Trên hành trình xây dựng nước Nhật phồn vinh, người dân xứ sở hoa anh đào đã tiếp thu, giữ gìn và phát triển vô số giá trị văn hóa truyền thống, điển hình là tinh thần võ sĩ đạo với sức mạnh và ý chí hiên ngang khiến cả thế giới phải thán phục.

Tinh thần võ sĩ đạo - nét đẹp văn hóa đáng tự hào của xứ sở hoa anh đào
Tinh thần võ sĩ đạo – nét đẹp văn hóa đáng tự hào của xứ sở hoa anh đào

Tinh thần võ sĩ đạo của các Samurai luôn được nhắc tới như một triết lý xây dựng cuộc sống và là cội nguồn sức mạnh to lớn, nâng đỡ xứ sở Phù Tang đứng dậy mạnh mẽ từ đống đổ nát của chiến tranh.

Hiểu đúng về Samurai (侍) và tinh thần võ sĩ đạo (Bushido – 武士道)

Trong tiếng Nhật, Samurai có nguồn gốc từ động từ Saburau さ守らう mang ý nghĩa bảo vệ, phục vụ. Theo bảng chữ cái Kanji thì Samurai được viết là 侍, âm Hán Việt là Thị, tức Thị Vệ, dùng để chỉ những người bảo vệ tầng lớp quý tộc thời Heian (794 – 1185).

Theo thời gian, Samurai dần trở thành một tầng lớp mới trong xã hội, được phép sử dụng các vũ khí như kiếm và cung tên trong lúc thi hành nhiệm vụ. 

Đến năm 1185, khi bước vào thời đại Kamakura thì Yorimoto Minamoto, người đứng đầu dòng tộc Taira vốn xuất thân là một võ sĩ được Thiên hoàng phong làm Shogun (Tướng quân). 

Lúc này, các võ sĩ được gọi là Bushi (武士) và trở thành tầng lớp lãnh đạo tại Nhật Bản, sở hữu nhiều đặc quyền, đặc lợi và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân xứ sở hoa anh đào.

Võ sĩ thời Kamakura
Võ sĩ thời Kamakura

Cho đến thời kỳ Muromachi (1338 – 1573), nhằm rút ngắn sự cách biệt giữa xuất thân bình dân và địa vị xã hội cao quý, các võ sĩ (武士) phải tích lũy nhiều kiến thức về Trà đạo, Kiếm đạo, Hoa đạo và Thiền Tông.

Vào giai đoạn cuối thời Edo (1600 – 1868), một hệ thống nguyên tắc với những chuẩn mực khắt khe trong sinh hoạt và luyện tập được hình thành có tên gọi là Bushido (武士道). Đây được xem là hệ thống triết lý gồm các tư tưởng và giá trị đạo đức mà mỗi Samurai (侍) đều phải tuân theo, nếu không thực hiện họ sẽ hứng chịu những hình phạt rất nghiêm khắc.

Các võ sĩ thời Edo
Các võ sĩ thời Edo

Như vậy, khác với suy nghĩ của nhiều người, Samurai (侍) và Bushido (武士道) không hoàn toàn giống nhau, chúng chỉ tương hỗ nhau về mặt ý nghĩa. Chữ 道 (đạo) trong 武士道 (võ sĩ đạo) đại diện cho một phong cách sống, một con đường rèn luyện mà các Samurai phải thấm nhuần trong cả tư tưởng và hành động. 

Những nguyên tắc Bushido (武士道) được chắt lọc từ tinh hoa của Thần Đạo, Phật Giáo, Khổng Giáo và triết lý Mạnh Tử phản ánh tính linh hoạt và hài hòa trong quá trình tiếp nhận các giá trị văn hóa của người dân xứ sở mặt trời mọc.

Trang phục và vũ khí của các võ sĩ Samurai

Trang phục của các Samurai từ chất liệu vải cho đến các họa tiết, hoa văn đều biểu hiện những đặc điểm nổi bật của tinh thần võ sĩ đạo, cho thấy sự sang trọng của một trong những tầng lớp cao quý nhất xứ sở Phù Tang.

Bên cạnh trang phục, vũ khí là vật dụng không thể tách rời của các Samurai. Nếu so sánh với những Ninja từng tồn tại trong chiến tranh thời kỳ Kumakura và Edo thì vũ khí của các Samurai có phần ít hơn nhưng chúng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa về mặt danh dự đối với các võ sĩ.

Trang phục

Trang phục thường được các Samurai Nhật Bản khoác lên người chính là Kimono. Khác với sự cầu kỳ của các bộ Kimono truyền thống, trang phục dành cho các võ sĩ chỉ gồm hai lớp và cắt giảm hầu hết các chi tiết rườm rà.

Bên cạnh đó, sự đặc biệt của Kimono dành cho cho các Samurai nằm ở chất liệu vải thoáng mát nhưng vẫn toát lên vẻ quyền quý và sang trọng. 

