Kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam chứa đựng rất nhiều tri thức cùng bài học quý giá được ông cha ta đúc kết và chiêm nghiệm. Một trong số đó phải kể đến là câu nói “Có công mài sắt, có ngày nên kim” vô cùng quen thuộc, gần gũi với đời sống nhân dân. 

Ý nghĩa của tục ngữ Có công mài sắt, có ngày nên kim 

Tục ngữ chỉ vỏn vẹn tám chữ nhưng giá trị cũng như lời khuyên mà nó mang đến lại rất lớn lao. Câu nói đậm chất dân gian này được cấu tạo bởi hai hình ảnh ẩn dụ là “sắt” và “kim”.

Trong đó, sắt là một thứ kim loại thô sơ phổ biến, sở hữu vẻ ngoài sần sùi cùng hình dạng to lớn, đại diện cho khó khăn và vất vả. Ngược lại, “kim” vô cùng nhỏ bé, sáng bóng, tượng trưng nguyện vọng, hoài bão hay các thành tựu rực rỡ. 

Vì vậy, tục ngữ này dùng để chỉ ý chí bền bỉ, kiên trì trong công việc cũng như cuộc sống. Chỉ cần con người không bỏ cuộc, nỗ lực đến cùng thì sẽ đạt được thành công, gặt hái quả ngọt xứng đáng. 

Ý nghĩa của tục ngữ Có công mài sắt, có ngày nên kim
Tục ngữ này ngụ ý chỉ cần con người đủ quyết tâm và kiên nhẫn thì có thể làm bất cứ việc gì

Bên cạnh đó, một số cách nói khác mang ý nghĩa tương tự như “Có công mài sắt, có ngày nên kim” phải kể đến là “Nước chảy đá mòn”, “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”. 

Có công mài sắt có ngày nên kim và giai thoại về Lý Bạch 

Ngoài sự đối lập giữa hai hình ảnh “sắt” và “kim”, thành ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim” còn được lý giải thông qua giai thoại truyền miệng về cuộc đời Lý Bạch. Ông là một thi sĩ nổi tiếng ở Trung Quốc, mở ra thời kỳ hưng thịnh của thơ Đường.

Có công mài sắt có ngày nên kim và giai thoại về Lý Bạch
Tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim” gắn liền với giai thoại về tuổi thơ thi sĩ Lý Bạch nổi tiếng

Tương truyền rằng thuở niên thiếu, Lý Bạch vô cùng nghịch ngợm, ham chơi và không lo học hành. Trong một lần lẻn sang chân núi phía Đông dạo chơi, cậu bé vô tình bắt gặp một cảnh tượng hết sức lạ lùng.

Trước mắt Lý Bạch là bà lão tóc bạc phơ đang cặm cụi mài một thanh sắt bên cạnh tảng đá lớn. Chứng kiến điều này, cậu bé vô cùng ngạc nhiên và phân vân, bèn tiến đến để hỏi tại sao cụ già lại làm vậy. 

Bà cụ ôn tồn giải thích rằng bà đang mài sắt để làm chiếc kim khâu vá quần áo. Dù không thể xong trong một hai ngày thì sang năm lại tiếp tục, cho đến khi nào hoàn thành mới thôi.

“Hôm nay không xong thì mai lại làm tiếp vậy, năm nay không xong thì sang năm tiếp tục làm, ngày lại ngày, già nhất định mài xong.” – Bà lão giải thích cho Lý Bạch và thành ngữ Có công mài sắt, có ngày nên kim cũng ra đời từ đây

Nhờ lời dạy bảo của bà lão mà về sau, cậu chuyên tâm học hành và trở thành nhà thơ lỗi lạc đất Trung Hoa với nhiều áng thi ca tuyệt mĩ. Cũng từ đó, dân gian bắt đầu lưu truyền câu tục ngữ “Chỉ yếu công phu thâm/ Thiết chữ ma thành châm” nghĩa là “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. 

Thành ngữ ấy dần vượt ra khỏi phạm vi cuộc đời một người và được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Nó như lời khuyên răn về ý chí bền bỉ, kiên trì, không ngừng nỗ lực vươn lên.

Hành trình luyện chữ kiên trì và bền bỉ của Cao Bá Quát 

Cao Bá Quát được biết đến như một vì sao sáng trong nền văn học Việt Nam đầu thế kỉ XIX. Ông còn là tấm gương mẫu mực về đức tính kiên trì và bền bỉ, tự giác học tập, rèn luyện để trở thành người tài giỏi, văn hay chữ tốt.

Trong đó, câu chuyện về hành trình luyện chữ gian nan của ông cũng chính là minh chứng tiêu biểu cho tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Cao Bá Quát đã khẳng định rằng không có điều gì khó, miễn lòng ta đủ kiên trì cùng nỗ lực. 

Theo dân gian, Cao Bá Quát thuở nhỏ viết chữ rất xấu, được ví như “gà bới”. Chính vì lý do này mà dù văn cậu vô cùng hay và đặc sắc, vẫn bị thầy giáo cho điểm kém. 

Một lần nọ, cụ già hàng xóm biết cậu tài giỏi, bèn sang nhà và khẩn khoản nhờ viết giúp lá đơn kêu oan. Nào ngờ vì chữ Cao Bá Quát quá xấu, quan không thể đọc được nên kêu lính đuổi bà lão ra khỏi huyện đường.

Sau khi nghe bà cụ kể lại, Cao Bá Quát cảm thấy vô cùng ân hận và có lỗi, từ đó dốc sức rèn chữ. Mỗi buổi sáng, ông dùng que vạch lên cột nhà luyện viết cho cứng cáp, hoàn thành mười trang vở mới chịu đi ngủ. 

Tuy gặp không ít khó khăn, vất vả nhưng Cao Bá Quát vẫn kiên trì, hành trình khổ luyện ấy kéo dài đến tận mấy năm. Chẳng lâu sau đó, ông gặt hái quả ngọt, vang danh khắp nước là người văn hay chữ tốt.

Câu chuyện về công cuộc luyện chữ của Cao Bá Quát đã thể hiện rõ ý nghĩa câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Đồng thời, nó cũng là bài học cho các thế hệ sau, luôn cố gắng, kiên trì và nỗ lực hết mình để đạt được thành công. 

Tinh thần Có công mài sắt, có ngày nên kim trong Nghe tiếng giã gạo 

Nghe tiếng giã gạo là áng thi ca tiêu biểu, xuất sắc bậc nhất do chủ tịch Hồ Chí Minh chấp bút, thuộc tập thơ Nhật ký trong tù. Thông qua công việc giã gạo, tác phẩm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ý chí kiên cường và nhẫn nại, bền bỉ. 

“Gạo đem vào giã bao đau đớn,
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông;
Sống ở trên đời người cũng vậy,
Gian nan rèn luyện mới thành công.” – Nghe tiếng giã gạo 

Nếu hạt gạo muốn trở nên trắng ngần, đẹp đẽ thì phải trải qua bao đòn giã đau đớn thì con người cần kiên trì vượt qua nhiều nghịch cảnh mới có thể đạt được thành công. Triết lý này cũng giống với ý nghĩa câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.

Chẳng có thành công nào là dễ dàng, vì vậy con người cần phải biết kiên nhẫn, vững vàng trước các khó khăn, thử thách. Bài học này không chỉ được áp dụng trong học tập, công việc mà còn cả cuộc sống nói chung.

Hạ Miên