Năm 2019, bộ phim Doctor Sleep được chuyển thể từ tiểu thuyết kinh dị cùng tên của nhà văn Stephen King chính thức ra rạp. Dưới sự dẫn dắt của đạo diễn Mike Flanagan và hãng phim Warner Bros đã tạo nên một cơn sốt thực sự đối với những ai yêu thích thể loại phim giật gân này.
Trailer của phim Doctor Sleep (2019)
Tiếp nối mạch chuyện từ bom tấn kinh dị The Shining (1980), Doctor Sleep đưa khán giả đến với cuộc sống của Danny Torrence (Ewan McGregor thủ vai) những năm tháng sau này, khi cậu nhóc đã trở thành một người lớn nhưng vẫn chưa thôi ám ảnh về biến cố cũ.
Doctor Sleep viết tiếp câu chuyện còn dang dở
Thời điểm công chiếu, Doctor Sleep đụng độ với một loạt đối thủ nặng ký như Annabell Come Home, Pet Sematary, IT 2 và Us. Đây quả thực là thử thách không nhỏ dành cho Mike Flanagan bởi bộ phim mà ông đạo diễn chỉ đơn giản là viết tiếp câu chuyện của bộ phim khác cách đây 40 năm.
Dẫu vậy, thông qua ý kiến từ những người xem suất chiếu sớm tại Bắc Mỹ thì cho dù có kẻ khen người chê song Doctor Sleep vẫn mang đến rất nhiều ấn tượng với khán giả. Đầu tư công phu, nghiêm túc từ kịch bản đến cảnh quay, từ lời thoại đến diễn xuất của dàn diễn viên chính.
Phần lớn khán giả ra rạp đều sẽ xem The Shining trước để theo kịp mạch chuyện và các tuyến nhân vật. Nhưng không chủ quan, kịch bản phim vẫn được chuẩn bị rất chu đáo để ngay cả những người chưa từng xem The Shining vẫn có thể nắm được đa phần diễn biến cũ.
Công chiếu tại Việt Nam với tựa Việt là Ký ức kinh hoàng, Doctor Sleep chào đón sự trở lại của Danny Torrence, người còn mắc kẹt với ám ảnh về biến cố cũ mặc dù anh đã trở thành một ông chú trung niên thay vì là cậu bé năm tuổi tại khách sạn Overlook khi xưa.
Danny kiềm chế khả năng “thấu thị” của mình bằng rượu và các đồ uống có cồn, luôn cố gắng hòa nhập cộng đồng để trở thành người có ích cho xã hội. Anh lựa chọn làm việc tại một viện dưỡng lão, đồng thời cũng tìm mọi cách để quên đi ký ức nhiều năm trước.
Trí não con người giống như một thư viện và đôi tai thì như một chiếc đài phát thanh khi vô tình, Danny kết nối được “tần số” với Abra Stone (Kyliegh Curran thủ vai), cô bé cũng sở hữu khả năng “thấu thị” với nguồn năng lượng dồi dào và mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Những người có sức mạnh thì thường mang trong mình trách nhiệm đặc biệt hơn người và cũng thường bị kẻ xấu truy đuổi nhằm chiếm lấy sức mạnh đó. The True Knot là một giáo phái săn những đứa trẻ có sức mạnh “thấu thị”, chúng ăn nguồn sinh khí đó nhằm giữ vững sự bất tử.
Cô bé Abra dũng cảm đầy bản lĩnh, bằng năng lực của mình đã nhìn thấy chúng bắt cóc rồi giết hại một cậu bé. Nỗi đau đớn cùng sự tức giận khiến cô bé quyết định đứng lên chống lại The True Knot, nhằm tiêu diệt chúng và bảo vệ tính mạng của chính bản thân mình.
Với riêng Danny, dường như anh đã có một sự đấu tranh nội tâm trước những gì đang xảy ra. Sau bao nhiêu năm trốn tránh khỏi quá khứ, anh quyết định sát cánh bên Abra để đối diện với bản ngã của mình và cũng để trả lại món nợ đã mang suốt mấy chục năm qua.
Hồi hộp và nghẹt thở theo từng phân cảnh trong phim
Doctor Sleep có cách dẫn chuyện tốt, mạch phim rành mạch cùng sự luân chuyển mượt mà, độc đáo giữa các cảnh quay. Kết hợp nhiều ý tưởng mới lạ thì hoàn toàn có thể giải thích và cắt nghĩa nhiều thứ, giúp khán giả hiểu được trọn vẹn câu chuyện dù không theo dõi phần trước đó.
Nửa đầu phim hơi rườm rà và dài dòng, kịch tính chỉ đến từ khoảng một tiếng đồng hồ sau, khi cuộc đấu trí bằng sức mạnh “thấu thị” giữa Abra và người đứng đầu The True Knot là Rose the Hat (Rebecca Ferguson thủ vai) diễn ra.
Màn so tài đầy kịch tính và gay cấn hệt như một tác phẩm trinh thám, song song với những yếu tố tâm linh của người “thấu thị” mang lại cảm giác vừa lo lắng vừa kích thích cho khán giả.
Doctor Sleep mang đến những nỗi sợ rất đời thường và chân thực, không hề mang yếu tố dàn dựng hay những hình ảnh ma quỷ để hù dọa người xem. Điều khiến khán giả phải rợn tóc gáy nằm ở những phân cảnh “thấu thị” để truy đuổi, xâm nhập trí óc và gài bẫy đối phương.
Mức độ bạo lực máu me trong phim cũng không hề nhỏ, cho thấy sự độc ác và tàn nhẫn của giáo phái The True Knot. Phần nội dung xoáy sâu vào nỗi sợ hãi, xây dựng một bầu không khí đặc quánh nét ma mị trong tác phẩm.
Kết hợp âm thanh tả thực của The New Brothers cùng những góc máy độc đáo của Michael Fimognari buộc khán giả phải gần như nín thở để theo dõi diễn biến và nhịp chạy của bộ phim.
Dàn diễn viên cực kỳ chất lượng
Sự thành công đặc biệt của Doctor Sleep một phần lớn nhờ vào tài năng diễn xuất đỉnh cao của dàn diễn viên chính, nổi bật nhất chính là Ewan McGregor vai Danny Torrence và cô bé Kyliegh Curran vai Abra Stone.
Hai con người, hai thế hệ cách biệt nhưng lại vô cùng ăn ý với nhau trên phim, nhờ những màn tung hứng xuất thần của Danny và Abra mà khán giả khó thể nào rời mắt khỏi màn hình quá lâu.
Ewan đã đem đến hình ảnh một Danny trưởng thành, luôn chối bỏ quá khứ, thất nghiệp ở độ tuổi trung niên, không mục đích sống và ngập trong rượu bia mỗi ngày. Mỗi ngày trôi qua, Danny lại càng trở nên khác biệt và có những thay đổi trong cả cách hành động lẫn cảm xúc.
Kyleigh cũng xuất sắc không kém khi hóa thân vào nhân vật Abra một cách ấn tượng. Cách cô bé thay đổi cảm xúc trên gương mặt, giọng nói và ánh nhìn đầy ám ảnh đặc biệt là phân cảnh khi cô bé trở thành Danny trong thân xác của Abra.
Rebecca Ferguson thêm một lần nữa chứng minh những lời khen ngợi mà cô từng nhận được từ loạt phim Mission: Impossible là vô cùng xứng đáng. Nữ diễn viên hoàn thành tốt vai diễn của mình, để khán giả thấy được một Rose the Hat xảo quyệt và sở hữu khả năng phán đoán cực kỳ tốt.
Doctor Sleep và những thành công mà Mike Flanagan đã làm được
Dù Doctor Sleep từng bị đánh giá là tác phẩm “ăn theo” sự thành công của The Shining song đạo diễn Mike Flanagan đã cho thấy mình không hề kém cạnh cố đạo diễn Stanley Kubrick khi phơi bày toàn vẹn được những chất riêng trong chính bộ phim của mình.
Những phân cảnh mang tính biểu tượng của The Shining vẫn được Mike thực hiện lại dưới một góc nhìn mới mẻ hơn. Khách sạn Overlook năm nào nay tái hiện, đủ để khiến fan của The Shining phải trầm trồ hồi tưởng nhưng cũng không kém phần ngạc nhiên trước những sự đổi thay mới.
Đồng thời con số 1980, năm công chiếu The Shining cũng được chèn vào trong một vài phân cảnh, như một cách để gợi nhắc người xem về năm ra đời của bộ phim kinh điển nức tiếng một thời.
Phong cách “slow-burn” đặc trưng của Mike Flanagan từng được ông áp dụng cho Oculus (2013), 1922 (2017), The Haunting of Hill House (2018) và nay là Doctor Sleep rất dễ dàng nhận thấy trong từng cảnh phim, góc máy.
Tuy “đạt chuẩn” trong nhiều yếu tố nhưng bộ phim vẫn đi vào vết xe đổ của các phần hậu truyện khác, thiếu tính đột phá cần có. Những hình ảnh cũng như mối liên kết với phần trước khá gượng ép và dễ đoán, mặc dù đó là những phân cảnh mở ra một bầu trời hoài niệm với khán giả.
Tuy nhiên, vẫn cần dành lời khen ngợi cho đạo diễn Mike Flanagan khi đã can đảm và đủ tự tin để xây dựng một tác phẩm chuyển thể của Stephen King, mà đó lại là một tác phẩm hậu truyện dễ bị áp lực từ cái bóng quá thành công của người đi trước.
Dù còn vướng nhiều ý kiến trái chiều song không thể phủ nhận những điểm nổi bật mà chỉ riêng mình Doctor Sleep sở hữu, từ kịch bản, chất phim cho đến diễn xuất của dàn diễn viên. Tất cả cùng hòa quyện lại để tạo nên một siêu phẩm kinh dị đến từ Warner Bros.
Linh Đồng
Linh Đồng
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất