Đỗ Phủ là một trong những tên tuổi tài năng và tiêu biểu bậc nhất của nền Văn học Trung Quốc. Được mệnh danh là bậc “thánh thơ”, ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm giàu giá trị nhân văn sâu sắc, lay động cả tâm hồn người đọc. Đặc biệt là tác phẩm thi ca Cảm xúc mùa thu.

Dù tả cảnh hay phác họa chân dung tâm trạng con người, thơ Đỗ Phủ đều phảng phất nỗi buồn man mác tựa khói sương. Khi viết Cảm xúc mùa thu, Đỗ Phủ không chỉ vẽ nên bức tranh thu hiu hắt mà còn gửi gắm vào đó nỗi ngậm ngùi, xót xa.

Bậc thánh thơ Đỗ Phủ và tác phẩm Cảm xúc mùa thu

Đỗ Phủ sinh năm 712 trong một gia đình làm quan và có truyền thống thơ văn lâu đời ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ông có biểu tự là Tử Mỹ, hiệu Thảo Đường hay Thiếu Lăng Dã Lão.

Tuổi thơ Đỗ Phủ không mấy trọn vẹn khi mẹ mất sớm, bản thân phải sống với bố và ông nội. Cả hai đều thuộc tầng lớp tri thức cao, có vốn kiến thức về thơ ca sâu rộng.

Tuy vắng bóng tình yêu thương cùng sự bảo ban của mẹ nhưng Đỗ Phủ vẫn được hưởng sự giáo dục rất tốt từ phía người cha. Ông tiếp xúc với các tác phẩm lịch sử nổi tiếng, thi ca và cả triết học Khổng giáo ngay khi còn bé.

Chính vì thế, niềm đam mê thơ ca sớm nảy nở trong tâm hồn Đỗ Phủ. Tương truyền rằng ngày thơ ấu, ông đã có thể sáng tác những tác phẩm rất hay và đặc sắc.

Đỗ Phủ được gia đình hướng theo con đường làm quan nên đã ra sức mài dũa kinh sách không kể ngày đêm. Thế nhưng khi đặt chân đến Trường An dự thi, ông vẫn bị đánh trượt. 

Vì để nghỉ ngơi nên sau đó, Đỗ Phủ quyết định đi ngao du sơn thủy và có duyên gặp mặt Lý Bạch, tuy chỉ gặp gỡ ít lần nhưng cả hai vẫn kịp làm thơ về nhau.

“Thu lai tương cố thượng phiêu bồng

Vị tựu đan sa quý cát hồng.

Thống ẩm cuồng ca không độ nhật,

Phi dương bạt hộ vị thuỳ hùng?” – Tặng Lý Bạch (Thu lai tương cố thượng phiêu bồng)

Những ngày tháng ngao du đã làm tâm hồn nhà thơ trở nên phong phú và sâu sắc hơn, khiến ông nhìn đời bằng đôi mắt của một người từng trải dạn dày gió sương. 

Cũng trong quãng thời gian này, Đỗ Phủ tích cực sáng tác và cho ra đời nhiều bài thơ đặc sắc trứ danh như Họa ưng, Tráng du, Vọng nhạc hay Phòng binh tào Hồ mã.

Tuy còn trẻ nhưng thơ Đỗ Phủ có sức nặng rất riêng, nó được kết tinh từ tinh hoa thi ca ngày còn bé và vốn kiến thức, trải nghiệm sâu rộng mà khó nhà thơ nào sánh nổi. 

Đỗ Phủ cũng từng làm quan nhưng chỉ được nắm chức vị nhỏ là trông coi kho vũ khí, sau thì được vua Đường Túc Tông ban cho vị trí gián quan. Lúc bị miễn chức, ông đã cùng gia đình trở về Thành Đô.

Đỗ Phủ là người có tài, chí lớn nhưng số phận lại vô cùng lận đận, gần như chỉ gắn liền với bệnh tật và đau khổ. Cũng chính vì thế mà giọng thơ ông lúc nào cũng trầm uất, nghẹn ngào như có điều gì khó nói ra.

Là người có vốn sống sâu sắc, trải qua mọi cung bậc và thăng trầm cuộc sống nên Đỗ Phủ thấu hiểu hơn ai hết nỗi khổ của đông đảo tầng lớp nhân dân. Ông viết văn để ký thác những bi thương của mình và người đời.

Đỉnh cao sự nghiệp thơ ca Đỗ Phủ là ở thời kỳ Bắc Tống, gắn liền với sự phát triển Tân khổng giáo. Nhà thơ sáng tác như để khẳng định rằng, dù có sống trong hoàn cảnh môi trường nào thì ông luôn ghi nhớ bậc quân vương đời mình. 

Thơ Đỗ Phủ rất giàu ý nghĩa hiện thực khi xoay quanh ba chủ đề chính là tinh thần phản kháng cường quyền, lòng thương dân và tình yêu dân tộc. Tất cả những khía cạnh ấy được thể hiện thông qua cuộc đời đau khổ in hằn lên trang giấy của ông. 

Năng khiếu thơ ca của bậc “thánh thơ” không phải tự nhiên mà có, nó là kết quả của ý chí trau dồi chữ nghĩa cùng bao năm tháng lăn lộn chịu khổ với nhân dân. 

Tài năng văn học của thi nhân không bị bó buộc ở một thể loại nào nhất định nhưng được bộc lộ một cách rõ ràng nhất qua cận thể thi. Năng khiếu thơ ca đã chắp cánh cùng tâm hồn nhanh nhạy, đưa trang thơ ông bay lên cao vút. 

Đỗ Phủ là bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ, từng chữ ông viết ra đều mang giá trị biểu đạt và truyền cảm cao. Lời thơ tuy cô đọng mà vẫn rất mực khoáng đạt, giàu nhịp điệu.

Bậc thánh thơ Đỗ Phủ và tác phẩm Cảm xúc mùa thu 

Nhà thơ đã để lại cho đời hơn 1400 bài thơ, bao gồm cổ thể thi và cận thể thi. Các tác phẩm tiêu biểu là Nguyệt dạ, Xuân vọng, Ẩm trung bát tiên ca hay chùm thơ Thu hứng.

Trong đó, Cảm xúc mùa thu là bài thơ mở đầu Thu hứng, được sáng tác vào năm 766 khi nhà thơ cùng gia đình chạy loạn và phải sống ở Quỳ Châu trong cảnh sức yếu, bệnh tật.

Bài thơ không đơn thuần chỉ là một bản phác họa về cảnh thu hắt hiu, ảm đạm mà còn thể hiện một cách kín đáo nỗi buồn man mác trong tim tác giả trước sự hoang tàn do chiến tranh gây ra. 

Bức tranh phong cảnh mùa thu nhuốm màu ảm đạm

Thiên nhiên không phải là đề tài quá xa lạ trong sáng tác của người nghệ sĩ. Nếu mùa xuân mang đến không khí tươi mới và rộn ràng thì mùa thu lại có chút gì đó lặng mình, tĩnh lặng, trầm ngâm khó tả. 

Đi qua năm tháng tuổi trẻ với biết bao vui buồn, giờ đây Đỗ Phủ như mặt hồ trầm mặc, tuy không thể hiện những gợn sóng nhưng trong lòng vẫn đọng nỗi phiền ưu. 

Qua bản dịch của Nguyễn Công Trứ, cảnh sắc mùa thu dưới ngòi bút Đỗ Phủ hiện ra vằng vặc trước mắt độc giả. Nó tựa bức tranh thủy mặc chỉ gồm màu sắc của sương và lá phong. 

Tài năng quan sát của nhà thơ được bộc lộ rất rõ khi chọn góc tả từ trên cao, khiến cảnh vật mang dáng vẻ trùng điệp. Nhờ đó mà cảnh thu hiện ra vô cùng rộng lớn và có chiều sâu.

“Lác đác rừng phong hạt móc sa,

Ngàn non hiu hắt, khí thu loà.”

Tài năng thơ ca ấy còn có dịp thăng hoa bằng nghệ thuật dùng từ “ngọc lộ”. Trong cái nhìn nhà thơ, màu đỏ rực nơi rừng phong phủ lên mình lớp áo mỏng mờ ảo từ những giọt sương vương lại sớm mai, báo hiệu không khí thu đang về. 

Chính cách tả cảnh này khiến bài thơ của Đỗ Phủ có phần khác lạ so với các sáng tác thời trước, bởi cảnh thu xưa nay xuất hiện trong văn chương đều được miêu tả với hình ảnh ước lệ là rừng phong đỏ sẫm.

“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.” – Phong Kiều Dạ Bạc

Thế nhưng trong Cảm xúc mùa thu, thi nhân chọn cách trộn hai gam màu lại với nhau, nhuốm sắc u buồn ảm đạm vào cảnh thu. 

Đỗ Phủ còn nhắc đến vùng Vu sơn và Vu giáp, vốn là các địa điểm nổi tiếng ở Quỳ Châu với vẻ đẹp hoành tráng, kì vĩ. Việc sử dụng tên địa danh cụ thể không chỉ khiến bài thơ trở nên đặc biệt mà còn gợi biết bao xúc cảm trong lòng độc giả. 

Thế nhưng, Đỗ Phủ một lần nữa đi ngược với các thi nhân bấy giờ khi đặt hai địa danh kia trong bầu không khí u ám, vắng lặng. Cảnh vật có lẽ đã nhuốm cùng màu với tình, đều mang sắc u buồn thê lương.

Nếu như hai câu đề, nhà thơ tả cảnh mùa thu từ trên cao thì ở hai câu thực kế tiếp, ông chuyển tầm nhìn xuống dưới. Cảnh vật vẫn cứ thế, gắn liền với nỗi buồn đang gặm nhấm và ăn mòn tâm hồn Đỗ Phủ.

“Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,

Tái thượng phong vân tiếp địa âm.    

(Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,   

Mặt đất mây đùn cửa ải xa.)”

Trong hai câu thơ này, cảnh thu được nhìn từ bề xa và dàn trải bao la bát ngát. Đỗ Phủ không dùng quá nhiều lớp từ ngữ đặc tả mà sử dụng bút pháp chấm phá, qua đó điểm xuyết cho bức tranh.

Bằng việc sử dụng động từ “dùn” và hình ảnh mang tính chất đối lập “phong âm” – “địa thiên”, sự hiểm trở của sông nước vùng thượng nguồn càng trở nên dữ tợn hơn. Nó tựa đợt sóng ngầm trong lòng Đỗ Phủ, ông bất an, lo sợ trước tương lai. 

Bức tranh phong cảnh mùa thu nhuốm màu ảm đạm 

Dường như sự vận động của thiên nhiên cũng chính là bước chuyển trong lòng thi sĩ, từ nỗi buồn man mác giăng trên màn sương đến lo âu cho tình hình đất nước.

Bốn câu thơ đầu đều chứa đựng một cảnh thu cụ thể với những sắc thái khác nhau. Chúng được Đỗ Phủ khéo léo đặt cạnh và tạo nên bức tranh mùa thu dài vô tận với rừng phong, núi đồi, bầu trời, mặt đất hay làn sương.

Tuy đoạn thơ phảng phất màu của bức chân dung tâm trạng nhưng cảnh vẫn ẩn mình trong tình, không trực tiếp bộc lộ. Chính vì thế mà chúng vừa đặc tả vẻ đẹp sắc trời mùa thu, vừa là đòn bẩy khơi mào cho mạch cảm xúc sau này.

Tình thu thắm đượm trong bài thơ

Một khi cảm xúc đã trào dâng thì dù làm cách nào, người nghệ sĩ cũng không thể kìm nén bởi lẽ kẻ bén duyên với văn chương, vốn dĩ đã mang trong mình một tâm hồn nhạy cảm và trái tim dạt dào yêu thương.

Đỗ Phủ không phải trường hợp ngoại lệ khi đến bốn dòng thơ sau, nỗi buồn trong lòng đã trào dâng, đi vào lời thơ, con chữ. Sự u sầu ấy như có sức mạnh diệu kỳ, tràn sang cả tâm hồn của những người yêu mến thơ Đỗ Phủ.

Xuyên suốt bốn câu thơ cuối là cảm giác nhớ nhà đến khắc khoải và kiệt quệ của vị thi sĩ tha hương. Không điều gì khốn khổ hơn nỗi nhớ nhà mà người con xa quê, kẻ một lòng hướng về đất mẹ phải gánh chịu. 

Tầm nhìn của thi sĩ từ xa thu hẹp dần, hướng đến các sự vật ở gần nhà thơ như đang tìm kiếm sự đồng điệu của cảnh vật, xoa dịu trái tim thổn thức khôn nguôi. 

Điều này cũng có thể được lý giải bằng cách vận động của thời gian, khi trời tàn và chuyển về chiều muộn, ánh sáng nhạt dần khiến tầm nhìn Đỗ Phủ bị thu hẹp. 

Ông chú ý đến khóm cúc như đang cố với lấy sự hiện diện của nơi chôn rau cắt rốn đã gắn bó từ thuở thiếu thời, đây là hình ảnh ước lệ, giàu ý nghĩa nghệ thuật để chỉ mùa thu.

