Triều đại phong kiến Việt Nam đã để lại dấu ấn đặc biệt nhất là nhà Trần. Tuy không đạt những sự nổi trội về kinh tế, văn hóa nhưng thời Trần lẫy lừng trong sử sách dân tộc bởi ba lần chiến thắng quân Mông – Nguyên.

Những thắng lợi vẻ vang, chiến công lừng danh nước Nam đã góp phần tạo nên một thời đại hào hùng, hừng hực khí thế Đông A mà chỉ riêng thời Trần mới có. Điều đó đã đi vào những áng văn, lầu thơ tuyệt đẹp, ấn tượng nhất là sự ra đời của tác phẩm Thuật hoài (Tỏ lòng).

Tỏ lòng là bài học về tinh thần yêu nước vượt thời đại
Tỏ lòng là bài học về tinh thần yêu nước vượt thời đại

Thuật hoài là những lời tâm sự về khát khao, hi vọng của đấng nam nhi. Hình tượng con người có sức mạnh sánh ngang với tầm vóc vũ trụ đã hiện lên trong những dòng thơ và lóe sáng bởi những lý tưởng và nhân cách cao cả, rực rỡ bởi khí thế anh hùng.

Hào khí Đông A – kết tinh từ lòng yêu nước

Hào khí Đông A là hào khí của thời Trần, hai chữ Đông (東) và A (阿) khi ghép lại trong nguyên văn chữ Hán sẽ tạo nên chữ Trần (陳) . Vậy nên, hào khí này là hào khí của nhà Trần, của quân và dân đời Trần.

Hào khí Đông A được kết tinh từ lòng yêu nước của dân tộc
Hào khí Đông A được kết tinh từ lòng yêu nước của dân tộc

Đó cũng là khí thế oai hùng, hào sảng, trần đầy nhiệt huyết, khát khao giành độc lập mang tính thời đại. Tất cả xuất phát từ lòng yêu nước của dân tộc khi mà ở thời kỳ này, nước ta đã ba lần đánh thắng quân Mông – Nguyên. 

Nét đẹp của thời đại nhà Trần

Từ ngàn đời xưa, tinh thần yêu nước đã trở thành truyền thống bất diệt của nhân dân ta. Thời đại nhà Trần (1126 – 1400) được biết đến như một mốc son chói lọi trong bốn nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc.

Với ba lần kháng chiến và đánh thắng quân xâm lược Mông – Nguyên, nhà Trần đã ghi vào lịch sử Đại Việt những chiến công hiển hách như Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng.

Hàng loạt chiến thắng vang dội, khí thế hào hùng của quân dân được các sử gia ca ngợi là “Hào khí Đông A” và trở thành nguồn cảm hứng vô tận ở lĩnh vực văn học, trong đó có tác phẩm Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão. 

Danh tướng Phạm Ngũ Lão văn võ song toàn

Phạm Ngũ Lão là danh tướng giỏi, chỗ dựa tin cậy của ba triều vua nhà Trần. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên, ông lập nhiều chiến công lớn và được phong tước Quan nội hầu.

“Ngũ Lão xuất thân trong hàng quân ngũ nhưng rất thích đọc sách, có chí lớn thích ngâm thơ, xem qua có vẻ như không để ý đến việc võ nhưng quân do ông chỉ huy thực là đội quân trên dưới như cha con, hễ đánh là thắng.” – Đại Việt sử ký toàn thư

Phạm Ngũ Lão văn võ toàn tài, ông hiến dâng tài võ cho sự nghiệp cứu nước, ông dùng tài văn để làm thơ bày tỏ nỗi lòng và tự nhắc mình về trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả với Tổ quốc. 

Văn học trung đại luôn có khuôn khổ nhất định, thơ phải bao hàm chữ “chí” trong “Văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí”. Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão là bài thơ tiêu biểu thể hiện tính quy phạm đặc trưng của nền văn học trung đại.

Thuật hoài không chỉ mang tiếng nói từ trái tim yêu nước thiết tha mà còn là lời giáo huấn về chí nam nhi đầy hào khí. Tác phẩm thể hiện niềm tự hào và lí tưởng cao cả của người anh hùng khi Tổ quốc bị xâm lăng.

