Ngày chị nỉ non cất tiếng khóc chào đời, trời hôm ấy đổ một trận mưa to, gió bật lên từng hồi như thể điềm báo cho đoạn tơ ngã đời của chị.
Mẹ chị mất khi sinh chị ra được mười phút, bà đỡ và bố chị đã cố gắng cứu vớt từng ngụm khí trước khi bà trút hơi thở cuối cùng trên cõi đời này, bà ra đi để lại người chồng và đứa con gái đỏ hỏn còn chưa cắt dây rốn.
Vì chị là con út trong nhà, trước chị còn có hai người anh lớn nhưng tất cả mọi việc chị đều phải làm vì tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của người cha. Cứ như vậy, chị đã sống nửa vời với chính cuộc đời của mình trong suốt tuổi thơ ấu.
Được vài năm thì cha chị tái hôn và có con riêng. Phần làm tăng thêm vì phải nuôi thêm hai miệng ăn. Người con gái nhỏ nhắn chưa đầy năm chục kí phải hì hục từ lúc trời còn chưa hừng đông đến tận lúc ánh tà dương cuối cùng khuất sau những ngọn trùng phía tây.
Nhà chị làm nghề nuôi tằm, nhiều lúc chị còn ví von cuộc đời mình như con tằm nhả kén, nghĩ cho người mà chẳng nghĩ cho mình. Sống một đời rồi lại bị người ta đem đi giết, mãi chẳng thể hóa bướm mà sống một lần cho mình.
Đến tuổi cập kê, chị để ý đến anh Thành làng bên. Chiều chiều, chị hay ra ngoài bến đò chờ anh sang để đưa chị xuôi dòng theo con sông quê áo màu phù sa đỏ quạch. Chị nhìn anh khi cặp mắt đã đỏ au, ôm lấy anh, hôn lên cánh môi của người đàn ông đầu đời.
Đời chị như những con tằm vậy, sinh ra đã khổ. Một là phận gái, hai là đạo con. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Ngày đám cưới của hai người anh lớn chị không được đến dự vì bố chị bảo chị là “vận xui”. Mắt chị long sòng sọc, chị nuốt xuống họng từng cái đắng chát của số phận nghiệt ngã đã đay nghiến chị.
Rồi bố và mẹ kế của chị đã mất trong một lần ra khơi. Để lại cho chị hai đứa nhỏ còn đang tuổi ăn, tuổi mặc. Anh Thành năm lần bảy lượt ngỏ ý muốn cầu hôn chị, nhưng chị từ chối vì lí do còn phải chăm em nhỏ. Rồi sự kiên nhẫn của anh cũng dần mai một dần, anh bỏ chị để lên thành phố, chị năm ấy mới hai lăm.
Chị một mình chăm sóc hai đứa con cùng cha khác mẹ, chúng coi chị như người “mẹ” thứ hai. Thử hỏi xem, đời chị còn gì có thể tệ hơn được nữa?
Cứ như thế, chị nuôi lớn những đứa em bằng những đồng bán rau ngoài chợ cầu Đông. Nhà chị tôi khuất sâu trong làng, bắc ngang là cây cầu nối dòng sông. Dáng người nhỏ bé nhưng lại tràn trề sức sống, người con gái lưng ong có bao chàng thầm mong theo. Có đôi lần mấy đứa em giục chị mau lấy chồng, nhưng chị đều từ chối. Chị năm ấy mới ba mươi.
Rồi một hôm, có một đoàn công nhân đến để xây dựng một chiếc cầu. Vài người trong số đó đã để ý đến chị, trong đó có anh Hoàng. Anh là người Sài Gòn, xuống đây để thầu công trình. Ngay từ giây phút chị bắt gặp ánh mắt anh nhìn mình có lẽ tim chị đã yêu anh mất rồi.
Anh thường hay qua nhà chị với lí do “xin nước”. Chiều nào, anh cũng chở chị đi loanh quanh bằng chiếc xe đạp đã cũ. Sau lưng anh chị bỗng thấy được che chở, thấy bình yên. Anh ngỏ ý muốn rước chị về ở với anh, chị không đáp chỉ gật đầu đồng ý. Năm ấy chị đã ba lăm tuổi.
Ngày chia tay anh, con đò bên bến sông chao đảo từng đợt. Anh hứa sẽ về rước chị sớm nhất có thể. Và rồi chị cứ đợi, một năm, hai năm rồi mười năm. Vẫn chẳng thấy người về đưa dâu. Mấy đứa em của chị cũng đã lên thành phố, bỏ chị lại với ngôi nhà lá lợp đơn xơ. Năm ấy, chị đã ngoài bốn lăm.
Rồi, người ta thấy chị không còn ra bến sông đợi đò người tình nữa. Chị tử tự ngay bên gốc cau.
Máu đỏ tươi thấm vào nơi tà áo trắng.
Mộ chị tôi được đắp bên cạnh chiếc cầu, như thể chị vẫn đợi Thành và Hoàng quay về đón mình.
Mộ đơn chiếc nằm thinh lặng, mặc gió thổi, mặc nắng gắt. Mộ người chưa có chồng.
“Ngày 26 tháng 6 năm 19xx
Có lẽ, phận mình gắn liền với con tằm, nhả kén, rồi chết…”
Tiếng đàn bầu vang lên giữa chạng vạng, con đò nơi bến vắng vẫn chưa thấy ai về đưa dâu. Bỏ lại chị bơ vơ, bỏ quên đi người con gái chưa chồng.
Đàn bầu đứt dây, tình chị rẽ ngang, đời chị nát tan, chị vẫn chưa có chồng.
Xuân Hòa | Gửi từ group Hall of Dreamers
Hall of Dreamers
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất