Là một sáng tác của Nguyễn Tuân, Chữ người tử tù viết về hoàn cảnh éo le và phẩm chất bất khuất trong tâm hồn người nhà nho. Tác giả đã khéo léo ngợi ca những cá nhân thiện lương giữa thời cuộc nhiễu nhương, hỗn loạn.

Từ đó, ông bộc lộ quan điểm thẩm mỹ, tư duy đặc sắc của mình, để lại dấu ấn khó phai trong lòng độc giả. Theo vị văn sĩ, lối sống đẹp, thanh cao là thái độ đúng đắn để phản ứng với trật tự xã hội lúc bấy giờ.

Bằng ngòi bút sáng tạo, Nguyễn Tuân đã mang đến một thiên truyện ngắn kiệt xuất cho nền văn học Việt Nam. Phong cách nghệ thuật hiện đại, mới mẻ của ông tôn vinh những giá trị truyền thống quý báu, bất chấp sự bào mòn từ thời gian.

Bậc thầy ngôn từ hay người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp

Nguyễn Tuân sinh năm 1910, quê ở thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục, nay thuộc quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho nhưng ở thời điểm này, Hán học đã suy tàn trước sự thay đổi của thời đại.

Sau khi trải qua hàng loạt biến cố, nhà văn bắt đầu sự nghiệp viết lách từ đầu những năm 1935. Sự từng trải và bút lực dồi dào, độc đáo đã giúp Nguyễn Tuân trở nên nổi tiếng qua hai tác phẩm Vang bóng một thời, Một chuyến đi.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ, đại văn hào quyết định tham gia kháng chiến và trở thành cây bút sáng giá trong nền văn học mới. Đất nước lập lại hòa bình, người nghệ sĩ bước vào hành trình khám phá Tổ quốc suốt nhiều năm.

Nhắc đến Nguyễn Tuân, giới chuyên môn và công chúng hay ưu ái gọi ông là “Nhà luyện đan ngôn ngữ”, “Tay phù thuỷ của ngôn từ”. Nguyễn Tuân có những biệt danh đó là vì ông sở hữu biệt tài vận dụng, sáng tạo ngôn từ vô cùng phong phú.

Nguyễn Tuân là người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp
Nguyễn Tuân là người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp

Trong quan niệm nhà văn, ông cho rằng “Văn phải cho ra văn”, “Văn chương trước hết là nghệ thuật, sau đó mới là cuộc đời”. Chính vì vậy, Nguyễn Tuân trau chuốt, tỉ mỉ từng từ, từng chữ để tạo ra những trang văn xuôi đầy nhạc điệu, đầy chất thơ.

Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân chuyên sáng tác truyện ngắn, bút ký, lấy đề tài là vẻ đẹp vang bóng một thời, chủ nghĩa xê dịch và đời sống truỵ lạc. Nhà văn cũng ngợi ca thiên nhiên, văn hoá, con người Việt Nam bằng thái độ trân trọng hết mực.

Sau Cách mạng, nhà văn tập trung vào chủ đề Tổ quốc, nhân dân Việt Nam trong kháng chiến, trong xây dựng đất nước. Ông khắc hoạ hình ảnh những người lao động bình thường với phẩm chất cao cả. 

Tuy có sự thay đổi trong tư duy, phong cách sáng tác song Nguyễn Tuân luôn trung thành với niềm đam mê xê dịch. Ngoài ra, ông còn có tài vận dụng kiến thức uyên bác để hoàn thiện tác phẩm văn học của mình.

Sự nghiệp “bậc thầy ngôn từ” đồ sộ là thế nhưng ông thành công nhất với tuỳ bút. Thể loại này phù hợp với phong thái tự do, phóng khoáng của Nguyễn Tuân và những nho sĩ bấy giờ.

Đôi nét về tác phẩm Chữ người tử tù và nhan đề đặc biệt

Chữ người tử tù được sáng tác trước Cách mạng tháng Tám, lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng. Tác phẩm xuất hiện trên tạp chí Tao Đàn năm 1939, sau đó in trong tập truyện Vang bóng một thời (1940) và đổi tên thành Chữ người tử tù.

Vang bóng một thời bao gồm mười một truyện ngắn, đây là kết tinh của tư duy, tài năng và sự hiểu biết mà nhà văn đã tích lũy sau nhiều năm theo đuổi nghiệp viết. 