Hoa cúc có mối quan hệ đặc biệt với trời thu khi được mệnh danh là “quốc hoa” của mùa này. Đỗ Phủ ngậm ngùi viết “Khóm cúc nở hoa đã hai lần”, cũng có nghĩa là đã hai năm rồi nhà thơ không được về thăm quê mà phải lưu lạc ở đất Quỳ Châu. 

Tình thu thắm đượm trong bài thơ

Khi nỗi nhớ quê hương dâng trào đến đỉnh điểm cũng là lúc giọt nước mắt lăn dài trên khóe mi nhà thơ. Giọt lệ hôm nay và hôm qua đã nối dài quá khứ với hiện tại, cùng mùi vị mặn chát, đau thương.

Giọt nước mắt không chỉ làm nỗi nhớ nhung quê nhà của thi sĩ trở nên da diết và bi thương hơn mà còn là điểm sáng nghệ thuật trong câu thơ. 

Chính hạt châu sa nơi đáy mắt đó đã làm lay động và đánh thức mọi tâm hồn độc giả, dù cứng cỏi và mạnh mẽ đến đâu thì cũng không thể không nhớ về mảnh đất từng gắn bó một thời.

“Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,

Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.” 

Nối tiếp hình ảnh khóm cúc là sự hiện diện của con thuyền cô đơn nhưng nặng trĩu niềm thương nhớ quê hương tha thiết. Con thuyền trôi lênh đênh kia cũng chính là hình ảnh ẩn dụ cho cuộc đời tha hương cầu thực của Đỗ Phủ. 

Dù phiêu dạt đến những vùng đất mới nhưng thi nhân luôn một lòng dõi về quê nhà với nhiều kỉ niệm quý giá. Dẫu sống trong cái nghèo và phải vật lộn với miếng ăn, ông vẫn nuôi hi vọng được trở về quê hương thân yêu. 

Đến dòng thơ này, cảm xúc đã tuôn trào khắp mọi câu chữ, bậc “thánh thơ” đã đồng nhất cảnh với tình, tưởng cảnh mùa thu nhưng lại là nỗi niềm của một người con tha hương trong mùa lá rụng.

Đất mẹ luôn là một tín ngưỡng cao quý và thiêng liêng trong lòng Đỗ Phủ. Nó trở thành niềm cảm hứng mãnh liệt trong sáng tác, thúc giục ông thai nghén nên các áng thơ hay chạm đến mạch cảm xúc sâu kín trong lòng độc giả. 

Trong mạch cảm xúc trầm lắng thê lương xuất phát từ cõi lòng kẻ xa quê, đột nhiên vang lên thanh âm dồn dập của tiếng chày đập vải trên bến sông trong ánh hoàng hôn chiều tà, mặc dù ở các dòng thơ trước Đỗ Phủ không hề nhắc đến. 

“Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước,

Thành Bạch, chày vang bóng ác tà.”

Đó chính là âm thanh đặc thù vào mùa thu của người dân Trung Quốc khi xưa, gợi lên bức tranh sinh hoạt nơi biên ải xa xôi. Bức tranh đang tĩnh cũng vì vậy mà trở nên sinh động, giàu sức sống.

Thế nhưng, nếu như đặt câu thơ vào hoàn cảnh lịch sử đương thời, nó còn ẩn giấu cả nỗi lo sợ và ưu phiền của Đỗ Phủ. Đất nước thì loạn lạc, hàng ngàn người dân bình thường phải rời xa gia đình để đi trấn giữ biên cương. 

Lòng thương mình của Đỗ Phủ đã hóa thành sự đồng cảm sâu sắc với nỗi đau nơi người đời. Không ai muốn rơi vào tình cảnh xa quê, bỏ lại sau lưng hạnh phúc gia đình.

Tiếng chày đã mở ra khoảng lặng và nỗi ưu sầu miên man vô tận, nó tràn sang khắp nẻo đường và cả tâm hồn người đọc. Tình yêu quê hương giờ đã trở thành nỗi nhớ khắc khoải đến nao lòng. 

Giá trị hiện thực và nhân đạo trong Cảm xúc mùa thu

Cảm xúc mùa thu mang đến bao dư vị trong lòng người đọc, nó vừa có chút gì đó mặn chát lại hòa lẫn sự xót xa cho số kiếp lênh đênh bất hạnh. 

Tác phẩm diễn tả một cách chân thực phong cảnh mùa thu ở Trung Quốc cùng hoàn cảnh loạn lạc, khốn khổ do chiến tranh gây ra. Hơn thế nữa, nó còn thể hiện sự cảm thông sâu sắc của tác giả đến những phận đời cùng khổ.

Giá trị hiện thực sâu sắc trong Cảm xúc mùa thu

Bằng tài năng nghệ thuật cùng sự quan sát tinh tế, Đỗ Phủ đã dựng nên một bức họa phong cảnh mùa thu đẹp đẽ nhưng lại có chút gì đó u buồn. 

Rừng phong được bao phủ bởi lớp sương trắng mỏng là một hình ảnh tả thực, hiện tượng này thường xuyên xuất hiện vào lúc trời bắt đầu sang thu. 

Hơn nữa, Cảm xúc mùa thu còn mang giá trị tố cáo xã hội đương thời gay gắt. Dù không trực tiếp nhắc đến nhưng tác giả vẫn khéo léo lồng ghép nó vào các chi tiết miêu tả cảnh. 

Chính vì loạn lạc, chiến tranh xảy ra liên miên nên mới xuất hiện tiếng chày đập vải, tiếng dao thước bên sông. Những người mẹ, người vợ đang tất bật may áo rét gửi người con, người chồng phải trấn giữ nơi biên ải xa xôi. 

Đó cũng chính là bức tranh toàn cảnh về thực trạng đất nước đương thời. Đã có biết bao người phải rời xa gia đình, đánh đổi hạnh phúc tuổi xuân để bảo vệ biên cương đất nước.

Cũng vì tránh xa sự khốc liệt của chiến tranh mà nhiều người giống như bậc “thánh thơ” Đỗ Phủ phải chạy loạn, trở thành kẻ tha hương cầu thực. Họ không chỉ bị dày vò bởi khói lửa mà còn dằn vặt day dứt khi nghĩ về quê hương.

Cảm xúc mùa thu là bài thơ tả cảnh nhưng Đỗ Phủ vẫn gửi gắm vào nó sự lo âu trước thế sự và thời cuộc. Một khi đất nước vẫn chưa yên ổn thì sẽ còn rất nhiều người giống như ông, rời bỏ quê hương và trôi dạt đến các vùng đất mới.

Có thể nói, không chỉ riêng Cảm xúc mùa thu mà bất kỳ tác phẩm nào của thi nhân cũng đều mang giá trị hiện thực. Nó chính là mạch ngầm quán xuyến toàn bộ hành trình sáng tạo thơ ca.

Giá trị nhân đạo và tấm lòng của nhà thơ

Hằn sâu trong trang thơ là nỗi lòng của một người nặng lòng với đất nước và dân tộc. Chưa một giây phút nào ông thôi không hướng về người đời, dùng trái tim ấm áp để lắng nghe tiếng lòng họ. 

Tình cảm trong Cảm xúc mùa thu ban đầu là của riêng nhà thơ nhưng Đỗ Phủ không dừng lại ở đó mà hướng đến các lớp người cùng khổ. Lòng thương mình chuyển sang tình thương người và đồng bào khốn khổ.

Giá trị nhân đạo và tấm lòng của nhà thơ 

Cũng trong chi tiết tiếng giã chày vang lên bên bờ sông dưới ánh chiều tà, Đỗ Phủ cảm thông sâu sắc với những kẻ phải rời xa quê hương. Ông thương họ chịu kiếp tha phương cầu thực để tránh tình cảnh loạn lạc nước nhà.

Tài năng của Đỗ Phủ là ở chỗ, chỉ một chi tiết nhỏ ấy thôi cũng đã thể hiện rõ sự đau xót trước thời cuộc khi nhân dân phải chạy khắp nơi chỉ để sống, hạnh phúc dường như trở thành một điều gì đó quá xa xỉ. 

“Đỗ Phủ đã thu nhận vào tâm hồn mình toàn bộ cuộc sống, sự buồn thương, đau khổ của con người.” – Nhà nghiên cứu Văn học Konrat nói về Đỗ Phủ

Sự thấu hiểu của Đỗ Phủ chân thành hơn bao giờ hết bởi lẽ nó xuất phát từ chính sự tự thương mình. Chình vì đau xót cho bản thân mà ông có thể cảm nhận đầy đủ khó khăn người đời phải đối mặt.

Bậc “thánh thơ” khóc cho mình và cũng là khóc cho người đời vì số phận trớ trêu. Chiến tranh khiến gia đình chia ly, biến người dân vô tội trở thành kẻ không quê hương.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định tấm lòng sắc son đối với đất mẹ thân yêu. Tuy phải đi khắp nơi lánh nạn nhưng chưa bao giờ những phận người khổ sở kia quên đi nơi mình được sinh ra.