Trang phục của các võ sĩ ngày xưa
Trang phục của các võ sĩ ngày xưa

Trong chiến đấu, Samurai thường mặc áo giáp với trọng lượng khoảng 15 – 20kg, cùng với đó là những hoa văn thể hiện khí chất mạnh mẽ của tinh thần võ sĩ đạo khi xông pha chiến trận. 

Hai loại áo giáp phổ biến dành cho các Samurai là Do Maru và Yoroi. Trong đó, Yoroi được dùng cho kỵ binh, bao gồm mũ sắt và bảo vệ vai còn Do Maru thường được trang bị cho lính bộ vì trọng lượng không quá nặng. 

Vũ khí 

Thanh kiếm Katana là vũ khí chính và đặc trưng nhất của các Samurai Nhật Bản, sở hữu chiều dài khoảng 60cm, tay cầm được thiết kế vừa vặn nhằm đảm bảo sự thoải mái cho các võ sĩ trong quá trình chiến đấu. Trong khi đó, Odachi được biết đến là loại trường kiếm thường được các Samurai sử dụng để tấn công tầm xa lúc cưỡi ngựa.

Thanh kiếm Katana - biểu tượng của các Samurai Nhật Bản
Thanh kiếm Katana – biểu tượng của các Samurai Nhật Bản

Nếu Katana được xem là vũ khí chính trong chiến đấu thì Wakizashi được tôn là thanh kiếm danh dự của các Samurai Nhật Bản. Vũ khí này không dùng trong chiến đấu mà chủ yếu được sử dụng để chặt đầu kẻ bại trận.

Bên cạnh Wakizashi, dao găm Aikuchi cũng được xem là loại đoản kiếm đại diện cho danh dự của các nữ Samurai, thường được trang bị bên người với mục đích phục vụ việc tự sát để bảo toàn danh dự và trinh tiết của bản thân.

Tinh thần võ sĩ đạo của các Samurai Nhật Bản

Các Samurai tự ví đời sống của họ như những đóa anh đào tuyệt đẹp, vòng đời dù ngắn ngủi nhưng vẫn để lại nhiều giá trị sâu sắc. Bởi lẽ, hoa anh đào chỉ rực rỡ nhất vào hai khoảnh khắc, đó là lúc nở rộ dưới ánh nắng mùa xuân và khi cuộn mình trong chiều gió, quay về với đất trời thiên nhiên. 

Cuộc đời một võ sĩ Samurai cũng vì thế mà đẹp tựa cánh anh đào bay trong gió, sự sống và cái chết đều hiện hữu những vẻ đẹp riêng biệt. Lòng can đảm và sự dũng cảm khiến các Samurai nghĩ về cái chết không chút mảy may lo sợ, mọi thứ đều nhẹ nhàng tựa cánh hoa rơi.

Các Samurai Nhật Bản luôn phải nằm lòng bảy nguyên tắc của tinh thần võ sĩ đạo
Các Samurai Nhật Bản luôn phải nằm lòng bảy nguyên tắc của tinh thần võ sĩ đạo

Những phẩm chất cao quý cùng trách nhiệm to lớn mà một võ sĩ mang trên vai đã khiến cho con đường trở thành Samurai chân chính chưa bao giờ dễ dàng. Tinh thần võ sĩ đạo với những nguyên tắc và yêu cầu khắc nghiệt sẽ thử thách ý chí và lòng can đảm của bất kỳ ai. 

Đất nước Nhật Bản thời trung cổ tồn tại bảy nguyên tắc đạo đức mà tất cả Samurai phải nghiêm túc tuân theo. Đó là những nguyên tắc phản ánh tinh thần võ sĩ đạo với các giá trị cốt lõi là trung thực, chính trực và tự trọng.

義 (Gi – Công lý)

Công lý là nguyên tắc đạo đức đầu tiên buộc võ sĩ Samurai phải tuân theo. Đối với họ, không có gì cao quý hơn công lý và chính nghĩa, việc đánh giá danh dự phải tuyệt đối rõ ràng. Niềm tin vào bản thân và lẽ phải là kim chỉ nam hướng các Samurai bước đi trên con đường chính đạo.

Lòng tự trọng phải được đặt trên tất cả, các võ sĩ Samurai không cho phép những ham muốn cùng cám dỗ tầm thường làm sa ngã, luôn đề cao tinh thần chính nghĩa, hành động vì lẽ phải nhằm chống lại những thế lực xấu xa, tàn bạo. 

仁 (Jin – Nhân từ)

Lòng nhân từ là biểu hiện cao quý nhất của tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản. Một Samurai chân chính phải là người sở hữu tấm lòng bao dung cao cả, đỉnh cao trong lòng nhân từ của họ nằm ở việc sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù lúc cần thiết. 