Văn phẩm thể hiện sự trân trọng đan cài với nỗi nuối tiếc mà Nguyễn Tuân dành cho những nếp sinh hoạt, nghệ thuật xưa cũ. Đồng thời, ông cũng bày tỏ lòng yêu mến và tán dương bậc nho sĩ tài hoa, bất đắc chí giữa buổi “Tây Tàu nhố nhăng”.

Cái đẹp thời đại ấy đã qua, đã suy tàn trước “sự xâm lấn” của nét hiện đại mà người dân học hỏi ở phương Tây. Thế nhưng, tiếng vang từ nền văn hoá đó vẫn vọng đến thời nay, in bóng trong tâm trí nhà văn.

Chữ người tử tù viết về những người bất lực nhưng không a dua chạy theo danh lợi, họ giữ gìn thiện tâm tựa dòng nước trong veo. Nhân vật đó chính là Huấn Cao, một tử tù mà lính canh gắn liền với hai từ “nguy hiểm” và “ngạo ngược”.

Nhan đề Chữ người tử tù ngắn gọn mà bao hàm toàn bộ ý nghĩa tác phẩm
Nhan đề Chữ người tử tù ngắn gọn mà bao hàm toàn bộ ý nghĩa tác phẩm

Chỉ với tên tác phẩm, Nguyễn Tuân đã khơi gợi lên sự tò mò của độc giả. Nhan đề đặc sắc ở chỗ nó thể hiện tình huống éo le mà Huấn Cao gặp phải nhưng cũng cho thấy trí tuệ của người đàn ông mang danh tử tù chính trị.

“Chữ” tượng trưng cho sự tài hoa, tri thức lại sóng đôi cùng “người tử tù”, kẻ bị coi là thành phần bất hảo và không thể cải tạo. Tuy nhiên, “tử tù” này không phải là người tầm thường mà là một bậc nho sĩ khí phách, có tài viết chữ đẹp mỹ miều.

Như vậy, chỉ trong bốn từ ngắn gọn, Nguyễn Tuân đã gửi gắm trọn vẹn thông điệp tác phẩm thông qua tựa đề Chữ người tử tù. Tài năng chắt lọc ngôn từ của ông được bộc lộ rõ ràng, thu hút niềm yêu thích từ muôn vàn độc giả.

Tình huống gặp gỡ éo le giữa người tử tù và viên quan coi ngục

Đối với tiểu thuyết và truyện ngắn, tình huống truyện là thủ pháp nghệ thuật then chốt, tạo tính hấp dẫn cho câu chuyện. Đơn cử như hoàn cảnh, diễn biến chứa đựng mâu thuẫn hoặc thể hiện mối quan hệ giữa các nhân vật.

Những sự kiện đó góp phần khắc họa tính cách, tâm lý nhân vật, thể hiện chủ đề và tư tưởng tác giả muốn truyền tải. Trong Chữ người tử tù, sự việc chính mở ra toàn bộ tình tiết sau đó là cuộc gặp gỡ giữa tử tù Huấn Cao và viên quan coi ngục.

Huấn Cao bị cáo buộc là “người đứng đầu bọn phản nghịch”, trong khi viên quan coi ngục có chức tước và quyền trông giữ phạm nhân. Sau khi nhận được công văn yêu cầu đề lao nhận sáu tên tù án chém, quản ngục đã để ý đến cái tên Huấn Cao.

Cuộc hội thoại mở đầu với thầy thơ lại cho thấy viên quan đã nghe danh Huấn Cao từ lâu. Y dường như không thể tin rằng bản thân sẽ gặp người sở hữu “cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp” ở chốn lao tù nhơ nhớp này.

“Huấn Cao? Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?”

Đây là tình huống vừa hợp lý lại vừa éo le, thể hiện ở khía cạnh thân phận nhân vật, không gian lẫn thời gian. Hợp lý bởi quản ngục là kẻ trông coi tử tù, éo le vì ông ta vốn mến mộ tài năng Huấn Cao, vậy mà phải gặp vị nhân tài nổi tiếng trong đề lao.

Trên hết, màn hội ngộ của hai người không kéo dài được lâu vì một thời gian ngắn nữa thôi là Huấn Cao sẽ bị giải ra pháp trường. Ngay cả thời điểm gặp gỡ cũng nhạy cảm vì quản ngục và tử tù vốn không nên thân thiết, gần gũi như bạn bè.

Nguyễn Tuân đã không phụ lòng độc giả khi tạo ra hoàn cảnh độc đáo, làm tiền đề cho nhân vật bộc lộ cá tính, giúp tác phẩm thêm phần hấp dẫn và thể hiện tư tưởng chủ đạo của nhà văn.

Nét đẹp anh dũng và đầy trí tuệ của Huấn Cao

Trong văn học, nhân vật là “linh hồn” tác phẩm, có khả năng khắc hoạ xã hội đương thời hay gián tiếp thể hiện tư duy của tác giả. Huấn Cao cũng không phải là ngoại lệ, ông mang trong mình phẩm chất nhà nho đầy anh dũng.

Thông qua Huấn Cao, độc giả thấu hiểu quan điểm thẩm mỹ của Nguyễn Tuân và sự ngưỡng mộ mà ông dành cho những người như Huấn Cao. Thân phận là tội phạm nhưng ông lại không hề hại nước, hại dân.

Nét đẹp của Huấn Cao trong Chữ người tử tù được miêu tả bằng nhiều thủ pháp độc đáo
Nét đẹp của Huấn Cao trong Chữ người tử tù được miêu tả bằng nhiều thủ pháp độc đáo

Thay vào đó, Huấn Cao là đại diện cho tầng lớp tài hoa mà phải chịu thua trước sự thay đổi tiêu cực của xã hội. Nguyễn Tuân hun đúc cho ông nét đẹp mà một người tri thức vốn có, nhân vật này cũng là tấm gương phản chiếu “cái tôi” của nhà văn.

Có nhiều ý kiến cho rằng Huấn Cao được xây dựng từ Cao Bá Quát, vị danh nhân hiên ngang và dũng cảm. Trong Chữ người tử tù, Huấn Cao được miêu tả trên ba phương diện, một nghệ sĩ tài hoa, một vị anh hùng khí phách, một người có thiên lương trong sáng.

Một nghệ sĩ tài hoa với khả năng viết thư pháp đẹp đẽ

Với tội danh tử tù, Huấn Cao bước vào đề lao với bao điều tiếng. Thế nhưng, bản chất của ông lại là một chính nhân quân tử, không chỉ có chí lớn mà còn sở hữu tài năng viết chữ đẹp.

Điều này được thể qua những lời khen, lời đồn về ông mà viên quan coi ngục và thầy thơ lại có dịp nghe người dân “nhắc nhỏm”. Người tỉnh Sơn đề cập đến Huấn Cao như một bậc thầy, một nghệ sĩ tài hoa, tiếng lành đồn xa đến mức ngay cả chốn lao ngục tối tăm, bốn bề kín kẽ cũng biết đến ông.

“Huấn Cao? Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?”

“Không, tôi nghe tên quen quen và thấy nhiều người nhắc nhỏm đến cái danh đó luôn, thì tôi cũng hỏi thế thôi.”

Bên cạnh việc viết chữ đẹp, Huấn Cao còn viết chữ nhanh, một điều không phải ai cũng có thể làm. Như vậy, tài năng của ông được miêu tả gián tiếp thông qua đoạn đối thoại giữa quản ngục và thầy thơ lại, giúp độc giả mường tượng hình ảnh Huấn Cao bằng sự tài hoa kể cả khi nhân vật này chưa chính thức xuất hiện.

Ở nơi ảm đạm như ngục giam, cái tài của Huấn Cao vẫn được tán thưởng. Thầy thơ lại bộc lộ sự tiếc nuối khi nghĩ đến việc Huấn Cao sắp bị hành hình, chi tiết này cho thấy Huấn Cao có tài đến mức ngay cả thầy bát cũng không muốn ông lìa trần.

“Dạ bẩm, giả thử tôi là đao phủ, phải chém những người như vậy, tôi nghĩ mà thấy tiêng tiếc.”

Ngoài ra, viên quan coi ngục quyết định “biệt đãi” ông, bất chấp những nguy hiểm mà bản thân có thể đối mặt. Vốn là quản ngục, người đối địch với kẻ tử tù, vậy mà tài năng của Huấn Cao nổi bật đến mức y sẵn sàng đối đãi hết mình với ông.

Xuyên suốt tác phẩm, Nguyễn Tuân nhiều lần tô điểm khả năng viết thư pháp đẹp đẽ mà Huấn Cao sở hữu thông qua góc nhìn quản ngục. Sự biệt đãi ấy còn đến từ mong mỏi ông sẽ “dịu bớt tính nết”, bằng lòng viết chữ cho viên quan này.

Viên quan coi ngục đã chuẩn bị sẵn “chục vuông lụa trắng” chỉ để chờ Huấn Cao. Hành động này thể hiện sự tôn trọng của quản ngục, đồng thời nhấn mạnh nét chữ của ông đẹp đến mức xứng đáng xuất hiện trên những vật liệu cao quý, đắt đỏ.

Từ xưa đến nay, dân gian Việt Nam đã lưu truyền câu tục ngữ “nét chữ, nết người”. Chữ Huấn Cao không mềm mại, thanh mảnh mà vuông vức, toát ra sự chính trực như chính con người ông.

“Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm.”

Thế nhưng, dù viết chữ đẹp, nổi tiếng là vậy, Huấn Cao lại “ít chịu cho chữ”. Ông chỉ dành tặng vài câu đối cho những người mà mình xem như tri kỉ, tuyệt đối không vụ lợi bằng tài năng.

Chính vì thế, quản ngục nghĩ rằng “có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời”, cụm từ “vật báu” được so sánh ngang hàng với “chữ ông Huấn”, khẳng định tài viết chữ độc đáo của Huấn Cao.

Tài năng ông sở hữu giống như một huyền thoại mà người dân tỉnh Sơn thay nhau truyền miệng, tỏ vẻ kính phục. Việc ai cũng biết đến Huấn Cao nhưng không phải ai cũng có cơ may được ông tặng chữ càng tô đậm hình tượng vị nghệ sĩ tài hoa.

Một vị anh hùng thất thế vẫn ung dung tự tại

Ngoài tài viết chữ nhanh, chữ đẹp, Huấn Cao còn là một vị anh hùng khí phách, dẫu thất thế vẫn bình thản trước thế sự. Sở dĩ lính coi ngục đánh giá ông là người “ngạo ngược”, “nguy hiểm” vì Huấn Cao không chỉ giỏi văn mà còn thạo võ.

Trong lúc trò chuyện với nhau, viên quan coi ngục và thầy thơ lại đã nhắc đến tài bẻ khoá, vượt ngục của Huấn Cao. Mặc dù bị bao vây bởi nhiều lính canh, kìm kẹp với gông, xiềng xích song ông đã khiến bao đề lao vất vả vì năng khiếu phi thường.

Không phải tự nhiên mà Nguyễn Tuân xây dựng hình ảnh người tù phản nghịch như Huấn Cao. Ông là đại diện tiêu biểu cho tập thể người dân chán ghét, muốn lật đổ trật tự xã hội cũ.

Kẻ nuôi mộng lớn rất nhiều, người thật sự anh dũng, sẵn sàng đứng dậy khởi nghĩa lại khan hiếm. Huấn Cao là một trong những anh hùng chấp nhận hy sinh sự an toàn lẫn danh dự cá nhân để chống lại triều đình phong kiến.

Trong đoàn phạm nhân gồm sáu người, Huấn Cao đứng đầu gông, lãnh đạo năm bạn đồng chí còn lại. Chiếc gông cũ kỹ dài khoảng “tám thước” và “nặng đến bảy, tám tạ”, đè lên “sáu bộ vai gầy”, ấy vậy mà Huấn Cao không mảy may sợ hãi.

Thay vào đó, ông thản nhiên ngẩng cao đầu, bộc lộ khí chất của một thủ lĩnh ngoan cường, dũng cảm. Khi bị rệp cắn đỏ cả cổ, Huấn Cao đã đề nghị sáu người cùng dỗ gông. 

Trước cảnh sáu tử tù quỳ rạp xuống đất, một tên lính áp giải đã buông lời chế nhạo, hăm doạ “phết cho mấy hèo” nếu họ không đứng dậy. Nghe những lời nói đó, Huấn Cao chỉ “lạnh lùng, chúc mũi gông nặng” rồi khom mình thúc mạnh đầu thang gông lên thềm đá.

Qua chi tiết này, độc giả cảm nhận được chí khí ngạo nghễ, ung dung mà Huấn Cao dành cho lính ngục. Ông không sợ, không phục tùng trước họ bởi lẽ ông vốn là một bậc cao nhân.

Nguyễn Tuân khắc hoạ chân dung Huấn Cao vừa tài năng, vừa có phẩm chất người lãnh đạo mạnh mẽ. Anh hùng chí lớn thì mấy khi chấp kẻ tiểu nhân, Huấn Cao thậm chí chẳng buồn đôi co với tên lính tỏ vẻ thị uy.

Ngược lại, đề lao nói chung và lính áp giải nói riêng mới là người e ngại Huấn Cao. Dẫu đã thất thế, sắp đến ngày bị giải ra pháp trường, họ vẫn cẩn thận áp dụng loại gông nặng nề, coi ông là tử tù nguy hiểm và cần phải chú ý kỹ càng.

“Bẩm thầy, tên ấy chính là thủ xướng. Xin thầy để tâm cho. Hắn ngạo ngược và nguy hiểm nhất trong bọn.”

Trong những ngày tháng cuối của cuộc đời, Huấn Cao được viên quan coi ngục biệt đãi hết mực. Ông vẫn “thản nhiên nhận rượu thịt” song không để tâm đến viên quan coi ngục.

Huấn Cao chỉ coi đây là việc mà mình vẫn hay làm “trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm”. Khi được viên quan thăm hỏi một cách “khép nép”, Huấn Cao hờ hững đáp trả với thái độ “cố ý làm ra khinh bạc đến điều”.

“Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây.”

Những chi tiết này cho thấy Huấn Cao coi trại giam tựa như giang sơn của mình, chẳng những không ngao ngán cường quyền mà còn khinh thường sự đối đãi đặc biệt đến từ quản ngục.

Huấn Cao biết rằng hành động này có thể khiến ông bị báo thù, bị đánh đập nhưng không hề nao núng. Bởi lẽ, ngay cả cái chết còn không thể làm con người ấy sợ thì những thủ đoạn vặt vãnh đó gần như chẳng là gì.

“Đến cái cảnh chết chém, ông còn chẳng sợ nữa là những trò tiểu nhân thị oai này.”

Tuy nhiên, quản ngục không hành hạ Huấn Cao như ông tưởng vì y biết rằng người ấy đã “chọc trời quấy nước”. Trong mắt Huấn Cao, ông còn không để ý đến bề trên, huống chi là nể sợ “một kẻ tiểu lại” như viên quan coi ngục.

Khi đứng trước lằn ranh sinh tử, người ta thường sợ sệt và nuối tiếc trần thế. Huấn Cao thì không như vậy, ông vẫn ung dung, bình thản như thể cái chết là thứ rất nhẹ nhàng. 

Điều duy nhất mà Huấn Cao trăn trở là “chí lớn không thành”, thể hiện bản chất người anh hùng chỉ lo chuyện đại sự, không màng đến sống còn. Với ông, giấc mộng lớn lao gần như đã tan biến nhưng khí thế thì vẫn trường tồn.

Trong cảnh cho chữ vào cuối tác phẩm, Nguyễn Tuân đã tô đậm chân dung vị anh hùng Huấn Cao. Giữa không gian chật hẹp, ẩm ướt, xung quanh thì bừa bãi phân chuột lẫn phân gián, Huấn Cao hiện lên tựa “bậc thánh nhân”.

Dẫu “cổ đeo gông”, “chân vướng xiềng”, ông vẫn ngồi dậm tô nét chữ “vuông tươi tắn”, “nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”. 

Trước mắt Huấn Cao là hình ảnh viên quản ngục “khúm núm”, thầy thơ lại “run run”, hai kẻ giữ tù lại hạ mình dưới người tử tù, thể hiện sự khí phách, uy nghiêm tột bậc của ông.

Nguyễn Tuân tạo nên nhân vật “văn võ song toàn” như Huấn Cao với mong muốn ngợi ca những người có trí, lại có chí. Giữa xã hội loạn lạc, ông tựa một “ngôi sao chính vị” nổi bật, chỉ tiếc là sắp phải từ giã cõi đời.

Một con người có thiên lương trong sáng giữa chốn lao tù

Để hoàn thành bức chân dung Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã điểm thêm thiên lương trong sáng cho bậc anh tài. Giữa chốn lao tù ngột ngạt, đầy rẫy chết chóc, ông vẫn không hề bị vấy bẩn.

Trái lại, Huấn Cao thể hiện phẩm chất tốt đẹp, đáng quý mà trời ban cho thông qua quan niệm về chữ và việc tặng chữ. Đối với ông, con chữ là báu vật quý giá, không phải thứ dễ dàng đem trao cho bất cứ ai.

“Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”

Câu nói của Huấn Cao khẳng định ông là người chân chất, có nhận thức đáng quý về chữ. Suốt cả đời mình, Huấn Cao chỉ “mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường” cho ba người bạn tri kỷ.

Sau khi thấu hiểu tấm lòng viên quan coi ngục, ông mới đồng ý viết chữ tặng y. Sự chấp thuận này vừa thể hiện động cơ tặng chữ trong sáng, vừa cho thấy tấm lòng mong muốn trả nghĩa và thái độ xúc động của Huấn Cao.

“Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ.”

Vào đêm cho chữ, Huấn Cao “thở dài, buồn bã đỡ viên quản ngục” rồi kiên nhẫn khuyên nhủ y. Huấn Cao không chỉ giữ gìn thiên lương của mình mà còn khơi gợi thiên lương nơi quản ngục, hướng y đến con đường chính đạo. 

Ở Huấn Cao, độc giả nhìn thấy hình tượng một nghệ sĩ tài hoa, một anh hùng uy nghiêm và một con người thấu tình đạt lý. Ông là nhân vật lý tưởng được Nguyễn Tuân xây dựng nhằm mục đích thể hiện tinh thần yêu nước.

Thông qua Huấn Cao, người đọc nhận biết quan điểm thẩm mỹ của nhà văn về nghệ thuật, về con người, đặc biệt là về cái đẹp chân chính.

Tâm hồn nghệ sĩ và nét đẹp dũng cảm của viên quan coi ngục

Song song với Huấn Cao, viên quan coi ngục cũng là một nhân vật được Nguyễn Tuân dụng tâm xây dựng. Nếu một người đại diện cho phía nghệ sĩ, anh hùng toàn tài thì người kia lại là ví dụ tiêu biểu cho những kẻ thiện lương lầm đường lạc lối.

Y say mê cái đẹp, quý trọng người tài, có bản chất hiền lành và dũng cảm với mong ước của mình. Tuy mang chức phận quản ngục, lại sống trong chốn đề lao phức tạp bao năm, viên quan vẫn không hề bị “biến chất”.

Nhân vật quản ngục cũng nổi bật với nét đẹp riêng
Nhân vật quản ngục cũng nổi bật với nét đẹp riêng

Bằng ngòi bút sáng tạo, Nguyễn Tuân đã “thổi hồn” cho nhân vật này khi quản ngục vừa soi chiếu Huấn Cao, vừa là nhân tố quan trọng thể hiện quan điểm của nhà văn về thiên lương con người.

Một người biết trân trọng cái tài và cái đẹp

Nếu như Huấn Cao được Nguyễn Tuân so sánh với “ngôi sao chính vị” trên bầu trời thì viên quan coi ngục là “một thanh âm trong trẻo”. Tại ngục giam u ám, đầy thị phi, lừa lọc, y lại hành xử dịu dàng, biết quý người ngay, lẽ phải.

“Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ.”

Phép so sánh độc đáo của “bậc thầy ngôn từ” đã khái quát toàn bộ hoàn cảnh và tính cách quản ngục. Y vốn sống ở nơi dễ đẩy con người vào tà đạo, nhơ nhớp nhưng lại yêu thích cái tài, cái đẹp.

Từ lúc mới nhận được công văn, viên quan đã chú ý đến cái tên Huấn Cao. Thay vì nhấn mạnh vào sự kiêu ngạo, nguy hiểm thì y lại đề cập đến những lời đồn xoay quanh tài viết chữ nhanh, chữ đẹp mà ông sở hữu.

Chi tiết này cho thấy y vốn là người quan tâm, chú ý đến sự tài năng và thẩm mỹ. Quản ngục không bận tâm đến hành động vượt ngục của Huấn Cao mà đánh giá nhân cách người tử tù thông qua sự tài hoa, khí phách.

Trong suy nghĩ viên quan, y cho rằng người biết quý trọng người có tài thì không hẳn là người xấu. Quan điểm sống này thể hiện bản chất thuần khiết và tâm hồn nghệ sĩ, say mê cái đẹp chân, thiện, mỹ.

Sở nguyện đời quản ngục là “được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết”. Đó là một điều ước cao quý, thiêng liêng, bộc lộ niềm đam mê với cái tài, cái đẹp.

Lúc mới nhận tù, y nhìn họ bằng “cặp mắt hiền lành” và lòng kiêng nể hiện lên rõ rệt dẫu đã cố giữ kín đáo. Vào những ngày Huấn Cao bị biệt giam, vì quý mến ông mà viên quan coi ngục đặc biệt đối xử tử tế với ông lẫn năm tử tù còn lại.

