Từ ngàn xưa, thiên nhiên đã trở thành người bạn thân thiết gắn bó chặt chẽ với sự hình thành và phát triển của nhân loại. Nó không chỉ ban tặng nhiều tài nguyên quý hiếm với rừng vàng, biển bạc mà còn bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn con người.

Bức thư của thủ lĩnh da đỏ: Thông điệp sâu sắc về thiên nhiên 

Thế nhưng trong cuộc sống hiện đại, người bạn tri kỷ ấy đang phải hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề xuất phát từ sự vô tâm của xã hội. Người ta không biết xót thương những cánh rừng bạt ngàn, dòng suối mát lành mà tàn nhẫn làm tổn hại chúng. 

Đứng trước điều này, rất nhiều tác phẩm văn học đã ra đời nhằm mục đích thức tỉnh lương tri, khơi dậy ở nhân loại tình yêu thương đối với môi trường sống. Bức thư của thủ lĩnh da đỏ của Xi-át-tơn là một trong số đó, ra mắt công chúng lần đầu vào năm 1854.

Đôi nét về thủ lĩnh Xi-át-tơn và văn bản Bức thư của thủ lĩnh da đỏ 

Xi-át-tơn là một tù trưởng bộ tộc Duwamish, thuộc chủng tộc Anh-điêng sinh sống ở phía Bắc Hoa Kỳ. Ông được người dân yêu mến và tôn trọng bởi bản tính lương thiện cùng sự quyết đoán, dũng cảm trong mọi hành động. 

Đôi nét về thủ lĩnh Xi-át-tơn và văn bản Bức thư của thủ lĩnh da đỏ

Dưới sự chỉ dẫn của ông, nhân dân luôn được sống trong ấm no và hạnh phúc. Họ xem rừng núi như một phần da thịt, yêu thương muông thú, trân quý từng món quà mà mẹ thiên nhiên mang cho.

Bản thân Xi-át-tơn cũng luôn tỏ ra biết ơn đất trời, tìm thấy ở mọi vật vẻ đẹp riêng mà ít ai chú ý. Vị thủ lĩnh dạy cho người dân về ý nghĩa của thiên nhiên, cách sống chan hòa và tử tế.

Nhịp sống êm đềm cứ thế trôi qua cho đến khi người da trắng tiến vào vùng đất này, tranh giành từng tấc đất. Kết quả là một cuộc xung đột dữ dội và gay gắt giữa hai sắc tộc đã xảy ra. 

Dưới sức ép của người da trắng và sau khi xem xét kỹ lưỡng, Xi-át-tơn cuối cùng đã thuyết phục nhân dân bán vùng đất này, chuyển đến sinh sống ở khu vực tập trung dành cho người da đỏ.

Sau khi ký hiệp định chuyển giao với tổng thống nước Mỹ lúc bấy giờ là Phreng-klin Pi-ơ-xơ năm 1854, tù trưởng của bộ tộc da đỏ đã ứng khẩu bài diễn văn này. 

Ngay lập tức, nó nhanh chóng nhận được nhiều tình cảm từ những người yêu mến thiên nhiên ở khắp thế giới. Sau khi trải qua một thời gian chỉnh sửa, bài diễn văn chính thức xuất hiện trên văn đàn với cái tên Bức thư của thủ lĩnh da đỏ.

Tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả mọi thế hệ bởi bức thông điệp mang đậm ý nghĩa nhân văn. Không chỉ thể hiện tình yêu đối với quê nhà, tác giả còn cảnh tỉnh con người trước nỗi đau mà họ đem đến cho mẹ thiên nhiên. 

Những điều đẹp đẽ và thiêng liêng trong ký ức người da đỏ 

Qua cách hành văn giản dị nhưng vẫn rất mực truyền cảm của Xi-át-tơn, người đọc dường như hòa mình vào trong câu chữ để cảm nhận tấm lòng mà nhân dân da đỏ dành cho mảnh đất thiêng liêng, nơi họ từng gắn bó một thời.

Người dân nơi đây cùng thiên nhiên như một thể thống nhất, nương tựa lẫn nhau và không thể tách rời. Đối với họ, đất đai hay bờ cát, hạt sương đều lấp lánh vẻ đẹp riêng biệt mà Tạo hóa đã khéo léo tô nặn.

Những điều đẹp đẽ và thiêng liêng trong ký ức người da đỏ 

Không chỉ vậy, vạn vật còn ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc, gợi nhắc về hình ảnh bao thế hệ cha anh. Dòng nước mát lành là máu tổ tiên, tiếng thì thầm của côn trùng như đang truyền tải đến người Anh-điêng lời dặn dò phải bảo vệ quê hương. 

Chính vì vậy, không một thứ vàng bạc châu báu nào có thể mua được mảnh đất trù phú ngập tràn tình yêu thương này. Tác giả Xi-át-tơn thẳng thắn bày tỏ sự ngỡ ngàng, khó tin trước lời đề nghị của tổng thống Phreng-klin Pi-ơ-xơ.

“Bầu trời này, nguồn sưởi ấm đất đai của chúng tôi làm sao Ngài có thể mua bán nổi? Ý nghĩ sao mà lạ lùng đối với chúng tôi.” – Bức thư của thủ lĩnh da đỏ 

Trong trái tim nhân dân da đỏ, thiên nhiên từ lâu đã đi vào đời sống vật chất và tinh thần, để lại cho tuổi thơ mảng ký ức thật đẹp. Họ yêu mến sông suối như thể người thân, không thể tồn tại nếu thiếu vắng sự hiện diện của núi rừng. 

Tác giả với bàn tay tài hoa đã vận dụng rất khéo léo và tinh tế biện pháp so sánh để nhấn mạnh sự tương phản trong thái độ cũng như hành động giữa hai sắc tộc.

Trong khi người da trắng dạo chơi với các vì sao, quên đi nơi mình từng sinh ra và lớn lên thì dân tộc da đỏ, cho dù có hóa thành cát bụi, vẫn luôn khắc ghi hình bóng quê nhà.

“Khi người da trắng chết đi, họ thường dạo chơi giữa các vì sao và quên đi đất nước họ sinh ra. Còn chúng tôi, chúng tôi chẳng thể quên được mảnh đất tươi đẹp này.” – Bức thư của thủ lĩnh da đỏ 

Họ coi mảnh đất này như bà mẹ hiền từ, luôn dang rộng vòng tay chữa lành và tưới mát tâm hồn đứa con thơ. Đồng bào Anh-điêng buộc chặt cuộc đời mình với thiên nhiên, xem bông hoa tỏa ngát hương kia là người chị em thân thuộc. 

Chính vì sợi dây gắn giữa con người và thiên nhiên, Xi-át-tơn cùng dân tộc mình không thể chấp nhận chuyển đi với lời hứa hẹn về “một nơi sống thoải mái” rồi trở thành “đứa con” chỉ biết vâng lời.

Họ biết phân biệt đúng sai và nhìn thấu được “sự đòi hỏi quá nhiều” của sắc tộc da trắng. Người dân da đỏ không thôi suy nghĩ về nơi chốn mình đã sinh ra, lưu luyến trước mảnh đất từng chứng kiến biết bao thăng trầm trong đời.

“Vậy, chúng tôi phải cân nhắc ý muốn đất đai của họ. Nhưng, quả không phải việc giản đơn, bởi lẽ mảnh đất này đối với chúng tôi là thiêng liêng.” – Bức thư của thủ lĩnh da đỏ 

Với tất cả sự chân thành, tác giả hy vọng rằng nếu mảnh đất này được người da trắng tiếp quản, họ sẽ thay mình yêu thương dải đất quý giá kia. Những kẻ ấy vẫn hãy lưu lại chút ký ức về dấu chân của đồng bào da đỏ và kể cho con cháu đời sau. 

Bức thư của thủ lĩnh da đỏ và mối lo âu thường trực 

Càng trân trọng thiên nhiên thì Xi-át-tơn cùng đồng bào mình lại trở nên sợ hãi, lo lắng trước sự xâm chiếm của người da trắng. Họ không muốn những điều thiêng liêng kia bị tàn phá, người mẹ hiền từ kia giờ đây phải chịu đựng nỗi đau. 

Bức thư của thủ lĩnh da đỏ và mối lo âu thường trực 

Thiên nhiên đã mang đến cho cuộc sống đồng bào da đỏ quá nhiều món quà quý giá, dòng sông hiền hòa làm cơn khát họ dịu đi, nuôi lớn từng tâm hồn bé thơ. Vì vậy, Xi-át-tơn tha thiết muốn người da trắng đối xử với nó một cách tử tế như anh em trong nhà.

