Chiến binh Cầu vồng là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Andrea Hirata được xuất bản lần đầu vào năm 2005, cho đến nay, cuốn sách đã được dịch sang hơn hai mươi thứ ngôn ngữ khác nhau và đạt lượng tiêu thụ lên đến hơn năm triệu bản.
Tác phẩm được lấy cảm hứng từ câu chuyện tuổi thơ có thật của chính tác giả, anh viết về giá trị lớn lao của việc được cắp sách tới trường cùng niềm khát khao mãnh liệt chạm tay đến tri thức của mười đứa trẻ tại một ngôi làng Hồi giáo nhỏ ở Indonesia.
Hành trình đi lên từ tuổi thơ khốn khó của Andrea Hirata
Andrea Hirata sinh vào ngày 24 tháng 10 tại Belitong và vì nhu cầu mưu sinh luôn đè nặng lên vai gia đình nhà văn nên thuở nhỏ, anh từng sống trong hoàn cảnh vô cùng túng thiếu, khó khăn.
Hơn thế, không chỉ riêng nhà Hirata, vấn đề cơm áo gạo tiền còn chiếm trọn tâm trí của hầu hết mọi người nơi anh sống, đối với người dân ở Belitong, việc cho con mình làm cu ly ngoài những cánh đồng khai thác tiêu hay thiếc còn hữu ích hơn nhiều so với việc cho bọn chúng đến trường.
Tuy nhiên, bằng sự cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, cây bút tài năng đã vượt lên trên số phận hẩm hiu để đạt đến thành công vang dội như hiện tại.
Chuyến hành trình ấy vô cùng gian nan bởi Hirata không chỉ phải chiến đấu với sự nghèo đói mà còn phải đấu tranh hết mình để giành lại thứ quyền lợi cơ bản của một con người, quyền được học hành.
Những điều đã xảy ra với nhà văn cùng mười người bạn thuở nhỏ của anh, hành trình kỳ diệu đó diễn ra như thế nào đều sẽ được khắc họa chân thật trong tác phẩm đầy ấn tượng của tác giả, Chiến binh Cầu vồng.
Câu chuyện cảm động thấm đẫm tính nhân văn trong Chiến binh Cầu vồng
Cuốn sách kể về nhiều điều xảy ra quanh một ngôi trường tiểu học cũ tại Indonesia, nơi sự nghèo khó và nỗi lo cơm áo luôn chất chồng lên đầu bố mẹ những đứa trẻ.
Mở đầu câu chuyện, Andrea Hirata đưa người đọc đến với khung cảnh trường Muhammadiyah xập xệ, trống vắng vì ngôi trường chỉ có vỏn vẹn mười đứa học sinh cùng thầy hiệu trưởng Harfan và cô giáo Mus.
Thoạt đầu, mọi người luôn đinh ninh rằng trường học rồi cũng phải đóng cửa vì bọn tư bản giàu có muốn khai thác thiếc dưới nền ngôi trường ấy. Thế nhưng nhờ vào hai thầy cô mà hết lần này đến lần khác trường Muhammadiyah thoát khỏi nguy cơ bị đập bỏ.
“Trong khi cô Mus và thầy hiệu trưởng Harfan lo rằng trường sẽ có nguy cơ đóng cửa, các bậc phụ huynh lại lo lắng về những khoản chi phí, còn lũ chúng tôi – chín đứa nhỏ mắc kẹt chính giữa – lại lo cả bọn sẽ không được đi học mất thôi.”
Mười đứa trẻ trong truyện đều là con của các gia đình cu ly với tay chân lem luốc, đầu tóc bờm xờm và thậm chí chúng không có compa, thước kẻ hay máy tính nhưng tinh thần ham học hỏi cùng sự cần cù, chăm chỉ của bọn trẻ thì ngay cả những đứa trẻ nhà giàu cũng khó mà có được.
Với chúng việc học hành không phải là điều gì quá đáng sợ mà ngược lại là cánh cửa mở ra thế giới diệu kì, bọn trẻ đón nhận việc học với tất cả niềm hăng say, sự nhiệt tình cùng thái độ nghiêm túc tuyệt đối.
“Nhưng trên tất cả, chúng tôi vẫn đứng vững trước những khó khăn cận kề nhất: sự đe dọa từ chính bản thân chúng tôi, đó là thiếu tin tưởng vào sức mạnh của giáo dục, và tự ti.”
Andrea Hirata đã khắc họa bức tranh tuổi thơ đầy sắc màu của mười đứa trẻ ở trường Muhammadiyah một cách sắc nét, sống động từ những trò chơi đầy ắp sự tưởng tượng kì ảo đến các tên gọi thân mật chúng dành cho nhau hay kể cả những chi tiết nhỏ trong các tiết học cũng được tái hiện rõ ràng.
Trong mười chiến binh của Chiến binh Cầu vồng, cậu bé Ikal chính là hiện thân thuở bé của tác giả. Ikal không phải là đứa trẻ thông minh nhất, thậm chí có lúc cậu còn lầm đường lạc lối khi yêu sớm lúc chỉ học lớp hai nhưng đến sau cùng lại là người kiên trì với con đường học tập nhất.
Bên cạnh đó phải kể đến cậu bé Marha, đứa trẻ có năng khiếu nghệ thuật thiên bẩm, chính Marha là người đã làm cho đời sống tinh thần của bọn trẻ trở nên đủ đầy gia vị hơn và gián tiếp giúp chúng biết thế nào là khao khát, ước mơ.
Thế nhưng qua cả câu chuyện, người để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng độc giả lại chính là cậu bé Lintang, đứa trẻ thiên tài bị số phận bất hạnh quật ngã không thương tiếc.
Lintang là người có khao khát được chạm tay đến tri thức mãnh liệt nhất trong số mười chiến binh cầu vồng vì cậu bé luôn rất cần mẫn, siêng năng và chịu khó. Bất chấp khoảng cách bốn mươi cây số đến trường của mình, Lintang chưa bao giờ vắng mặt ở bất kỳ một buổi học nào.
Tiếc thay, số phận nghiệt ngã đã giết chết mong ước của Lintang, cậu bé không bỏ cuộc nhưng đứng trước thời cuộc bất đắc dĩ, cậu phải từ bỏ ước nguyện của mình mà lo cho gia đình, đứa trẻ tài năng bị tước đi quyền thực hiện điều bản thân thích, đó là một bi kịch đẫm nước mắt.
Cuối cùng, những cậu bé còn lại, mỗi người đều là một mảnh ghép không thể thiếu cho bức tranh tổng thể, từng đứa đều góp phần vào việc duy trì sự tồn tại của ngôi trường Muhammadiyah cũ nát và bọn trẻ cũng chính là thế hệ sau cùng của nó.
Những giá trị nhân văn tuyệt vời như lòng hiếu học, tình bạn, tình thầy trò hay ý chí quyết tâm trong học tập đều đi sâu vào lòng người đọc theo một cách tự nhiên nhất dưới ngòi bút tài hoa của Andrea Hirata.
Chiến binh cầu vồng và tình yêu thương lớn lao của các bậc nhà giáo
Ngoài những bất công xã hội, cuốn sách còn đề cập đến các vấn đề lớn lao khác, những quan niệm sâu sắc về giáo dục. Nhà văn đã bộc lộ lòng biết ơn thành kính của mình cho hai thầy cô ở mái trường xưa, họ chính là những người đã hy sinh rất nhiều để đòi lại sự công bằng cho bọn trẻ nghèo nàn ở làng Belitong.
Hơn năm mươi năm gắn bó với con chữ, thầy hiệu trưởng Harfan đi dạy từ khi mới mười sáu tuổi, thầy chính là người đã góp sức xây nên ngôi trường huyền thoại Muhammadiyah. Cây cột gỗ thầy mang về đã chống đỡ cho mái trường xập xệ kia suốt mấy mươi năm liền.
Dù sống trong túng quẫn nhưng những suy nghĩ và ngôn từ của thầy Harfan luôn tỏa sáng lấp lánh, thầy khơi gợi cho học trò sự ham học hỏi, không đầu hàng trước nghịch cảnh và thầy cho rằng, mọi người đều có thể hạnh phúc trong cuộc sống miễn là họ học được cách cho đi thật nhiều.
“Học không phải phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Thầy xem học tập là ca tụng nhân bản, là thanh cao, là niềm vui khi cắp sách đến trường và là ánh sáng văn minh.”
Người thầy nghèo khổ đã đem đến cho bọn trẻ tuổi thơ đẹp đẽ và tâm hồn phong phú, điều thậm chí còn có giá trị hơn cả những khát khao và ước mơ, đây mới thực sự là giá trị lớn lao nhất của giáo dục.
Đối với những đứa trẻ, Thầy Harfan và cô Mus có ý nghĩa hơn cả một thầy cô giáo bởi họ là những người đã tạo ra tuổi thơ đáng nhớ cho cả bọn, hai người chưa bao giờ đánh mất đi sự tử tế và lòng kiên nhẫn khi giảng dạy chúng.
Nếu mười đứa trẻ được tác giả ví là mười chiến binh cầu vồng thì thầy Harfan và cô Mus chính là những người khiến cầu vồng tỏa sáng và làm nên tinh thần của các chiến binh.
Những điều dường như chỉ có người thân ruột thịt mới làm cho nhau thì hai thầy cô lại thực hiện một cách tự nguyện và đầy nhiệt huyết, đó là tình yêu cao cả của một nhà giáo và là lòng can đảm, kiên cường khi chiến đấu với cái đói nghèo, chống lại số phận.
“Hai con người ấy vừa là thầy cô giáo, vừa là bạn bè, vừa là những người dẫn dắt tinh thần để chúng tôi luôn đi đúng hướng. Họ dạy học trò làm những ngôi nhà đồ chơi từ cây tre, chỉ cho chúng tôi cách tắm gội sạch sẽ trước buổi cầu kinh, dạy chúng tôi cầu nguyện trước khi đi ngủ, bơm căng lốp xe đạp bị xì, hút chất độc ra khỏi chân nếu bị rắn cắn, và thường xuyên vắt nước cam cho chúng tôi uống. Họ là những anh hùng không được tụng ca, là vị hoàng tử và công chúa hiện thân cho sự tận tâm, và là giếng nước kiến thức thanh khiết cho cánh đồng khô hạn bỏ hoang.”
Tuy nghèo nàn nhưng trường Muhammadiyah đã thực sự phát huy hết vai trò của nó, ngôi trường đã mang đến cho bọn trẻ niềm vui mỗi ngày và cho chúng được sống trong niềm khát khao tri thức, khát vọng thay đổi cuộc đời cùng mong muốn thoát khỏi đói nghèo.
Khi giáo dục không thể giúp con người vượt qua số phận
Con chữ đã giúp hiện thân của tác giả là Ikal có được một tương lai tươi sáng nhưng không phải ai cũng may mắn như cậu ấy. Xuyên suốt sáu trăm trang sách, nốt trầm đáng tiếc nhất trong truyện là câu chuyện của Lintang.
“Tôi thất vọng vì có quá nhiều đứa trẻ thông minh buộc phải bỏ học nửa chừng vì lý do tài chính. Tôi nguyền rủa tất cả những kẻ ngu dốt cứ làm ra vẻ thông minh. Tôi căm ghét những đứa trẻ con người giàu không chịu học hành đàng hoàng.”
Đau đớn làm sao kể xiết khi cậu bé phải lựa chọn giữa khát vọng và người thân, đứa trẻ ấy gánh vác cả gia đình trên vai khi chỉ mới mười hai tuổi đầu. Câu chuyện của Lintang khiến người đọc nghẹn ngào với nhiều xúc cảm, xót xa và bất lực trước đầy rẫy bất công còn tồn tại trên cõi đời.
Và sau tất cả, ai trong mười đứa trẻ cũng trưởng thành, họ có cuộc sống cho riêng mình nhưng khi gặp lại, những con người ấy vẫn là bạn bè thân thiết của nhau, họ trân trọng và biết ơn về quãng thời gian dưới mái trường Muhammadiyah.
Đến tận khi kết thúc, Chiến binh Cầu vồng vẫn gây thương nhớ cho người đọc bởi những dòng tâm tình cuối cùng của Andrea Hirata, đây quả là một câu chuyện chan chứa nhiều cảm xúc, trong niềm vui ẩn giấu nỗi buồn, trong nỗi buồn pha chút đau thương và trong đau thương vẫn đong đầy hạnh phúc.
“Điều lạ lùng là, sau khi nghe tin trường tôi sẽ không bị mấy cái máy xúc giật đổ nữa, đám chính trị gia, đảng viên, dân biểu – những người đã từng đến đây thăm trường chúng tôi – đột nhiên biến mất tăm. Họ bị mù trở lại. Người ta quay về với sự vô tâm.”
Học tập là quyền cơ bản của con người nhưng trên khắp thế giới này, vẫn còn vô số đứa trẻ và rất nhiều người thầy phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi ấy. Nghèo đói, bất bình đẳng, chủ nghĩa khủng bố cùng chủ nghĩa thực dân như những khối u ác tính tàn phá nền giáo dục, cướp đi cơ hội đến trường của hàng triệu trẻ em.
Người đọc sẽ nhận thấy những giá trị nhân văn sâu sắc qua từng trang văn với ngôn từ giản dị, gần gũi đến thân thuộc của tác giả, cuốn sách viết về những đứa trẻ nhưng lại phù hợp với mọi lứa tuổi độc giả trên khắp hành tinh.
Sức ảnh hưởng to lớn của tác phẩm Chiến binh cầu vồng
Ít lâu sau khi được ra mắt, cuốn tiểu thuyết trở thành một trong những đại diện xuất sắc nhất của nền văn học Indonesia hiện đại và cũng chính nhờ sự phổ biến rộng rãi này, Andrea Hirata trở thành nhà văn ăn khách nhất trong lịch sử văn học xứ sở vạn đảo.
Năm 2014, Chiến binh Cầu vồng được chuyển thể thành bộ phim điện ảnh cùng tên, bộ phim đạt doanh thu cao kỉ lục ở Indonesia và đồng thời giành được nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế.
Chiến binh Cầu vồng là cuốn sách được viết nên bằng nụ cười và nước mắt, sự chân thành của tác phẩm đã lấy đi nước mắt của hàng vạn độc giả. Cuốn tiểu thuyết khai thác những vấn đề nhức nhối bên ngoài xã hội và qua đó cho người đọc nhiều bài học ý nghĩa, bạn sẽ không phải hối tiếc về khoảng thời gian nhỏ mà mình đã dành ra cho cuốn sách này.
Thanh Thảo
Thanh Thảo
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất