Giữa cái hiện thực dù xám ngắt lạnh lẽo lại vang lên một âm thanh trong trẻo động lòng người. Ở cái ác liệt của cuộc kháng chiến dân tộc không thể phủ nhận sức ảnh hưởng to lớn trong lời thơ nhẹ nhàng bay bổng từ thi ca cách mạng.

Tức cảnh Pác Bó: Lời tâm tình trong những năm đầu kháng chiến

Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chủ Tịch đã khiêm tốn chỉ xin làm một nốt nhạc trầm để hòa vào bản hòa nhạc ấy. Lặng lẽ nhưng lại sâu sắc như cách mà Người âm thầm cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Không ồn ào mà lặng lẽ, mỗi lời thơ là một nét vẽ tô điểm cho bức tranh sinh động nơi căn cứ địa kháng chiến đầu tiên. Khó khăn gian khổ ở Người đã được xua tan bởi cái nhìn ung dung, lạc quan và niềm tự hào vô bờ với cách mạng.

Nhà lãnh tụ vĩ đại và chiến sĩ cộng sản quốc tế Hồ Chí Minh 

Hồ Chí Minh sinh ngày 19/05/1890 tại quê ngoại làng Hoàng Trù huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An và mất vào ngày 02/09/1969. Tên khai sinh của vị chủ tịch đáng kính ấy là Nguyễn Sinh Cung.

Nhà lãnh tụ vĩ đại và chiến sĩ cộng sản quốc tế Hồ Chí Minh 

Trong thời gian hoạt động cách mạng Người đã cũng tự đặt biệt hiệu cùng nhiều cái tên để đánh lừa mũi dùi quân địch như Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc.

Với lối hành văn sắc bén, nghị luận đầy đanh thép, Người đã để lại một sự nghiệp văn học, báo chí có giá trị lớn lao với những tác phẩm đa dạng về thể loại, đặc sắc về phong cách sáng tạo như Bản yêu sách, Vi hành, Thuế máu, Đường kách mệnh.

Hồ Chí Minh còn được biết tới là một Danh nhân văn hóa thế giới, nhà lãnh đạo kiệt xuất. Vị lãnh tụ tài ba đã chèo lái con thuyền cách mạng vô sản của Việt Nam đi đến bến bờ thành công bởi những đường lối đúng đắn.

Sống và làm việc, một đời cống hiến hết mình vì sự nghiệp cách mạng, Người đã có những phát ngôn, ý kiến mà đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị lịch sử.

Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành và hành trình đến với cách mạng

Năm 1911, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng nhà Rồng cùng hành trang là tình yêu nước mãnh liệt. Một lòng ra đi tìm đường cứu nước, anh bước lên chiếc tàu Amiral Latouche Tréville, đặt dấu mốc đầu tiên cho hành trình vạn dặm về sau.

Trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch có viết, Người ra đi với  một hoài bão lớn, nung nấu ý chí quyết tâm giành “tự do cho đồng bào tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Trong lúc ấy, ngay cả anh cũng không biết bao giờ mình sẽ lại được trở về với hơi ấm của quê hương. Thế nhưng một điều chắc chắn là chỉ cần có đôi tay và sức trẻ nhiệt huyết thì nhất định ngày thành công chẳng còn mấy xa xôi.

Cuộc hành trình qua ba đại dương, bốn châu lục và gần ba mươi quốc gia, hàng trăm thành phố lớn nhỏ cùng nhiều nền văn hóa đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lê nin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc.

Tác phẩm đầu tiên đánh dấu sự trở lại sau ba mươi năm bôn ba 

Vượt mốc 108 biên giới Trung Quốc – Việt Nam, mùa xuân năm ấy là mùa xuân đẹp nhất trong cuộc đời Bác và hàng triệu người dân Việt Nam. Khi ấy, một người con đã được về với đất mẹ, về theo tiếng gọi tha thiết của Tổ Quốc sau ba mươi năm bôn ba xứ người.

“Bác đã về đây Tổ Quốc ơi 

Nhớ thương Hòn Đất, ấm hơi người

Ba mươi năm ấy chân không nghỉ

Mà đến bây giờ mới tới nơi.” – Tố Hữu

Đất mẹ như dang rộng vòng tay để đón lấy người con xa xứ ấy. Người mang ánh sáng soi rọi bước tới, mở đường cho chiến thắng hào hùng của dân tộc sau bao nhiêu năm sống trong ách thống trị và kìm kẹp bởi đế quốc.

Đầu năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt những bước chân đầu tiên về đến Pác Bó, căn cứ địa lãnh đạo của cuộc kháng chiến dân tộc. Mở ra kỷ nguyên mới cho chiến lược cách mạng ở Việt Nam.

Đây vừa là địa danh cội nguồn, vừa là viên gạch đầu tiên xây nên chiến thắng vẻ vang mà ngàn đời còn lưu giữ. Trong thời gian sống và làm việc tại đây, tâm hồn người thi sĩ đã hòa vào tâm hồn của người chiến sĩ cách mạng.

Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, Người lại miệt mài với thi ca, tâm hồn lãng mạn của thi sĩ trỗi dậy và bài thơ Tức cảnh Pác Bó đã ra đời sau hành trình dài như thế.

Đôi nét về bài thơ Tức cảnh Pác Bó

Tức cảnh Pác Bó được sáng tác năm 1941, khi Bác vừa trở về và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Bài thơ ra đời theo kiểu “tức cảnh sinh tình”, khởi nguồn từ cuộc sống hiện thực tại căn cứ địa Pác Bó.

Dù được sáng tác bằng chất liệu ngôn từ giản dị, gần gũi đời thường nhưng từng câu chữ lại ẩn chứa hàm ý sâu xa của cuộc sống và trăn trở về con đường cách mạng trong Bác.

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang

 Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

 Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

 Cuộc đời Cách Mạng thật là sang.”

Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật ngắn gọn, súc tích kết hợp cùng giọng thơ trong sáng, đầy sâu sắc góp phần giúp bài thơ khắc họa đậm nét bức tranh cuộc sống hằng ngày.

Cùng với đó, Tức cảnh Pác Bó nêu bật lên tinh thần ung dung lạc quan của người chiến sĩ trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, tạo nên một sức mạnh tri thức nuôi cách mạng phát triển không ngừng.

Bức tranh cuộc sống hằng ngày được thể hiện trong tác phẩm Tức cảnh Pác Bó

Bằng giọng thơ gần gũi, mạch cảm xúc tự nhiên, ba câu đầu của Tức cảnh Pác Bó tái hiện một cách chân thực, sống động nếp sinh hoạt thường nhật của Bác tại căn cứ địa.

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang.” – Tức cảnh Pác Bó

Hoạt động và sinh sống ở nước ngoài nhiều năm, Bác dường như đã quen với nếp sống nề nếp, kỷ luật. Trong thời gian công tác tại Pác Bó cũng như thế, Người sinh hoạt đều đặn theo giờ giấc phân bổ cụ thể. Sáng ra suối hội bàn chiến lược tối lại về hang nghỉ ngơi.

Nhịp thơ uyển chuyển cùng cách ngắt nhịp 4/3 tạo nên một thói điệu quen thuộc, đây dường như là công việc được lặp đi lặp lại trong một thời gian dài. Dù hoạt động bí mật song vẫn giữ kỷ cương với phong thái độc lập tự chủ.

Hang Pác Bó nằm sâu ở chân núi, miệng hang nhỏ hẹp, khá khó khăn trong việc di chuyển đi lại. Qua đó, độc giả thấy được tuy bí mật sống và làm việc song vẫn giữ vững nề nếp, kỷ luật.

Pác Bó theo tiếng Tày nghĩa là “đầu nguồn”, nó không chỉ được hiểu đơn giản chỉ địa phận chuyển giao đất trời giữa Trung Quốc với nước ta mà còn có ý vị sâu xa hơn là sự khởi đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ.

Ngoài hang Pác Bó, nhiều con suối, hang đá nơi đây đều được Bác đặt theo tên vĩ nhân như Các Mác, Lê nin để gửi lời tri ân sâu sắc đến họ vì đã khai sáng con đường cách mạng sau bao năm bôn ba.

“Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là

Đây suối Lê nin, kia núi Mác

Hai tay gây dựng một sơn hà.” – Pác Bó hùng vĩ

Trong những ngày sống và làm việc tại đây, dấu chân Người đã in khắp chốn. Hình ảnh suối Lê nin trong vắt như dải lụa uốn lượn quanh chân núi Các Mác hùng vĩ, dòng suối hiền hòa màu xanh ngọc bích tuôn chảy từ đầu nguồn Pác Bó.