Giá trị chung trong tác phẩm Tỏ lòng

Danh tướng Phạm Ngũ Lão được biết đến với tài lược trăm trận trăm thắng, văn võ song toàn. Hòa cùng hào khí Đông A, sức mạnh kiên cường của thời đại, ông đã thể hiện điều đó rất chân thật ở bài thơ Thuật hoài.

Thuật hoài được sáng tác trong những năm 1284. Ở tác phẩm này, độc giả thấy được quan niệm về chí làm trai ở đời, vẻ đẹp của con người và quân đội thời nhà Trần.

Những giá trị quý báu được đúc kết trong tác phẩm Tỏ lòng
Những giá trị quý báu được đúc kết trong tác phẩm Tỏ lòng

Thuật hoài được dịch thành “Tỏ lòng”, không phải hiểu theo nghĩa bày tỏ tình cảm lứa đôi mà chính xác là “tỏ chí làm trai”. Vì vậy, ở phần phiên âm, Tỏ lòng được đặt làm nhan đề.

Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, cả tác phẩm chỉ vỏn vẹn trong bốn câu thơ nhưng bộc lộ được khí phách quân dân nhà Trần và quan niệm chí làm trai của Phạm Ngũ Lão.

Tỏ lòng – vẻ đẹp của trang nam nhi yêu nước thời Trần

Theo sử sách ghi lại, Tỏ lòng được sáng tác trong thời điểm diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ hai. Bài thơ là sự khắc họa thực tế của tác giả trong thời kỳ lịch sử ấy. 

Phạm Ngũ Lão đã chọn thể thơ tứ tuyệt Đường luật để bày tỏ khát vọng và hoài bão. Đây là thể thơ hàm súc, phù hợp với cách nói chắc nịch của một vị tướng vẫy vùng trận mạc.

Câu khai của bài thơ tứ tuyệt đã mở ra hình ảnh một đấng nam nhi với tư thế hiên ngang, lẫm liệt, tràn đầy sức sống. Đó là những chiến binh quả cảm đang xả thân vì nước, qua đó thể hiện hào khí Đông A ngút trời của quân đội nhà Trần.

“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu.”

Bằng lối vào đề trực tiếp, con người đã xuất hiện với tư thế mạnh mẽ mang tầm vóc vũ trụ ngay trong câu thơ đầu tiên. Cũng từ đó, độc giả cảm nhận được hào khí ngút trời của một thời đại anh hùng.

“Múa giáo non sông trải mấy thu.” – Bản dịch Tỏ lòng của Bùi Văn Nguyên

So với nguyên văn chữ Hán, câu thơ dịch không lột tả được hết chất oai phong, kiêu hùng trong tư thế của người lính đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chưa thể hiện được hành động mạnh mẽ mà pha chút phô trương, biểu diễn, làm mất đi cái cường độ nội sinh, nội lực.

“Hoành sóc” là hành động cầm ngang một ngọn giáo, luôn ở tư thế tấn công dũng mãnh, áp đảo quân thù. Tư thế của những người chính nghĩa, hình tượng chủ đạo cho dân tộc Việt quật cường.

Trong nguyên tác, tác giả dựng lên hình ảnh người tráng sĩ ở một tư thế tĩnh chứ không động. Tư thế ấy như dồn nén sức mạnh để bùng nổ, tầm nhìn bao quát cả giang sơn.

Qua hai từ “hoành sóc”, người anh hùng vệ quốc hiện lên với tư thế oai hùng, kiên cường, bất khuất. Hình ảnh to lớn át cả không gian bao la, sừng sững như một bức tượng đài khổng lồ.

Dù thời gian có trôi đi miệt mài “kháp kỷ thu” nhưng bàn tay người anh hùng vẫn cầm chắc ngọn giáo, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ giang sơn. Vận mệnh đất nước đang đặt trên đầu ngọn giáo, là trọng trách lớn lao đè nặng trên vai. 

Câu thơ bị tĩnh lược chủ ngữ mang ngụ ý của tác giả, đây không phải hình ảnh của một con người duy nhất mà là hình ảnh đặc trưng của biết bao con người thời đại, là khí thế sôi sục của đất trời Đông A.

Câu thơ đầu đã hé mở tấm lòng son sắt của Phạm Ngũ Lão đối với quê hương đất nước. Tư thế của nhân vật hiện lên hiên ngang lẫm liệt nhưng giọng điệu câu thơ lại bình tĩnh, ẩn chứa một sức mạnh tiềm tàng. 

Vẻ đẹp của đội quân nhà Trần 

Không chỉ mang cả chiều dài của không gian và thời gian vào từng câu chữ, tác phẩm còn thể hiện được tư thế của những chiến sĩ thuở “Bình Nguyên” khi ra trận. Trong cuộc chiến ấy, ta thấy được sự đoàn kết sức mạnh của ba quân hiện lên vô cùng hoành tráng.

“Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.”

Tướng thì phải có quân, tướng nào quân nấy. Người tráng sĩ đang sát cánh cùng ba quân với khí thế ngất trời. Dường như chí lớn của Phạm Ngũ Lão đã truyền tới ba quân một năng lượng tinh thần mạnh mẽ để kết thành một khối.

Cách nói ẩn dụ ước lệ đặc trưng, quen thuộc trong thi pháp thơ ca trung đại cùng phép phóng đại “tam quân tì hổ” đã làm cho độc giả có ấn tượng mạnh. Đây là hình ảnh về đội quân nhà Trần nhưng đồng thời cũng tượng trưng cho sức mạnh dân tộc, thời đại. 

Nghệ thuật so sánh được sử dụng rất điêu luyện, vừa cụ thể hóa sức mạnh “Tam quân” vừa hướng tới khái quát hóa sức mạnh tinh thần của đội quân mang hào khí Đông A. 

“Tam quân” được hiểu là ba quân, đội quân bao gồm tiền quân, trung quân và hậu quân. Quân đội tinh nhuệ, đông đảo về số lượng và mạnh mẽ về chất lượng, sáng bừng lên khí thế vững vàng. 

Hình ảnh so sánh rất độc đáo “tam quân” với “tỳ hổ”. Từ thuở xa xưa, loài hổ được coi là chúa tể rừng xanh, có uy lực và sức mạnh. Điều đó nhằm nhấn mạnh sự dũng mãnh của quân đội nhà Trần trở thành nỗi khiếp đảm của quân thù. 

Không chỉ vậy, Phạm Ngũ Lão còn làm rõ sức mạnh ấy bằng hình ảnh “Khí thôn ngưu” gợi ra hai cách hiểu cho độc giả. Khí thế của ba quân hùng mạnh có thể nuốt trôi trâu hay khí thế cao ngút trời của quân đội nhà Trần làm mờ đi ánh sáng của sao Ngưu.

Cách tả tuy có ước lệ nhưng đã phản ánh chân thật khí thế hào hùng, tinh thần chiến đấu quật cường của quân dân nhà Trần. Câu thơ trên là một sự đúc kết hoàn hảo giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn. 

Cách nói cường điệu đã bộc lộ niềm tự hào của nhà thơ khi nâng tầm vóc quân đội sánh ngang với thiên nhiên, vũ trụ. Đó cũng là nỗi niềm của một con người sinh ra trong một đất nước, một thời đại luôn khát khao vươn lên.

Sinh vào thời Trần, ai cũng có cơ hội trở thành anh hùng. Đâu chỉ một lần Trần Quốc Tuấn đêm quên ngủ, ngày quên ăn, chỉ có cho mình nguyện vọng được xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù.

Đó là sáu chữ vàng được thêu trên lá cờ của người thiếu niên Trần Quốc Toản hay việc khắc tay binh sĩ hai chữ “Sát Thát”, cả một không gian trận mạc lở đất rung trời. 

“Tam quân tì hổ” là hình ảnh độc đáo, khắc họa chân thật sức mạnh vô địch của đội quân Sát Thát đồng thời khơi nguồn cảm hứng thơ ca, tồn tại như một điển tích, một thi liệu sáng giá trong nền văn học dân tộc.

“Thuyền bè muôn đội

Tinh kỳ phấp phới

Tỳ hổ ba quân, giáo gươm sáng chói.” – Bạch Đằng Giang Phú (Trương Hán Siêu)

Hào khí Đông A trong thơ Phạm Ngũ Lão như một bản trường ca bất hữu trong bối cảnh ấy. Nó bắt nhịp bước đi của thời đại, của dân tộc trong những giờ phút lâm nguy.

Với tinh thần mạnh mẽ, bất khuất để chiến đấu, sau này một nhà thơ của triều Nguyên là Trần Phu đã ghi lại tâm trạng sợ hãi của quân xâm lược khi đến nước ta.

“Kim qua ảnh lí đan tâm khổ

Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh.” – Giao Châu sứ hoàn cảm sự kỳ 1

Qua đó, độc giả thấy được một thời Trần hừng hực, sôi sục sức mạnh đội binh tinh nhuệ. Khí thế hào hùng của thời đại, phẩm chất anh hùng của con người Việt Nam đã góp phần tạo nên những thắng lợi vẻ vang, tiếng tăm lừng lẫy.

Chí làm trai với quan niệm công danh

Lý tưởng sống của Phạm Ngũ Lão còn được thể hiện ở hoài bão, ý thức với việc lập công danh để đời. Đó là nỗi lòng với ý chí và tâm nguyện lớn lao, cao cả của người anh hùng.

Lý tưởng cá nhân qua Tỏ lòng đã được khái quát hóa thành lý tưởng của thời đại. Bậc nam nhi thời Trần mang nặng ước mơ, khao khát lập chiến công để đền ơn vua, báo nợ nước.

“Phá cường địch, báo hoàng ân!” – Trần Quốc Toản

Trong bài thơ tứ tuyệt Đường luật, câu chuyển có vị trí then chốt để thay đổi cảm xúc. Phạm Ngũ Lão đã dùng câu thơ quan trọng này để nói về hoài bão và lý tưởng, cũng như những người anh hùng khi bước vào trận chiến luôn ôm ấp chí lớn với quan niệm công danh tích cực.

“Công danh nam tử còn vương nợ.”

Phạm Ngũ Lão đặt “nam tử” và “công danh” đứng song song để thể hiện sự liên kết chặt chẽ. Công danh là món nợ phải trả của kẻ làm trai, dù ông là cánh tay phải của Hưng Đạo đại vương nhưng dường như, từng ấy chưa đủ để gọi là “công danh” với đất nước.

Đã làm trai thì phải “lập công”, lập nên sự nghiệp và “lập danh” để lại tiếng thơm muôn đời. Đặt trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, chí làm trai của Phạm Ngũ Lão có tác dụng to lớn đối với con người và xã hội.

“Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng.” – Trần Quốc Tuấn

Ý chí ấy trở thành biểu tượng rực rỡ của những tấm lòng trung quân ái quốc, tầng lớp quý tộc đời Trần đang trong xu thế đi lên, gánh vác sứ mệnh lịch sử trọng đại. 

Về sau, quan niệm này trở thành lý tưởng sống của nam nhi thời phong kiến. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ ở đầu thế kỉ XIX cũng khẳng định:

“Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc,

Nợ tang bồng vay giả, giả vay.

Chí làm trai nam bắc đông tây,

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.” – Chí làm trai (Nguyễn Công Trứ)

Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Công Trứ hay mọi “Nam tử hán, đại trượng phu” thời phong kiến đều đồng tâm với quan niệm về món nợ công danh cao cả. Họ coi đây là lý tưởng chung, là bổn phận, trách nhiệm của mình.

Chính những điều đó đã cổ vũ con người từ bỏ lối sống tầm thường, ích kỷ mà sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cứu nước. Con đường mà Nho giáo đã vạch sẵn cho tất cả các đấng nam nhi là “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. 

Tư tưởng này đã trở thành động lực thôi thúc các nhà Nho phát huy tài trí để ra giúp nước, nhà cách mạng Phan Bội Châu ở đầu thế kỉ XX cũng bày tỏ khát vọng:

“Làm trai phải lạ ở trên đời

Há để càn khôn tự chuyển dời.” 

Qua đó, độc giả cảm nhận được ý thức trách nhiệm và lý tưởng sống đẹp của Phạm Ngũ Lão. Với tác giả, công danh luôn gắn liền với tinh thần chiến đấu chống giặc giữ nước, lập nên chiến công, lưu danh muôn thuở.

Cái tâm trong sáng qua nỗi thẹn của nhà thơ

Với Phạm Ngũ Lão, công danh là nỗi trăn trở, canh cánh trong lòng nhưng cũng là khát vọng, lý tưởng thôi thúc chí làm trai trong lòng người tướng lĩnh.

“Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.”

Vì còn băn khoăn về công danh với đất nước nên Phạm Ngũ Lão thấy hổ thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu. Ông tự so sánh mình với Vũ Hầu, người còn được biết đến với danh xưng Gia Cát Lượng, một tài năng và nhân cách cao cả. 

Mọi ý tứ thơ như dồn lại ở chữ “thẹn”, thẹn không phải bởi vì làm điều gì khuất tất, xấu xa mà bởi cái tâm chưa thoả sở nguyện của bậc danh tướng tài ba. Nỗi thẹn ấy cũng được bắt gặp trong thơ Nguyễn Khuyến, bài Thu vịnh xuất hiện chữ “thẹn” như nỗi giao cảm xa xăm với Phạm Ngũ Lão.

“Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,

Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.”

Nguyễn Khuyến thẹn bởi bản thân ông không có được sự tao nhã, nhân cách cao đẹp như Đào Tiềm, đó là danh sĩ nổi tiếng thanh cao đời Tần mà ông ngưỡng mộ, mong muốn được học hỏi.

Với Nguyễn Khuyến, nỗi thẹn đó là của một nhà nho tú tài. Còn ở Phạm Ngũ Lão, nỗi thẹn hiện ra từ trong thâm tâm một bậc anh hùng, tha thiết dốc hết sức mình để phụng sự việc nước.

Tuy nỗi thẹn ở Thu vịnh ra đời khác hoàn cảnh nhưng mạch cảm xúc ấy có nét tương đồng với Phạm Ngũ Lão, đó là nỗi thẹn của người có nhân cách cao đẹp, luôn hướng đến việc hoàn thiện bản thân để trở nên tốt đẹp hơn.

So sánh với Vũ Hầu để thấy những thiếu sót, đây không phải là sự ngộ nhận thân phận của Phạm Ngũ Lão mà là tinh thần học hỏi của nhà thơ trước người tài giỏi. 

Cả ông và Vũ Hầu đều giúp sức cho bậc quân vương nhưng sự khác biệt là Phạm Ngũ Lão khiêm tốn nhận mình chưa giúp được gì cho Hưng Đạo đại vương, điều đó khiến ông thấy hổ thẹn.

Khi chí nguyện chưa thành, nợ công danh chưa trả thì người anh hùng luôn cảm thấy bản thân còn hèn kém. Ông xấu hổ vì chưa có tài mưu lược như Vũ Hầu đời Hán để trừ giặc, cứu nước.

Lúc bấy giờ, Phạm Ngũ Lão đang cùng ba quân trấn giữ biên cương, chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần hai. Quân giặc rất tàn ác, một nhà sử học thời Tống đã từng ghi chép lại về sự hung hăng này.

“Đến thì như trên trời xuống, đi thì nhanh như chớp giật. Họ mà thắng thì đuổi theo địch chém giết không để trốn thoát.”

Phạm Ngũ Lão đang gánh vác việc nước nhưng lại lấy gương cổ nhân soi mình, điều này thể hiện cái tâm hết lòng giúp dân, giúp nước. Nỗi thẹn ở đây không làm con người thấp bé, trái lại còn nâng cao nhân cách của bậc đức nhân song tài. 

Vẻ đẹp của thời đại anh hùng là giá trị tâm đắc trong tác phẩm

Hào khí Đông A góp phần tạo nên một thời đại với những kì tích rực rỡ, lưu danh trong sử sách. Vẻ đẹp của người anh hùng không còn là vẻ đẹp cá nhân mà được khái quát hóa thành vẻ đẹp của dân tộc, của thời đại. 

Vẻ đẹp của thời đại là giá trị tiêu biểu trong tác phẩm
Vẻ đẹp của thời đại là giá trị tiêu biểu trong tác phẩm

Tỏ lòng là tác phẩm được kết tinh từ hào khí Đông A sục sôi. Nhờ nghệ thuật khái quát hóa cùng bút pháp sử thi, hình tượng nhân vật trong thơ hiện lên lớn lao, kì vĩ và hoành tráng.

Bài thơ được xem là lời tỏ lòng riêng của Phạm Ngũ Lão, là tiếng nói của một trái tim yêu nước mãnh liệt, thiết tha nhưng trong bài thơ không có đại từ nhân xưng nào. 

Chủ thể trữ tình ẩn dưới danh từ chung “nam nhi” và “tam quân tì hổ” đông đảo, hùng hậu. Bài thơ bộc lộ khát vọng của tác giả, vừa bày tỏ trách nhiệm đối với Tổ quốc vừa nói lên tình cảm, ý chí, khí phách của quân dân đời Trần. 

Cái hay của bài thơ còn ở độ súc tích cao theo hướng “quý hồ tinh bất quý hồ đa” trong nghệ thuật văn học trung đại, hình thức kết cấu theo nguyên tắc “tức cảnh sinh tình”.

Ý tứ của thơ được triển khai bằng cách đi từ hiện thực, chọn những hình tượng tiêu biểu để dẫn dắt đến sự vật, bộc lộ cảm xúc nội tâm để bày tỏ tấm lòng yêu nước của tác giả và con người. Đó là hào khí Đông A, là cảm hứng yêu nước trong thơ lúc bấy giờ.

Phạm Ngũ Lão là võ tướng tài ba nhưng mang trong mình trái tim mẫn cảm của người thi nhân. Ngoài chức năng giáo dục về lối sống nhiệt huyết, có trách nhiệm trong thời đại mới, tác phẩm còn mang giá trị nhân sinh sâu sắc.

Tỏ lòng mang triết lí nhân sinh sâu xa xuôi theo dòng lịch sử

Tỏ lòng được sáng tác với nguồn cảm hứng mạnh mẽ, khát khao được cống hiến cho công cuộc xây dựng Tổ Quốc. Là một danh tướng tài ba, cả đời vì dân, vì nước, Phạm Ngũ Lão thấm nhuần triết lý nhân sinh, thơ ông để lại đã đi trước thời đại. 

Tác phẩm nghệ thuật mang triết lí nhân sâu sâu sắc
Tác phẩm nghệ thuật mang triết lí nhân sâu sâu sắc

Vượt qua gần một nghìn năm lịch sử, lý tưởng sống cao đẹp của Phạm Ngũ Lão vẫn mang giá trị bền bỉ, cổ vũ khát vọng sống nơi thanh niên thời đại bởi nó là thứ quyết định đến sự phồn vinh, hưng thịnh của đất nước.

Tỏ lòng có sức ảnh hưởng đến việc giáo dục lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, ý chí và lý tưởng sống. Trong thời đại ngày nay, đối tượng đón nhận bài học ấy không chỉ có “đấng nam nhi” mà còn cả “nữ nhi hồng”.

Từ những điểm tương đồng và khác biệt, quan niệm của Phạm Ngũ Lão đã giáo dục cho thế hệ sau hoàn thiện, phát triển. Vượt “kháp ki thu”, Tỏ lòng vẫn giữ nguyên giá trị như thuở khai sinh, đó là tinh thần yêu nước.

Vị anh hùng trung quân ái quốc đã gửi gắm bài học quý báu cho thế hệ thanh niên ngày nay, đó là làm người phải sống có ích, sống phải có ước mơ, hoài bão và lí tưởng lớn lao.

Tác phẩm sẽ trường tồn cùng với thời gian, là bài học đắt giá về đạo làm người, mãi mang động lực thúc đẩy công dân sống có trách nhiệm với bản thân, đất nước.

Thế hệ ngày nay cần có tinh thần cống hiến, khát khao khẳng định bản thân và dám đương đầu với khó khăn, thử thách để hiện thực hóa ước mơ lớn, giúp ích cho đời.

Giai Kỳ