Tác giả biết nhân dân da trắng không thể nào thấu hiểu được cách dân tộc mình sinh sống. Với những kẻ cai trị mới, mảnh đất này không có gì đặc biệt ngoại trừ việc chứa nguồn tài nguyên phong phú mà họ cần.

“Đối với họ, mảnh đất này cũng như mảnh đất khác, bởi lẽ họ là kẻ xa lạ, và trong đêm tối, họ lấy đi từ lòng đất những gì họ cần.” – Bức thư của thủ lĩnh da đỏ

Trong mắt người da trắng, thiên nhiên không phải là bà mẹ dịu hiền hay anh em chí cốt. Thay vào đó, họ xem nó như kẻ thù và tìm mọi cách để vơ vét đến cạn kiệt.

Giọng văn Xi-át-tơn toát lên nét u buồn và có phần căm phẫn trước cách người da trắng hành xử. Ông không thể nào hiểu lý do họ lại không chút áy náy khi đo giá trị của đất đai bằng tiền bạc. 

Xi-át-tơn còn mỉa mai, đưa ra lý do để lý giải cách sống lạnh lùng của họ. Ngay cả người mình thương yêu mà những kẻ ấy cũng dễ dàng quên đi thì làm sao có thể thấu hiểu và kính trọng đất trời.

Thậm chí, bọn họ còn tỏ ra miệt thị và xem thường chủng tộc da đỏ vì những người dân lương thiện ấy không tài nào thích nghi được với bầu không khí náo nhiệt nơi phố đông.

Tác giả còn khéo léo miêu tả thành phố người da trắng sinh sống, nơi mà họ luôn tự hào với sự văn minh và hiện đại. Chẳng có tiếng gió xào xạc hay hương thơm của hoa rừng, thay vào đó là những tiếng ồn khiến tâm hồn không lúc nào thảnh thơi. 

“Nếu có nghe thấy thì đó cũng chỉ là những tiếng ồn ào lăng mạ trong tai.” – Bức thư của thủ lĩnh da đỏ 

Một khi tách biệt khỏi thiên nhiên, chạy theo nhịp sống vội vã nơi đô thị thì những người dân da trắng kia sẽ không bao giờ hiểu được thế nào là hạnh phúc, bình yên. Họ luôn bị ám ảnh bởi vô vàn ý nghĩ xấu xa nhằm thỏa mãn lòng tham của mình. 

Trái ngược người da trắng, tác giả cùng nhân dân Anh-điêng chỉ muốn sống chan hòa với thiên nhiên hùng vĩ, thả hồn mình để cảm nhận sự êm ái của cơn gió thoảng, hương thơm nồng nàn mỗi mùa phấn thông. 

Xi-át-tơn đặt trọn tâm hồn mình vào câu chữ, từng sự vật dù là điều bình thường cũng được ông nhắc đến với lối miêu tả giàu chất thơ. Tác giả nhìn thấy ở thiên nhiên một vẻ đẹp mà không gì có thể sánh bằng. 

Không chỉ yêu quý cây cối xung quanh, người Anh-điêng còn trân trọng bầu không khí mà nhân loại, muông thú cùng nhau hít thở. Chính nó đã mang lại sự sống và chứng kiến hơi thở thiêng liêng cuối cùng của cha anh họ. 

Dưới tư cách là người đứng đầu một bộ tộc, Xi-át-tơn không hề tỏ ra cao ngạo mà luôn hòa nhã, sẵn sàng hạ mình chỉ để những kẻ cai trị mới kia đối xử dịu dàng với đất đai. Ông tự nhận mình hoang dã, không thể sống nếu thiếu đi thiên nhiên. 

Gắn bó với núi rừng nên văn sĩ đã từng đau đớn khôn nguôi trước cánh đồng trơ trọi, con trâu rừng gào thét trong vô vọng khi bị bắn trúng. Xi-át-tơn yêu thương cả những động vật tội nghiệp, bất lực nhìn con người tước đi môi trường sống. 

“Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu nổi tại sao một con ngựa sắt nhả khói lại quan trọng hơn nhiều con trâu rừng mà chúng tôi chỉ giết để duy trì cuộc sống. Con người là gì, nếu cuộc sống thiếu những con thú?” – Bức thư của thủ lĩnh da đỏ 

Mọi sinh vật trên cõi đời này luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu loài thú biến mất thì con người cũng chẳng thể nào hạnh phúc, họ sẽ cô đơn đến cùng cực và cuối cùng, nếm trải nỗi đau mà chính mình gây ra. 

Không sử dụng quá nhiều từ ngữ phức tạp, Xi-át-tơn vẫn thể hiện được nỗi lo âu của đồng bào da đỏ. Họ sợ hãi trước cách người da trắng đối xử với mảnh đất quý giá, xóa sạch dấu ấn thiêng liêng mà tổ tiên mình để lại. 

Nguyện ước tốt đẹp của người da đỏ 

Giọng văn tác giả trở nên tha thiết hơn khi giãi bày ước muốn tốt đẹp với kẻ cai trị mới. Ông mong họ sẽ kính trọng đất đai, kể cho thế hệ sau sự hiện diện của tổ tiên người Anh-điêng.

Nguyện ước tốt đẹp của người da đỏ 

Đất đai chính là mẹ, nếu như mất đi sự bao bọc và che chở của nó thì cuộc sống con người cũng sẽ sớm lụi tàn. Vì vậy, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống xung quanh mình. 

“Đất là Mẹ. Điều gì xảy ra với đất đai tức là xảy ra đối với những đứa con của đất.” – Bức thư của thủ lĩnh da đỏ 

Xi-át-tơn còn đưa vào trang viết tín ngưỡng tôn thờ các vị đấng tạo thế. Ông cho rằng Chúa luôn yêu thương và đối xử công bằng với tất cả, không có sự phân biệt giữa sắc tộc hay màu da. 

Chính vì tình yêu thương đó, Chúa mới phái bà mẹ thiên nhiên xuống trần thế để chăm sóc, mang đến cho con người nguồn tài nguyên quý giá, vô tận. 

Vì vậy, nếu con người đối xử tàn nhẫn với đất đai, tước đi màu xanh của cây cối thì cũng đồng nghĩa họ đang coi thường Chúa ở trên cao. Hành động nông nổi ấy sẽ gây ra kết cục tồi tệ cho đời sống nhân loại. 

“Mảnh đất này đối với Người là quý giá và làm tổn hại đến mảnh đất là khinh rẻ Đấng tạo thế. Người da trắng cũng vậy, rồi sẽ qua đi và còn sớm hơn tất cả các bộ lạc khác.” – Bức thư của thủ lĩnh da đỏ 

Xi-át-tơn hy vọng rằng nhân dân da trắng sẽ chăm lo cho màu xanh nơi cánh rừng, yêu thương muông thú và kính trọng mẹ thiên nhiên. Mảnh đất này không thể bị tàn phá để rồi vứt đi, nó phải trường tồn với thời gian, chứng kiến sự phát triển của loài người. 

Đây cũng chính là thông điệp sâu sắc, giàu ý nghĩa nhân văn mà tác phẩm Bức thư của thủ lĩnh da đỏ truyền tải đến mỗi độc giả. Mọi người hãy lắng nghe tiếng chim hót, sống chan hòa với vạn vật xung quanh. 

Nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm 

Chỉ là bức tâm thư của thủ lĩnh dân tộc da đỏ trước khi trao gửi lại mảnh đất thân yêu nhưng tác phẩm vẫn khiến người đọc ấn tượng bởi nét nghệ thuật đặc sắc. Xi-át-tơn viết bằng cả trái tim, tỉ mỉ và trau chuốt trong từng lời văn, câu chữ.

Giọng văn lúc thì nhẹ nhàng, thắm thiết khi lại mạnh mẽ, khảng khái đã thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc phức tạp trong lòng người Anh-điêng. Họ chưa bao giờ muốn rời xa quê hương với dòng thác trắng, cánh rừng xanh mướt bạt ngàn. 

Tác giả còn nhiều lần vận dụng các biện pháp nghệ thuật như so sánh, nhân hóa hay điệp ngữ nhằm tăng khả năng gợi hình, truyền đạt đến độc giả bức thông điệp vượt thời gian về môi trường. 

Ngoài ra, Xi-át-tơn còn lập luận vô cùng chặt chẽ và thuyết phục, sử dụng nhiều dẫn chứng để vạch ra nét tương phản trong cách sống của hai sắc tộc. Một bên cư xử dịu dàng, kính trọng thiên nhiên trong khi bên còn lại chỉ biết lấy đi những thứ họ cần. 

Bài diễn văn dù đã kết thúc nhưng những dư ba của nó mãi neo đậu trong tâm hồn kẻ thưởng thức. Người đọc rồi sẽ lại lần giở từng trang văn để tập sống có trách nhiệm đối với vạn vật quanh mình.

Hạ Miên