Ở câu thơ trên, danh từ riêng Các Mác, Lê nin được trịnh trọng đặt kế danh từ chung đất nước. Tất cả trào lên niềm hy vọng nước nhà một lần nữa thống nhất và nỗi khao khát đang rực cháy trong lồng ngực Bác.

Hoàn cảnh sống khắc nghiệt trong buổi đầu cách mạng

Mạch thơ vẫn dâng tràn, câu thơ thứ hai chất chứa lời thỏ thẻ tâm tình của Bác khi tha thiết kể về bữa ăn hàng ngày rất đỗi đơn sơ, mộc mạc đến lạ kỳ.

“Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.” – Tức cảnh Pác Bó

Người lãnh đạo cả một quốc gia mà bữa ăn hàng ngày chỉ có “cháo bẹ, rau măng”, tuy cực kỳ giản dị nhưng lại ấm lòng vô cùng. Không phải cơm ngon, canh ngọt hay sơn hào hải vị, toàn những thứ rau rừng, măng tre vốn sẵn ở xung quanh. 

Thật nghẹn ngào khi thời điểm ấy Pác Bó và những bản làng đều khó khăn, thực đơn hàng ngày cũng chỉ có cháo măng, rau rừng. Thi thoảng, bác được dân làng mang đến ít thịt lợn hoặc cá mà các anh bộ đội bắt được từ suối Lê nin.

 “Ngày ấy, làng Pác Bó cũng như nhiều làng bản khác đều nghèo khổ. Có bữa nhìn thấy Người cố nuốt, người dân đã rơi nước mắt cảm thương cho khó khăn của Ông ké Cách mạng.” – Theo baocaobang.vn

Qua đó, độc giả phần nào thấy được cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề của nhân dân khi phải chịu ách áp bức từ bè lũ thực dân Pháp lúc bấy giờ.

Càng trong nghịch cảnh mới thấy rõ được ánh sáng hào quang rực rỡ của con đường cách mạng. Khi hiện thực đang cố dìm con người ta xuống thì cũng là lúc cần phải vươn lên bằng chính đôi chân mình hơn bao giờ hết.

Sứ mệnh cao cả nơi lãnh tụ vĩ đại của dân tộc

Cùng giọng thơ nhẹ nhàng, trìu mến kết hợp với ngòi bút khắc họa chân thực xuất sắc, câu thứ ba tiếp tục hiện lên rõ không gian làm việc bên trong hang Pác Bó của Bác.

“Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng.” – Tức cảnh Pác Bó

Việc sử dụng hai vế đối lập nhau “bàn đá” – “sử Đảng” cho thấy sự giản dị cùng với điều quan trọng. Cái tạm bợ đang nuôi sống hành trình lâu dài, tuy hoàn cảnh thiếu thốn nhưng lại thực hiện công việc trường kì, vĩ đại.

Đặc biệt ở đây là tuy trong cùng một câu thơ mà có đến hai giọng đọc. Vế đầu bốn chữ “bàn đá chông chênh” uyển chuyển, nhẹ nhàng, vế sau ba chữ “dịch sử Đảng” lại mạnh mẽ, dứt khoát.

Khi nhắc đến Đảng, độc giả luôn cảm nhận được sự tự hào và kết tinh thành động lực mạnh mẽ chiến thắng nghịch cảnh từ Bác, người gánh vác cả sứ mệnh dân tộc trên đôi vai gầy gò ấy.

Từ láy “chông chênh” tả cái hiện thực trước mắt của chiếc bàn đá, tuy nhiên có một giả thuyết rằng chẳng chiếc bàn nào hiện diện ở đây, tất cả chỉ xuất hiện trong lời kể hóm hỉnh từ Bác.

Sâu xa hơn, “chông chênh” tượng trưng cho việc nền cách mạng thời bấy giờ còn non yếu, cần được nuôi dưỡng, chăm bón để trưởng thành, vững mạnh theo từng ngày.