Tinh thần võ sĩ đạo hướng các Samurai đến vẻ đẹp trượng nghĩa, xem sức mạnh là vũ khí chung, không phải lợi ích và ân oán cá nhân. Lòng nhân từ là vũ khí mạnh nhất giúp họ chiến đấu chống lại các thế lực xấu xa, đứng bên cạnh và giúp đỡ những con người yếu đuối.

勇 (Yu – Can đảm)

Lòng can đảm là phẩm chất bắt buộc đối với các Samurai, “nếu chết thì phải chết đẹp” vốn là quan niệm nhân sinh của người dân xứ sở hoa anh đào. Đó cũng là một trong những phẩm chất của người võ sĩ, họ luôn sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, cái chết trong suy nghĩ hiện lên rất nhẹ nhàng. 

Các võ sĩ sống cuộc đời đầy mạnh mẽ, thanh tao và trong sạch, cái chết đối với họ phải là cái chết danh dự và đẹp đẽ, bởi lẽ “đó là sự can đảm thật sự để sống khi đáng sống, và chỉ chết khi thật sự phải chết”.

礼 (Ray – Tôn trọng)

Sự tôn trọng là một trong những phẩm chất cao quý giúp cho các Samurai nhận được sự kính nể từ kẻ thù, người võ sĩ đạo luôn tâm niệm rằng “lịch sự cao nhất chính là tôn trọng”. 

Một Samurai chân chính không cần phải tàn nhẫn để thị uy sức mạnh, tất cả hành động luôn xuất phát từ sự tôn trọng dành cho mọi người, thậm chí là kẻ thù. Nếu đánh mất sự tôn trọng thì các Samurai sẽ nghĩ bản thân chẳng khác gì loài vật.

誠 (Makoto – Sự chân thành)

Sự chân thành xuất phát từ chiều sâu tâm hồn là một trong những đức tính cao đẹp nhất của các võ sĩ Samurai, phẩm chất đạo đức này xứng đáng được giữ gìn và lan tỏa trong xã hội Nhật Bản. 

Những hành động của các võ sĩ là minh chứng cho tất cả sự chân thành ẩn giấu bên trong họ. Việc hứa hẹn và thực hiện bằng được lời hứa vừa là trách nhiệm, vừa là phẩm chất cao quý mà tinh thần võ sĩ đạo đã rèn giũa cho các chiến binh.

名誉 (Meyё – Danh dự)

Danh dự luôn là phẩm chất mà các Samurai vô cùng tự hào và sẵn sàng bảo vệ bằng mọi giá. Với họ, ý thức về nhân phẩm đã thấm nhuần trong từng tế bào, “mất danh dự giống như một vết sẹo trên cây mà theo thời gian thay vì giúp cây phát triển lại làm cho nó còi cọc hơn”. 

Tinh thần võ sĩ đạo hình thành cho các Samurai đức tính tự chịu trách nhiệm về hành động của bản thân. Một khi danh dự và lòng tự trọng bị tổn hại, cái chết luôn là hành động chứng minh sự trong sạch của tâm hồn, đây cũng chính là nguyên nhân sâu xa của Seppuku – một hình thức tự sát truyền thống của các Samurai nhằm bảo toàn danh dự bản thân.

忠義 (Chu gi – tận tâm)

Nguyên tắc cuối cùng nhưng vô cùng cần thiết trên hành trình trở thành võ sĩ đạo, đó là sự tận tâm. “Một Samurai buộc phải đấu tranh với trí tuệ và lương tâm của mình bằng cách thể hiện sự trung thành”, sự tận tâm với nhiệm vụ được giao phó sẽ giúp họ hạn chế được các xung đột liên quan đến lợi ích cũng như sự tranh giành quyền lực.

Đây được xem là một trong những nguyên tắc sống quan trọng nhất của các Samurai Nhật Bản. Sự tận tâm, trung thành với người lãnh đạo, trở thành tấm gương sáng cho thuộc hạ noi theo chính là nhiệm vụ mà bất kỳ Samurai nào cũng phải nghiêm túc thực hiện.

Tinh thần võ sĩ đạo – biểu tượng cho ý chí của con người Nhật Bản

Ngày nay, tầng lớp Samurai đã không còn giữ được vị trí vốn có trong xã hội Nhật Bản. Tuy nhiên, lòng dũng cảm, sự trung thành và những phẩm chất tốt đẹp mà tinh thần võ sĩ đạo mang lại vẫn là một trong những giá trị văn hóa đáng ngưỡng mộ của xứ sở hoa anh đào.

Tinh thần võ sĩ đạo - biểu tượng cho ý chí của con người Nhật Bản
Tinh thần võ sĩ đạo – biểu tượng cho ý chí của con người Nhật Bản

Tinh thần võ sĩ đạo là triết lý sống của cả dân tộc Nhật Bản với cốt lõi là danh dự và lòng tự trọng, người dân xứ sở hoa anh đào luôn nỗ lực vươn lên và xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh trên cơ sở thấm nhuần lối sống chuẩn mực của các Samurai ngày xưa.

Diệu Ngô