Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là tác phẩm nổi bật dành cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, xuất bản vào năm 2004. Truyện dài này đoạt giải A ở cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi năm 2002 và giải Peter Pan của Thụy Điển vào năm 2008.

Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ mở ra khung cảnh cuộc sống thôn quê bình dị nhưng chan chứa tình người ấm áp. Xuyên suốt tác phẩm là lời kể của Trí Dũng về những câu chuyện xoay quanh cuộc sống hàng ngày. 

Chính ánh nắng ngây thơ trong tâm hồn cậu bé mười tuổi đã thổi bừng vào từng lát cắt cuộc sống hơi thở của sự ấm áp, để lại trong lòng người đọc bao dư vị khó phai.

Đôi nét giới thiệu về nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần

Nguyễn Ngọc Thuần sinh năm 1972 tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Chính hương vị thân quen của từng rẻo đất, khu vườn, sự nghĩa tình từ con người nơi đây đã bồi đắp trong lòng anh tình yêu quê hương da diết.

Tuy hoàn cảnh gia đình nghèo khó nhưng Nguyễn Ngọc Thuần may mắn được lớn lên trong tình yêu thương sâu nặng của cha mẹ. Bởi vậy, trang văn nào của anh cũng thấm đẫm sự nhân văn, con người sống với trái tim khoan dung, vị tha và luôn khao khát trao đi tình thương chân thật.

Đôi nét giới thiệu về nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần

Ngoài ra, tác giả Nguyễn Ngọc Thuần còn để lại trong lòng người đọc ấn tượng về một người họa sĩ cầm bút. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhưng cơ duyên đã đưa anh đến với văn chương rồi gắn bó luôn từ đó.

“Một hôm, tôi ghé chơi nhà dì, thấy một cái máy đánh chữ bụi bám đầy… Tôi bèn lấy ra lau dầu. Lau dầu xong, tiện tay tôi gõ chơi vài chữ rồi ngẫu hứng viết lung tung, không ngờ càng viết lại càng thấy thích… Từ đó, tôi bắt đầu viết và hình thành ý thức viết.” – Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần bộc bạch

Bước vào địa hạt văn chương với thái độ nghiêm túc, chân thành cùng lối tư duy độc đáo, nhà văn ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Giăng giăng tơ nhện, Một thiên nằm mộng, Trên đồi cao chăn bầy thiên sứVừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ.

Một thế giới đầy ắp tình thương yêu chân thành 

Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ như một thước phim ghi lại những câu chuyện trong tuổi thơ cậu bé Trí Dũng. Em gây ấn tượng sâu sắc với người đọc bởi nét hồn nhiên, hoạt bát cùng trái tim nhân hậu. 

Dũng may mắn được lớn lên trong tình yêu thương bao la của bố mẹ cùng sự ấm áp từ những người láng giềng như chú Hùng, cô Hồng, ông Tư, tuổi thơ cậu bé hiện lên thật đủ đầy và hạnh phúc.

Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ thể hiện tình thương thắm thiết của bố

Ngay từ khi sinh ra, cậu bé đã được đón nhận tình thương thắm thiết của bố. Khoảnh khắc nhìn thấy em, ông đã thốt lên sung sướng đến nỗi không kìm được, phải trao một nụ hôn vào cái miệng đang khóc dù trên người dính đầy đất cát và mồ hôi. 

Ngay cả những giây phút làm việc vất vả trên đồng, người đàn ông ấy cũng không thể khiến tâm trí thôi nghĩ về đứa con mới chào đời. Vốn “cái gì chạm phải tay đều kêu rổn rảng” nhưng vì tình thương, bố đã tập làm mọi thứ nhẹ nhàng hơn.

“Bố nói, giấc ngủ của đứa bé đẹp hơn một cánh đồng. Ðêm, bố thức để được nhìn thấy tôi ngủ – cánh đồng của bố.” – Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ

Mỗi trang văn đều thấm đượm tình cha con tha thiết, sâu nặng. Để rồi khi thời gian trôi đi, Trí Dũng trở nên lớn hơn, thế giới từ đó rộng mở với sự có mặt của những người láng giềng như chú Hùng, cô Hồng, ông Tư, thằng Tí, con Lan, thằng Toàn. 

Từng câu chuyện cứ thế diễn ra thật nhẹ nhàng, trở thành những ký ức đẹp đẽ và khó phai của tuổi thơ. Đơn cử như chiếc răng khểnh bị bạn bè trêu chọc, Dũng cứ mãi tự ti cho đến khi được bố lý giải và thấy yêu sự khác biệt đó một cách lạ kỳ. 

“Bố thấy đẹp lắm! Nó làm nụ cười của con khác với những đứa bạn. Ðáng lý con phải tự hào vì nó. Mỗi đứa trẻ có một điều kỳ lạ riêng. Có người có một đôi mắt rất kỳ lạ. Có người có một cái mũi kỳ lạ. Có người lại là một ngón tay. Con hãy quan sát đi rồi con sẽ thấy. Con sẽ biết rất nhiều điều bí mật về những người xung quanh mình.” – Trích truyện Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ

Hành trình lớn lên của Trí Dũng luôn có hình bóng to lớn ấy hiển hiện phía sau. Bố đã vun vén và tưới tắm cho khu vườn tâm hồn cậu biết bao hạt mầm hạnh phúc. 

Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ thể hiện tình thương thắm thiết của bố

Mỗi buổi chiều ra đồng về, hai bố con đều chơi trò nhắm mắt rồi đoán mùi hương của từng loài hoa. Ban đầu, Dũng thường nói sai nhưng chẳng bao lâu sau, cậu đã tự mình đoán được hết cả khu vườn.

“Ðêm, tôi mở cửa sổ và nói:

– Hoa hồng đang nở kìa bố ơi!

Bố không tin, xách đèn ra soi và đúng vậy. Những bông hoa cứ đem hương đến cửa sổ như báo cho tôi biết từng mùa. Hoa gì nở sớm, hoa gì nở muộn. Tôi còn phân biệt đồng một lúc những hoa gì đang nở. Bố nói tôi có cái mũi tuyệt nhất thế giới!”

Trong trò chơi của hai bố con, nhà văn chọn hình ảnh vườn hoa như một ý đồ nghệ thuật sâu sắc. Bên cạnh nhu cầu vật chất, con người cũng cần để dành tâm trí chăm chút cho khu vườn tâm hồn thêm phong phú, tràn đầy.

Họ có thể làm giống như cậu bé Trí Dũng, tập nhắm mắt nhưng vẫn có thể đoán ra từng loài hoa. Hoặc đơn giản hơn, chỉ cần giữ được một chút rung cảm với những chuyển biến tế vi của cuộc sống này.

Tình láng giềng gắn bó đẹp đẽ 

Chú Hùng là người láng giềng thân nhất với Dũng. Mỗi buổi sáng, chú đều sang nhà để đánh thức cậu bằng cách chui đầu vào mền rồi chọc ghẹo.

“Có hôm chú nói:

– Cái gì nằm trong mền vậy, có phải là cái bánh xèo không? Tui đói bụng quá!

Tôi hét lớn:

– Không. Tui là con cọp!

– Nếu là con cọp, cho tôi xem cái chân!

Thế là chú vờ ăn cái chân của tôi.” – Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ

Có những hôm, chú Hùng chưa kịp sang thì Trí Dũng đều nán lại trong chăn để đợi. Điều đó đã trở thành thói quen hàng ngày, một kỷ niệm đặc biệt giữa nhân vật “tôi” và chú Hùng.

Không những vậy, hai chú cháu còn gắn bó với nhau rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Từ việc chú Hùng cõng cậu bé đi thong dong trong từng con ngõ, kể lại biết bao câu chuyện hay đến chia sẻ từng niềm vui, nỗi buồn, mất mát trong cuộc sống.

Nhân vật này như một người bạn, một người anh khi luôn dành cho Trí Dũng những điều tốt đẹp nhất. Kỷ niệm với chú Hùng đã góp phần gìn giữ những năm tháng tuổi thơ hạnh phúc trong tâm trí cậu.

Cách trao đi tình thương ngây ngô của một đứa trẻ 

Những kỷ niệm tươi đẹp ấy đã thắp lên trong lòng Trí Dũng sự bao dung, nhân hậu, đồng thời giúp trái tim em luôn đầy ắp tình yêu thương và sự ấm áp để trao đến mọi người.

Khi thấy ông Tư vì chiến tranh mà không còn bàn tay, bàn chân, cậu bé đã không ngừng động lòng thương xót. Dũng sẵn sàng cho ông cả mười ngón tay của mình bằng cách thật dễ thương, đó là thi thoảng chạy sang xem ông Tư cần gì thì lấy hộ.

“-  Dễ lắm. Thỉnh thoảng con sẽ chạy sang đây. Ông chỉ việc kêu lên “bàn tay ơi lấy cho tui cái bánh”. Thế là bàn tay sẽ chạy đến lấy cho ông ngay.

Ông cười khà khà:

–  Ôi hay quá! Thật là hấp dẫn, vậy mà ông không nghĩ ra được. Ðể ông thử nhé! –  Ông hắng giọng rồi sôi nổi nói – Bàn tay ơi!

– Ơi! Có tui đây! – Tôi nói to. Tui là bàn tay đây! Bàn tay xin tuân lệnh hoàng thượng!” – Trích truyện Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ 

Từng lời văn cứ thế tuôn chảy thật tự nhiên, dí dỏm, dù viết về sự mất mát của chiến tranh nhưng độc giả lúc nào cũng được trao tặng cảm giác bình yên, dễ chịu. Chất thơ của tình người nhân văn cứ trở đi trở lại, tạo thành hồn điệu riêng cho Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ.

Cách trao đi tình thương ngây ngô của một đứa trẻ 

Trong thế giới tuổi thơ của Trí Dũng còn có nhân vật cô Hồng, con gái ông Tư và là vợ chú Hùng. Khi cô gặp chuyện buồn, cậu bé lúc nào cũng quanh quẩn bên nhà, trò chuyện để giúp tinh thần người phụ nữ ấy khuây khỏa hơn.

“Tôi đến ngồi bên cô Hồng. Cô nắm chặt lấy tay tôi.

Tôi nói:

– Chừng nào cô khỏi bệnh, cô đan cho con chiếc nón len nhé. Con thích chiếc nón có nhiều tua và cái mũi dài dài.

Cô gật đầu. Tôi nói tiếp:

– Cô có thích ăn bắp rang không?

Cô lắc đầu nhưng mỉm cười với tôi.” – Trích truyện Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ 

Những lời nói còn ngây ngô nhưng chứa đựng biết bao quan tâm dành cho người láng giềng thân thiết. Thật đúng như lời dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh “Nếu bạn yêu ai đó, món quà quý nhất bạn có thể tặng họ là sự có mặt của mình”.

Dù cậu bé không bày tỏ trực tiếp nhưng mỗi lời nói, hành động đều cho thấy tình cảm chân thành. Ngày nào cũng vậy, Dũng đều dành thời gian sang thăm cô Hồng, an ủi và giúp những vết thương trong lòng cô được xoa dịu, chữa lành.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần từng bộc bạch rằng bản thân sinh ra trong sự nghèo khó nhưng ông lại không mô tả điều ấy ở trang văn. Nhà văn cho rằng những nhân vật xuất hiện trong các sáng tác của ông luôn giàu có về mặt tinh thần, dù chỉ là một đứa trẻ. 

Dẫu cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, bất hạnh nhưng tất cả đều vươn lên sống đẹp, nghĩa tình, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.

Khúc ca về tình bạn tuổi thơ keo sơn 

Suốt năm tháng tuổi thơ, thằng Tí là người bạn thân nhất của Trí Dũng. Ngoài nhân vật này, cậu bé còn chơi với những người bạn khác trong lớp như con Lan, thằng Toàn, con Phượng. Lũ trẻ ấy đều ở cùng làng và học chung một lớp.