Câu thơ sử dụng ba từ vần thanh trắc “dịch sử Đảng” đã góp phần toát lên vẻ khỏe khoắn rất dứt khoát. Sự chắc chắn một lần nữa lại được đặt trên cái “chông chênh” bộc lộ rõ niềm tin cháy bỏng và ý chí quyết tâm nơi Bác.

Ở đó, trong hang đá chật chội nhỏ hẹp cũng chẳng có nổi một chỗ làm việc đàng hoàng mà chỉ là bàn đá cũ kĩ theo năm tháng. Trên chiếc bàn gồ ghề ấy, Bác đã miệt mài lật từng trang sử Đảng rồi tỉ mỉ dịch sang tiếng mẹ đẻ để đồng bào có thể lĩnh hội được. 

Dưới ánh đèn dầu lờ mờ, hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh rực sáng như ngọn hải đăng soi đường chỉ lối cho con đường cách mạng phía trước. Đó là ánh sáng của Đảng, soi sáng từng đường đi nước bước cả dân tộc dần chìm trong bóng tối.

Người nghiên cứu và học tập kinh nghiệm phong phú, quý báu của phong trào cách mạng thành công trên thế giới. Lấy đó làm bàn đạp để vận dụng vào thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

Trong bài thơ tứ tuyệt, câu thứ ba thường là mang ý nghĩa trọng tâm. Như vậy, ở đây bức tranh Pác Bó nổi bật nhất là hình tượng vị lãnh tụ cách mạng được khắc họa vừa chân thực, vừa sinh động với tầm vóc lớn lao.

Dù cho bóng đêm đang bao trùm thì chỉ cần có ý chí con đường đúng đắn nhất định sẽ thành công. Trong bài thơ Thăm Pác Bó, nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết:

“Rau măng cháo bẹ dâng người

Ngày ra bờ suối, tới thời vào quang

Nơi đây Bác vạch đường vang

Mở ra sông núi, gồm sang biển trời.” – Xuân Diệu

Còn Bác ở đây là còn lí tưởng, còn Người ở đây là còn non sông. Gánh vác sứ mệnh trên chiếc bàn gồ ghề, làm nên điều phi thường từ những điều bình thường và giản dị nhất.

Dù trong hoàn cảnh nào, Bác cũng vẫn ung dung, lạc quan, vững vàng trước gian khó cùng đôi tay say mê với cách mạng. Đến bữa ăn dù đạm bạc nhưng lại cảm thấy ngon lạ kỳ.

Bởi lẽ, đó là bữa Bác được ngồi cùng với đồng đội khi biết bao đồng bào đang khao khát có như thế. Một mâm cơm chất đầy tự do mà đôi chân không bị xiềng xích bởi ách thống trị của Đế quốc.

Cuộc sống không cần cao sang, những bữa ăn vẫn cứ giản dị trôi qua. Còn Bác vẫn cứ lạc quan, âm thầm làm tròn trọng trách gánh vác giang san, dẫn dắt phong trào đấu tranh đi đến thắng lợi vẻ vang.

Niềm tự hào và lòng tin cháy bỏng của Bác về cuộc đời cách mạng

Trước cuộc sống khó khăn, vất vả và hành trình còn đầy gian nan, nguy hiểm phía trước. Câu thơ cuối bài đã nêu bật lên cảm nhận của Bác về cuộc đời cách mạng.

“Cuộc đời cách mạng thật là sang.” – Tức Cảnh Pác Bó

Ở câu thơ cuối của Tức cảnh Pác Bó, lại một lần nữa người đọc được chiêm ngưỡng sự khéo léo trong cách sử dụng ngôn từ.Vần “ang” giúp mở rộng khẩu hình miệng, nghe rất hào sảng và tạo cả tiếng vang lớn cho toàn bài thơ.

Niềm tự hào và lòng tin cháy bỏng của Bác về cuộc đời cách mạng

Từ “sang” có nghĩa là giàu có, bề thế, quý phái của tầng lớp thượng lưu. Thế nhưng ở đây, nó lại mang ý nghĩa rộng và đặc biệt hơn. Sự nghèo nàn vật chất trong bài thơ đã được chuyển hóa thành sự giàu sang tinh thần.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét cuộc sống lúc bấy giờ chỉ bằng nụ cười hóm hỉnh, thâm thúy của một vị triết nhân lỗi lạc. 

Với Người, hoạt động ở hang núi hiểm trở, hẻo lánh không phải sự khó khăn. Ngược lại, câu thơ giúp độc giả thấy Bác xem đó là điều may mắn vô cùng. Mấy ai làm cách mạng lại nhẹ nhàng, thư thái nơi chốn phong cảnh hữu tình đến vậy.

“Thú lâm tuyền” với cảnh nghèo lạ đời chưa từng có trong thi ca Việt Nam

“Thú lâm tuyền”, cũng như “thú điền viên” là lối sống thanh cao, tao nhã đã có từ xưa. Bao triết nhân, hiền giả gặp lúc thời cuộc nhiễu nhương, thấy mình không thể nhập thế hành đạo giúp đời nên lần lượt từ bỏ danh lợi, tìm đến cuộc sống ẩn dật nơi núi rừng.

“Côn Sơn có suối nước trong

Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm

Côn Sơn có đá tần vần

Mua tuôn đá gạch ta nằm ta chơi.” – Bài ca Côn Sơn

Nếu không tồn tại tinh thần đó, thì với tình cảnh trái ngang éo le, Nguyễn Trãi không thể tìm thấy thú vui đối với núi rừng, suối khe. Không thể có nụ cười hóm hỉnh ở câu thơ vịnh cảnh như trong những ngày lánh mình nơi Côn Sơn xa xôi.

Khác với người xưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống giữa rừng núi sâu thẳm không phải để ẩn thân lánh đời mà nhằm bí mật hoạt động cách mạng, mưu tính sâu sát cho từng bước đi của phong trào giải phóng dân tộc.

Hằng ngày, vừa hoạt động cách mạng, Bác vừa được thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên mê động lòng người. Cứ chầm chậm mà ung dung, thanh thản hưởng thú tuyền lâm chốn sơn khê.

Tuy hoàn cảnh hết sức gian khổ, thiếu thốn, Bác vẫn thấy thoải mái khi được sống và làm giữa cái mênh mông của đất trời cao rộng mà chẳng có một lời nỉ non, than trách nào. Như trong bài Nguyên Tiêu, Người từng thốt lên rằng:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lòng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẻ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.” – Nguyên Tiêu (Hồ Chí Minh) 

Cảnh khuya trong trẻo, tĩnh lặng càng làm nổi bật hình ảnh Bác Hồ thao thức không yên trong đêm vắng. Người hòa mình để cất tiếng ngợi ca thiên nhiên núi rừng, song đó cũng chỉ là phút giây phiêu du vào mây gió, tâm hồn thì vẫn canh cánh vì nỗi nước nhà.

Đây cũng là tinh thần bất diệt xuất hiện ở thi ca và nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của Bác. Bởi lẽ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không đơn thuần là một chiến sĩ cách mạng khô khan, chỉ biết đến binh đao nơi sa trường.

Ẩn sâu trong tâm hồn, Người luôn ngấm ngầm gửi gắm sợi dây vô hình. Nó gắn kết nhà thi sĩ và niềm cảm hứng thi văn bất diệt ở trong mọi hoàn cảnh, vượt cả không gian lẫn thời gian.

Không những thế, “sang” còn lột tả chân thực tinh thần lạc quan yêu đời, chắc tay chèo lái con đường cách mạng dù ở trong bất cứ tình thế nào của Bác.

Tức cảnh Pác Bó cũng không sai khi khẳng định rằng “sang” đã xuất sắc trở thành thi nhãn của toàn bài, nêu bật điều muốn gửi gắm nơi vị lãnh tụ vĩ đại. Đó là niềm tự hào vô bờ bởi thực hiện được lí tưởng ấp ủ bao lâu nay từ đôi bàn tay sương gió ấy.

Niềm tự hào về Đảng, về sự nghiệp cách mạng đang dâng tràn trong tim người. Nó rất mãnh liệt, nó tạo nên một sức mạnh vô hình đánh bay mọi khó khăn bằng tinh thần lạc quan của vị lãnh tụ vĩ đại.

Không chỉ dưới ngòi bút của Bác, mà nhà thơ Nguyễn Quang Dũng cũng đã từng khắc họa hình ảnh chiến sĩ bộ đội cụ Hồ gan góc, hiên ngang sừng sững như ngọn đồi hùng vĩ trước cái khắc nghiệt về cuộc kháng chiến trong bài thơ Tây Tiến.