Quản ngục sai phái người thơ lại mang rượu thịt đến cho Huấn Cao, bất chấp sự khinh bạc mà ông thể hiện. Do kính trọng Huấn Cao, quản ngục luôn ăn nói nhỏ nhẹ, khiêm nhường, cho thấy sự trân trọng đối với hiền tài.

“Vậy ngài có cần thêm gì nữa xin cho biết. Tôi sẽ cố gắng chu tất.”

“Xin lĩnh ý.”

Đáng lẽ, quản ngục không cần phải khúm núm trước Huấn Cao bởi vì y mới là người có chức phận. Tuy nhiên, quản ngục lại nghiêm túc lắng nghe lời Huấn Cao và không dám làm trái ý ông.

Tất cả những suy nghĩ, hành động của viên quan coi ngục đều cho thấy y biết thưởng thức cái đẹp, khâm phục nhân tài và vị nể khí phách Huấn Cao. Như vậy, Nguyễn Tuân tạo nên nhân vật quản ngục không phải để đối đầu với kẻ tử tù mà để tôn vinh nét đẹp nho nhã, bất khuất của người xưa.

Một người dũng cảm và sẵn sàng hướng thiện

Sống trong đề lao đã lâu, tấm lòng viên quan coi ngục ấy vẫn tồn tại sự trong sáng và lương thiện. Khi màn đêm buông xuống, chỉ còn lại bản thân bên chiếc nến mờ nhạt, y mới để lộ bản chất thật của mình.

“Bộ mặt tư lự” biến mất hẳn, Nguyễn Tuân đã dùng hình ảnh “mặt nước ao xuân, bình lặng, kín đáo và êm nhẹ” để miêu tả y. Cởi bỏ trách nhiệm trên vai và những điều dơ bẩn nơi ngục tù, viên quan trở lại với bản thân, một con người hiền hòa, điềm đạm.

Thẳm sâu trong tâm hồn, y luôn day dứt về việc chọn nhầm nghề. Suy nghĩ của viên quan về thầy bát cho thấy y không mấy hài lòng với công việc hiện tại mà cho rằng mình đã “lầm đường lạc lối”.

“Có lẽ lão bát này cũng là một người khá đấy. Có lẽ hắn cũng như mình, chọn nhầm nghề mất rồi.”

Nguyễn Tuân hình dung quản ngục là “cái thuần khiết” bị đày ải vào “giữa một đống cặn bã”. Quyền lực là vậy, y vẫn không lợi dụng chức phận để hành hạ ai mà chỉ làm theo nhiệm vụ triều đình giao phó.

Lúc gặp Huấn Cao, tuy rất muốn biệt đãi ông song viên quan sợ bị cấp dưới trình lên bề trên. Y “băn khoăn ngồi bóp thái dương”, phải suy tính một hồi rồi mới dám đưa ra quyết định.

“Để mai ta dò ý tứ hắn lần nữa xem sao rồi sẽ liệu.”

Mặc dù mâu thuẫn giữa nghĩa vụ với mong muốn cá nhân, quản ngục đã chọn nghe theo trái tim. Biệt đãi Huấn Cao là việc làm không hề đơn giản, viên quan ấy vô cùng dũng cảm khi không màng đến sự an toàn mà đối xử tử tế với vị anh hùng ấy.

Trong thời gian tiếp cận Huấn Cao, quản ngục chưa bao giờ tỏ vẻ trịch thượng. Tâm tính hiền lành, vị tha được y bộc lộ rõ qua những khoảnh khắc trò chuyện, tương tác với ông.

Vào thời điểm Huấn Cao tặng chữ, viên quan khúm núm nhìn người mình ái mộ. Y được người tử tù ấy khuyên hướng thiện để làm lại cuộc đời, bởi ở chốn này “khó giữ thiên lương cho lành vững”.

Quản ngục không những không nổi giận hay phản bác mà còn xúc động, nghẹn ngào. Y vừa khóc vừa vái Huấn Cao, chắp tay nói rằng “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

Viên quan tự nhận mình “mê muội” nên khi đứng trước người nghệ sĩ tài hoa, khí phách này mới hiểu con đường mình cần đi. Câu nói đó thể hiện y có tinh thần hướng thiện, sẵn sàng từ bỏ danh phận, tiền bạc để tìm về chốn thanh bình.

Quản ngục vừa là kẻ trông tù nhân, vừa là “tù nhân” trong chính tâm trí bản thân. Sự đấu tranh ấy cuối cùng đã biến mất sau khi y gặp quý nhân đời mình là Huấn Cao.

Giá trị nghệ thuật trong tác phẩm Chữ người tử tù

Chữ người tử tù không chỉ chứa đựng nội dung độc đáo mà còn sở hữu giá trị nghệ thuật đặc sắc. Nhà văn Nguyễn Tuân đã vận dụng nhiều thủ pháp một cách nhuần nhuyễn để thổi hồn cho tác phẩm đi sâu vào lòng người đọc.

Giá trị nghệ thuật trong Chữ người tử tù là nhân tố quan trọng làm nên sự thành công của tác phẩm
Giá trị nghệ thuật trong Chữ người tử tù là nhân tố quan trọng làm nên sự thành công của tác phẩm

Khắc hoạ chân dung Huấn Cao và viên quan coi ngục, nhà văn sử dụng bút pháp lãng mạn. Ông miêu tả tử tù với nét đẹp toàn thiện, toàn mỹ, Huấn Cao vừa có tài viết chữ, vừa thạo võ và rất hiên ngang. 

Trong khi đó, quản ngục là “nốt nhạc” thanh khiết nơi đề lao đầy cạm bẫy và lừa lọc. Nét đẹp của y không toàn diện nhưng vẫn sáng ngời với bản chất lương thiện, hiền lành.

Bên cạnh đó, phép đối lập cũng được Nguyễn Tuân ứng dụng để xây dựng nhân vật và miêu tả cảnh vật, đặc biệt là trong cảnh cho chữ. Nhà văn miêu tả Huấn Cao như nhân tài còn quản ngục tựa người mến mộ.

Chức phận của hai người hoàn toàn trái ngược khi kẻ quản lý tù nhân, người sắp bị hành hình. Ngoài ra, nét đối lập còn thể hiện trong chính tâm tính viên quan coi ngục khi y vừa muốn hoàn thành trách nhiệm, vừa muốn giữ gìn thiên lương.

Ở phân đoạn cho chữ, Nguyễn Tuân nhấn mạnh sự đối nghịch giữa bóng tối của màn đêm và ánh sáng đỏ rực của bó đuốc. Không gian đầy bẩn thỉu tượng trưng cho cái xấu xa và hình ảnh tấm lụa bạc, Huấn Cao đại diện cho cái thiện, cái đẹp.

Người hùng tài hoa và vị quan coi ngục cùng thầy thơ lại cũng trái ngược, người thì đĩnh đạc, kẻ lại khúm núm. Những chi tiết này được Nguyễn Tuân khéo léo sắp xếp nhằm mang đến một tác phẩm ấn tượng cho bạn đọc.

Tái hiện lại nét đẹp xưa, ngôn từ của Chữ người tử tù cổ kính mà giàu tính tạo hình. Những từ Hán Việt như “thằng thập”, “tâm điền”, “khí phách” và vô vàn từ khác đã mang lại không khí cổ xưa, gần gũi.

Khi đọc tác phẩm, độc giả dễ dàng hình dung nhân vật lẫn tình huống truyện, điều này nhờ vào năng lực đặc biệt của “tay phù thuỷ ngôn từ” Nguyễn Tuân. Bên cạnh đó, tình yêu ông dành cho những con người tài hoa, bất đắc chí đã tạo động lực để nhà văn sáng tác thiên truyện tuyệt vời này.

Văn phẩm vang bóng đến ngàn sau

Chữ người tử tù là viên ngọc toàn thiện, toàn mỹ, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn đàn Việt Nam. Tác phẩm đi vào lòng người đọc, chứng minh tài năng của ngòi bút Nguyễn Tuân.

Dẫu nhiều thập kỷ đã trôi qua song nét đẹp vị anh hùng Huấn Cao và viên quan coi ngục luôn trường tồn. Trong xã hội hiện đại, độc giả vẫn tôn vinh nét đẹp xưa và xem Chữ người tử tù là cánh cửa mở đến chân trời của những nho sĩ cuối mùa.

Như các văn phẩm khác trong Vang bóng một thời, truyện ngắn Chữ người tử tù sẽ nằm mãi trong tim người yêu văn học Việt Nam. Thiên truyện chứa đựng giá trị của một thời vàng son, đồng thời lan rộng giá trị đến tận những thế hệ sau.

Bích Thuỳ