Mười tuổi là khoảng thời gian vẫn còn trẻ con nhưng luôn thích làm người lớn, tự do khám phá những điều mới mẻ. Do đó, Trí Dũng sau khi được chú Hùng cho theo vào rừng chơi thì lại “bất đắc dĩ” trở thành người chỉ dẫn bạn bè trong việc này.

Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là hành trình tự do khám phá của những thám tử nhí

Với cách kể chuyện dí dỏm, tự nhiên, nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần đã tái hiện một cách chân thực hành trình vào rừng khám phá của cậu bé Dũng cùng những người bạn thân.

Trên cung đường đó, chúng đã líu lo kể cho nhau đủ thứ chuyện không biết nghe từ đâu. Sự ngô nghê, hồn nhiên ấy thật đúng với trí tưởng tượng phong phú của trẻ nhỏ.

“Nào là ma lai, nào là ma sói. Ớn lắm! Rồi chúng lại cho rằng, con nít ở rừng sẽ hót như chim.” – Trích truyện Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ 

Dù vậy, điều bất ngờ xảy đến khi một cô bé trong nhóm là Lan bị lạc mất. Đứng trước tình huống trên, tất cả trở nên hoảng loạn, khóc lóc nhưng vẫn một lòng quyết tâm đi tìm bạn mình.

“Lần theo con suối, chúng tôi nắm tay nhau đi. Ði mãi vẫn không thấy con Lan. Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu… Chúng tôi hú gọi đến khản cổ vẫn không nghe tiếng trả lời. Rừng cứ âm âm vọng lại những âm thanh ma quái. Vừa đói khát, vừa mệt mỏi, cả bọn nằm dài lên đống lá mục. Nằm được một lúc, không ai bảo ai cùng đứng dậy.

– Ði thôi, nếu không trời sẽ tối.” -Trích truyện Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ

Chuyến phiêu lưu tưởng chừng vui vẻ bỗng gặp biết bao thử thách và khó khăn, đều là những điều chúng chưa bao giờ nghĩ tới. Trời mưa xối xả, tất cả bị lạc đường còn một người bạn trong nhóm thì hoa mắt rồi ngất xỉu.

Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là hành trình tự do khám phá của những thám tử nhí

Dù hoang mang, lo sợ và thậm chí “cả bọn không ai dám nhúc nhích” nhưng có một điều chắc chắn rằng trong lòng những đứa trẻ này chưa khi nào thôi lo lắng cho an nguy của bạn bè.

“Tôi khóc đầu tiên và sau đó là những đứa khác. Tôi tưởng tượng con Lan đang lạc đâu đó một mình trong rừng. Nó sẽ ôm ai đây? Nó sẽ lạnh lắm. Nó có biết bẻ lá cây làm mái che không? Hay nó xỉu như con Dung, hay nó đã tìm được đường ra bìa rừng?” – Trích truyện Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ 

Khi tất cả trở về nhà an toàn, trong lòng bọn chúng sáng rõ một điều rằng từ nay về sau sẽ không thể xa nhau được nữa, chúng sẽ mãi mãi là những người bạn thân keo sơn. Ngôi làng nhỏ bình dị ấy sẽ trở thành một trạm đỗ ký ức, ôm chứa vào lòng tất cả hồn nhiên tuổi thơ của mấy đứa nhỏ.

Câu chuyện ngọt ngào về người lạ mặt 

Tuổi thơ của cậu bé Dũng không chỉ gắn bó với bố mẹ, láng giềng mà còn được lấp đầy bởi những câu chuyện trường lớp. 

Đơn cử như khi thằng Tí vốn chưa bao giờ siêng năng nhưng dạo gần đây, ngày nào nó cũng đi học từ rất sớm. Vì quá tò mò nên những buổi học sau, Trí Dũng đã quyết tâm đi sớm hơn để biết được bí mật của cậu bạn.

Sau nhiều lần không thành công, cuối cùng Dũng đã biết được bí mật. Đó là món quà đầy ngọt ngào, bên trong chứa một viên kẹo để làm phần thưởng dành tặng cho người đến sớm nhất lớp.

Chỉ có một điều bí ẩn là danh tính của người để nó trên bàn giáo viên và món quà đã được đặt ở đấy từ khi nào. Cứ như thế, mấy ngày sau lại có thêm nhiều bạn trong lớp phát hiện ra điều bí mật ngọt ngào này.

Dù vậy, ai là người làm ra điều bí mật ấy thì chưa có câu trả lời. Vì mong muốn mang lại niềm hạnh phúc nhỏ bé cho những người bạn trong lớp nên Trí Dũng đã trở thành người lạ mặt thứ hai.

“Hôm đó tôi giấu một trái ổi to trong cặp. Ðợi tụi bạn đi học về hết, gói nó lại bằng một tờ báo rồi đề chữ lên: Tôi – Người lạ mặt – có món quà nhỏ tặng người đến sớm.” – Trích truyện Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ 

Rồi từ đó, bỗng nhiên cứ xuất hiện thêm “ba người lạ mặt, rồi bốn, rồi năm, rồi sáu, bảy”. Những buổi sáng đi học, tất cả bọn chúng đều biết sẽ có người bạn nào đó để lại một món quà.

Câu chuyện ngọt ngào về người lạ mặt 

Sự háo hức ấy khiến mỗi buổi đến trường đều trở nên thú vị hơn biết bao. Niềm hạnh phúc chân thực luôn đến từ những điều giản đơn, nhỏ bé như thế. Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ qua đó nêu lên thông điệp rằng khi sẵn sàng cho đi, bạn chắc chắn sẽ được nhận lại nhiều hơn.

Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là bài học sâu sắc dành cho người lớn

Từng câu chuyện trong cuốn sách Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ đều được kể bằng giọng văn tự nhiên, trong trẻo, đưa người đọc trở về với thế giới tuổi thơ thuần khiết. 

Thế nhưng, ẩn trong những mẩu chuyện nhỏ là một thông điệp sâu sắc. Chính tác giả từng chia sẻ rằng, với anh thì người lớn phải là bạn của trẻ em, thấu hiểu những tâm sự tuổi nhỏ và trao đi tình cảm thiêng liêng, đẹp đẽ.

Do đó, tất cả nhân vật người lớn trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ đều để lại ấn tượng với tấm lòng yêu thương, bao dung, dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em.

Nguyễn Ngọc Thuần còn bộc lộ mong muốn rằng người lớn hãy trao đến cho trẻ em quyền tự do mơ ước, thoải mái vui chơi, không còn tồn tại sự ra lệnh, kìm kẹp hay trói buộc.

Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là bài học sâu sắc dành cho người lớn

Khu vườn tâm hồn của trẻ em là một mảnh đất rộng, chưa có dấu vết của sự cày xới. Người lớn hãy gieo trồng, tưới tẩm lên đó những hạt mầm yêu thương để tất cả đều được trải qua một tuổi thơ hạnh phúc.

Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là gương mặt sáng giá trong kho tàng truyện thiếu nhi Việt Nam. Với giọng văn tự nhiên và nhẹ nhàng, nhà văn đã chinh phục thành công giới phê bình lẫn đông đảo độc giả mọi lứa tuổi.

“Sự xuất hiện của anh trong làng văn, với Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, một thiên nằm mộng đã tạo nên một thế giới tươi sáng, mơ hồ mà quyến rũ. Sự đẹp đẽ của những trang văn Nguyễn Ngọc Thuần đã “đánh gục” sự nghi ngờ của những nhà văn lão thành. Ngay cả những nhà phê bình khó tính nhất cũng chấm cho anh trên điểm 5 trong thang điểm 10.” 

Xây dựng hình tượng nhân vật cậu bé Trí Dũng mười tuổi, cuốn sách đã tái hiện một cách chân thực tâm lý trẻ thơ và truyền tải tới độc giả những câu chuyện thấm đượm tình yêu thương ấm áp.

Qua đó, độc giả không chỉ có cơ hội trở về thế giới tuổi thơ thêm một lần mà còn được bồi đắp thêm niềm tin vào cuộc sống vẫn còn ẩn chứa bao điều đẹp đẽ này.

Trường Xuân