“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm 

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.” – Tây Tiến (Nguyễn Quang Dũng)

Bốn câu thơ đã dựng lên trước mắt độc giả cái độ cao đến rợn người của chiến trường nơi Tây Bắc đầy hiểm trở, gai góc. Họ là những chiến sĩ ở tuyến đầu, trên con đường hành quân cheo leo vách núi.

Bác và những người chiến sĩ nơi biên cương đang âm thầm cống hiến cho lý tưởng cao đẹp vì cả dân tộc. Điều đó giúp hình thành nên sức mạnh to lớn, tinh thần thép đương đầu với mọi thử thách. 

Dù địa hình hiểm trở, dù lên núi đao với một niềm tin nho nhỏ nhưng lại mãnh liệt tột cùng. Chỉ cần có ngày đất nước trở lại độc lập tự do, tiếng cười trẻ thơ vang vọng trên khắp bản làng mọi miền tổ quốc thì tất cả cũng xứng đáng.

Cách mạng vô sản soi rọi từng bước đi lên của đất nước

Cả cuộc đời Bác Hồ kính yêu là một hành trình không mệt mỏi vì độc lập, tự do Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Người sống với lý tưởng và cho đến lúc ra đi vẫn canh cánh nỗi niềm ấy.

Cách mạng vô sản soi rọi từng bước đi lên của đất nước

Dưới sự dẫn dắt của Bác, phong trào giải phóng dân tộc ta đã bước đến một tầm cao mới. Con đường cách mạng vô sản từng phá tan xiềng xích nô lệ suốt ngần ấy năm trong ách áp bức, bóc lột máu lạnh vô tình nơi chủ nghĩa đế quốc.

Độc lập dân tộc gắn liền với vận dụng sáng tạo thuyết học Mác – Lê nin đã thể hiện tính quy luật của sự phát triển xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để đất nước từng bước đi lên “sánh vai với cường quốc năm châu” như ngày hôm nay.

Hồn thơ sống với thời gian như lời tuyên ngôn dõng dạc trong Bác

Đã hơn năm mươi năm kể từ ngày Bác đi xa nhưng trong lòng các thế hệ Việt Nam, Người vẫn còn sống mãi. Kho tàng nghệ thuật cùng những di sản chưa một lần phai nhòa bởi thời gian mà vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử to lớn.

Hồn thơ sống với thời gian như lời tuyên ngôn dõng dạc trong Bác

Tức cảnh Pác Bó chính là một ví dụ điển hình như thế. Bởi cho đến ngày nay, mỗi lần chiêm nghiệm lại bài thơ, người đọc vẫn cảm nhận được trong đó nỗi niềm sâu xa của vị lãnh tụ ở buổi đầu kháng chiến khắc nghiệt.

Dù súng đạn bom rơi, trong tình thế khó khăn và gian khổ hiểm nguy. Tinh thần ung dung lạc quan vẫn rực sáng nơi Bác, chiến thắng mọi nghịch cảnh bằng tâm hồn bay bổng bất diệt của người thi sĩ.

Đó cũng là lời tuyên ngôn dõng dạc khi sự nghiệp cách mạng từng bước trở thành nguồn sống cho cảm hứng sáng tác của Bác. Trong hệ sinh thái thi ca ấy, tâm hồn nhà thơ luôn bền bỉ cùng chặng đường giải phóng dân tộc dẫu còn đầy rẫy chông gai phía trước.

Nay đất nước ta đã bước vào thời đại, kỷ nguyên mới, từng ngày khoác lên mình diện mạo lộng lẫy, phát triển hội nhập nhưng không một phút giây nào, mọi người thôi nhớ đến vị cha già đáng kính của dân tộc.

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim.” – Viếng lăng Bác (Viễn Phương)

Mãi sau mỗi khi nhắc về bức tranh Pác Bó, độc giả cũng đều nhớ đến nén hương mà Viễn Phương đã thay mặt hàng triệu người con Việt Nam tha thiết dâng lên vị lãnh tụ vĩ đại ấy. Bác Hồ vẫn sống mãi với nhân dân, sống mãi trong những lời thơ da diết, trìu mến đó.

Mẫn Nhi