn vẫn tỏa sáng muôn đời. Nguyễn Công Trứ đã khiến cho dân chúng nể phục bởi quan điểm và hướng đi đúng đắn trên con đường danh lợi.

Bài ca ngất ngưởng đã thể hiện bản lĩnh cá nhân của tác giả luôn làm những điều khác thường, không phù hợp với khuôn phép của một vị quan lớn. Ông luôn tự đắc với những thành tựu đã đóng góp cho đất nước.

Bài ca ngất ngưởng khắc họa bức tranh tiêu biểu một nhà nho chân chính
Bài ca ngất ngưởng khắc họa bức tranh tiêu biểu một nhà nho chân chính

Nguyễn Công Trứ đã dùng tài trí tinh anh để cống hiến trong công cuộc xây dựng đất nước, dám thể hiện cá tính vượt lên trên thời đại. Tất cả yếu tố đó đã tạc nên hình tượng ông Hi Văn với những phẩm chất và nhân cách cao đẹp của một nhà nho chân chính.

Tác giả đã đạt thành công về giá trị nghệ thuật với sự chuyển đổi luân phiên vần bằng, trắc, biến hóa tài tình trong nhịp ngắt, pha trộn ngôn từ Hán Nôm, cùng các từ láy, điệp từ khiến độc giả không cảm thấy có sự gò bó trong thơ.

Nền văn học trung đại rộng lớn với nhiều triết lý nhân sinh nhưng đâu đó ước mơ chinh phục thế sự vẫn còn dang dở, đôi lời chia sẻ thẳng thắn về chốn quan trường luôn được các nhà nho gửi gắm trong tác phẩm.

Nguyễn Công Trứ khẳng định quan niệm của mình bằng giọng điệu “ngất ngưởng”, có phần hóm hỉnh. Ý tưởng lớn gặp nhau nhưng ở Cao Bá Quát, nhịp thơ có phần u buồn, cô đơn hơn trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát:

“Bãi cát dài bãi cát dài ơi

Đi một bước như lùi một bước

Mặt trời đã lặn chưa dừng được

Lữ khách trên đường nước mắt rơi.” – Bài ca ngắn đi trên bãi cát (Cao Bá Quát)

Cao Bá Quát đã phác họa hình ảnh thực tế đầy gian khổ khi bước đi trên con đường danh lợi. Đó là cuộc hành trình dài đầy khó khăn khiến nước mắt của những người trí thức phải rơi. 

Nếu ở Bài ca ngất ngưởng, Nguyễn Công Trứ dùng nụ cười của bụt làm hình ảnh ẩn dụ cho sự dèm pha của miệng đời thì Cao Bá Quát tinh tế dùng chi tiết giọt nước mắt để khóc thương cho thời đại.

Đích đến chung của những nhà nho chân chính đương thời hướng đến, đó là trở thành quan chức và phụng sự đất nước. Tuy vậy, cả hai nhà thơ lớn đều cảm thấy bị gò bó, chèn ép nơi triều đình.

Nguyễn Công Trứ đã chọn cách đối diện với thực tế, hòa nhập nhưng không hòa tan. Ông đã mặc kệ chuyện đời, tập trung vào hướng đi và sống hết mình vì điều đó.

Ở Cao Bá Quát, trước hiện thực phũ phàng, nhận ra việc làm quan không phải con đường thành công duy nhất. Vì vậy, ông đã chọn cho mình một lối đi khác, dũng cảm bước ra khỏi vòng xoáy danh lợi.

Cả hai tác giả đều có phong cách riêng để thể hiện tiếng nói nhưng chung quy, họ đã mạnh mẽ vượt lên trên thời đại, có những quan niệm tiến bộ vượt bậc về con đường danh lợi và trở thành biểu tượng của các nhà nho chân chính.

Giai Kỳ