Giống như Đỗ Phủ, quê hương là thứ tín ngưỡng thiêng liêng nhất trong lòng kẻ xa nhà. Trong trái tim chai sạn của họ vẫn luôn có một chỗ chứa dành cho nơi chôn rau cắt rốn.

Đỗ Phủ cho rằng không ai có thể sống mà không nhớ về quê nhà, nơi nuôi dưỡng tâm hồn ngày bé thơ. Dù ở đâu và trong hoàn cảnh nào, con người vẫn phải hướng về quê hương.

Bài thơ Cảm xúc mùa thu không chỉ bộc lộ nỗi nhớ quê hương da diết của riêng Đỗ Phủ mà còn thể hiện tình thương, tinh thần thấu hiểu và sẻ chia đối với những phận người bất hạnh lênh đênh.

Cảm hứng nhân đạo, ấy chính là sự tự thương mình và thương người. Nó quyện hòa cùng giá trị hiện thực, biến thơ Đỗ Phủ trở thành kho báu quý giá của văn học Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.

Nghệ thuật đặc sắc trong Cảm xúc mùa thu

Cảm xúc mùa thu chinh phục độc giả không chỉ bởi giá trị nhân văn sâu sắc mà còn từ những đặc sắc nghệ thuật nơi ngòi bút tài hoa của bậc “thánh thơ” Đỗ Phủ. 

Kết cấu tác phẩm vô cùng chặt chẽ với sự kết hợp, đan xen nhuần nhuyễn các mối quan hệ không gian và thời gian, thị giác và thính giác. Chính vì thế mà khi đọc tác phẩm, người đọc có thể cảm nhận được toàn diện bức tranh thu. 

Hơn nữa, sự vận động của tứ thơ cũng rất mực tự nhiên, mạch lạc, phong cảnh thu được miêu tả dựa trên thời gian và nội tâm người cầm bút. Tình cảm mà đặc biệt là sự nhớ nhung đã chi phối và nhuốm sắc buồn man mác lên cảnh vật xung quanh.

Tài năng thơ ca của Đỗ Phủ không chỉ dừng lại ở cách xây dựng cấu tứ hay sắp xếp mạch thơ. Viết về cảnh thu, tác giả không dùng nhiều lời văn đặc tả sắc thái mà vận dụng lối viết chấm phá, điểm xuyết. 

Nghệ thuật đặc sắc trong Cảm xúc mùa thu 

Đây chính là sự độc đáo của phong cách thơ Đỗ Phủ, ông không đi theo khuôn mẫu có sẵn mà sáng tạo những điều mới. Tuy chỉ dùng vài hình ảnh và chi tiết đặc trưng nhưng sắc trời mùa thu vẫn hiện ra chân thực trước mắt độc giả. 

Thể hiện nỗi nhớ nhà khắc khoải trong mình, Đỗ Phủ còn vận dụng lối viết tả cảnh ngụ tình. Tuy không trực tiếp nói ra nhưng qua cảnh vật miêu tả, bao nhiêu sự uất ức, nhung nhớ như tuôn tràn trên trang văn, thấm đẫm lệ người viết. 

Ngôn từ cũng là điểm sáng của bài thơ, từng chữ viết ra như viên ngọc quý được chọn lựa kỹ lưỡng, mang nhiều lớp nghĩa. Độc giả có thể thấy Đỗ Phủ đã dành rất nhiều tâm huyết trong khâu chọn lựa từ ngữ.

Cho dù bài thơ có hay và đặc sắc như thế nào chăng nữa nhưng nếu người cầm bút không mang đến một giọng điệu phù hợp thì sẽ làm vơi mất phần nào giá trị của tác phẩm. 

Ý thức được điều này, Đỗ Phủ đã sử dụng giọng điệu u buồn, đau xót và có phần ngậm ngùi, xót xa. Nhờ đó mà nỗi nhớ quê hương càng thêm phần day dứt, đánh động đến tâm hồn người thưởng thơ ông.

Đỗ Phủ là nhà thơ tài hoa bậc nhất trong nền văn học Trung Quốc khi sở hữu nhiều tác phẩm giàu ý nghĩa. Dù hàng thiên kỷ trôi qua, độc giả vẫn sẽ tìm đến với sáng tác của ông nói chung và Cảm xúc mùa thu nói riêng để hiểu thêm về đời.

Hạ Nhiên